backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Bệnh tiểu đường có sinh con được không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 29/03/2023

    Bệnh tiểu đường có sinh con được không?

    Trước các biến chứng sinh lý của bệnh tiểu đường và nguy cơ di truyền bệnh cho con, nhiều cặp vợ chồng lo lắng tự hỏi: “Liệu bệnh tiểu đường có sinh con được không?”. Thực tế, mong muốn con cái là không xa vời nếu bạn biết cách chăm sóc sức khỏe.

    Tiểu đường tuy không lây nhiễm nhưng lại có nguy cơ di truyền cũng như gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ. Cùng tìm hiểu rõ hơn vấn đề này trong bài viết ngay sau đây nhé!

    Chồng bị bệnh tiểu đường có sinh con được không?

    Bệnh tiểu đường có sinh con được không

    Đàn ông bị tiểu đường có con được không? Bác sĩ Nguyễn Huy Cường, nguyên Phó trưởng khoa Đái tháo đường tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết nam giới bị tiểu đường vẫn có thể có con. Tuy nhiên, bạn vẫn cần chú ý chăm sóc sức khỏe vì bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến sinh lý và có nguy cơ di truyền.

    Ảnh hưởng của bệnh tiểu đường đến sinh lý nam

    Nam giới bị tiểu đường có thể có con không? Câu trả lời là CÓ nhưng khó do sinh lý bị ảnh hưởng. Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến sinh lý nam giới với nhiều biến chứng khác nhau như giảm hormone sinh dục gây giảm ham muốn, khó xuất tinh… Tuy nhiên, biến chứng phổ biến nhất là gây rối loạn cương dương.

    Theo thống kê, cứ 10 nam giới mắc bệnh tiểu đường trên 3 năm thì có 5 người có vấn đề về khả năng cương cứng. Nguyên nhân là do đường huyết cao tạo ra nhiều chất oxy hóa làm gián đoạn quá trình truyền tín hiệu cương từ não bộ đến dương vật. Đồng thời những chất oxy hóa này cũng khiến các mạch máu tại dương vật bị chít hẹp. Máu khó về thể hang sẽ khiến dương vật khó cương cứng.

    Rối loạn cương không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn đe dọa hạnh phúc gia đình của người bệnh. Về lâu dài, biến chứng này còn có thể ảnh hưởng đến khả năng có con của người bệnh nếu không được điều trị đúng cách.

    Nguy cơ di truyền bệnh tiểu đường sang con

    Một lý do khác khiến nam giới bị tiểu đường lo lắng là do bố bị tiểu đường có ảnh hưởng đến thai nhi vì nguy cơ di truyền sang con là cao. Cụ thể như sau:

    • Nếu người bố mắc tiểu đường tuýp 1: Khả năng di truyền cho con là 6%.
    • Nếu người bố mắc tiểu đường tuýp 2: Con sẽ có 14% nguy cơ di truyền bệnh từ bố.
    Tỷ lệ di truyền bệnh tiểu đường cũng phụ thuộc vào lối sống của bé. Vậy nên, bố mẹ có thể giảm khả năng mắc bệnh cho con bằng cách hướng bé đến một lối sống lành mạnh.

    Vợ bị bệnh tiểu đường có sinh con được không?

    Vợ bị bệnh tiểu đường có sinh em bé được không?

    Mẹ bị tiểu đường thai kỳ sinh con có bị tiểu đường không? Tất cả phụ nữ mắc tiểu đường dù tuýp 1, tuýp 2 hay tiểu đường thai kỳ đều có thể sinh con khỏe mạnh. Nếu biết cách kiểm soát tốt đường huyết trước và trong khi mang thai, mẹ bị tiểu đường thậm chí còn có thể sinh thường như các người mẹ khác.

    Biến chứng của bệnh tiểu đường lên thai kỳ

    Rất nhiều phụ nữ lo ngại bị bệnh tiểu đường có sinh con được không vì biến chứng của bệnh có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi:

    • Biến chứng với mẹ: Đường huyết cao trong thai kỳ có thể khiến mẹ bầu tăng nguy cơ bị tiền sản giật. Ngoài ra, phụ nữ bị tiểu đường khi mang thai cũng sẽ dễ bị đa ối, thai to phải mổ lấy thai, có vấn đề về mắt, thận, xuất hiện hoặc bị tiểu đường tuýp 2 sau sinh.
    • Biến chứng với thai nhi: Thai nhi có mẹ bị tiểu đường trong thai kỳ sẽ có nhiều rủi ro hơn bình thường. Nếu mẹ không giữ được đường huyết ổn định, con sẽ có nguy cơ bị hạ đường huyết và có trọng lượng lớn. Sau sinh, hệ miễn dịch của bé cũng yếu hơn nên dễ mắc các bệnh về hô hấp. Tuy nhiên, những rủi ro như dị tật, thai chết lưu… rất hiếm xảy ra.

    Nguy cơ di truyền bệnh tiểu đường sang con

    Mẹ bị tiểu đường sinh con có bị tiểu đường không? Ngoài lo lắng về sức khỏe của con trong thai kỳ, khả năng di truyền bệnh cho con cũng là một vấn đề băn khoăn của nhiều bà mẹ. Nghiên cứu cho thấy:

    • Nếu mẹ mắc tiểu đường tuýp 1: Sẽ có khoảng 4% con bị di truyền bệnh.
    • Nếu mẹ mắc tiểu đường tuýp 2 hoặc tiểu đường thai kỳ: Tỷ lệ di truyền bệnh cho con rơi vào khoảng 14%, tương đương như nam giới mắc bệnh.

    Tỷ lệ con mắc bệnh tiểu đường sẽ cao hơn nếu cả bố và mẹ bị tiểu đường. Do đó, các cặp vợ chồng này cần đặc biệt chú ý trong việc tạo ra một môi trường sống và lối sống lành mạnh cho con. Điều này sẽ giúp con ít có nguy cơ bị tiểu đường hơn.

    Ảnh hưởng của bệnh tiểu đường đến con phụ thuộc vào cách các cặp vợ chồng kiểm soát đường huyết và phòng ngừa biến chứng. Vì vậy, để có thể sinh con khỏe mạnh, bạn hãy chủ động kiểm soát bệnh thật tốt ngay từ khi có kế hoạch sinh con.

    Bệnh tiểu đường có sinh con được không? Cách sinh con khỏe mạnh khi mắc bệnh

    Cách sinh con khỏe mạnh khi bị tiểu đường

    Chắc hẳn những thông tin ở trên đã giúp bạn làm rõ câu hỏi “Bệnh tiểu đường có sinh con được không?”. Thay vì lo lắng mẹ bị tiểu đường có mang thai được không, bạn nên chú ý bảo vệ sức khỏe bản thân để kiểm soát tốt các biến chứng nguy hiểm. Để người bệnh sinh con khỏe mạnh, bạn có thể tham khảo một số lưu ý sau:

    Kiểm soát bệnh tiểu đường ở nam giới

    Điều quan trọng nhất với nam giới mắc tiểu đường là cần hạn chế tối đa nguy cơ gặp biến chứng sinh lý, cụ thể hơn là rối loạn cương dương. Để làm được điều này, bạn cần:

    • Ổn định tốt đường huyết bằng chế độ ăn khoa học, tập luyện dùng thuốc đúng chỉ định.
    • Bỏ hút thuốc lá, hạn chế rượu bia vì những yếu tố này có thể làm tăng nguy cơ mắc biến chứng tiểu đường.
    • Tham khảo ý kiến bác sĩ ngay khi có những triệu chứng bất thường.

    Bên cạnh đó, bạn không nên tự ý mua các sản phẩm cương dương vì những sản phẩm này không xử lý tận gốc nguyên nhân biến chứng. Ngược lại, thuốc có thể khiến bạn bỏ qua “thời điểm vàng” trong điều trị và làm việc kiểm soát biến chứng trở nên khó khăn hơn.

    Tập thể dục để phòng ngừa biến chứng tiểu đường
    Tập luyện sẽ giúp nam giới kiểm soát biến chứng tiểu đường.

    Kiểm soát bệnh tiểu đường ở nữ giới

    Khi bắt đầu có kế hoạch mang thai, phụ nữ mắc bệnh tiểu đường cần giảm đường huyết về giới hạn cho phép. Tốt nhất là nên giảm HbA1c xuống dưới 6,5% bằng cách dùng thuốc, ăn uống và tập luyện khoa học.

    Trong thai kỳ, mẹ bầu cần đi khám thai theo đúng lịch. Nếu chưa bị tiểu đường hay tiền tiểu đường trước khi mang thai, bạn vẫn nên kiểm tra đường huyết vào tuần thứ 24 – 28. Đồng thời, mẹ bầu cũng cần sớm áp dụng các cách bảo vệ sức khỏe sau:

    • Ăn uống đúng cách: Bạn hãy chia tổng lượng thức ăn trong ngày thành nhiều bữa nhỏ và không ăn quá nhiều vào bữa chính. Nếu đường huyết cao, bạn có thể chọn các loại ngũ cốc giàu chất xơ hơn như gạo lứt, yến mạch thay cho cơm trắng. Ngoài ra, nên ăn nhiều rau xanh để tăng chất xơ.
    • Vận động nhẹ nhàng: Bài tập phù hợp nhất với phụ nữ mang thai là đi bộ và yoga.

    Thay vì lo lắng bị bệnh tiểu đường có sinh con được không, bạn nên cố gắng kiểm soát tốt đường huyết và phòng ngừa sớm biến chứng sinh lý. Bởi đây chính là chìa khóa vàng giúp bạn sinh con khỏe mạnh như ý muốn!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 29/03/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo