backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

7 thay đổi trong cơ thể sau khi bạn ăn quá no

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thảo Lê · Ngày cập nhật: 07/11/2021

    7 thay đổi trong cơ thể sau khi bạn ăn quá no

    Ăn quá no sẽ dẫn đến những rối loạn trong cơ thể. Sau đây là những hậu quả không mấy khả quan khi ăn quá no. Hãy điều độ trong ăn uống và sinh hoạt để luôn khỏe mạnh và hạnh phúc, bạn nhé!

    Có những dịp vui khiến chúng ta cầm lòng không đặng, ăn một lại muốn ăn hai. Nhưng hãy cẩn trọng vì ăn quá no không chỉ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa mà còn gây ra một loạt thay đổi khó lường trong cơ thể.

    1. Khó chịu trong bụng

    Thực phẩm chúng ta ăn vào được chuyển hóa thành năng lượng và các chất dinh dưỡng nuôi cơ thể. Khi bạn ăn quá no thì các cơ quan trong hệ tiêu hóa phải hoạt động hết công suất. Nhiều người ăn quá no bị tiêu chảy là do kích thích nhu động ruột khi hệ tiêu hóa bị quá tải.

    Hãy ăn chậm, nhai kỹ để giảm bớt áp lực cho dạ dày, nhưng tốt nhất là đừng nạp quá nhiều thức ăn vào cơ thể. Nếu lỡ ăn quá no, hãy bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể vì cơ thể mất khá nhiều nước trong quá trình tiêu hóa. Nước dừa là lựa chọn rất tốt trong những lúc như thế này.

    Ngoài ra, những gì bạn ăn cũng gây ảnh hưởng đến dạ dày. Đừng ăn những món khó tiêu như thực phẩm nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến.

    Bạn có thể tham khảo thêm: 7 cách chữa đầy bụng khó tiêu hiệu quả và nhanh chóng

    2. Bạn thấy cơ thể nóng hâm hấp

    Ăn quá no khiến cơ thể nóng hâm hấp

    Khi ăn no hơn mức bình thường thì quá trình trao đổi chất trong cơ thể được thúc đẩy diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Nhịp tim tăng nhanh hơn, mồ hôi tuôn như tắm. Tiếc là bạn chẳng thể làm gì để làm cho quá trình này chậm lại. Một khi quá trình trao đổi chất kết thúc, mọi việc sẽ trở lại bình thường.

    Tuy nhiên, để cảm thấy đỡ hơn những khi như vậy, bạn có thể tắm nước mát để hạ nhiệt.

    3. Bụng của bạn bị đầy hơi

    Khi nuốt thức ăn thì chúng ta cũng nuốt vào một lượng không khí nhất định. Vậy nên càng ăn nhiều thức ăn, bạn sẽ càng nuốt phải nhiều không khí hơn. Lượng không khí nuốt vào bụng sẽ càng nhiều khi bạn uống đồ uống có ga trong khi ăn. Đó là chưa kể đến việc tự thân cơ thể trong quá trình tiêu hóa cũng tạo ra một lượng khí.

    Bạn sẽ thấy khó chịu chừng nào lượng khí dư thừa vẫn còn tích tụ trong bụng và chưa được thải ra khỏi cơ thể. Ăn chậm, nhai kỹ sẽ giảm thiểu tình trạng tạo khí trong quá trình tiêu hóa.

    Ngoài ra, đi bộ nhanh là một hoạt động nhẹ nhàng giúp giải phóng khí hình thành trong dạ dày để bạn không còn bị đầy hơi.

    4. Mất ngủ

    Mất ngủ

    Người ta thường nói ăn ngon ngủ kỹ, nhưng sự thật là ăn quá no khiến bạn bồn chồn mất ngủ. Ăn quá no gián đoạn đồng hồ sinh học của bạn vì nhiều thức ăn được nạp vào thúc đẩy cơ thể giải phóng thêm các hormone điều chỉnh giấc ngủ. Trong trường hợp bạn tiêu thụ khối lượng lớn thực phẩm nhiều carb (bánh, đồ ngọt) thì dù có đi ngủ đúng giờ, đến ban đêm bạn cũng dễ thức giấc vì đói do mức đường trong cơ thể giảm xuống.

    Vì thế, hãy ngừng ăn khi đã gần giờ đi ngủ. Nếu bạn lỡ ăn một bữa tối linh đình thì hãy tắt điện và mở điều hòa để phòng ngủ mát mẻ, giúp bạn ngủ ngon hơn.

    5. Chóng mặt

    Ăn quá no không những khiến bạn khó ngủ mà còn gây chóng mặt. Nguyên nhân là do khi tiêu hóa thức ăn, tốc độ chuyển hóa và nhịp tim tăng nhanh. Ăn càng nhiều thì cơ thể càng hoạt động với nhịp độ gấp rút, và bạn chẳng thể làm gì để làm chậm nhịp độ này.

    Để thoải mái hơn, hãy uống nhiều nước và nghỉ ngơi chờ cho hết chóng mặt.

    6. Cảm giác căng thẳng, thẫn thờ và không thể tập trung

    Cảm giác căng thẳng, thẫn thờ và không thể tập trung do ăn quá no

    Cảm thấy lo lắng, khó chịu hoặc giảm khả năng tập trung sau mỗi bữa xa hoa là các dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang làm việc cật lực để xử lý lượng thức ăn được nạp vào.

    Khi ăn quá no, cơ thể giải phóng hormone insulin. Hormone này dự trữ lượng đường dư thừa để dự phòng cho những lúc mức đường huyết xuống thấp (khi bạn bị đói giữa các bữa ăn, khi tập thể dục). Việc giải phóng thêm nhiều insulin để tích lũy thêm lượng đường dự phòng nêu trên là cơ chế tự nhiên của cơ thể, nhưng điều này cũng khiến lượng đường trong máu sụt giảm, gây ra những cảm giác khó chịu không mong muốn.

    Vì vậy mà có nghịch lý là khi ăn quá no, bạn lại dễ cảm thấy đói sau đó. Hãy chọn ăn rau xanh hoặc trứng để đỡ đói thay vì ăn những món ăn vặt không lành mạnh mà bạn ưa thích.

    7. Bỗng dưng bụng phình to

    Sự thay đổi đáng chú ý nhất có thể quan sát được đó là kích thước bụng tăng nhẹ. Khi bạn thấy mình mặc đồ chật thì không phải là do quần áo bị thu nhỏ lại mà chính là dạ dày đã phình to. Một khi thức ăn đã được tiêu hóa, dạ dày sẽ co lại về kích thước bình thường.

    Để tránh tình trạng này, hãy ăn chậm. Ăn chậm không chỉ để thưởng thức trọn vẹn bữa ăn ngon mà còn giúp não bạn có đủ thời gian để nhận ra cảm giác no, một tín hiệu cho thấy bạn nên ngừng ăn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Thảo Lê · Ngày cập nhật: 07/11/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo