backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bất ngờ với lợi ích tuyệt vời của Vitamin K2 (p2)

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Hà Thu · Ngày cập nhật: 13/09/2017

    Bất ngờ với lợi ích tuyệt vời của Vitamin K2 (p2)

    Vitamin K2 là một loại vitamin cần thiết cho sức khỏe con người. Cùng tìm hiểu vềcông dụng của loại vitamin đặc biệt này nhé.

    Hãy cùng xem vitamin K2 đem lại những lợi ích tuyệt vời nào cho sức khỏe nhé.

    Công hiệu đặc biệt của Vitamin K2

    Vitamin K2 đặc biệt tốt cho sức khỏe tim mạch và phục hồi xương. Nó giúp ngăn ngừa loãng xương và xơ cứng động mạch hay xơ vữa động mạch và một số lợi ích khác, bao gồm:

  • Dẫn canxi đến xương và răng giúp xương mạnh mẽ hơn và ngăn ngừa sâu răng. Loại vitamin này cũng ngăn chặn canxi đến các khu vực không cần thiết, chẳng hạn như thận gây sỏi thận, hoặc các mạch máu, nơi mà nó có thể gây ra bệnh tim;
  • Tối ưu hóa chức năng tình dục bằng cách tăng testosterone và khả năng sinh sản ở nam giới, giảm androgen và các kích thích tố nam ở phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS);
  • Tạo ra insulin giúp ổn định lượng đường trong máu, bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tiểu đường và giúp cơ thể ngăn ngừa các vấn đề trao đổi chất liên quan tới béo phì;
  • Ngăn chặn các gen xấu có thể thúc đẩy ung thư đồng thời tăng cường gen tốt thúc đẩy các tế bào khỏe mạnh;
  • Tăng cường khả năng sử dụng năng lượng của bạn khi bạn tập thể dục.
  • Vitamin K2 có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch

    Canxi tích tụ trong động mạch quanh tim sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Vì lý do trên mà bất kỳ điều gì có thể làm giảm sự tích tụ này sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng vitamin K2 có thể hỗ trợ được bệnh này thông qua việc ngăn ngừa vôi hóa ở động mạch.

    Một nghiên cứu trong giai đoạn từ 7-10 năm đưa ra kết luận những người dùng nhiều vitamin K2 giảm 52% nguy cơ vôi hóa động mạch và giảm 57% nguy cơ chết vì bệnh tim. Một nghiên cứu khác tiến hành với 16.057 phụ nữ cho thấy những người dùng nhiều vitamin K2 nhất thì có nguy cơ mắc bệnh tim thấp nhất vì cứ mỗi 10 microgram K2 tiêu thụ mỗi ngày, bạn sẽ giảm 9% nguy cơ mắc bệnh tim. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng những nghiên cứu trên chỉ dựa trên quan sát và chúng chưa thể chứng minh mối liên kết giữa vitamin K2 và bệnh tim. Dù vậy, vài thử nghiệm có đối chứng được thực hiện với K1 cho thấy K1 dường như không hiệu quả bằng K2.

    Trên thực tế bệnh động mạch vành là nguyên nhân gây tử vong phổ biến trên thế giới, lấy đi sinh mạng của 14 triệu dân chỉ riêng năm 2012. Do vậy, chúng ta vẫn đang rất cần một số thử nghiệm lâu dài và có đối chứng về mối liên hệ giữa K2 và bệnh tim. Nhiều nghiên cứu quan sát cho thấy khả năng cao việc tồn tại một cơ chế sinh học giải thích cho hiệu quả của K2 và mối liên hệ giữa K2 với bệnh tim.

    Vitamin K2 giúp cải thiện sức khỏe xương và giảm nguy cơ loãng xương

    Loãng xương (osteoporosis) là một vấn đề phổ biến ở nhiều quốc gia. Nó làm tăng nguy cơ nứt hoặc gãy xương và đặc biệt phổ biến ở phụ nữ lớn tuổi. Thật thú vị là đã có nhiều bằng chứng từ những thử nghiệm có đối chứng cho thấy K2 đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe xương vì vitamin K2 đóng vai trò trung tâm trong chuyển hóa canxi – khoáng chất chính tìm thấy ở xương. Ngoài ra, vitamin K2 còn kích hoạt hoạt động liên kết canxi của 2 loại protein Matrix gla protein (MGP) và osteocalcin, giúp cấu tạo và duy trì xương.

    Một thử nghiệm diễn ra trong 3 năm trên 244 phụ nữ mãn kinh cho thấy rằng những ai dùng chất bổ sung vitamin K2 có mức độ giảm mật độ xương theo tuổi tác chậm hơn.

    Ngoài ra, vitamin K2 còn có tác dụng làm giảm rạn xương sống 60%, giảm rạn xương hông 77% và những rạn xương khác (không phải xương sống) là 81%. Thống nhất với những phát hiện này, các chuyên gia cũng đã chính thức khuyến cáo việc bổ sung vitamin K trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh loãng xương.

    Tuy nhiên một vài nhà nghiên cứu vẫn cảm thấy các kết quả này chưa đủ thuyết phục và chưa thể kết luận khuyến cáo việc sử dụng vitamin K cho mục đích này chống loãng xương.

    Vitamin K2 có thể cải thiện sức khỏe răng

    Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng vitamin K2 có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng. Dựa vào những nghiên cứu trên động vật và vai trò của vitamin K2 trong chuyển hóa xương, việc đưa giả thuyết rằng loại vitamin này cũng ảnh hưởng đến sức khỏe răng là hợp lý. Tuy nhiên, vẫn chưa có nghiên cứu nào kiểm tra tính chính xác của giả thuyết này trên cơ thể người. Một trong những protein ảnh hưởng đến sức khỏe răng là osteocalcin, cũng là protein đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa xương và được hoạt hóa bởi vitamin K2. Osteocalcin tạo nên một cơ chế kích thích sự phát triển ngà răng mới – là những mô được canxi hóa bên dưới men răng của bạn. Ngoài ra, vitamin A và D cũng được cho là đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này, chúng hoạt động cộng hưởng với vitamin K2.

    Vitamin K2 có thể chống lại ung thư

    Ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong phổ biến trên thế giới. Mặc dù y học hiện đại đã tìm ra nhiều phương pháp điều trị nhưng những ca bệnh ung thư mới vẫn không ngừng gia tăng. Vì vậy, việc tìm ra cách ngăn ngừa bệnh một cách hiệu quả là điều tối quan trọng. Bên cạnh đó, một vài nghiên cứu về vitamin K2 đã cho thấy vitamin K2 làm giảm tỉ lệ tái phát của ung thư gan và kéo dài sự sống. Một nghiên cứu khác dựa trên quan sát trên 11.000 người đàn ông cũng cho thấy rằng việc sử dụng vitamin K2 làm giảm 63% nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Tuy vậy, vitamin K1 không phát huy hiệu quả trong những nghiên cứu này.

    Làm thế nào để hấp thu đầy đủ vitamin K2 cần thiết

    Vitamin K2 được sản xuất bởi nhóm vi khuẩn đường ruột có trong ruột già và cơ thể người có khả năng chuyển hóa một phần vitamin K1 thành K2. Điều này thật sự hữu ích vì trong khẩu phần ăn điển hình của bạn, hàm lượng K1 cao gấp 10 lần so với K2. Tuy nhiên, việc dùng trực tiếp vitamin K2 cho thấy nhiều lợi ích hơn hẳn so với quá trình chuyển hóa này. Do vitamin K2 được tìm thấy chủ yếu trong một số loại thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực phẩm lên men – những thực phẩm mà đa số chúng ta không ăn nhiều – nên mức tiêu thụ trung bình của dưỡng chất này trong khẩu phần ăn hiện đại là cực kỳ thấp. Có một vài chứng cứ cho thấy những chất kháng sinh phổ rộng có thể góp phần dẫn đến tình trạng thiếu hụt vitamin K2. Bạn có thể bổ sung vitamin K2 từ sữa giàu chất béo được sản xuất từ bò ăn cỏ, gan và những nội tạng khác cũng như lòng đỏ trứng gà.

    Tuy nhiên do vitamin K tan trong dầu nên những thực phẩm ít béo hoặc không có nguồn gốc động vật sẽ không chứa nhiều vitamin K. Thực phẩm có nguồn gốc động vật chứa nhiều MK-4, trong khi thực phẩm lên men như dưa cải Đức (sauerkraut), đậu nành lên men Nhật Bản (natto) và miso chứa nhiều dạng phụ từ MK5 đến MK14. Nếu bạn không dùng được những thực phẩm kể trên thì việc bổ sung vitamin K2 là cần thiết.

    Lợi ích của việc bổ sung K2 có thể được tăng cường hơn nữa khi kết hợp với vitamin D vì hai loại vitamin này hoạt động cộng hưởng với nhau. Mặc dù cần nghiên cứu sâu hơn nữa, nhưng những nghiên cứu hiện nay cho thấy ảnh hưởng của vitamin K2 đối với sức khỏe là rất hứa hẹn vì nó có thể liên quan đến việc cứu sống rất nhiều người.

    Lưu ý khi bổ sung vitamin K2

    Vitamin K2 tan trong chất béo nên bạn cần trao đổi với bác sĩ trước khi muốn bổ sung vitamin K2, đặc biệt là bổ sung liều cao đối với phụ nữ mang thai và cho con bú.

    Tuy còn khá xa lạ so với các vitamin như C, A, B, E,… nhưng công dụng mang canxi gắn vào xương của vitamin K2 được chứng minh là có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giúp xây dựng và bảo vệ khung xương. Do đó, vitamin K2 góp phần đẩy lùi các bệnh về xương khớp như loãng xương, còi xương… và một số bệnh gây tử vong khác. Dù vẫn lợi ích của chúng vẫn chưa được chứng minh và công bố rộng rãi nhưng bạn vẫn nên bổ sung loại vitamin này vào khẩu phần ăn hàng ngày của mình để đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Hà Thu · Ngày cập nhật: 13/09/2017

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo