backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Bệnh viêm phổi ở trẻ em: Nguyên nhân do đâu, điều trị thế nào?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Lê Chí Hiếu · Nhi khoa · Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 25/07/2023

    Bệnh viêm phổi ở trẻ em: Nguyên nhân do đâu, điều trị thế nào?

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh viêm phổi ở trẻ em đã lấy đi gần 20 sinh mạng mỗi giây và chiếm đến khoảng 16% nguyên nhân gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.

    Viêm phổi là một bệnh chỉ tình trạng phổi bị nhiễm trùng, bệnh có thể gặp ở nhiều lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là ở nhóm trẻ 0-5 tuổi. Các túi khí trong phổi (phế nang) chứa đầy mủ và dịch nhầy khiến cơ thể không thể hấp thụ đủ lượng oxy cần thiết.

    Có đến 99% trường hợp tử vong vì bệnh viêm phổi xảy ra tại các quốc gia đang phát triển. Do đó, việc phòng bệnh và nhận ra các triệu chứng viêm phổi ở trẻ em trong giai đoạn sớm để có thể kịp thời điều trị là rất quan trọng.

    Bệnh viêm phổi ở trẻ em là gì?

    Viêm phổi ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp mà cụ thể là bên trong phổi. Bệnh xảy ra khi virus, vi khuẩn hay khói bụi ô nhiễm… tấn công cơ quan này và tạo ra những ổ nhiễm trùng. Viêm phổi có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng thường mắc bệnh nhất, dễ dẫn đến biến chứng nặng, thậm chí là tử vong.

    Bệnh viêm phổi ở trẻ em: Nguyên nhân do đâu?

    nguyên nhân bệnh viêm phổi ở trẻ em

    Nhiều bậc cha mẹ thường thắc mắc trẻ bị viêm phổi là do đâu hay nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ em là gì? Theo các chuyên gia sức khỏe, bệnh viêm phổi có thể do virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng hay hít phải khói thuốc lá, khói bụi ô nhiễm… gây ra. Hầu hết các trường hợp, trẻ bị viêm phổi thường có liên quan với tình trạng nhiễm các virus như virus adeno, virus rhino, virus cúm, virus hợp bào hô hấp (RSV) và virus parainfluenza… gây bệnh.

    Có khá nhiều nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ nhỏ. Nhưng theo các chuyên gia “thủ phạm” nguy hiểm và thường gặp nhất gây viêm phổi ở trẻ em là nhiễm phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae).

    Bệnh viêm phổi ở trẻ em có những triệu chứng nào?

    dấu hiệu viêm phổi ở trẻ em

    Bệnh viêm phổi ở trẻ em thường có những triệu chứng gì? Theo các chuyên gia nhi khoa, tùy vào độ tuổi của trẻ và nguyên nhân gây viêm phổi mà trẻ sẽ có các triệu chứng khác nhau.

    Thông thường, tình  trạng viêm phổi bắt đầu xảy ra sau khi đường hô hấp trên bị nhiễm trùng. Các triệu chứng của bệnh bắt đầu xuất hiện 2 hoặc 3 ngày sau khi bé bị cảm lạnh hoặc đau họng. Sau đó, chúng tấn công đến phổi. Chất dịch nhầy, bạch cầu… tập hợp trong các phế nang của phổi khiến cơ thể khó hấp thu được oxy. Điều này vô tình khiến bé phải thở nhanh hơn để phổi có thể cung cấp đủ lượng oxy cần thiết cho cơ thể.

    Trẻ nhiễm vi khuẩn gây bệnh viêm phổi thường bị bệnh khá nhanh. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm phổi biết sớm nhất là sốt cao đột ngột và thở nhanh bất thường. Trẻ bị viêm phổi do virus, có thể các triệu chứng sẽ xuất hiện từ từ và ít nghiêm trọng hơn. Việc trẻ thở khò khè có thể được xem là dấu hiệu phổ biến hơn cả.

    Một số biểu hiện của bệnh đưa ra những manh mối quan trọng về việc chẩn đoán vi trùng gây ra bệnh. Ví dụ như ở trẻ lớn và thiếu niên, viêm phổi do Mycoplasma (còn gọi là viêm phổi không điển hình) ngoài các triệu chứng viêm phổi thông thường sẽ có các triệu chứng như đau họng, đau đầu và phát ban.

    Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, viêm phổi do nấm chlamydia có thể gây viêm kết mạc (đau mắt đỏ) với biểu hiện bệnh nhẹ và không sốt. Nếu trẻ bị viêm phổi do mắc bệnh ho gà, bé sẽ có những cơn ho kéo dài, mặt tái nhợt vì thiếu oxy hoặc khi hít thở nghe như tiếng rít. Hãy cho trẻ chủng ngừa vaccine ho gà nhằm bảo vệ bé chống lại căn bệnh này.

    Khoảng thời gian kể từ khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh và có những biểu hiện của bệnh là khác nhau. Điều này tùy thuộc vào virus hoặc vi khuẩn gây bệnh. Điển hình như nhiễm virus hợp bào hô hấp gây bệnh viêm phổi cần 4 – 6 ngày mới có các dấu hiệu đầu tiên của bệnh trong khi trẻ bị viêm phổi do virus gây bệnh cúm các triệu chứng thường xuất hiện sau khoảng từ 18 – 72 giờ sau khi nhiễm.

    Các loại viêm phổi thường gặp ở trẻ nhỏ

    các loại bệnh viêm phổi ở trẻ em

    Viêm phổi thùy

    Viêm phổi thùy là bệnh gây tổn thương tổ chức tại phổi như phế nang, tiểu phế quản tận cùng, mô liên kết kẽ. Viêm phổi thùy thường gặp ở những trẻ có hệ miễn dịch yếu như trẻ suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch hoặc mắc sẵn các bệnh liên quan đến phổi t như hen phế quản…

    Theo các chuyên gia nhi khoa, bệnh viêm phổi thùy có thể bùng phát thành dịch. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, các bậc cha mẹ cần nâng cao nhận thức phòng bệnh cũng như nhận biết bệnh sớm để trẻ được chăm sóc và điều trị kịp thời.

    Viêm phổi phế quản

    Viêm phổi phế quản (hay còn gọi là viêm phế quản phổi) là tình trạng nhiễm trùng cấp tính lan tỏa ở phế quản, phế nang phổi và các mô kẽ. Theo các chuyên gia, các triệu chứng của bệnh có thể tiến triển nhanh, biến chứng nặng, có nguy cơ gây tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

    Các chuyên gia cảnh báo rằng, trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 2 tháng tuổi rất dễ mắc viêm phổi phế quản. Do đó, nếu có con trong độ tuổi này và có các dấu hiệu bệnh viêm phổi, các bậc cha mẹ cần hết sức lưu tâm.

    Bệnh viêm phổi ở trẻ em được chẩn đoán và điều trị như thế nào?

    chẩn đoaán bệnh viêm phổi ở trẻ em

    Chẩn đoán

    Để chẩn đoán viêm phổi ở trẻ em, các bác sĩ tiến hành chẩn đoán lâm sàng và chẩn đoán cận lâm sàng. Việc được chẩn đoán và điều trị sớm, các triệu chứng bệnh thường thuyên giảm và khỏi sau khoảng 7-10 ngày. Ngược lại, nếu điều trị muộn hoặc điều trị không phương pháp, trẻ có nguy cơ gặp biến chứng và tỷ lệ tử vong là rất cao, nhất là trẻ dưới 1 tuổi.

    Chẩn đoán lâm sàng

    Để chẩn đoán lâm sàng, các bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng hô hấp của  trẻ như: dấu hiệu ho và sốt, thở nhanh. Đối với dấu hiệu ho và sốt, ban đầu trẻ ho khan, sau ho có đờm, trẻ nhỏ hoặc yếu có khi không ho hoặc ít ho. Khò khè có thể có khoảng 30% trẻ bị viêm phổi do mycoplasma.  Tuy nhiên, dấu hiệu này cũng có thể bị nhầm lẫn với hen suyễn nếu không thực hiện các xét nghiệm hình ảnh chuyên sâu.

    Ngoài ra, các bác sĩ cũng dựa vào những dấu hiệu khác như: da trẻ tím tái, bỏ bú, không uống được, li bì, co giật, lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng, thở rít…

    Đối với bệnh viêm phổi ở trẻ, không nhất thiết phải chờ kết quả cận lâm sàng, mà nên được chẩn đoán bằng những phương pháp cận lâm sàng càng sớm càng tốt.

    Chẩn đoán cận lâm sàng

    • Xét nghiệm công thức máu (CBC)
    • Chụp X-quang ngực hoặc chụp CT scan ngực
    • Lấy dịch mũi hoặc họng, đàm để kiểm tra vi khuẩn và virus
    • Đo nồng độ oxy và carbon dioxide trong máu
    • Nội soi phế quản (hiếm khi cần thiết).

    Trong nhiều trường hợp, đôi khi các bác sĩ có thể không chờ các kết quả chẩn đoán cụ thể trước khi bắt đầu điều trị để tránh bỏ qua thời điểm vàng giúp điều trị hiệu quả.

    Trẻ bị viêm phổi được điều trị như thế nào?

    Trẻ bị viêm phổi được điều trị như thế nào? Theo các chuyên gia sức khỏe, việc điều trị bệnh viêm phổi ở trẻ em phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tình trạng thể chất và nguyên nhân nghi ngờ gây viêm phổi (virus, vi khuẩn, nấm hay ký sinh trùng…), hỗ trợ hô hấp, điều trị ngăn ngừa biến chứng và đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp.

    Nếu bệnh do virus gây ra, bé không cần phải uống kháng sinh. Nếu bệnh do vi khuẩn gây ra, bé cần phải được điều trị bằng kháng sinh. Tùy vào loại vi khuẩn được cho là nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ kê toa kháng sinh phù hợp. 

    Hầu hết trẻ bị viêm phổi có thể được điều trị tại nhà. Nếu có một trong các yếu tố sau bé phải nằm viện để nhân viên y tế chăm sóc:  

    • Trẻ dưới 2 tháng: bú kém hoặc bỏ bú, co giật, li bì, sốt hoặc lạnh, thở khò khè.
    • Trẻ từ 2 tháng – 5 tuổi: không thể uống được gì, co giật, li bì, thở có tiếng rít.
    • Trẻ bị co rút lồng ngực khi thở
    • bệnh mãn tính ảnh hưởng đến hệ miễn dịch
    • Nôn mửa quá nhiều đến mức không thể uống thuốc
    • Viêm phổi tái đi tái lại
    • Trẻ có thể bị ho gà hoặc nghi ngờ bị ho gà.

    Phương pháp điều trị tại bệnh viện có thể bao gồm thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch và liệu pháp hô hấp. Trường hợp nặng hơn, bé có thể được điều trị trong đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU).

    Nhận biết trẻ bị viêm phổi giai đoạn nặng

    Theo các chuyên gia nhi khoa, bệnh viêm phổi ở trẻ em tiến triển giai đoạn nặng thường được phát hiện nhờ vào biểu hiện thở co lõm lồng ngực. Để quan sát tình trạng này, bạn hãy vén áo trẻ lên để thấy rõ vùng ngực và bụng trẻ và tiến hành quan sát khi trẻ nằm yên, không bú không khóc. Khi trẻ hít vào, phần dưới lồng ngực bị kéo lõm vào thay vì nở ra như bình thường. Nếu quan sát thấy trẻ có biểu hiện co lõm lồng ngực thì đây là dấu hiệu bệnh viêm phổi ở trẻ đã trở nặng cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

    Chăm sóc trẻ bị viêm phổi như thế nào?

    chăm sóc trẻ bị viêm phổi

    Trẻ bị bệnh viêm phổi cần được nghỉ ngơi nhiều, uống đủ nước để dễ dàng tống xuất đàm nhớt ra ngoài, đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp để trẻ mau bình phục.

    Nếu con bạn bị viêm phổi do vi khuẩn và bác sĩ đã kê toa thuốc kháng sinh, hãy cho bé uống thuốc theo đúng liều lượng và thời gian theo chỉ dẫn. Điều này sẽ giúp bé phục hồi nhanh hơn và giúp ngăn ngừa lây nhiễm sang các thành viên khác trong gia đình. Nếu bé thở khò khè, bạn có thể sử dụng máy phun sương tạo độ ẩm trong không gian sinh hoạt của con hoặc cho bé dùng ống hít.

    Hãy hỏi bác sĩ trước khi bạn muốn cho bé sử dụng bất kỳ loại thuốc ho hay thuốc cảm nào. Đừng quên thường xuyên đo nhiệt độ, quan sát sắc mặt, môi, đầu ngón tay của con. Hãy đưa bé đến bệnh viện ngay nếu:

    • Trẻ sốt 38,9°C
    • Trẻ dưới 6 tháng sốt 38°C
    • Môi, đầu ngón tay tím tái.

    Bệnh viêm phổi ở trẻ em có lây không, gây ra những biến chứng gì?

    1. Bệnh viêm phổi ở trẻ em có lây không?

    Bệnh viêm phổi ở trẻ em là một bệnh truyền nhiễm cấp tính. Theo các chuyên gia nhi khoa, viêm phổi là bệnh không lây nhiễm, nhưng virus và vi khuẩn gây bệnh viêm phổi có thể lây từ người này sang người khác. Chúng thường được tìm thấy trong dịch nhầy từ miệng hoặc mũi của người bị nhiễm bệnh và phát tán ra xung quanh khi người bệnh ho hay hắt hơi.

    Việc dùng chung ly uống nước và đồ dùng ăn uống, chạm vào khăn giấy, khăn tay mà người bị nhiễm bệnh dùng hoặc tiếp xúc với bề mặt có virus hay vi khuẩn gây bệnh cũng có thể lây lan viêm phổi. Do đó, tốt nhất bạn hãy giữ bé tránh xa bất kỳ ai có các dấu hiệu bị nhiễm trùng đường hô hấp như nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, đau họng, ho…

    2. Bệnh viêm phổi ở trẻ em có thể gây ra biến chứng gì? 

    Bệnh viêm phổi trẻ em nếu không điều trị kịp thời, đúng cách, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho trẻ như:

    • Nhiễm trùng máu: Đây là biến chứng nguy hiểm và việc điều trị gặp nhiều khó khăn, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, thậm chí là tử vong.
    • Tràn mủ màng phổi: Khiến trẻ gặp khó khăn khi ho hấp.
    • Viêm màng não
    • Hội chứng suy hô hấp cấp
    • Tràn dịch màng tim, trụy tim

    Có thể phòng ngừa bệnh viêm phổi ở trẻ em không?

    phòng bệnh viêm phổi ở trẻ em

    Bệnh viêm phổi ở trẻ em có thể phòng ngừa được không? Theo các chuyên gia sức khỏe, một số loại bệnh viêm phổi có thể được ngăn ngừa bằng vaccine. Trẻ em được chủng ngừa định kỳ giúp chống lại bệnh viêm phổi do Haemophilus influenzae và ho gà bắt đầu lúc 2 tháng tuổi (vaccine 5 trong 1).

    Việc chủng ngừa vaccine cúm được khuyến khích cho tất cả các đối tượng khỏe mạnh trong độ tuổi từ 6 tháng đến 19 tuổi. Những trẻ có các bệnh mãn tính như rối loạn tim, phổi hay hen suyễn cần được tiêm phòng đầy đủ. Nguyên do là những trẻ này nếu mắc bệnh viêm phổi sẽ có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng. Trẻ sinh non có thể được điều trị tạm thời nhằm bảo vệ bé chống lại virus hợp bào hô hấp (RSV) vì nó có thể dẫn đến viêm phổi ở trẻ nhỏ.

    Các bác sĩ có thể cung cấp thuốc kháng sinh để phòng ngừa viêm phổi ở trẻ em nếu các bé đã tiếp xúc với một người bị bệnh.

    Nếu trong gia đình có người bị nhiễm trùng hô hấp hoặc viêm họng, hãy giữ bàn chải đánh răng, ly uống nước và chén bát, muỗng đũa riêng với những người khác trong gia đình. Ngoài ra, mọi thành viên trong gia đình hãy rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài, không hút thuốc hay để người hút thuốc đến gần nơi sinh hoạt của trẻ… đề phòng nhiễm bệnh.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Lê Chí Hiếu

    Nhi khoa · Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố


    Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 25/07/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo