backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Rối loạn thói quen ăn uống ở trẻ vị thành niên

Tác giả: Tiến sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Bùi Bình · Nhi khoa · Bệnh viện trẻ em Hải Phòng


Ngày cập nhật: 15/11/2019

    Rối loạn thói quen ăn uống ở trẻ vị thành niên

    Cân nặng là nỗi ám ảnh của hàng triệu trẻ tuổi dậy thì ngày nay, đặc biệt là những bé gái. Theo khảo sát, cứ 7 phụ nữ lại có 1 người đã từng gặp rối loạn ăn uống ở tuổi dậy thì. Một nghiên cứu khác cách đây vài năm đã phát hiện ra rằng 36% bé gái đang trong tuổi dậy thì nghĩ rằng mình đang thừa cân và trong số đó thì có 59% trẻ đang nỗ lực giảm cân.

    Hơn 90% số người bị rối loạn ăn uống là bé gái. Mặc dù vậy, bé trai cũng có những lo lắng về vóc dáng của mình. Nhiều bé trai phấn đấu để có một vóc dáng hoàn hảo bằng cách kiêng ăn và ép buộc bản thân tập thể dục.

    Rối loạn thói quen ăn uống là gì?

    Rối loạn ăn uống bao gồm chứng biếng ăn tâm lý và chứng cuồng ăn tâm lý. Đây là những rối loạn tâm lý liên quan đến việc ăn uống của trẻ bị rối loạn quá mức. Trẻ mắc chứng biếng ăn sẽ không chấp nhận cân nặng bình thường của mình và liên tục nhịn ăn để giảm cân. Ngược lại, trẻ mắc chứng cuồng ăn thường ăn rất nhiều nhưng sau đó lại ép bản thân ói hoặc sử dụng thuốc nhuận tràng để loại bỏ những thứ đã nạp vào cơ thể.

    Những trẻ mắc chứng biếng ăn rất sợ tăng cân và thường cố gắng để đạt được số cân nặng thấp hơn 15% trọng lượng lý tưởng của mình. Trẻ luôn tin tưởng rằng giá trị của bản thân nằm ở vóc dáng của mình.

    Chứng cuồng ăn thường bắt đầu vào cuối tuổi dậy thì hoặc đầu tuổi trưởng thành. Những trẻ mắc chứng cuồng ăn thường đi theo một vòng tuần hoàn, đầu tiên trẻ sẽ nạp vào cơ thể một số lượng lớn thức ăn, sau đó trẻ sẽ ép mình thanh lọc cơ thể bằng cách ói, dùng thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu hoặc tập thể thao hàng giờ.

    Nguyên nhân chủ yếu của rối loạn thói quen ăn uống là gì?

    Cho đến nay, y khoa vẫn chưa tìm được nguyên nhân cụ thể gây ra chứng rối loạn ăn uống. Các chuyên gia đã thử liên kết chứng rối loạn ăn uống với một số tác nhân như mối quan hệ gia đình, các vấn đề tâm thần và di truyền. Theo xu hướng hiện nay,  trẻ ở lứa tuổi dậy thì thường ít hài lòng với bản thân và mong muốn có vóc dáng mảnh mai hơn.

    Khi muốn tham gia một nhóm múa, lớp tập thể dục dụng cụ hoặc nhóm điền kinh (là những môn thể thao đòi hỏi người chơi phải sở hữu một vóc dáng mảnh mai), một số trẻ ép cân dẫn tới rối loạn ăn uống với mong muốn được gia nhập vào hội nhóm đó.

    Bạn có thể nhận biết chứng rối loạn ăn uống qua những triệu chứng nào?

    Trẻ mắc chứng rối loạn ăn uống thường có nhiều biểu hiện kì lạ trong thói quen ăn uống và những suy nghĩ, cảm giác liên quan đến việc ăn uống. Trẻ thường có suy nghĩ quá khích mong muốn có được cơ thể mảnh mai, sợ tăng cân và cuối cùng bị mất khả năng kiểm soát việc ăn uống của mình. Rối loạn ăn uống có thể gây ra nhiều vấn đề tâm thần và thể chất trầm trọng. Sau đây là những dấu hiệu của rối loạn ăn uống:

    • Suy nghĩ sai lệch về hình thể của bản thân;
    • Bỏ bữa;
    • Thói quen ăn uống bất thường (như ăn quá nhiều hoặc không ăn);
    • Theo dõi cân nặng thường xuyên;
    • Thay đổi cân nặng quá mức;
    • Mất ngủ;
    • Táo bón;
    • Da khô hoặc phát ban;
    • Sâu răng;
    • Mòn men răng;
    • Giảm chất lượng tóc hoặc móng;
    • Tăng động hoặc thích thể thao quá mức.

    Những trẻ mắc chứng rối loạn ăn uống thường có những biểu hiện tiêu cực như buồn, lo lắng, trầm cảm, tự tách khỏi bạn bè và trở nên nhạy cảm với những lời chỉ trích. Vấn đề càng tệ hơn khi bố mẹ không thấy được những dấu hiệu trên ở trẻ vì trẻ thường có xu hướng giữ bí mật khi bị khủng hoảng, bất an, trầm cảm hay cảm thấy tự ti về bản thân.

    Điều trị rối loạn ăn uống an toàn và hiệu quả

    Rối loạn ăn uống có thể được điều trị và việc điều trị càng sớm thì hiệu quả phục hồi càng cao. Gia đình và bạn bè của trẻ nên hỗ trợ, giúp đỡ trẻ trong quá trình điều trị. Bố mẹ nên đưa trẻ đi kiểm tra tại bệnh viện khi có bất kì dấu hiệu nghi ngờ nào. Bạn cũng nên dạy trẻ biết như thế nào là chế độ ăn uống khỏe mạnh và như thế nào là những thông tin sai lệch về dinh dưỡng.

    Bạn có thể đưa trẻ đến trò chuyện với một chuyên gia tư vấn để giúp trẻ thay đổi suy nghĩ, cảm giác và biểu hiện liên quan đến chứng rối loạn ăn uống. Đồng thời giúp trẻ biết cách đối mặt với những vấn đề gây áp lực như các mối quan hệ, trường học, bạn bè… Nếu bạn nhận thấy trẻ có bất kì triệu chứng nghiêm trọng của trầm cảm hoặc lo lắng, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ, bác sĩ sẽ đưa ra liệu pháp điều trị thích hợp.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tác giả:

    Tiến sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Bùi Bình

    Nhi khoa · Bệnh viện trẻ em Hải Phòng


    Ngày cập nhật: 15/11/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo