backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

7 mẹo nhỏ giúp con yêu xóa đi nỗi sợ nha sĩ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 02/12/2019

    7 mẹo nhỏ giúp con yêu xóa đi nỗi sợ nha sĩ

    Mỗi lần dẫn con đi khám răng, con cứ đòi về hay không chịu hợp tác với nha sĩ? Đây là nỗi sợ nha sĩ phổ biến ở trẻ. Bạn có thể vượt qua điều này dễ dàng.

    Để con không sợ nha sĩ, bạn cần tạo ấn tượng tích cực khi đến phòng khám răng miệng ngay từ những lần đầu tiên. Bất kỳ biểu hiện lo lắng nào của bố mẹ sẽ được trẻ ghi nhận hay nha sĩ không thân thiện cũng có thể khiến con sợ hãi. Bài viết sau sẽ giúp bạn biết làm thế nào để giúp con không còn khóc hay sợ hãi khi gặp nha sĩ.

    1. Bắt đầu sớm

    Bạn đưa con đến gặp nha sĩ càng sớm càng tốt. Khi đó, bạn sẽ được nha sĩ tư vấn làm thế nào để giữ răng miệng của bé luôn sạch sẽ, khỏe mạnh. Con cũng có thể quen dần với không khí của phòng khám răng. Bạn nên đưa bé đi khám lần đầu khi con 1 tuổi hoặc lúc chiếc răng đầu tiên hiện diện.

    2. Đơn giản hóa mọi thứ

    Khi chuẩn bị cho con gặp nha sĩ, đặc biệt là lần đầu tiên, bạn không nên nói quá nhiều. Con sẽ càng lo lắng và thắc mắc vì sao phải đến phòng khám dù đang rất khỏe mạnh. Hãy giữ thái độ lạc quan khi nói với trẻ về việc kiểm tra răng miệng nhưng đừng khiến con tin vào những điều không đúng. Ví dụ, bạn không nói mọi thứ sẽ ổn thôi, khám răng sẽ không đau đâu. Nếu bé cần phải nhổ răng, trám răng, cạo vôi răng, điều này có thể khiến con đau và khó chịu. Do đó, nếu nói không đau, con có thể mất lòng tin vào bạn.

    3. Chơi đùa với trẻ

    Trước khi đưa con đến nha sĩ lần đầu, bạn hãy chơi trò nhập vai cùng con. Bạn là nha sĩ và con là bệnh nhân. Tất cả những gì bạn cần là bàn chải đánh răng. Sau đó, hãy đếm số lượng răng của con và ngân nga theo một giai điệu nào đó mà bé thích. Tuy nhiên, bạn hãy tránh giả các tiếng động của máy khoan hoặc dụng cụ nha khoa.

    Bạn có thể cầm gương và chỉ cho con cách nha sĩ có thể nhìn và kiểm tra răng. Cho bé dùng bàn chải đánh răng để làm sạch răng của một con thú nhồi bông hoặc búp bê. Điều quan trọng là bạn làm cho con cảm thấy quen dần với các thao tác thường gặp khi đến nha sĩ để trẻ thoải mái khi đến nha sĩ khám răng thật.

    4. Không đưa con đi khám răng cùng mình

    Khi muốn khám răng của mình, một số bố mẹ cho con đến nha sĩ cùng mình. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết đây là một sai lầm. Bản thân người lớn cũng có thể lo lắng về việc khám răng, nhưng lại không nhận ra. Thế nhưng, khi đi cùng, trẻ có thể cảm nhận được nỗi sợ hãi đó.

    Vấn đề nhổ răng, chích thuốc, khoan vào nướu khiến con lo lắng rất nhiều dù người phải trị liệu là bố mẹ. Từ đó, bé sẽ không muốn đến nha sĩ nữa vì nha sĩ chỉ làm đau mình. Khi phải dẫn con đi khám răng cùng, bạn hãy để bé ở ngoài chơi đồ chơi hoặc xem một chương trình nào đó nhằm phân tán sự chú ý của bé.

    5. Không “hối lộ’ con

    kiem-soat-con-them-ngot-o-be-tu-dieu-don-gian

    Nhiều chuyên gia không khuyên khích bố mẹ hứa hẹn sẽ tặng cho con phần thưởng nếu con ngoan ngoãn đến gặp nha sĩ. Điều này sẽ làm tăng sự e ngại của con. Bạn nói rằng: “Lúc khám răng, nếu không khóc, con sẽ được ăn kem’. Câu nói này có thể làm con nghĩ rằng chắc phòng khám có điều gì đó có thể khiến con khó chịu nên bạn mơiới thưởng cho bé như vậy.

    Bạn cũng không nên thưởng con bằng đồ ngọt vì thức ăn này có thể gây sâu răng. Thay vào đó, sau mỗi lần khám răng, hãy khen ngợi con yêu về thái độ và sự dũng cảm của bé kèm theo một món đồ chơi nhỏ đáng yêu.

    6. Chuẩn bị tinh thần khi bé quấy khóc

    Khi nha sĩ, tức là người lạ với trẻ, kiểm tra răng miệng của con, trẻ quấy khóc và tỏ thái độ bất hợp tác là điều rất bình thường. Bạn nên giữ bình tĩnh để chuyên viên nha khoa xử lý các tình huống như thế này theo cách nhẹ nhàng nhất. Khi nha sĩ nhờ giữ tay chân con, bạn cũng có thể hỗ trợ để trẻ có cảm giác thoải mái và yên tâm, tránh tình trạng bé gạt tay dụng cụ nha khoa ra khỏi miệng có thể gây nguy hiểm cho con.

    7. Sử dụng từ ngữ thích hợp

    Không sử dụng từ ngữ quá gợi tả như đau, chích, nhổ với trẻ vì sẽ khiến bé càng sợ hãi hơn. Thay vào đó, bạn có thể dùng những từ ngữ ngộ nghĩnh nhằm giúp con vượt qua những tình huống khó khăn. Bạn có thể nói với bé yêu rằng nha sĩ đang tìm kiếm con sâu trong miệng con và tiêu diệt chúng. Hãy sử dụng các cụm từ tích cực như hàm răng sạch sẽ, khỏe mạnh sẽ giúp việc kiểm tra răng miệng trở nên vui vẻ hơn.

    Hãy cho con yêu biết rằng đi khám răng định kỳ là điều cần thiết. Nha sĩ sẽ chăm sóc răng của bé để trẻ có hàm răng xinh đẹp, chắc khỏe. Bố mẹ cũng có thể giải thích thêm việc nha sĩ sẽ giúp con đánh bay lũ sâu răng đáng ghét khiến bé khó chịu và đảm bảo rằng sau này nụ cười của con sẽ luôn tỏa sáng nhờ có hàm răng trắng đẹp. Ngoài ra, hãy làm gương cho trẻ bằng cách đánh răng đúng giờ, hạn chế ăn quá nhiều đồ ngọt.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 02/12/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo