backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Viêm ruột thừa ở trẻ em: Nhận biết triệu chứng để chữa trị kịp thời

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 20/08/2020

    Viêm ruột thừa ở trẻ em: Nhận biết triệu chứng để chữa trị kịp thời

    Con than với bạn rằng mình bị đau bụng dưới bên phải, đi kèm với sốt, buồn nôn? Hãy đưa con đến bệnh viện ngay vì đây có thể là triệu chứng viêm ruột thừa ở trẻ em.

    Viêm ruột thừa có thể đe dọa đến tính mạng. Do đó, bạn cần biết cách phân biệt giữa đau bụng thông thường và triệu chứng viêm ruột thừa ở trẻ em để có cách xử lý kịp thời. Vậy làm sao để nắm rõ? Những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về chứng bệnh nguy hiểm này.

    Các triệu chứng viêm ruột thừa ở trẻ em

    Viêm ruột thừa có rất nhiều triệu chứng. Do đó, bạn phải quan sát kỹ những biểu hiện của trẻ để xác định xem trẻ có phải đang bị chứng bệnh này không nhé. Những triệu chứng có thể là:

    1. Trẻ bị đau vùng bụng dưới

    Ruột thừa nằm ở vùng bụng bên phải, nên triệu chứng phổ biến nhất là đau ở vùng bụng dưới bên phải. Tuy nhiên, đau bụng dưới chưa chắc là đã triệu chứng viêm ruột thừa ở trẻ em, có một số căn bệnh khác cũng gây ra đau bụng dưới như:

    • Dị ứng thức ăn
    • Nuốt quá nhiều không khí
    • Lo âu, căng thẳng
    • Khó đi tiêu.

    Những căn bệnh này thường gặp và không nguy hiểm. Đôi khi đau bụng dưới còn có thể là do các vấn đề nghiêm trọng khác như:

  • Ung thư gây ra các khối u nguy hiểm
  • Sỏi mật
  • Viêm loét đại tràng, bệnh Crohn hoặc các bệnh viêm ruột
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Những biến chứng về sức khỏe khác dẫn đến tắc nghẽn ruột.
  • 2. Trẻ chán ăn

    Nếu trẻ không muốn ăn 1 – 2 bữa thì điều này bình thường. Tuy nhiên, tình trạng này cứ kéo dài nhiều ngày và dù bạn đã nấu những món yêu thích của trẻ nhưng trẻ vẫn không muốn ăn, bạn nên đưa con đến bác sĩ để kiểm tra.

    3. Trẻ bị sốt

    Viêm ruột thừa ở trẻ em có thể gây sốt ở trẻ

    Nếu bé bị sốt từ 37 – 39°C thì có thể bị viêm ruột thừa. Thông thường, trẻ nhỏ hay sốt khi cơ thể nhiễm trùng. Ngoài ra, khi trẻ nhỏ bị nhiễm trùng, số bạch cầu thường cao hơn bình thường. Do đó, để chẩn đoán, bác sĩ thường dựa vào số lượng các tế bào bạch cầu.

    4. Trẻ bị buồn nôn và nôn

    Buồn nôn và nôn thường xuyên không phải là dấu hiệu tốt. Nếu trẻ thường muốn buồn nôn, bạn hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay nhé.

    5. Trẻ bị đau khi đi tiểu

    Khi bị đau khu vực vùng bụng dưới, trẻ có thể có cảm giác không thoải mái khi tiểu. Đây có thể là một triệu chứng viêm ruột thừa ở trẻ em.

    6. Trẻ bị tiêu chảy

    Triệu chứng này thường xuất hiện sau nhiều ngày. Nếu trẻ bị tiêu chảy liên tục, hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

    7. Trẻ bị táo bón

    Một triệu chứng viêm ruột thừa ở trẻ em thường gặp là táo bón. Tuy nhiên, do táo bón ở trẻ nhỏ rất phổ biến, nên đôi lúc bố mẹ thường không nghĩ đến việc bị viêm ruột thừa.

    8. Trẻ bị khó thở

    Những trẻ bị viêm ruột thừa thường cảm thấy khó thở. Vì vậy, nếu trẻ than phiền với bạn triệu chứng này cùng với những triệu chứng ở trên, bạn nên lưu ý hơn đến con.

    9. Vùng bụng của trẻ bị sưng tấy

    Sưng tấy vùng bụng là một triệu chứng phổ biến khác của viêm ruột thừa. Bạn hãy thử chạm vào bụng của trẻ và quan sát để xem trẻ có cảm thấy đau không nhé.

    Trẻ em từ 10 – 19 tuổi thường dễ mắc chứng viêm ruột thừa. Nguyên nhân chủ yếu là do ruột thừa bị tắc nghẽn hoặc nhiễm trùng ở ổ bụng di chuyển vào.

    Nếu trẻ bị đau bụng thường xuyên và cơn đau thường dữ dội hơn khi trẻ di chuyển, hít thở, ho hay hắt hơi thì có khả năng bé đã mắc phải chứng bệnh này.

    Theo một số nghiên cứu, trẻ từ 2 – 5 tuổi bị viêm ruột thừa thường có các triệu chứng như nôn mửa thường xuyên, ăn không ngon, đau dạ dày và sốt. Nếu bé dưới 2 tuổi, bạn nên chú ý các triệu chứng như đau bụng, nôn, sốt và tiêu chảy.

    Chẩn đoán viêm ruột thừa ở trẻ em như thế nào?

    Mỗi trẻ có thể có triệu chứng khác nhau, do đó khó chẩn đoán viêm ruột thừa. Bên cạnh đó, các triệu chứng viêm ruột thừa ở trẻ em cũng rất giống với các bệnh khác như:

    • Nhiễm trùng đường tiết niệu
    • Sỏi thận
    • Viêm dạ dày
    • Nhiễm trùng đường ruột
    • Viêm dạ dày ruột
    • Các vấn đề về túi mật
    • Bệnh Crohn.

    Thông thường, bác sĩ sẽ dùng tay ấn lên vùng bụng dưới bên phải để kiểm tra xem trẻ có bị đau hay không. Sau đó, bác sĩ sẽ hỏi một số câu hỏi về triệu chứng mà trẻ đã gặp phải. Nếu thấy trẻ có nhiều triệu chứng điển hình của viêm ruột thừa, bác sĩ sẽ xác định ngay. Nếu không, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn cho trẻ làm một vài kiểm tra để xác định xem trẻ có bị viêm ruột thừa không. Một số kiểm tra có thể làm là:

    1. Xét nghiệm máu

    Thông thường, đây sẽ là xét nghiệm đầu tiên mà bác sĩ đề nghị bạn cho trẻ làm vì đây là cách dễ dàng nhất để xác định xem trẻ có bị nhiễm trùng không.

    2. Xét nghiệm nước tiểu

    Xét nghiệm này dùng để chẩn đoán xem trẻ có bị nhiễm trùng thận hoặc nhiễm trùng bàng quang không. Có một số protein nhất định trong nước tiểu được xem là chỉ dấu để giúp xác định trẻ bị viêm ruột thừa.

    3. Siêu âm bụng

    Siêu âm bụng để chẩn đoán viêm ruột thừa ở trẻ em
    Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn cho trẻ siêu âm bụng để xác định viêm ruột thừa.

    4. Chụp MRI hoặc CT

    Những xét nghiệm này giúp bác sĩ quan sát rõ hơn về ruột thừa và xem nó có bị viêm hay không. Nếu quá khẩn cấp và không thể chờ đợi, bác sĩ sẽ quyết định phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa ngay để tránh các biến chứng khác.

    Nếu bạn nghi ngờ con mình bị viêm ruột thừa, hãy đưa trẻ đến bác sĩ ngay lập tức. Không nên cho trẻ uống bất cứ loại thuốc kháng axít hoặc thuốc nhuận tràng. Điều này có thể làm vấn đề trở nên trầm trọng, thậm chí khiến ruột thừa bị vỡ.

    Ngăn ngừa viêm ruột thừa ở trẻ em như thế nào?

    Không có cách nào có thể ngăn ngừa viêm ruột thừa 100%. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết những người ăn nhiều trái cây và rau quả tươi, có hàm lượng chất xơ cao ít bị viêm ruột thừa. Ăn nhiều chất xơ sẽ giúp phân mềm ra, ít bị tắc nghẽn trong ruột thừa hơn.

    Điều trị viêm ruột thừa ở trẻ em

    1. Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa

    Cách điều trị thông thường nhất khi xác định được triệu chứng viêm ruột thừa ở trẻ em là phẫu thuật cắt bỏ. Nếu không được điều trị kịp thời, phần ruột thừa có thể bị vỡ, dẫn đến viêm phúc mạc, gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Nếu áp xe ruột thừa bị vỡ, chất lỏng và mủ cần phải được xử lý ngay.

    Ở trẻ nhỏ, khó chẩn đoán bị viêm ruột thừa. Trong khi đó, việc chẩn đoán ở người lớn khá dễ dàng. Do đó, có khoảng 30% trẻ bị viêm ruột thừa thường được điều trị khi ruột thừa đã bị vỡ.

    2. Thuốc kháng sinh

    Khi ruột thừa vừa có dấu hiệu bị viêm, đa số các bác sĩ đều cho rằng trẻ nên uống thuốc kháng sinh để điều trị trước khi nghĩ đến việc cắt bỏ. Do đó, sau khi chẩn đoán, bé sẽ không làm phẫu thuật sau 6 – 8 tuần. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy trẻ em có tỷ lệ hồi phục cao hơn người lớn và không bị nhiều biến chứng khi cắt bỏ ruột thừa trong vòng 24 giờ sau khi chẩn đoán.

    Điều gì sẽ xảy ra sau khi phẫu thuật viêm ruột thừa ở trẻ em?

    Sau khi trải qua phẫu thuật viêm ruột thừa, trẻ sẽ nằm viện từ 12 – 24 giờ nếu không có bất cứ biến chứng gì. Nếu bị vỡ ruột thừa, bé phải ở lại bệnh viện khoảng 5 – 7 ngày. Trong thời gian đó, trẻ sẽ phải dùng kháng sinh và thuốc tiêm tĩnh mạch để giảm đau.

    Ban đầu, trẻ chỉ ăn được thức ăn lỏng. Sau đó, bác sĩ sẽ cho phép trẻ ăn một số món khác. Các vết rạch được tạo ra trong quá trình phẫu thuật sẽ được băng lại.

    Nếu tiêu hóa bình thường, không sốt thì trẻ sẽ được xuất viện. Bạn nên cho trẻ nghỉ học vài ngày. Sau khi trải qua cuộc phẫu thuật, cơ thể bé sẽ cần thời gian để nghỉ ngơi. Sau khoảng 2 – 4 tuần, trẻ có thể bắt đầu tham gia các hoạt động thể thao trở lại.

    Một số phương pháp giúp hỗ trợ điều trị viêm ruột thừa ở nhà

    Có nhiều phương pháp giúp hỗ trợ điều trị viêm ruột thừa ở trẻ em ngay từ khi mới có các triệu chứng:

    1. Húng quế

    Nếu trẻ bị sốt do viêm ruột thừa, bạn hãy đun một ít lá húng quế, sau đó cho bé dùng. Phương pháp này sẽ giúp bé hạ sốt.

    2. Tỏi

    Tỏi có tính chống viêm, làm giảm sưng và giúp hỗ trợ chữa bệnh viêm ruột thừa. Bạn có thể làm trà tỏi cho bé bằng cách đun sôi vài tép tỏi với nước. Sau đó, cho thêm một ít mật ong để trẻ dễ uống hơn.

    3. Đậu xanh

    Bạn rửa sạch đậu xanh và ngâm trong nước qua đêm. Khi đã hấp thụ nước, đậu xanh sẽ nở ra và gần như nảy mầm. Có thể cho con ăn sống bằng cách trộn với một số rau củ khác thành món salad hoặc hấp chín. Ăn đậu xanh ngay khi có các triệu chứng viêm ruột thừa. Đậu xanh giàu dinh dưỡng và chứa các hợp chất chống viêm. Đậu nảy mầm có thể bảo quản từ 4 – 5 ngày.

    4. Nước cà rốt, củ dền và dưa chuột

    Bạn lấy 300ml nước ép cà rốt trộn với 100ml nước củ dền và nước dưa leo, cho trẻ uống 2 lần/ngày để hỗ trợ điều trị viêm ruột thừa.

    5. Nước chanh với mật ong

    Các bác sĩ cho rằng nước chanh và mật ong có thể ngăn ngừa chứng khó tiêu, một trong những nguyên nhân gây ra viêm ruột thừa. Do đó, nếu trẻ uống nước này thường xuyên có thể giúp hỗ trợ điều trị triệu chứng viêm ruột thừa ở trẻ em.

    6. Trái cây tươi và rau có màu xanh

    Táo bón là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây viêm ruột thừa. Bạn có thể ngăn ngừa táo bón bằng cách cho trẻ ăn nhiều trái cây tươi và rau có màu xanh. Hàm lượng chất xơ cao sẽ giúp làm mềm phân.

    7. Nước

    Cách tốt nhất để phòng ngừa táo bón và giải độc cơ thể là khuyến khích trẻ uống nhiều nước. Điều này giúp cho ruột thừa khỏe mạnh.

    8. Củ gừng và nghệ

    Gừng và nghệ đều có tính chống viêm và kháng khuẩn. Vì vậy, nếu trẻ bị viêm ruột thừa, hãy cho trẻ ăn hỗn hợp này để làm giảm chứng viêm và những cơn đau liên quan.

    9. Kẹo gừng

    Trẻ bị viêm ruột thừa thường có cảm giác buồn nôn và nôn. Bạn có thể giúp trẻ giảm triệu chứng buồn nôn bằng gừng. Gừng có tác dụng giảm đau, chống viêm. Cho trẻ ăn kẹo gừng mỗi ngày. Cách này sẽ dễ dàng hơn là bạn cho trẻ uống nước gừng hay ăn gừng miếng.

    Trên đây là những chia sẻ về các triệu chứng viêm ruột thừa ở trẻ em. Nếu được phát hiện sớm triệu chứng, việc điều trị cho trẻ sẽ trở nên dễ dàng hơn và bé sẽ không gặp nguy hiểm. Do đó, bố mẹ đừng quá chủ quan mà hãy thận trọng lưu ý nếu thấy con yêu tỏ ra khó chịu nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 20/08/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo