backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bệnh viêm phế quản ở trẻ em, nguyên nhân và cách điều trị

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Oanh · Ngày cập nhật: 27/08/2020

    Bệnh viêm phế quản ở trẻ em, nguyên nhân và cách điều trị

    Bệnh viêm phế quản ở trẻ em là một bệnh phổ biến ở các bé từ 6 tháng đến 3 tuổi. Bạn hãy trang bị kiến thức về căn bệnh này để có cách chữa trị và phòng ngừa sớm nhằm bảo vệ sức khỏe con yêu.

    Viêm phế quản ở trẻ em nếu không điều trị kịp thời và hiệu quả có thể dẫn đến viêm phổi hoặc viêm tai giữa. Trang bị những kiến thức cơ bản về căn bệnh này là cách để bạn giúp bé đề phòng và vượt qua bệnh dễ dàng hơn.

    Bệnh viêm phế quản ở trẻ em là gì?

    Viêm phế quản là một bệnh nhiễm trùng hoặc viêm các đường dẫn không khí lớn đến phổi. Các đường hô hấp này gọi là phế quản. Khi con bị cảm lạnh, đau họng, cảm cúm hoặc nhiễm trùng xoang mũi, virus gây bệnh có thể xâm nhập phế quản. Đây là nguyên nhân khiến đường hô hấp bị viêm, sưng lên và bị dịch nhầy làm tắc.

    Bệnh viêm phế quản ở trẻ em có thể là cấp tính hoặc mạn tính. Viêm phế quản mạn tính có thể kéo dài từ vài tháng tới nhiều năm, trong khi đó viêm phế quản cấp ở trẻ em thường diễn ra trong thời gian ngắn.

    Trẻ sơ sinh ít bị viêm phế quản, các bé lớn hơn thường mắc viêm tiểu phế quản. Viêm tiểu phế quản ở trẻ em xảy ra khi đường hô hấp trong phổi của bé bị đờm lấp đầy và sưng lên. Trong trường hợp này, nguyên nhân gây bệnh thường là virus hợp bào đường hô hấp (RSV).

    Sau khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh viêm phế quản ở trẻ em, thông thường phải đến khoảng từ 24 – 72 giờ, bé mới có các triệu chứng đầu tiên của bệnh.

    Nguyên nhân và triệu chứng viêm phế quản ở trẻ em

    Bệnh viêm phế quản ở trẻ em

    Nguyên nhân gây bệnh

    Viêm thanh khí phế quản thường do virus gây ra, thông thường nhất là do virus influenza. Trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi là nhóm tuổi thường rất dễ mắc bệnh này. Theo thống kê, các ca bệnh được phát hiện nhiều nhất ở những bé 1 tuổi.Viêm phế quản thường do virus gây ra, chẳng hạn như virus hợp bào hô hấp (Respiratory syncytial – RSV), virus parainfluenza (gây viêm đường hô hấp trên và dưới), sởi , virus adeno (gây co thắt phế quản, phổi dẫn đến hoại tử phổi) và cúm. Bé có thể bị nhiễm các virus này trong không khí, đồ chơi và các bề mặt khác.Ngoài virus là thủ phạm phổ biến nhất gây bệnh ở trẻ nhỏ thì tình trạng nhiễm khuẩn, dị ứng và việc hít phải khói thuốc lá, khói bụi… cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.

    Yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh

    Một số điều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh của trẻ là:

    • Độ tuổi: Trẻ từ 18 – 24 tháng nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
    • Trẻ em bị suy yếu hệ thống miễn dịch hoặc có cha mẹ bị hen suyễn.

    Triệu chứng viêm phế quản ở trẻ em

    Khi mắc bệnh, các triệu chứng viêm phế quản ở trẻ em thường là:

    • Ho
    • Thở rít trong thanh quản, khó thở
    • Giọng khàn
    • Sốt
    • Chảy nước mũi, nghẹt mũi
    • Phát ban
    • Mắt đỏ
    • Sưng hạch bạch huyết.

    Những triệu chứng này có thể là ở dạng nhẹ hoặc trầm trọng. Các triệu chứng thường có xu hướng nặng hơn vào ban đêm và kéo dài 1 – 2 ngày.

    Dù rằng bệnh viêm phế quản có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng tỷ lệ trẻ em mắc bệnh có xu hướng cao hơn. Bệnh thường phổ biến hơn khi giao mùa và thời tiết chuyển lạnh.

    Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

    Để chẩn đoán tình trạng bệnh của bé, bác sĩ sẽ dùng ống nghe để nghe phổi của bé. Bác sĩ cũng có thể đặt một thiết bị vào đầu ngón tay của bé nhằm đo lượng oxy trong máu hoặc tiến hành chụp X-quang ngực để phát hiện bệnh viêm phổi.

    Hãy đưa con đi bệnh viện ngay nếu bé có các dấu hiệu sau:

    • Các cơn ho trở nên tồi tệ hơn
    • Sốt cao  hơn 39°C
    • Thở khò khè, khó thở
    • Hít thở nhanh hơn bình thường
    • Ho ra máu
    • Bị chảy nước dãi hoặc có biểu hiện khó nuốt
    • Tỏ ra lo lắng, kích động
    • Mệt mỏi quá mức
    • Mũi, miệng hoặc móng tay chuyển màu xám hoặc xanh
    • Có dấu hiệu mất nước (môi, lưỡi khô), không đi tiểu trong nhiều giờ.

    Cách chữa viêm phế quản ở trẻ em

    Bệnh viêm phế quản ở trẻ em

    Việc điều trị viêm phế quản ở trẻ em phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu bé bị viêm phế quản do vi khuẩn gây bệnh, bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng sinh. Trường hợp bệnh do virus gây ra thì thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng gì. Bệnh viêm phế quản thường sẽ tự cải thiện trong 7 – 10 ngày. Dưới đây là một số mẹo để giảm bớt các triệu chứng trong thời gian chờ đợi bé hết bệnh:

    • Cho bé uống nhiều nước: Việc uống đủ nước sẽ giúp giảm bớt tình trạng đường hô hấp bị tắc nghẽn, giúp dễ ho, tống xuất đờm ra ngoài dễ dàng và ngăn ngừa mất nước.
    • Dùng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ của bé, đặc biệt nếu bạn sống ở nơi có bầu không khí khô. Không khí ẩm có thể giúp bé thở dễ dàng hơn. Bạn hãy làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất để giữ máy tạo độ ẩm một cách sạch sẽ. Khi bị nhiễm bẩn, thiết bị có thể làm lây lan vi trùng qua không khí. Nếu không có máy tạo độ ẩm, bạn hãy bế bé ngồi  trong phòng tắm và xả vòi sen nóng. Cho bé hít thở không khí nóng ẩm trong khoảng 10 – 15 phút sẽ giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.
    • Bạn có thể dùng nước muối sinh lý tự làm hoặc mua ngoài nhà thuốc để giúp bé giảm nghẹt mũi. Bạn chỉ cần nhỏ một hoặc hai giọt vào lỗ mũi bé, sau đó lấy khăn lau. Với những bé lớn hơn, hãy dạy bé cách để tự làm vệ sinh mũi.
    • Khuyến khích con nghỉ ngơi nhiều.
    • Kê đầu bé cao lên khi bé nằm chơi hoặc ngủ sẽ giúp dễ thở hơn.
    • Thời tiết lạnh, khói bụi có thể gây kích ứng đường hô hấp của bé. Do đó, bố mẹ nên giữ gìn phòng ốc sạch sẽ, ấm áp, giữ bé tránh xa khỏi những người hút thuốc để bé hồi phục nhanh hơn.
    • Để hạ sốt và giảm đau, bạn hãy cho bé uống thuốc acetaminophen hoặc ibuprofen với liều lượng thích hợp. Bạn không nên cho bé uống aspirin vì thuốc có thể làm bé mắc hội chứng Reye, một tình trạng hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong.
    • Đừng cho bé uống thuốc ho hay cảm lạnh không kê toa. Ho giúp tống xuất đờm khiến bé cảm thấy dễ chịu hơn và bệnh cũng nhanh khỏi hơn so với dùng thuốc.
    • Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị nên tránh cho trẻ sử dụng hầu hết các loại thuốc ho và cảm lạnh kết hợp. Một số nghiên cứu cho thấy rằng những loại thuốc này không có hiệu quả ở trẻ em. Tác dụng phụ mà chúng gây ra có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh. Các loại thuốc như Acetaminophen (Tylenol) và ibuprofen (MotrinAdvil) hữu ích cho việc giảm đau và sốt.
    • Cách tốt nhất để làm giảm ho do viêm phế quản là dùng mật ong. Bạn có thể cho bé uống một ít mật ong (uống trực tiếp hoặc pha với nước ấm). Mật ong có đặc tính kháng virus và kháng khuẩn nên có tác dụng làm dịu cổ họng. Ngoài ra, mật ong còn giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Mẹ không nên cho bé dưới 1 tuổi uống mật ong vì có thể gây ngộ độc thực phẩm.
    • Với những trường hợp nặng, bác sĩ có thể kê toa cho bé uống một loại thuốc uống cortisone (dexamethasone).
    • Nếu bé bị hen suyễn, bác sĩ có thể kê toa thuốc giãn phế quản để mở rộng đường hô hấp hoặc thuốc corticosteroid để giảm viêm.

    Hệ quả của bệnh viêm phế quản ở trẻ em

    Nhiều ca bệnh viêm phế quản ở trẻ em sẽ tự hết trong vòng 48 giờ. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh vẫn còn tồn tại sau đó khoảng 2 tuần.

    Rất hiếm có trường hợp trẻ tử vong bởi căn bệnh này. Một số tình trạng do biến chứng của bệnh viêm phế quản ở trẻ em có thể kể đến viêm phổi hoặc viêm tai giữa.

    Phòng ngừa các triệu chứng viêm phế quản ở trẻ em

    Viêm phế quản không lây nhiễm, nhưng tình trạng nhiễm trùng có thể dẫn đến viêm phế quản. Bạn có thể phòng bệnh cho bé bằng cách rửa tay thường xuyên khi chăm sóc bé, đảm bảo bé có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và ngủ đủ giấc. Khi bé được 6 tháng tuổi, việc tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm có thể giúp bé chống lại một số loại virus gây bệnh viêm phế quản. Tuy nhiên, quan trọng nhất là bạn hãy giữ cho bé tránh xa khói thuốc, khói bụi độc hại và những người đang bị bệnh.

    Qua các thông tin trên, hy vọng bạn có một cái nhìn rõ hơn về bệnh viêm phế quản ở trẻ em, từ đó có cách bảo vệ sức khỏe bé yêu hiệu quả.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoàng Oanh · Ngày cập nhật: 27/08/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo