backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi: Nguyên nhân và cách điều trị

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 04/01/2022

    Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi: Nguyên nhân và cách điều trị

    Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi, không ít lần làm cho bạn lo lắng. Đây là chứng bệnh phổ biến, thường gặp. Nếu chưa biết rõ nguyên nhân gây bệnh cũng như cách thức điều trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh hiệu quả, mời bạn cùng Hello Bacsi tham khảo bài viết này.

    Bố mẹ thường khó phát hiện trẻ nhỏ hơn 3 tuổi bị nghẹt mũi vì các triệu chứng không phải lúc nào cũng biểu hiện rõ ràng. Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi thường lại thường hay cảm lạnh vì đây thời gian cơ thể bé bắt đầu xây dựng khả năng miễn dịch với virus thông thường. Bên cạnh virus, còn một số nguyên nhân khác cũng có thể khiến bé bị nghẹt mũi.

    Tình trạng trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi là gì?

    Nghẹt mũi là tình trạng khoang mũi bị tắc nghẽn do dịch nhầy ngăn bít, làm hẹp đường di chuyển của không khí khiến việc hít thở trở nên khó khăn. Tình trạng này thường khiến trẻ cảm thấy khó chịu do ở độ tuổi này trẻ chưa học được cách thở bằng miệng. Tuy rằng trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi nhưng không chảy nước mũi vẫn có thể gặp rắc rối khi ngủ và ăn uống.

    Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi

    trẻ sơ sinh bị cảm cúm

    Trước khi bạn hoặc bác sĩ nhi khoa quyết định điều trị cho bé, bạn cần phải biết những nguyên nhân gây ra nghẹt mũi cho trẻ là gì. Nghẹt mũi xảy ra khi mạch máu và các mô trong khoang mũi bị lấp đầy bởi chất lỏng quá nhiều. Điều này có thể làm cho bé bị khó ngủ và dẫn đến các vấn đề nhiễm trùng xoang (viêm xoang). Trường hợp này vẫn có thể xảy ra sớm ở những trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị nghẹt mũi.

    Bệnh cảm thông thường là nguyên nhân chính gây nghẹt mũi ở trẻ mới biết đi. Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh gặp tình trạng này cũng có thể do một số vấn đề khác như:

    • Cảm cúm đôi khi có thể kèm theo biểu hiện sốt nhẹ hoặc biếng ăn
    • Dị ứng phấn hoa, bụi nhà hoặc một số món ăn
    • Viêm xoang
    • Thời tiết thay đổi hay độ ẩm không khí giảm
    • Chất gây kích thích như bụi, khói thuốc lá hoặc nước hoa
    • Các bệnh do virus (như cảm lạnh). Bố mẹ nên lưu ý trẻ có thể mắc bệnh này ngay cả khi thời tiết nóng bức. Một số trường hợp trẻ nô đùa trong phòng có điều hòa mà ra mồ hôi cũng dễ bị nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
    • Dị vật trong mũi. Tình huống này nếu không kịp thời phát hiện và xử lý, trẻ rất dễ bị ngạt, chảy máu mũi thậm chí đe dọa tính mạng
    • Ngạt mũi sơ sinh do nước nhầy bào thai chưa được lấy sạch khỏi đường hô hấp của trẻ. Do đó, có hiện tượng trẻ sơ sinh vừa về nhà đã bị nghẹt mũi

    Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi và những triệu chứng đi kèm

    Khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi, trẻ sẽ có một vài triệu chứng khác như:

    • Ho
    • Hắt hơi
    • Chảy nước mũi
    • Ngáy
    • Hơi thở nặng nề
    • Sốt (nếu trẻ mắc một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp).

    Cách chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh

    Nghẹt mũi tuy không quá nghiêm trọng nhưng có thể làm bé rất khó chịu nếu bị bệnh trong một khoảng thời gian lâu. Khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi, bạn hãy áp dụng những cách sau để chữa dứt điểm cho bé:

    1. Sử dụng máy/dụng cụ hút mũi

    Nếu tình trạng nghẹt mũi khiến con yêu cảm thấy khó chịu, hãy cân nhắc đến việc sử dụng máy hút mũi (Nasal Aspirator) để loại bỏ chất nhầy dư thừa. Trước khi hút, bạn dùng nước muối sinh lý nhỏ vào 2 mũi của con rồi chờ khoảng vài giây và đặt con nằm nghiêng sau đó bấm nút máy hút.

    Việc nhỏ nước muối sinh lý nhằm mục đích làm loãng dịch nhầy trong mũi, đồng thời vệ sinh sạch sẽ khu vực này để tránh cho tình trạng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn. Mẹ lưu ý không nên lạm dụng quá nhiều lần trong ngày vì có thể gây kích ứng niêm mạc mũi của trẻ.

    >>> Bạn có thể quan tâm: Hướng dẫn cách hút mũi cho trẻ sơ sinh bằng ống bơm

    2. Nhỏ nước muối sinh lý

    nhỏ nước muối sinh lý cho bé

    Nước muối sinh lý là giải pháp rẻ tiền, đơn giản nhưng hiệu quả cao trong việc điều trị chứng nghẹt mũi. Sản phẩm này có tác dụng loại bỏ dịch nhầy, làm sạch niêm mạc mũi giúp trẻ thở dễ dàng hơn.

    Mặc dù có thể tự pha chế tại nhà, nhưng để yên tâm nhất, các mẹ nên chọn mua nước muối sinh lý tại nhà thuốc. Mỗi lần dùng chỉ cần cho bé nằm ngửa rồi nhỏ nước muối vào hai bên hốc mũi của trẻ là được. Tần suất thực hiện phương pháp này nên là 3 lần/ngày để cho hiệu quả tốt nhất. Cũng như cách hút mũi, bạn không nên thực hiện quá nhiều vì nước muối sẽ làm khô dịch mũi của trẻ.

    3. Nâng đầu cao khi ngủ cho trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi

    Khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi, mẹ hãy dùng gối hoặc khăn để nâng cao đầu cho bé lúc ngủ. Việc này vừa có tác dụng giảm bớt triệu chứng khó chịu trên, lại còn giúp bé dễ chìm vào giấc ngủ hơn nữa đấy!

    4. Loại bỏ chất nhầy

    Chất nhầy có thể cứng lại thành một lớp vỏ xung quanh mũi của con. Bạn có thể lấy một miếng bông làm ẩm bằng nước ấm và nhẹ nhàng lau sạch chất nhầy.

    5. Xông hơi

    Đặt một bình phun nước mát hoặc máy tạo độ ẩm trong phòng sẽ giúp cải thiện tình trạng nghẹt mũi ở trẻ nhỏ rất nhiều. Không những thế, cách này còn giúp làm tăng độ ẩm không khí trong phòng.

    Bên cạnh đó, bạn có thể để bé tắm hơi cùng bạn, điều này cũng mang lại hiệu quả tương tự. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý phải thường xuyên lau chùi các thiết bị này vì chúng tiềm ẩn nguy cơ gây nấm mốc cực kỳ không tốt cho sức khỏe của hai mẹ con đâu nhé!

    6. Vỗ nhẹ lưng

    Vỗ nhẹ trên lưng có thể giúp trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi bớt tức ngực và dễ thở hơn. Bởi lẽ, thao tác này làm lỏng chất nhầy ứ đọng trong ngực bé. Có 2 cách để vỗ lưng như sau:

    • Cách 1. Đặt con nằm úp trên đầu gối của bạn và lấy tay nhẹ nhàng vỗ lưng;
    • Cách 2. Cũng vỗ tương tự như cách 1 nhưng đặt trẻ ngồi trên đùi và hướng phía trước khoảng 30°.

    >>> Bạn có thể quan tâm: 4 cách chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không dùng thuốc

    Khi nào bạn cần đưa trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi đi khám

    Các biện pháp trên sẽ giúp tình trạng nghẹt mũi ở trẻ nhỏ được cải thiện. Tuy nhiên, nếu trẻ có các triệu chứng sau, bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ ngay:

    • Thường xuyên sốt cao;
    • Chất nhầy trong mũi có màu xanh hoặc vàng;
    • Trẻ khó thở hoặc thở rất nhanh. Nếu trẻ dưới hai tuổi và thở hơn 45 lần một phút, bạn hãy đưa trẻ đến bác sĩ ngay;
    • Trẻ khó chịu ở tai, có nguy cơ nhiễm trùng;
    • Phát ban;
    • Nghẹt mũi cùng với sưng trán, mắt, mũi hoặc má;
    • Nghẹt mũi hơn 2 tuần trở lên;
    • Khó khăn khi ăn uống hoặc biếng ăn;
    • Con quấy khóc hay có biểu hiện đau đớn.

    Phòng ngừa nghẹt mũi ở trẻ nhỏ

    Một số mẹo nhỏ sau sẽ giúp bạn phòng ngừa chứng nghẹt mũi cho trẻ nhỏ:

    1. Giữ nhà cửa luôn sạch sẽ

    giữ nhà cửa sạch sẽ để tránh trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi

    Nếu bị dị ứng với một số chất nào đó, hãy để con yêu tránh xa các chất đó. Bạn cũng nên giữ  nhà cửa sạch sẽ bằng các cách như:

  • Không hút thuốc trong nhà
  • Giữ cho thảm sạch sẽ, không có bụi
  • Thường xuyên vệ sinh máy lạnh
  • Để thú cưng ở không gian khác không gần bé
  • Đóng cửa sổ nếu trẻ bị dị ứng với phấn hoa.
  • >>> Bạn có thể quan tâm: Bí quyết dọn nhà cực nhanh trong vòng 60 phút

    2. Bổ sung nước cho cơ thể

    Bổ sung nước thường xuyên sẽ giúp trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi cảm thấy dễ chịu. Bên cạnh đó, uống nhiều nước còn giúp khoang mũi đỡ bị tắc nghẽn.

    • Nên cho bé uống nước ấm.
    • Nếu không thích uống nước lọc, hãy thử cho bé uống nước trái cây hoặc súp.

    Những lưu ý khi chữa chứng nghẹt mũi ở trẻ nhỏ

    Thăm hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa trước khi thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng nghẹt mụi tại nhà cho trẻ sơ sinh. Đặc biệt, các mẹ lưu ý khi triệu chứng nghẹt mũi ở trẻ nhỏ đi kèm dấu hiệu nóng sốt cao (38 độ C), cần phải lập tức đưa trẻ đi khám ngay để được các bác sĩ chuyên khoa xử lý kịp thời.

    Qua những chia sẻ trên, bạn đã có thêm thông tin hữu ích về chứng nghẹt mũi ở trẻ nhỏ. Dù đây là một bệnh thường gặp và không nguy hiểm nhưng sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu nếu không điều trị sớm và triệt để.

    Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 04/01/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo