backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

11 dấu hiệu cho thấy bạn nên đưa trẻ đi kiểm tra thị lực

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 29/10/2020

    11 dấu hiệu cho thấy bạn nên đưa trẻ đi kiểm tra thị lực

    Kiểm tra thị lực hay đo thị lực là một phần quan trọng trong công cuộc chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là với trẻ em. Việc này giúp chẩn đoán và phát hiện ra sớm các vấn đề về mắt để có hướng điều trị kịp thời. Bạn nên đưa bé đến các bệnh viện mắt hoặc phòng khám chuyên khoa mắt có trang bị các dụng cụ, thiết bị giúp kiểm tra thị lực và chẩn đoán các vấn đề về mắt.

    Thời điểm tốt nhất để kiểm thị lực là trước khi bước vào năm học mới. Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu phải dành nhiều thời gian để đọc sách cũng như quan sát bài giảng trên lớp, bạn cần đảm bảo trẻ có được một đôi mắt sáng khỏe.

    Tuy nhiên, ngay cả khi trẻ được kiểm tra thị lực định kỳ hàng năm thì các vấn đề nhỏ về mắt vẫn có khi bị bỏ sót. Nếu các bậc phụ huynh nhận thấy trẻ có một trong số 11 dấu hiệu dưới đây, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhãn khoa ngay để phát hiện sớm các vấn đề về mắt.

    Các dấu hiệu cảnh báo trẻ cần kiểm tra thị lực sớm

    1. Nheo mắt

    Nheo mắt là dấu hiệu sớm và thường gặp cho thấy con đang gặp vấn đề về thị lực, cụ thể là cận thị hoặc viễn thị. Nếu trẻ bị cận thị hoặc viễn thị, chúng sẽ phải nheo mắt để nhìn rõ hơn. Hành động này giúp cải thiện tầm nhìn tạm thời nhưng về lâu dài, bạn cần đưa trẻ đến gặp các bác sĩ chuyên khoa mắt để được điều trị kịp thời. Các bác sĩ có thể chỉ định con phải đeo kính nếu xác định trẻ bị cận hoặc viễn thị. Việc không chịu đeo kính có thể khiến thị lực của trẻ trở nên tệ hơn. 

    2. Nghiêng hoặc xoay đầu để nhìn rõ hơn

    Trẻ em bị viễn thị, loạn thị hay nhược thị (khi một mắt bị giảm thị lực) có thể có những hành động nghiêng hay xoay đầu khi nhìn để cố gắng nhìn rõ hơn, giảm tình trạng nhìn đôi (song thị) và cân bằng cơ mắt hai bên.

    Các bác sĩ nhãn khoa cho biết, khi họ theo dõi tình trạng của những bệnh nhân bị viễn thị nặng, một hoặc cả hai con ngươi của họ có xu hướng đi vào trong (lác mắt). Tròng mắt dịch chuyển vào trong hay ra ngoài một cách bất thường đôi khi là dấu hiệu cho biết trẻ cần phải đeo kính. Ngoài ra, dấu hiệu này cũng có thể liên quan đến những vấn đề nghiêm trọng hơn (chẳng hạn như bệnh mắt tuyến giáp và hội chứng Duane). Do đó, bạn cần đưa trẻ đi thăm khám càng sớm càng tốt.

    3. Có xu hướng đưa các vật đến gần mắt

    Khi trẻ bắt đầu có thói quen ngồi gần tivi hơn hay đưa sách lên gần mắt để đọc, đó có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đã bị cận thị. Tật cận thị khiến trẻ bị giới hạn tầm nhìn, chúng chỉ có thể nhìn thấy rõ các vật ở gần mắt, còn những thứ ở xa sẽ mờ dần đi. Lúc này, trẻ cần đưa vật vào trong một phạm vi nhất định mới có thể nhìn thấy được. Khi con bạn có những dấu hiệu này, bạn cần đưa con đi kiểm tra thị lực và có những biện pháp giúp bảo vệ đôi mắt cho trẻ.

    4. Che bớt một mắt

    Trẻ mắc phải tật loạn thị sẽ rất khó khăn khi tập trung nhìn vào các vật ở trước mắt. Nếu thấy con bạn dùng tay che bớt một mắt khi đọc sách hay nhìn vào iPad thì khả năng cao là chúng đã mắc tật khúc xạ này.

    Lưu ý, hành động che một mắt cũng có thể là dấu hiệu của chứng lác mắt exotropia (một trong hai mắt đi về phía tai khiến khả năng cảm nhận chiều sâu giảm). Một trong những triệu chứng khác của căn bệnh này là nhạy cảm với ánh sáng.

    5. Dụi mắt liên tục

    Khi mắt bé phải điều tiết để nhìn rõ mọi thứ thì sẽ khiến các cơ mắt mệt mỏi, căng thẳng và làm trẻ phải dụi mắt nhiều hơn bình thường. Do đó, đây là một dấu hiệu cho thấy trẻ đang gặp các vấn đề về thị lực. Tuy nhiên, nhiều vấn đề về mắt khác cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ dụi mắt như viêm kết mạc dị ứng hay khô mắt… Vậy nên, bạn cần đưa trẻ đi khám mắt để tìm ra nguyên nhân chính xác.

    6. Thường xuyên bị nhức đầu hoặc đau mắt

    Trẻ mắc phải tật viễn thị mà không được điều trị thường bị đau mắt, đau phía trước đầu hoặc đau nhức vùng trán. Nguyên nhân là do chúng phải cố gắng điều chỉnh tầm nhìn để thấy rõ mọi thứ trước mắt. Nếu con cho biết bé thường xuyên bị nhức đầu hoặc đau mắt, bạn nên nghĩ đến khả năng trẻ đã bị các tật về mắt. Điều bạn nên làm lúc này là đưa trẻ đi kiểm tra thị lực để sử dụng đúng kính giúp điều chỉnh tầm nhìn của mắt.

    7. Gặp khó khăn khi đi học

    Một số vấn đề về thị lực khiến cho trẻ khó tập trung vào các bài giảng ở lớp. Ở trường học, trẻ em cần điều chỉnh khả năng tập trung của mắt vào nhiều đối tượng ở gần và xa một cách nhanh chóng. Thế nhưng, khi trẻ phải tốn nhiều thời gian để nhìn rõ chữ trên bảng hay đọc được sách thì sẽ làm giảm bớt khả năng tập trung vào những thứ khác như nghe giảng bài. Nếu thành tích học tập của con bạn bỗng dưng giảm sút hoặc bé than không nhìn rõ chữ trên bảng, hãy nghĩ đến khả năng thị lực của con đang có vấn đề.

    Để tránh ảnh hưởng đến quá trình học tập, bạn nên đưa con đi đo thị lực sớm, đồng thời khuyến khích trẻ thực hiện các thói quen giúp đôi mắt luôn khỏe mạnh.

    8. Chảy nước mắt

    Chảy nước mắt quá mức có liên quan đến một tình trạng được gọi là lagophthalmos ở những người khi ngủ mở mắt. Bởi vì mí mắt không thể khép lại hoàn toàn nên mắt bị khô và thường xuyên chảy nước mắt trong ngày.

    Ngoài ra, tình trạng chảy nước mắt đôi khi cũng là dấu hiệu cho thấy mắt của con bạn bị mỏi và đang phải làm việc quá sức. Nếu thấy dấu hiệu này, bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ nhãn khoa để được hướng dẫn điều trị.

    9. Dùng ngón tay chỉ vào chữ đang đọc

    Bé dùng tay chỉ vào chữ khi đọc

    Nhiều trẻ em có thói quen dùng ngón tay chỉ vào vị trí của chữ đang đọc, nhất là khi chúng mới tập đọc. Nhưng cần lưu ý là điều này cũng có khi là dấu hiệu của một vấn đề liên quan đến thị lực. Suy giảm thị lực hay nhược thị khiến cho trẻ cảm thấy các chữ/từ như nằm gần nhau hơn, gây khó khăn khi đọc và cần phải dùng tay chỉ vào để phân biệt các chữ.

    10. Va vào đồ vật xung quanh hoặc té ngã nhiều hơn bình thường

    Trẻ em chạy nhảy, nô đùa và va vào các đồ vật xung quanh hay té ngã là điều hết sức bình thường, nhất là ở giai đoạn đang tập đi. Thế nhưng, nếu các biểu hiện này diễn ra với tần suất nhiều hơn bình thường thì có khả năng trẻ đang gặp vấn đề về thị lực, khiến tầm nhìn của chúng bị hạn chế. Hãy đưa con đến gặp bác sĩ nhãn khoa ngay khi bạn cảm thấy có gì đó bất ổn ở trẻ.

    11. Đọc sách khó khăn

    Đọc sách vẫn còn là một kỹ năng khó với trẻ nhỏ nhưng với những đứa trẻ gặp vấn đề về thị lực thì việc này còn khó khăn hơn rất nhiều. Nếu bạn nhận thấy con mình hay thay đổi tư thế khi đọc sách, khó tập trung khi đọc hay thường đọc sót các dòng, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhãn khoa để được kiểm tra thị lực.

    Bạn nên cho trẻ đi kiểm tra thị lực ở đâu?

    Kiểm tra thị lực

    Nếu muốn cho trẻ đi kiểm tra thị lực, khám các bệnh liên quan đến mắt, bạn nên đưa con đến một trong các địa chỉ sau:

    1. Tại Hà Nội

    Bệnh viện Mắt Trung ương 

    85 Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Điện thoại: 024 3826 3966

    Bệnh viện mắt Hà Nội 2

    72 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội. Hotline 1800 1165

    Bệnh viện Mắt Việt Nhật

    122 Triệu Việt Vương, P. Bùi Thị Xuân, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội. Điện thoại: (04) 3974 8307 – 3974 8308  – Fax: (04) 3974 8309

    Bệnh viện Mắt Sài Gòn

    77 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội hoặc 532 đường Láng, Đống Đa, Hà Nội. Hotline: 1900 555 553

    Khoa Mắt – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

    1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội

    Khoa Mắt – Bệnh viện Bạch Mai

    78 Giải Phòng, Đống Đa, Hà Nội. Điện thoại: 04 6675 7346. Tầng 1 Khu nhà hành chính cũ, Bệnh viện Bạch Mai

    Khoa Mắt – Bệnh viện Hữu Nghị

    1 Trần Khánh Dư, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Điện thoại: 024 3972 2231 – 024 3972 2232.

    Khoa Mắt – Bệnh viện Nhi Trung Ương 

    8/879 La Thành, P. Láng Thượng, Q. Đống Đa, Hà Nội. Điện thoại: (84-024) 62738 669.

    2. Tại Thành phố Hồ Chí Minh

    Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh 

    280 Điện Biên Phủ, P. 7, Q. 3, TP. HCM. Điện thoại: 028 3932 5713

    Bệnh viện Mắt Sài Gòn

    100 Lê Thị Riêng, P. Bến Thành, Q. 1, TP. HCM; 473 Cách Mạng Tháng 8. Hotline: 1900 555 553.

    Khoa Mắt – Bệnh viện Trưng Vương 

    266 Lý Thường Kiệt, P. 14, Q. 10, TP. HCM. Điện thoại: (028) 5448 4949 – (028) 3865 6744

    Bệnh viện Mắt Việt Hàn 

    65 Ngô Gia Tự, P. 3, Q. 10, TP. HCM. Điện thoại: (028) 3830 0999

    Khoa Mắt – Bệnh viện Nhi Đồng 2 

    14 Lý Tự Trọng, P. Bến Nghé, Q. 1, TP. HCM. Điện thoại: (028) 3829 5723

    Khoa Mắt – Bệnh viện Nhi Đồng 1

    341 Sư Vạn Hạnh, P. 10, Q. 10, TP. HCM. Điện thoại: (028) 392 71119.

    Ngày nay, tỷ lệ trẻ em mắc các tật về mắt đang gia tăng đáng kể, đặc biệt là khi thiết bị điện tử ngày càng lan rộng. Các bậc phụ huynh nên cố gắng quan sát biểu hiện của con cháu mình khi chúng chơi thiết bị điện tử, đọc sách hay nhìn mọi thứ xung quanh.

    Khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhãn khoa ngay. Thêm vào đó, các mẹ cũng có thể giúp cải thiện tình trạng thị lực của con bằng cách bổ sung các thực phẩm tốt cho mắt vào chế độ ăn của trẻ, hạn chế để chúng tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá nhiều và đưa trẻ đi đo thị lực định kỳ để giữ cho đôi mắt luôn sáng khỏe. 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 29/10/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo