backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Thỏa sức đi du lịch hè 2023 với 12 mẹo chống say xe cho trẻ nhỏ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc · Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 31/05/2023

    Thỏa sức đi du lịch hè 2023 với 12 mẹo chống say xe cho trẻ nhỏ

    Hè đến là dịp để nhiều gia đình đi du lịch trải nghiệm, về thăm quê… Thế nhưng, nếu bị say xe, trẻ sẽ rất mệt mỏi, khó chịu, thậm chí là từ chối các chuyến đi. Vì vậy, bạn hãy trang bị những bí quyết chống say xe cho trẻ nhỏ để giúp bé tận hưởng trọn vẹn những chuyến đi.

    Mùa hè là dịp mà nhiều gia đình dẫn con đi chơi, thăm thú các nơi hay đi về quê bằng các phương tiện như máy bay, xe lửa, xe buýt, xe du lịch, tàu cao tốc…. Thế nhưng, nếu trẻ bị say xe và có các triệu chứng như chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn và nôn… việc phải bước lên các phương tiện giao thông và trải qua chuyến đi dài sẽ khiến trẻ rất mệt mỏi, không hứng thú.

    Vậy, bé bị say xe phải làm sao hay mẹo chống say xe cho bé là làm gì? Có nên dùng thuốc say xe cho trẻ hay không? Để bé cảm thấy thoải mái hơn trong suốt hành trình, bạn hãy áp dụng một số phương pháp chống say xe cho trẻ nhỏ của Hello Bacsi nhé.

    Vì sao trẻ bị say xe?

    Song song với việc đi tìm các mẹo hay cách chống say xe cho bé, các bậc cha mẹ cũng để tâm tìm hiểu nguyên nhân vì sao bé bị say xe.

    Say tàu xe là một tình trạng tương đối phổ biến, xảy ra khi não nhận được thông tin mâu thuẫn từ tai trong, mắt và dây thần kinh ở khớp và cơ. Điều này khiến hệ thần kinh trung ương nhận được các thông điệp mâu thuẫn, dẫn đến cảm giác say xe.

    Hãy tưởng tượng một đứa trẻ ngồi thấp ở ghế sau ô tô và không thể nhìn ra ngoài cửa sổ hoặc một đứa trẻ lớn hơn đang đọc sách hay chơi game trong ô tô. Lúc này, tai trong của trẻ sẽ cảm nhận được chuyển động, nhưng mắt và cơ thể của trẻ thì không. Kết quả là trẻ có thể bị buồn nôn, chóng mặt – đau đầu, đổ mồ hôi lạnh, mệt mỏi…

    Mách mẹ 12 mẹo chống say xe cho trẻ nhỏ

    cách chống say xe cho trẻ

    Cách chống say xe cho bé là làm gì hay thuốc say xe cho trẻ em hay cụ thể hơn là thuốc say xe cho trẻ em 3 tuổi, 5 tuổi là những thuốc nào… là những thắc mắc rất thường gặp của các bậc bố mẹ có con bị say xe. Hello Bacsi đã tổng hợp 12 cách chống say xe hữu ích cho trẻ ngay sau đây:

    1. Trẻ em bị say xe phải làm sao? Tránh ăn những món khó tiêu

    Một mẹo chống say xe cho bé mà các bậc cha mẹ cần nằm lòng là tránh cho trẻ ăn các món khó tiêu hay ăn quá nhiều. Nguyên do là bởi việc ăn thức ăn có dầu mỡ hoặc nhiều gia vị vì sẽ khiến dạ dày của bé gặp khó khăn trong việc tiêu hóa. Thay vào đó, khi đi du lịch, bạn hãy chuẩn bị những món dễ ăn và có mùi vị thanh đạm hơn như trái cây, bánh quy… Ngoài ra, bạn cũng đừng cho con ăn quá no trước khi lên xe, dạ dày quá đầy cũng khiến trẻ nhỏ dễ bị say xe.

    2. Hãy thực hiện chuyến đi vào ban đêm

    Một trong những mẹo chống say xe cho trẻ nhỏ là nếu có thể, bạn hãy thực hiện các chuyến đi vào ban đêm. Khi đó, trẻ nhỏ sẽ rơi vào giấc ngủ, đồng nghĩa với việc quên đi cảm giác say xe.

    3. Cách chống say xe cho trẻ nhỏ: Hãy cho trẻ ngồi cao hơn

    cách chống say xe cho trẻ: Cho ngồi ghế cao

    Bạn hãy cho trẻ ngồi cao hơn bằng ghế an toàn dành riêng cho trẻ em hoặc ghế nâng để chúng có thể nhìn thấy khung cảnh bên ngoài qua kính chắn gió.

    4. Đảm bảo sự lưu thông không khí

    Theo chia sẻ kinh nghiệm của nhiều bố mẹ có con bị say xe, việc đảm bảo không khí trong xe được lưu thông đầy đủ cũng có thể hạn chế nguy cơ trẻ bị say tàu xe. Do đó, lời khuyên là nếu phải di chuyển bằng xe lửa, bạn có thể cân nhắc chọn khoang ghế cứng thay vì toa có máy lạnh giường tầng. Với trường hợp di chuyển bằng ô tô riêng, cha mẹ cân nhắc việc hạ kính chắn gió (nếu cần). Việc hít thở không khí trong lành rất hữu ích để giúp trẻ không bị say xe.

    5. Cách chống say xe cho trẻ nhỏ: Giữ nhiệt độ trong xe ở mức hợp lý

    Theo chia sẻ của nhiều chuyên gia, nhiệt độ trong xe quá nóng hoặc quá lạnh có thể khiến trẻ bị say xe dữ dội hơn. Do đó, nếu di chuyển bằng xe của gia đình, bạn cần đảm bảo nhiệt độ trong xe ở mức phù hợp. Trường hợp di chuyển bằng phương tiện công cộng và trong xe quá lạnh, ngoài việc yêu cầu tài xế điều chỉnh nhiệt độ, bạn nên trang bị thêm trang phục phù hợp cho bé.

    6. Tránh ánh nắng chói chang

    Cân nhắc sử dụng các tấm dán có thể gắn vào cửa sổ xe để tránh ánh nắng gay gắt chiếu vào mắt trẻ. Ngoài ra, nếu chọn phương tiện công cộng không có tấm che nắng, bạn có thể khuyến khích trẻ dùng kính râm, đội mũ rộng vành để chống nắng. Điều này giúp con bớt mệt mỏi, hạn chế nguy cơ bị say xe.

    7. Khuyến khích con nhìn ra cửa sổ

    cách chống say xe cho trẻ

    Cách chống say xe cho bé đầu tiên là nếu trẻ thức hãy khuyến khích con nhìn ra cửa sổ. Khi con nhìn ra ngoài cửa sổ, tất cả các bộ phận cơ thể khác nhau của bé sẽ gửi cùng một thông điệp đến não của trẻ rằng trẻ đang di chuyển về phía trước. Điều này sẽ giúp bé giảm thiểu tình trạng say xe dữ dội hơn.

    8. Phân tán sự chú ý của bé

    Hello Bacsi mách nhỏ cha mẹ một mẹo chống say xe cho bé là hãy phân tán sự chú ý của trẻ. Việc bạn thường xuyên nói chuyện hoặc chơi trò chơi như hát, đố vui, trả lời nhanh sẽ giúp bé không còn “bận tâm” đến việc mình sẽ bị say xe hay sắp phải nôn ra.

    9. Cho bé ngậm gừng hay uống trà bạc hà

    Gừng là vị thuốc Đông y có khả năng chống say xe khá hiệu quả. Bạn có thể đem theo mứt gừng, kẹo gừng hoặc vài lát gừng tươi để bé ngậm những lúc con cảm thấy không khỏe. Tuy nhiên, trẻ dưới 2 tuổi được khuyên không nên sử dụng loại dược liệu này.

    Bên cạnh việc dùng gừng, bạn cũng có thể cho trẻ nhấm nháp kẹo bạc hà hoặc chút trà bạc hà. Tuy nhiên, nếu con bạn chưa từng dùng loại thức uống này, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhằm tránh nguy cơ trẻ bị dị ứng với bạc hà.

    10. Dùng thuốc chống say xe chứa dramamine

    thuốc chống say xe cho trẻ nhỏ

    Có nên dùng thuốc say xe cho trẻ em hay cụ thể là dùng thuốc say xe cho trẻ em 2 tuổi, 3 tuổi hay 5 tuổi là thuốc gì?

    Theo ý kiến của một số chuyên gia, cha mẹ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ hay dược sĩ về việc dùng thuốc chống say xe cho trẻ nhỏ. Bạn có thể cho trẻ uống thuốc có chứa dramamine để chuyến đi diễn ra nhẹ nhàng. Thuốc có tác dụng chống buồn nôn và được sử dụng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên và cần cho trẻ uống trước khi lên xe khoảng 1 giờ. Tuy nhiên, bạn nên chú ý liều lượng khi cho con uống:

    • Trẻ em từ 2 – 6 tuổi: Cho trẻ uống 12,5mg mỗi 6 giờ một lần và liều dùng không vượt quá 75mg trong khoảng thời gian 24 giờ.
    • Trẻ em từ 6 – 12 tuổi: Cho trẻ uống từ 12 – 25mg sau mỗi 6 giờ, liều dùng không vượt quá 150mg trong khoảng thời gian 24 giờ.

    11. Bé bị say xe phải làm sao? Cho con uống benadryl

    Trẻ em say xe uống thuốc gì? Benadryl (diphenhydramine) với hàm lượng mỗi 5 ml (1 muỗng cà phê) tương đương 12,5 mg diphenhydramine có thể dùng cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên để chống say xe cho trẻ nhỏ. Đây là một loại thuốc kháng histamin giúp cơ thể chống lại cảm giác buồn nôn, từ đó phòng ngừa tình trạng bé bị say xe. Thuốc chống say xe trẻ em này cũng gây buồn ngủ có thể giúp bé chợp mắt khi đang ngồi trên xe. Hãy cho bé uống benadryl 1 giờ trước khi bắt đầu cuộc hành trình. Thuốc được dùng dựa trên cân nặng của trẻ:

    • Trẻ nặng từ 20 – 24kg: 3/4 thìa cà phê
    • Trẻ nặng từ 25 – 37kg: 1 thìa cà phê
    • Trẻ nặng từ 38 – 49kg: 1,5 thìa cà phê
    • Trẻ nặng hơn 50kg: 2 thìa cà phê

    12. Xuống xe ở các điểm dừng

    Trường hợp di chuyển bằng xe cá nhân và trẻ bắt đầu bị say xe, hãy dừng xe càng sớm càng tốt và để con bạn xuống xe đi lại trong chốc lát, hít thở không khí trong lành hoặc nằm ngửa, nhắm nghiền mắt trong vài phút. Việc đặt khăn mát hoặc khăn ấm lên trán của con bạn cũng có thể hữu ích.

    Trường hợp di chuyển bằng phương tiện công cộng, ngoài việc chườm mát hay chườm nóng cho bé, bạn hãy khuyến khích con xuống xe mỗi khi xe đi vệ sinh, đi bộ loanh quanh mỗi khi đến điểm dừng.

    Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được 12 cách chống say xe cho trẻ nhỏ, từ đó giải đáp cho bạn thắc mắc trẻ em bị say xe phải làm sao, giúp bé có những chuyến du lịch tuyệt vời bên gia đình.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

    Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


    Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 31/05/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo