backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Bệnh quai bị ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc · Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 28/06/2023

    Bệnh quai bị ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

    Không như người lớn, bệnh quai bị ở trẻ em thường nhẹ và ít biến chứng. Song không vì thế mà bạn chủ quan không phòng bệnh cho con hoặc chăm sóc con đúng cách khi bé mắc bệnh này.

    Bệnh quai bị hiện chưa có thuốc điều trị, tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể giảm nhẹ triệu chứng của bệnh bằng việc chăm con đúng cách. Nếu không kịp thời nhận biết và điều trị quai bị cho trẻ em sai cách, bé có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm. Hãy tham khảo bài viết sau của Hello Bacsi để biết cách phòng tránh lây nhiễm và chăm sóc khi trẻ em bị bệnh quai bị.

    Bệnh quai bị ở trẻ em là gì?

    Quai bị ở trẻ em (còn gọi là bệnh viêm tuyến mang tai dịch tễ hay viêm tuyến mang tai do virus quai bị) là một bệnh truyền nhiễm do virus quai bị gây ra. Đây là căn bệnh phổ biến, gây hoang mang trên toàn thế giới cho đến khi vắc xin quai bị được tìm ra vào năm 1967.

    Bệnh quai bị làm sưng đau ở tuyến nước bọt mang tai. Những tuyến này nằm ở hai bên mặt, trước tai và dưới gò má, tức là vùng nằm giữa tai và hàm. Mặc dù trẻ bị quai bị thường ít gặp phải những biểu hiện nghiêm trọng, nhưng hầu hết các bé mắc bệnh đều cảm thấy đau ở khu vực này.

    Quai bị phổ biến ở trẻ em từ 2 tuổi và thanh thiếu niên, ít xảy ra ở những bé dưới 2 tuổi. Theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ giới. Tần suất mắc bệnh quai bị cũng tăng dần theo độ tuổi, nhất là ở độ tuổi từ 10-19.

    Thông thường, khi trẻ mắc bệnh quai bị, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể chống lại virus này suốt đời. Do đó, hầu hết trẻ em chỉ bị quai bị một lần trong đời. Trong một số trường hợp, khi thấy trẻ bị sưng tuyến nước bọt, cha mẹ hay lầm tưởng rằng bé bị mắc quai bị lần nữa, nhưng thực chất, có rất nhiều dạng nhiễm trùng khác gây sưng tuyến mang tai.

    Ở Việt Nam, bệnh quai bị ở trẻ em có thể xảy ra quanh năm, nhưng phổ biến hơn cả vào mùa thu – đông. Trong đó, những vùng đông dân, khu vực Tây Nguyên và các tỉnh miền Bắc có tỷ lệ mắc bệnh quai bị cao hơn cả.

    Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

    Bệnh quai bị ở trẻ em gây ra bởi virus quai bị (Mumps virus) thuộc nhóm Paramyxovirus. Loại virus này có thể tồn tại khá lâu ở môi trường ngoài cơ thể:

    • Với môi trường có nhiệt độ từ 15-20 độ C: Virus quai bị có thể tồn tại khoảng 30-60 ngày.
    • Với môi trường có nhiệt độ từ -25 đến -70 độ C: Virus quai bị có thể tồn tại khoảng 1-2 năm.

    Nghiên cứu cho thấy, trẻ em chưa được tiêm phòng bệnh quai bị sinh sống gần những người mắc bệnh quai bị thường có nguy cơ cao nhiễm căn bệnh này. Vì vậy, cha mẹ cần chủ động phòng ngừa và tiêm vắc xin cho trẻ.

    Triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em

    Triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em

    Các dấu hiệu trẻ bị quai bị thường xuất hiện trong khoảng 2 tuần sau khi trẻ nhiễm Mumps virus. Những triệu chứng quai bị ở trẻ em khá giống với biểu hiện của cảm cúm thông thường, bao gồm:

    • Sốt nhẹ trong 1-2 ngày đầu
    • Sốt cao trên 38 độ C trong 3-4 ngày
    • Mệt mỏi
    • Khó chịu
    • Ớn lạnh, sợ gió
    • Đau cơ
    • Đau đầu
    • Đau họng, đau góc hàm
    • Đau khi nhai, nói chuyện hay nuốt nước miếng
    • Tiết nước bọt nhiều
    • Sưng đau tuyến nước bọt mang tai
    • Sưng má ở một hoặc hai bên
    • Nhức tai
    • Ho, sổ mũi
    • Biếng ăn

    Khi sưng tuyến nước bọt, bé bị quai bị có nguy cơ truyền virus cho người khác qua tiếp xúc thông thường. Tuyến nước bọt sẽ sưng và đau định kỳ hoặc khi vị giác bị kích thích.

    Phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh đều có biểu hiện quai bị ở trẻ em cụ thể. Tuy nhiên, khoảng 1/3 bệnh nhi sẽ không có triệu chứng quai bị ở trẻ em, hoặc có những dấu hiệu trẻ bị quai bị rất nhẹ.

    Biến chứng của bệnh quai bị ở trẻ em

    Trẻ bị quai bị có nguy hiểm không? Thực chất, bệnh quai bị ở trẻ em thường nhẹ và các biến chứng của quai bị tương đối hiếm. Nhưng nếu bé không được điều trị đúng cách, bệnh quai bị ở trẻ em có thể ảnh hưởng lâu dài đến tuổi trưởng thành, gây viêm nhiễm những bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả não và hệ sinh sản:

    • Mất thính giác, điếc: Nếu mắc bệnh khi còn nhỏ, trẻ có thể bị điếc. Tỷ lệ trẻ gặp biến chứng này là 1/200.000 trẻ bị nhiễm bệnh.
    • Có vấn đề về não bộ: Quai bị có thể tấn công hệ thống thần kinh trung ương, gia tăng nguy cơ viêm màng não, viêm não hoặc dị tật tiểu não (gây ra các vấn đề phối hợp vận động). Các biến chứng hệ thần kinh từ quai bị thường gặp hơn ở người lớn nhưng cũng có thể xảy ra ở trẻ em.
    • Ảnh hưởng hệ sinh sản: Bệnh bệnh quai bị ở trẻ em có thể gây ra viêm màng tinh hoàn ở 4/10 bé trai và nam giới trưởng thành. Bệnh này phổ biến hơn sau tuổi dậy thì và có thể gây đau trong một vài tuần kèm triệu chứng sưng, đau, buồn nôn, nôn và sốt. Viêm tinh hoàn không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
    • Viêm tụy cấp: Trẻ bị quai bị có nguy cơ bị viêm tụy cấp vào tuần thứ hai (từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 10). Lúc này, tình trạng sưng tuyến mang tai đã giảm. Triệu chứng viêm tụy cấp do quai bị ở trẻ em thường là sốt trở lại, đau thượng vị, đầy bụng, chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy…
    • Một số biến chứng khác: Các biến chứng như tổn thương gan, thận, cơ tim… không thường gặp ở trẻ em.

    Chẩn đoán quai bị ở trẻ

    Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh quai bị ở trẻ em thông qua thăm khám các triệu chứng lâm sàng. Do đó, nếu trẻ bắt đầu có biểu hiện của bệnh quai bị, cha mẹ cần ghi nhớ các triệu chứng để cung cấp cho bác sĩ. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ hỏi thêm về bệnh sử của trẻ để chẩn đoán đúng hơn.

    Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu bạn cho trẻ làm xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm dịch lấy từ mũi, cổ họng của bé để việc chẩn đoán chính xác hơn.

    Điều trị bệnh quai bị ở trẻ em

    điều trị quai bị ở trẻ em

    Hiện nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị cho bệnh quai bị ở trẻ em. Vì quai bị là một bệnh do virus gây ra nên kháng sinh sẽ vô hiệu và không được sử dụng. Việc điều trị quai bị cho trẻ em sẽ dựa vào các triệu chứng của bệnh, độ tuổi và tiền sử bệnh của bé, mức độ nghiêm trọng và tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ:

  • Cho bé uống thuốc hạ sốt: Nhiều người thắc mắc trẻ bị quai bị uống thuốc gì? Nếu trẻ sốt cao, đau nhức cơ, đau tuyến mang tai… phụ huynh có thể cho bé dùng thuốc hạ sốt (acetaminophen hoặc ibuprofen). Lưu ý không cho trẻ uống aspirin (axit acetylsalicylic). Hỏi ý kiến bác sĩ để biết về liệu lượng và cách uống đúng.
  • Để bé nghỉ ngơi: Khi bị quai bị, trẻ thường cảm thấy mệt mỏi. Do đó, cha mẹ cần cho bé nghỉ ngơi nhiều để nhanh hồi phục.
  • Bù nước: Sốt cao có thể gây mất nước. Cha mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước và dung dịch điện giải.
  • Vệ sinh mũi miệng sạch sẽ: Trẻ bị quai bị phải làm sao? Đánh răng, súc miệng và rửa mũi bằng nước muối sinh lý có thể ngăn chặn virus sinh sôi, phát triển.
  • Cho bé ăn thức ăn dễ nhai nuốt: Bệnh quai bị ở trẻ em thường gây đau hàm, khó nhai, đau khi nuốt. Vì vậy, bạn cần cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu hóa, dễ nhai nuốt như cháo súp. Tuy nhiên, cần đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho con, và tránh cho bé ăn món kích thích vị giác.
  • Hạn chế cho trẻ vận động mạnh: Khi bệnh chưa khỏi hoàn toàn, phụ huynh không nên cho bé vận động mạnh, chạy nhảy, đặc biệt là bé trai. Nếu không, trẻ có nguy cơ gặp phải biến chứng ở tinh hoàn, khiến trẻ bị vô sinh.
  • Đưa trẻ đi khám: Nếu bé bị quai bị có dấu hiệu bị viêm tinh hoàn hoặc viêm buồng trứng, cha mẹ cần đưa con đi khám để kịp thời chăm sóc và điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm.
  • Bệnh quai bị ở trẻ em thường sẽ khỏi sau khoảng 10-12 ngày kể từ khi phát bệnh nếu trẻ được chăm sóc và điều trị đúng cách. Lúc này, tuyến nước bọt của trẻ sẽ không còn sưng và đau nữa. Tuy nhiên, vì thời điểm tuyến nước bọt ở hai bên sưng lên khác nhau, nên một bên tuyến nước bọt sẽ giảm sưng trước bên còn lại.

    Phòng ngừa bệnh quai bị ở trẻ em

    Bệnh quai bị ở trẻ em có thể được phòng ngừa bằng vắc xin. Hiện nay, chưa có vắc xin dành riêng cho bệnh quai bị. Tuy nhiên, vẫn có một loại vắc xin tích hợp có thể ngừa bệnh này cho trẻ: vắc xin MMR phòng ngừa sởi – quai bị – rubella.

    Thông thường, vắc xin MMR được tiêm ngừa cho bé từ 12 – 15 tháng tuổi. Liều thứ 2 của vắc xin MMR sẽ tiêm khi bé được 4 – 6 tuổi. Tuy nhiên, đôi khi loại vắc xin này sẽ được tiêm mà không cần tuân theo lịch tiêm chủng. Điều này thường xảy ra trong trường hợp khi bùng nổ bệnh sởi. Lúc này, bác sĩ sẽ đề nghị tiêm một liều vắc xin MMR bổ sung khi bé trong độ tuổi từ 1 – 4 tuổi. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa để biết được thông tin mới nhất.

    Bên cạnh đó, virus gây bệnh quai bị có thể bị tiêu diệt khi nhiệt độ môi trường trên 56 độ C, hoặc dưới tác động của ánh sáng mặt trời, tia tử ngoại, các dung dịch khử khuẩn… Do đó, để phòng ngừa bệnh quai bị ở trẻ em, cha mẹ nên:

    • Rèn luyện cho trẻ thói quen rửa tay với xà phòng, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
    • Tắm rửa cho bé mỗi ngày.
    • Dọn dẹp không gian sống thường xuyên.
    • Khử khuẩn đồ chơi của bé định kỳ.
    • Không để bé tiếp xúc với bệnh nhân quai bị hoặc người có nguy cơ mắc bệnh.
    • Không cho trẻ dùng chung vật dụng cá nhân (ly, chén, muỗng, khăn…) với người khác.
    • Không cho con đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

    Câu hỏi thường gặp về bệnh quai bị ở trẻ em

    Chăm sóc trẻ bị bệnh quai bị

    1. Bố mẹ cần làm gì khi bé bị mắc quai bị?

    Khi trẻ bị quai bị, cha mẹ nên tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Việc chăm sóc và điều trị đúng cách sẽ giúp bé nhanh khỏi bệnh, tránh để lại di chứng.

    Do đó, phụ huynh nên tham khảo một số mẹo chữa quai bị ở trẻ em sau đây để giúp con cảm thấy dễ chịu hơn

    • Chườm ấm cho bé khi trẻ sốt cao.
    • Chườm đá gián tiếp ở mang tai nếu trẻ bị sưng đau tuyến nước bọt dữ dội.
    • Bổ sung nước và bù dịch cho bé.
    • Ưu tiên cho trẻ ăn thức ăn nhẹ như súp, sữa chua và những loại thực phẩm không cần nhai, vì động tác nhai có thể khiến bé thấy đau do tuyến nước bọt đang sưng.
    • Không cho con dùng các loại thức ăn và nước uống chứa axit.
    • Không cho bé tiếp xúc với mọi người, đặc biệt là trẻ em và trẻ sơ sinh, để tránh lây bệnh cho người khác.

    2. Bệnh quai bị ở trẻ em có lây không?

    Bệnh quai bị rất dễ lây lan qua đường tiếp xúc thông thường khi trong không khí có virus gây bệnh. Virus quai bị theo những giọt dịch nhỏ xíu từ miệng và mũi của người bệnh khi hắt hơi, ho, thậm chí là khi nói cười, và truyền trực tiếp qua người tiếp xúc.

    Ngoài ra virus còn có thể lây qua các bề mặt như tay nắm cửa, dụng cụ ăn uống, đồ chơi, khăn tắm… Loại virus này có thể lây nhiễm vào nhiều bộ phận của cơ thể, đặc biệt là ở tuyến nước bọt mang tai.

    Người mắc quai bị thường dễ lây cho người khác, đặc biệt là từ 1 – 2 ngày trước khi các tuyến nước bọt bắt đầu sưng lên đến tận 6 ngày sau khi hết bệnh. Nếu trẻ bị quai bị, hãy giữ bé tránh xa những người khác, nhất là từ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cho đến khi bệnh không còn nguy cơ lây nhiễm. Ngược lại, cha mẹ cũng không nên cho bé tiếp xúc với người bị quai bị. Người nhiễm virus quai bị có thể không có bất kì triệu chứng nào.

    3. Khi nào bạn nên cho trẻ mắc bệnh quai bị đi khám?

    Hầu hết trẻ bị quai bị có thể khỏi bệnh bằng cách chăm sóc và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, cha mẹ hãy đưa bé đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám nếu con có những triệu chứng bất thường sau:

    • Bé sốt cao hơn 3 ngày và không có dấu hiệu hạ sốt sau khi đã uống thuốc hạ sốt
    • Tuyến nước bọt sưng kéo dài hơn 7 ngày (trong nhiều trường hợp, bên mang tai còn lại sẽ sưng sau một hai ngày)
    • Bé có biểu hiện sưng, đau đớn hơn.
    • Bé có hành vi và biểu hiện thể chất không bình thường
    • Bị co giật
    • Bỏ ăn, uống
    • Có biểu hiện mất nước.
    • Ngủ li bì, khó đánh thức
    • Trẻ có biểu hiện viêm tinh hoàn: sưng, đau vùng bìu…

    Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về bệnh quai bị ở trẻ em, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có được phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất cho con nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

    Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


    Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 28/06/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo