backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bệnh động kinh ở trẻ em có nguy hiểm không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 08/09/2020

    Bệnh động kinh ở trẻ em có nguy hiểm không?

    Tuy bệnh động kinh ở trẻ em mới nghe qua có thể đáng sợ nhưng tình trạng này chỉ kéo dài dưới 2 phút và tự biến mất ngay sau đó. Vì vậy, động kinh ở trẻ em ít nguy hiểm đến tính mạng.

    Một cơn động kinh xảy ra khi các tế bào thần kinh trong não phát ra các tín hiệu điện đột ngột, quá mức và không kiểm soát. Dòng điện trong não phải làm việc liên tục. Nếu có sự cố xảy ra với hoạt động này, con có khả năng gặp phải cơn co giật.

    Chẩn đoán động kinh ở trẻ em

    Chẩn đoán động kinh ở trẻ em từ những lần đầu tiên có thể khó khăn. Các cơn co giật kết thúc quá nhanh đến nỗi bác sĩ đôi khi không thể chứng kiến toàn bộ quá trình. Do vậy, điều họ cần làm là loại trừ các tình trạng khác, chẳng hạn như co giật không nhiễm trùng. Động kinh có thể giống co giật, nhưng thường được gây ra bởi các yếu tố khác như đường huyết trong máu giảm hoặc huyết áp thấp, thay đổi nhịp tim hoặc cảm xúc căng thẳng.

    Mặt khác, hành động mô tả của bạn về cơn động kinh ở trẻ em cũng hết sức quan trọng để giúp bác sĩ chẩn đoán. Bố mẹ cũng nên xem xét thu thập thêm thông tin từ các thành viên trong gia đình bởi đôi lúc họ sẽ chứng kiến những biểu hiện khác lạ từ bé trong lúc bạn không chú ý.

    Ngoài ra, bạn có thể sử dụng điện thoại quay hình lại những lúc bé lên cơn động kinh. Tuy điều này có thể khiến nhiều bố mẹ phản đối do khi con lên cơn động kinh, bố mẹ rất lo lắng và tìm cách để xử lý giúp giảm nhẹ tình trạng này của con nên không thể quay phim được, nhưng đoạn clip quay cảnh này có khả năng giúp bác sĩ rất nhiều trong việc chẩn đoán bệnh cho con chính xác hơn.

    chẩn đoán bệnh động kinh ở trẻ em

    Một số loại động kinh, chẳng hạn như động kinh vắng ý thức, khó nhận diện vì có thể bị nhầm lẫn với tình trạng mơ màng. Người lớn thậm chí có thể phớt lờ tình trạng này trong nhiều năm. Còn một cơn động kinh dữ dội bao gồm các hành động như co giật và co cứng rất dễ nhận ra vì trẻ sẽ có những biểu hiện rõ ràng.

    Bác sĩ cho biết bạn không nên lo lắng nếu trẻ nhỏ nhìn chằm chằm vào tivi hoặc nhìn ra ngoài cửa sổ. Hầu hết những trẻ nhỏ trông như đang mơ màng lại thật sự đang đắm chìm vào thế giới tưởng tượng của riêng mình. Thay vào đó, hãy theo dõi các biểu hiện xuất hiện vào những thời điểm không phù hợp, chẳng hạn như khi con bạn đang nói hoặc làm gì đó và đột nhiên dừng lại.

    Các loại động kinh khác, chẳng hạn như động kinh cục bộ phức tạp hoặc động kinh cục bộ đơn thuần có thể bị nhầm lẫn với các tình trạng khác nhau, gồm:

    • Chứng đau nửa đầu
    • Bệnh tâm lý
    • Nhiễm độc ma túy hoặc rượu.

    Xét nghiệm là một phần quan trọng trong chẩn đoán động kinh ở trẻ em. Bác sĩ có thể sẽ cho bé làm một bài kiểm tra thể chất và xét nghiệm máu kèm theo các phương án như điện não đồ để kiểm tra hoạt động điện trong não.

    Làm gì khi con lên cơn động kinh?

    Khi bé xuất hiện tình trạng động kinh, đầu tiên bạn hãy chắc chắn rằng con yêu đang ở một không gian an toàn, ít vật dụng xung quanh. Tiếp theo, bạn nên:

    • Cho bé nằm xuống sàn nhà
    • Không nên kiềm chế cử động của bé
    • Nới lỏng quần áo ở khu vực cổ hoặc đầu
    • Đừng cố mở miệng trẻ hoặc đặt một vật vào giữa răng con.

    Nhiều bố mẹ có suy nghĩ rằng cho bé ngậm khăn hoặc cạy miệng con ra sẽ giúp ngăn ngừa hành động cắn lưỡi nhưng thực ra biện pháp này lại có thể khiến con yêu bị ngạt thở. Lượng máu chảy ra do bị cắn lưỡi không nhiều cũng như không gây nguy hiểm đến tính mạng.

    Sau khi cơn động kinh đã qua đi, trẻ thường rất bối rối và mệt mỏi. Đôi lúc bé rơi vào một giấc ngủ sâu và ngủ trong vài giờ, bạn hãy để trẻ được nghỉ ngơi đầy đủ. Ngoài ra, hãy kiểm tra tình trạng của con thường xuyên cho đến khi mọi thứ trở lại bình thường.

    Khi nào nên đưa con đến bác sĩ?

    Bệnh động kinh ở trẻ em có nguy hiểm không?

    Bạn phải đưa trẻ đến phòng cấp cứu ngay nếu bé:

    • Gặp khó khăn khi thở
    • Cơn co giật kéo dài hơn 5 phút
    • Bé tỏ ra đau đớn trong khi co giật
    • Không phản ứng lại những lời gọi của bố mẹ sau khi trải qua cơn co giật khoảng 30 phút.

    Hầu hết các cơn co giật do động kinh ở trẻ kéo dài ít hơn 2 phút. Nếu một cơn động kinh đang tiếp diễn sau 5 phút thì nó có thể không tự dừng lại. Trẻ nhỏ thường không có bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào về hô hấp khi bị co giật dù miệng của bé trông có vẻ xanh xao.

    Hiện tượng miệng xanh xao khá phổ biến và không phải là một dấu hiệu nghiêm trọng. Các bác sĩ đã giải thích rằng trong cơn động kinh, bộ não phải làm việc vất vả và cần nhiều oxy hơn. Cơ thể sẽ lấy một ít oxy từ khu vực xung quanh miệng để gửi đến não, từ đó gây ra hiện tượng xanh xao.

    Có thể ngăn cơn động kinh ở trẻ em không?

    Như Hello Bacsi đã đề cập ở trên, hầu hết các cơn co giật kéo dài ít hơn 2 phút. Nếu bé phải chịu đựng tình trạng này từ 5 phút trở lên thì bạn cần giúp con để dừng cơn động kinh lại. Cách duy nhất để thực hiện việc này là cho con dùng thuốc. Thêm vào đó, các biện pháp như ôm bé hay trò chuyện thực sự không giúp ích nhiều.

    Trong cơn động kinh, con bạn không thể uống thuốc bằng miệng mà cần phải được truyền thuốc theo hình thức tiêm tĩnh mạch hoặc thông qua trực tràng và mũi, nơi thuốc sẽ được hấp thụ qua màng nhầy. Các loại thuốc phổ biến được sử dụng để ngăn chặn cơn động kinh là diazepam (Valium®), lorazepam (Ativan®) và midazolam (Versed®). Vì vậy, nếu con thường có những cơn động kinh, bạn nên trao đổi kỹ với bác sĩ về loại thuốc nên dùng trong trường hợp này nhé.

    Động kinh ở trẻ em có gây tử vong không?

    Hầu hết trẻ bị động kinh sẽ sống trọn vẹn và lâu dài. Tuy nhiên, dù rất hiếm nhưng vẫn có trường hợp trẻ nhỏ tử vong khi:

    • Cơn động kinh rất dài (60 phút hoặc lâu hơn)
    • Chấn thương hoặc chết đuối trong cơn động kinh
    • Đột tử không giải thích được trong bệnh động kinh (SUDEP).

    Cho đến hiện tại, đột tử khi động kinh vẫn chưa được tìm hiểu rõ ràng nhưng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bé mắc phải hiện tượng này, ví dụ:

    • Rối loạn phát triển
    • Ngừng thuốc đột ngột
    • Co giật không kiểm soát được
    • Bố mẹ không cho bé uống thuốc thường xuyên
    • Dùng nhiều loại thuốc chữa động kinh khác nhau.

    Cách tốt nhất để giữ con bạn an toàn khỏi chấn thương và đột tử khi động kinh là sử dụng các biện pháp phòng ngừa động kinh, đảm bảo bé được uống thuốc thường xuyên và làm theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

    Phương Uyên/HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 08/09/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo