backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Cột mốc phát triển khi con tập cầm nắm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Đăng Lâm · Ngày cập nhật: 27/08/2020

    Cột mốc phát triển khi con tập cầm nắm

    Sau khi sinh ra, bé yêu sẽ có những biến đổi hàng tuần, hàng tháng và sự phát triển qua từng giai đoạn sẽ khiến bố mẹ không khỏi bất ngờ. Vậy cột mốc phát triển khi con tập cầm nắm là khi nào?

    Để xem quá trình phát triển của con thông qua kỹ năng cầm nắm diễn ra như thế nào, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua bài viết này nhé!

    Kỹ năng tập cầm nắm đồ vật

    Khi biết nắm giữ đồ vật, bé sẽ chơi đùa vui hơn cũng như giúp bản thân có được các khả năng tự ăn, đọc, viết, vẽ và tự chăm sóc bản thân.

    Từ khi là trẻ sơ sinh, bé đã có khả năng nắm bắt đồ vật nhưng sẽ cần phải mất ít nhất một năm mới có thể nhặt và giữ mọi thứ một cách vững chắc hơn trong tay. Bên cạnh đó, bé cũng phải thực hành rất nhiều đối với kỹ năng này trong vòng 3 tháng và sẽ tiến bộ rất nhiều sau mỗi tháng.

    Kỹ năng cầm nắm của bé sẽ phát triển như thế nào?

    Từ lúc mới sinh đến 2 tháng tuổi

    Từ khi sinh ra, bé đã có phản xạ nắm bắt. Nếu có thứ gì chạm vào lòng bàn tay thì bé sẽ chụm các ngón tay lại để bắt giữ nó. Tuy nhiên, những động tác này chỉ là bản năng và phản xạ không điều kiện trong 8 tuần đầu tiên.

    Trong thời gian này, bàn tay của bé sẽ nắm chặt giống như nắm đấm, nhưng bé sẽ sớm biết cách mở lòng bàn tay ra và nắm lại để làm quen với nó. Bé thậm chí còn có thể cố nắm lấy vật mềm như thú nhồi bông.

    3 tháng tuổi

    Bé vẫn chưa thể nắm lấy những gì mình muốn một cách chính xác, nhưng có thể với lấy đồ chơi nhiều lần. Bên cạnh đó, con yêu cũng nhận biết được những đồ vật nào bé thích và cố gắng để với lấy nó. Với sàn tập thể dục, bé sẽ nằm trên một tấm thảm mềm và tha hồ lấy những thứ đồ chơi phía trên đầu bé.

    4 đến 8 tháng

    Lúc 4 tháng tuổi, bé đã nhặt những vật lớn như đồ khối. Tuy nhiên, bé sẽ không thể nắm lấy những vật nhỏ như đậu Hà Lan cho đến khi bé có thể điều khiển các ngón tay tốt hơn.

    Trước khi mọc chiếc răng sữa đầu tiên (thường là từ 4 đến 7 tháng), bé thường nhặt những vật rồi đưa vào miệng. Nếu mẹ đã tập cho bé ăn dặm thì vẫn phải đút chứ con chưa thể giữ muỗng được chắc chắn.

    Bé có thể kéo các đồ vật lại về phía mình và sẽ bắt đầu di chuyển vật từ tay này sang tay kia. Trong giai đoạn này, bạn nên để các đồ vật giá trị ngoài tầm tay của bé và hãy đảm bảo rằng trong nhà bạn không có các vật nhỏ có thể làm cho bé bị nghẹt thở.

    9 đến 12 tháng

    Lúc này bé có thể lấy đồ vật mà không còn gặp khó khăn nữa và khả năng chuyển đồ từ tay này sang tay kia cũng trở nên thành thạo hơn. Tuy nhiên, bé vẫn chưa thể xác định đúng bên nào là bên trái hoặc phải cho đến khi 2 hoặc 3 tuổi. Bé cũng có khả năng nắm giữ vật thể nhỏ hơn bằng cách dùng ngón cái và ngón trỏ.

    Với khả năng phối hợp động tác ngày càng thành thạo, bé sẽ sớm sử dụng muỗng và đũa trong bữa ăn. Có thể bạn muốn giúp con nhưng bé sẽ học được cách sử dụng nó nhanh hơn nếu bạn để cho bé tự mình thử ăn bằng muỗng, đũa vài lần trong mỗi bữa ăn.

    Một khi con yêu có thể nắm bắt mọi thứ, bé sẽ bắt đầu ném đồ vật đi, do đó bố mẹ hãy xem chừng con ném đồ chơi. Vào thời điểm 1 tuổi, bé sẽ thích chơi đá, xếp chồng tháp và đập phá mọi thứ. Đến 18 tháng tuổi, tính nghệ thuật của bé sẽ xuất hiện. Bé thích dùng bút chì màu và học cách sử dụng chúng để vẽ và viết. Khi 3 tuổi, con sẽ ghi chữ nguệch ngoạc và thậm chí có thể viết được tên mình.

    Vai trò của bố mẹ

    Để kích thích phản xạ nắm bắt của bé, bố mẹ hãy thử đặt đồ chơi hoặc đồ vật đầy màu sắc như các vật hình khối mềm bằng nhựa hay sách bìa cứng ngoài tầm với và khuyến khích con lấy nó. Đừng làm bé nản chí khi đặt nó quá xa đến nỗi bé không thể nào với tới được.

    Sau khi bé có thể nắm lấy những đồ vật nhỏ rồi, hãy khuyến khích bé lấy các loại thức ăn mềm, nhỏ như đậu hay cà rốt thái hạt lựu nấu chín. Đây là một cách không tồi để bé có thể học được cách sử dụng muỗng. Để phòng ngừa những vật nhỏ làm cho bé bị nghẹt thở, bạn nên giữ thực phẩm cứng (như các loại hạt hoặc cà rốt còn sống) cách xa bé.

    Khi bé 18 tháng tuổi, bé sẽ khám phá ra được rằng bé có thể đặt được những đồ vật lên trên như những vật khác. Bạn có thể giúp bé phát triển kỹ năng này bằng cách cho bé nhiều đồ vật để đưa vào hộp trống, chai nhựa hoặc các đồ chứa khác.

    Khi nào thì bạn nên lo lắng?

    Nếu con không tỏ ra thích thú, quan tâm đến đồ chơi mà bạn di chuyển trước mặt bé trong vòng từ 2 đến 3 tháng tuổi, tốt nhất là bạn nên trao đổi vấn đề này với bác sĩ. Đối với những trẻ sinh non tháng, bé sẽ đạt được các cột mốc phát triển chậm hơn so với các bé khác.

    Mong rằng những thông tin trên sẽ giúp mẹ có thời gian trải nghiệm cùng con yêu thật đáng nhớ nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Đăng Lâm · Ngày cập nhật: 27/08/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo