backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Con của bạn có cần làm phẫu thuật tinh hoàn ẩn không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Yến Oanh · Ngày cập nhật: 30/07/2020

    Con của bạn có cần làm phẫu thuật tinh hoàn ẩn không?

    Ở nước ta, ẩn tinh hoàn không phải là một tình trạng hiếm gặp ở các bé trai. Bố mẹ thường nghĩ đến việc phẫu thuật tinh hoàn ẩn cho con ngay khi phát hiện vấn đề, nhưng không phải lúc nào việc này cũng cần thiết.

    Khi lớn dần trong tử cung người mẹ, tinh hoàn của một bé trai hình thành trong ổ bụng và di chuyển xuống bìu trước khi sinh. Tuy nhiên, trong vài trường hợp, quá trình “đi xuống” này không xảy ra, làm cho trẻ trẻ lúc này ra đời với tình trạng được gọi là tinh hoàn ẩn.

    Khi có con sinh ra với tinh hoàn bị ẩn, bố mẹ thường lo lắng và ngay lập tức tìm cách chữa trị. Điều này là dễ hiểu nhưng thật sự không cần thiết. Thông thường, sau một vài tháng, tinh hoàn của bé sẽ có thể “về đúng chỗ”.

    Tuy nhiên, nếu sau 6 tháng kể từ khi sinh tinh hoàn của bé vẫn không trở lại bình thường, bố mẹ nên liên hệ ngay với bác sĩ. Cách điều trị phổ biến và hiệu quả nhất thường được các bác sĩ đề nghị chính là phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống bìu.

    Tại sao lại cần phẫu thuật tinh hoàn ẩn?

    Phần lớn các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật khi bé trai được 6-12 tháng tuổi. Bạn cần ít nhất 6 tháng để quan sát xem tinh hoàn có tự xuống bìu hay không. Nếu tình trạng này vẫn kéo dài đến hơn 12 tháng mà không được phẫu thuật thì trẻ sẽ mắc phải nguy cơ vô sinh về sau.

    Nam giới đã từng phẫu thuật ẩn một bên tinh hoàn vẫn có khả năng sinh sản như người bình thường. Với những trường hợp bị ẩn hai bên tinh hoàn, sau khi phẫu thuật thì khả năng sinh sản cải thiện theo thời gian nhưng vẫn sẽ có phần hạn chế.

    Việc phẫu thuật kịp thời mang đến nhiều lợi ích như dễ kiểm tra và phát hiện các triệu chứng của ung thư tinh hoàn – thường có nguy cơ cao ở những người bị ẩn một bên tinh hoàn. Đồng thời, phẫu thuật còn giúp làm giảm tỷ lệ mắc phải, thậm chí là ngăn ngừa các bệnh như:

    • Thoát vị. Hiện tượng ruột trong bụng chui ra khỏi ổ bụng qua lớp cơ bụng dưới;
    • Các chấn thương. Nếu tinh hoàn nằm không đúng vị trí sẽ dễ bị tổn thương hơn;
    • Xoắn tinh hoàn. Hiện tượng thừng tin bị xoắn lại làm tinh hoàn thiếu máu nuôi.

    Trên hết, nếu không được phẫu thuật đưa tinh hoàn về đúng vị trí, các bé trai khi lớn sẽ không khỏi cảm thấy xấu hổ nếu “bi” của mình trông khác lạ so với những bạn nam khác.

    Việc phẫu thuật tinh hoàn ẩn diễn ra trong bao lâu?

    Việc phẫu thuật sẽ khác nhau tùy vào vị trí của tinh hoàn ở bẹn hay ổ bụng dưới. Trong cả hai trường hợp, bác sĩ đều sẽ gây tê cho trẻ trước khi tiến hành các bước tiếp theo. Thông thường, ca phẫu thuật sẽ mất khoảng một giờ cho mỗi bên tinh hoàn và bé sẽ được về nhà ngay trong ngày.

    Nếu các bác sĩ phát hiện chứng thoát vị ở bé – thường gặp khi bị ẩn một bên tinh hoàn, họ sẽ khắc phục luôn ngay trong ca phẫu thuật.

    Cần bao lâu để bé lành hẳn?

    Các bác sĩ sẽ cho bé thuốc giảm đau trong khoảng vài ngày. Trong 24 giờ sau phẫu thuật, con bạn có thể vẫn còn chịu một số tác dụng của thuốc gây mê, nhưng đa số các bé sẽ trở lại bình thường sau hơn một ngày.

    Bố mẹ cũng cần lưu ý đến việc chăm sóc sau phẫu thuật để bé có thể mau lành hơn:

    • Tránh tắm rửa cho bé trong ít nhất 2 ngày;
    • Không để con cưỡi hoặc ngồi lên đồ chơi, vật cứng trong vài tuần. Bố mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho bé trở lại với những trò chơi thông thường;
    • Cho bé mặc đồ thoải mái, đáy quần không được quá chật;
    • Cho bé uống nhiều nước;
    • Dùng tả lót nếu cần thiết, nhưng bố mẹ nên lưu ý thay cho con thường xuyên, thỉnh thoảng nên để bé “thông thoáng”.

    Bác sĩ sẽ theo dõi sau phẫu thuật để đảm bảo tinh hoàn được phát triển và hoạt động bình thường. Bố mẹ cũng nên đưa con đi kiểm tra định kỳ hằng năm, kiểm tra lượng hormone và tình trạng của bẹn cho bé là điều cần thiết.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Yến Oanh · Ngày cập nhật: 30/07/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo