backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Giải mã dấu hiệu cảnh báo về các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 10/08/2020

    Giải mã dấu hiệu cảnh báo về các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh

    Với những người mới lần đầu làm cha mẹ sẽ thật khó để “đọc vị” được các dấu hiệu cảnh báo bé yêu đang bị một trong các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh hay những chứng bệnh nguy hiểm tấn công. Vậy làm thế nào để nhận biết các dấu hiệu cảnh báo để có thể can thiệp kịp thời?

    Hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh còn rất yếu nên các bé rất khó chống lại virus, vi khuẩn tấn công gây bệnh. Khi bị bệnh, sức khỏe của trẻ có thể chuyển biến xấu rất nhanh. Thực tế là không phải lúc nào bạn cũng có thể dễ dàng nhận biết những dấu hiệu cảnh báo về một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hay bé yêu đang bị một căn bệnh nào đó tấn công. Do đó việc tìm hiểu thêm kiến thức về vấn đề này là hết sức hữu ích. Cùng Hello Bacsi tìm hiểu về các dấu hiệu cảnh báo bé yêu không khỏe hay đang gặp các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh để có thể can thiệp kịp thời, bảo vệ sức khỏe cho bé yêu.

    Các dấu hiệu cảnh báo sức khỏe của trẻ sơ sinh đang trong tình trạng nguy hiểm

    Bạn cần quan sát trẻ sơ sinh thật kỹ, bởi bất kỳ biểu hiện khác thường nào của trẻ cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo bé yêu đang gặp các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Nếu bé có một trong các biểu hiện sau, bạn hãy đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt. Các tình trạng bao gồm:

    • Nôn trớ, dịch nôn có màu xanh lá cây (nôn ra mật)
    • Lừ đừ, ngủ nhiều hơn bình thường, thường xuyên bỏ cữ bú hoặc bạn luôn phải đánh thức bé dậy để cho bú nhưng bé thường bỏ dở cữ bú hoặc lực mút yếu hoặc không thể mút
    • Sốt trên 38°C
    • Nhiệt độ cơ thể hạ xuống thấp, dưới 36°C
    • Bé khóc yếu, tiếng khóc nghe rất lạ hoặc gào khóc không ngừng
    • Bé bị đổ nhiều mồ hôi trong khi bú
    • Giảm trương lực cơ hoặc chân tay mềm
    • Hơi thở nghe như tiếng rên rỉ, khò khè…
    • Lượng nước tiểu giảm hoặc không đi tiểu trong vài giờ, có dấu hiệu khô miệng, mất nước…
    • Da chân, tay, cánh tay nhạt màu, hơi xanh hoặc xám…

    Các dấu hiệu cảnh báo bé đang bị một trong các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh

    Giải mã dấu hiệu cảnh báo về các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh

    Chướng bụng

    Nếu bạn nhận thấy bụng bé có dấu hiệu chướng hoặc cứng, nguy cơ cao là bé đã bị sình bụng hoặc táo bón. Ngoài ra, nếu bé không đi tiêu trong 1 – 2 ngày hoặc bé bị nôn, bụng phình to… rất có thể bé đã gặp các vấn đề về đường ruột. Bạn cần đưa bé đi khám sớm để tìm ra căn nguyên gây nên tình trạng này và can thiệp kịp thời.

    Bé có vẻ xanh xao

    Nếu bị lạnh, bàn tay và bàn chân của bé thường có màu xanh hơi tái. Mặt, lưỡi hoặc môi bé xanh khi bé khóc quá nhiều. Nếu tình trạng da mặt, môi, tay, chân… bé có màu xanh trong khoảng thời gian dài cộng với các dấu hiệu như khó thở hoặc bỏ bú, bạn cần đưa bé đến bệnh viện ngay. Điều này có thể là dấu hiệu cảnh báo tim hoặc phổi của bé đang gặp vấn đề nghiêm trọng.

    Ho trong khi bú

    Thỉnh thoảng, trẻ sơ sinh có thể ho hoặc nôn trớ trong hoặc sau khi bú vì đây là giai đoạn bé đang học cách bú và tự điều chỉnh khả năng nuốt thức ăn. Nhưng nếu bé bị ho kéo dài hoặc bỏ bú hay tìm cách từ chối khi được cho bú, rất có thể bé đang có vấn đề ở phổi hoặc hệ tiêu hóa. Do đó, nếu trẻ có các dấu hiệu này, bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ nhi khoa để tìm hiểu nguyên nhân cụ thể.

    Khóc quá nhiều

    Nếu bé khóc, bạn hãy bồng bé lên và cố gắng làm dịu cơn khóc của bé. Thực tế là có đôi khi trẻ sơ sinh khóc mà không có lý do. Quá trình chăm sóc con sẽ giúp bạn “đọc vị” được kiểu khóc của bé, có thể nhận biết bé khóc như thế nào là bất thường. Nếu bé cưng của bạn không ngừng khóc dù đã được bú no, ợ hơi, ủ ấm, thay tã sạch sẽ… thì đây có thể là một dấu hiệu cảnh báo nào đó có liên quan đến tình trạng sức khỏe. Bạn hãy đưa con đến gặp bác sĩ nếu bé khóc thét hoặc khóc trong khoảng thời gian dài mà bạn không biết lý do tại sao và không thể làm cho bé ngừng khóc.

    Vàng da ở trẻ sơ sinh

    Vàng da ở trẻ sơ sinh xảy ra khi bilirubin, một chất được sinh ra khi các tế bào máu vỡ, tích tụ trong máu của trẻ. Tình trạng bilirubin tích tụ quá nhiều và không được điều trị có thể gây ra vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vàng da thường xuất hiện ở mặt trước tiên rồi lan dần xuống ngực, bụng, cuối cùng lan ra cánh tay và chân. Đôi khi, tròng trắng của mắt cũng có thể bị vàng.

    Các trường hợp vàng da nhẹ (bé chỉ bị vàng da ở mặt và ngực) thường là vô hại. Vàng da nặng (tình trạng vàng da lan xuống tay, chân) thường là biểu hiện của một bệnh lý nguy hiểm cần phải được can thiệp y tế kịp thời như: xuất huyết, nhiễm trùng máu, nhiễm khuẩn, thiếu enzyme, có vấn đề về gan, tế bào hồng cầu có bất thường…

    Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh

    Hầu hết trẻ sơ sinh đều được nhỏ thuốc nhỏ mắt ngay sau khi sinh để phòng ngừa tình trạng nhiễm trùng mắt, nhưng có trẻ vẫn có thể bị viêm kết mạc. Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh bị viêm kết mạc là mí mắt sưng, tròng mắt đỏ, chảy nước mắt, có gỉ mắt màu xanh làm cho các mí dính lại với nhau. Điều này khiến trẻ rất khó chịu nên hay quấy khóc.

    Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị viêm kết mạc, bao gồm: tuyến lệ bị tắc, nhiễm khuẩn (virus hay vi khuẩn), tác dụng phụ của thuốc… Bạn nên đưa trẻ đi khám nếu bé có các dấu hiệu kể trên. Việc điều trị sớm các bệnh về mắt giúp bảo vệ sức khỏe đôi mắt của trẻ.

    Suy hô hấp

    Trong hầu hết các trường hợp, trẻ sơ sinh khó thở, thở khò khè là do mũi của trẻ bị nghẹt. Bạn có thể dễ dàng khắc phục tình trạng này bằng cách nhỏ nước muối sinh lý và dùng dụng cụ hút mũi để lấy dịch nhầy ra. Tuy nhiên, nếu bé có những dấu hiệu sau, rất có thể bé đang gặp các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp:

    • Thở nhanh hơn 60 nhịp thở trong một phút. Nhưng lưu ý là trẻ sơ sinh thở nhanh hơn người lớn
    • Khi bé thở, các cơ bụng giữa các xương sườn bị hút vào theo từng hơi thở khiến xương sườn nhô cao
    • Hơi thở nóng
    • Thở rít
    • Da bé tái xanh…

    Nếu bé có một trong các dấu hiệu cảnh báo suy hô hấp kể trên, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc kịp thời.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 10/08/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo