backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

16 tuần

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 11/05/2020

    16 tuần

    Hành vi và phát triển

    Bé phát triển như thế nào?

    Vào tuần cuối cùng của tháng thứ 3, bé đã có thể:

    • Dồn trọng lượng lên chân khi được giữ đứng thẳng;
    • Nắm hoặc chộp lấy đồ vật;
    • Giữ đầu ngang bằng với cơ thể khi được kéo ngồi lên;
    • Hướng sự chú ý tới nơi phát ra giọng nói, đặc biệt là giọng của mẹ;
    • Nói được một tổ hợp phụ âm;
    • Đùa giỡn;
    • Khi bạn đặt bé nằm úp, bé có thể nâng cao đầu và vai bằng cách đẩy tay. Hoạt động đẩy người lên có thể giúp tăng cường cơ bắp và giúp bé có thể nhìn rõ hơn những gì đang xảy ra xung quanh. Thậm chí bé có thể làm bạn và chính bản thân bé ngạc nhiên khi lật người từ nằm úp sang nằm ngửa và ngược lại. 

    Mẹ cần làm gì để hỗ trợ cho bé?

    Bạn có thể khuyến khích bé lật người bằng cách lắc nhẹ một món đồ chơi bên phía bé thường hay lật người qua. Hãy khen ngợi cho những nỗ lực của bé và cười với bé. Đôi khi bạn cần trấn an bé vì kĩ năng mới mẻ này sẽ khiến bé hơi lo sợ và e dè thực hiện.

    Sức khỏe và an toàn

    Mẹ nên trao đổi gì với bác sĩ?

    Mỗi bác sĩ sẽ có phương pháp kiểm tra sức khỏe cho bé tùy vào từng tình trạng cụ thể. Các bài kiểm tra thể chất tổng quát, cũng như số lượng, loại kỹ thuật để chẩn đoán và thủ tục thực hiện cũng sẽ rất khác nhau tùy theo thể trạng từng bé. Bác sĩ có thể:

    • Đo cân nặng, chiều cao, chu vi vòng đầu và tiến độ phát triển của bé sau sinh;
    • Khám sức khỏe, bao gồm cả kiểm tra lại những vấn đề trước đó;
    • Hướng dẫn bạn về những gì cần quan tâm trong tháng tiếp theo liên quan đến việc cho ăn, ngủ, sự phát triển và an toàn cho trẻ sơ sinh;
    • Trả lời những vấn đề bạn thắc mắc: Bé sẽ có những phản ứng như thế nào khi được tiêm chủng cho bé? Bạn nên ứng phó như thế nào? Bạn nên gọi cho bác sĩ khi bé có những phản ứng nào?

    Bạn cũng cần quan tâm tới những vấn đề xảy ra hơn một tháng qua đối với sức khỏe bé, các vấn đề về cho bú/ăn hoặc những thay đổi trong gia đình. Hãy ghi lại các thông tin và hướng dẫn của bác sĩ. Hãy ghi lại tất cả thông tin cần thiết (cân nặng của bé, chiều cao, chu vi vòng đầu, vết bớt, tiêm chủng, bệnh tật, thuốc được chỉ định, kết quả kiểm tra…) vào hồ sơ sức khỏe của bé.

    Mẹ nên biết thêm những gì?

    Bé quá mũm mĩm

    Béo phì đã trở thành một thuật ngữ sức khỏe thông dụng. Trong khi việc một người trưởng thành bị thừa cân có thể gây ra nhiều lo ngại thì một em bé có vẻ mũm mĩm lại không gây ra quá nhiều lo lắng. Một số bé sinh ra đã bụ bẫm, các bé khác thì lớn hơn mới bắt đầu mũm mĩm lên. Nhưng điều này không hẳn là do chế độ ăn uống không lành mạnh hay do bé không vận động mà có thể do bé chưa phát triển nhiều cơ bắp. Tình trạng này có thể được cải thiện khi bé lớn hơn.

    Nếu bạn lo lắng con mình có thể bị béo phì, hãy đưa bé đi khám bác sĩ để được kiểm tra kĩ càng hơn. Để đánh giá béo phì, đầu tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra cân nặng và chiều cao của bé dựa vào tiêu chuẩn theo độ tuổi. Nếu bé thừa cân, bác sĩ sẽ xem xét bé phát triển như thế nào. Rất ít bác sĩ đặt nặng vấn đề về cân nặng của bé ở độ tuổi này, đặc biệt là khi bé chưa bắt đầu ăn dặm.

    Một thân hình bụ bẫm không phải là dấu hiệu báo trước rằng bé sẽ bị béo phì khi lớn lên. Nhiều bé bắt đầu giảm cân khi bắt đầu biết bò và tập đi. Khi bé lớn hơn, bạn có thể khuyến khích bé chơi dưới sàn nhà, chỉ cho bé ăn khi bé thấy đói và tránh cho bé bú sữa chỉ để dỗ dành bé. Điều này sẽ giúp giảm thiểu khả năng bé bị béo phì.

    Những trò chơi nguy hiểm

    Bé có thể tỏ ra vô cùng thích thú khi được bạn tung lên thật cao và chụp lại. Tuy vậy điều này rất nguy hiểm. Một số trò chơi có thể cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ em dưới hai tuổi. Bé có thể bị chấn thương khi bị tung lên cao hay lắc mạnh hoặc giật mạnh người. Vì đầu của bé lúc này nặng tương đương với toàn phần còn lại của cơ thể, chưa kể cơ cổ vẫn chưa phát triển hoàn thiện nên lực hỗ trợ cho phần đầu của bé rất yếu. Khi bị lắc mạnh, phần đầu của bé bị ngửa ra phía sau và chúi lại về trước, từ đó có thể khiến não bị va chạm với hộp sọ. Não bị tổn thương có thể gây sưng, chảy máu, gây áp lực hoặc tổn thương dây thần kinh và có thể bé sẽ bị ảnh hưởng về tinh thần hoặc thể chất suốt đời.

    Bé cũng có thể bị chấn thương ở mắt. Nếu võng mạc bị tách rời hoặc bị xây xước, thần kinh bé có thể bị tổn thương, điều này có thể ảnh hưởng đến thị giác của bé, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.

    Các thương tích có thể xảy ra nếu bé bị lắc mạnh trong lúc bạn đùa giỡn cùng bé. Vì thế, hãy tránh các trò chơi huyên náo, lắc mạnh tay, đầu hoặc cổ của bé khi bé không được chống đỡ và hỗ trợ. Ngoài ra, hãy tránh chạy bộ hoặc xóc bé lên trong khi bạn đeo bé trên người (thay vào đó hãy cho bé ngồi xe đẩy). Điều đó không có nghĩa là bạn không được đùa giỡn cùng bé, bạn vẫn có thể chơi đùa với bé một cách nhẹ nhàng và luôn đặt vấn đề an toàn lên trên hết.

    Mối quan tâm của mẹ

    Những điều mẹ cần quan tâm là gì?

    Bé vẫn dùng núm vú giả

    Những thứ có thể khiến con bạn cảm thấy thoải mái bao gồm vú mẹ, bình sữa, những bài hát ru hay núm vú giả. Một khi chúng đã trở thành thói quen, sẽ rất khó để bé có thể từ bỏ. Nếu bạn không muốn bé nghiện ngậm núm vú giả thì ngay bây giờ chính là thời điểm lý tưởng để bé tạm ngừng sử dụng vật dụng này. Ở tuổi này khả năng ghi nhớ của bé vẫn còn hạn chế, vì vậy bé sẽ dễ dàng quên đi núm vú giả nếu không còn tiếp xúc với nó nữa. Một nguyên nhân khác cho lời khuyên bạn nên cho con cai núm vú giả là bởi trẻ em ở độ tuổi này dễ thích nghi với những thay đổi hơn so với các bé lớn và cai núm vú giả càng sớm sẽ càng dễ dàng hơn.

    Để giúp bé thoải mái hơn khi không có núm vú giả, bạn hãy thử đung đưa nôi, hát ru, cho bé mút tay của bạn (hoặc cho bé tự mút tay). Nếu bé dường như chưa sẵn sàng rời núm vú giả, bạn có thể hạn chế việc sử dụng núm vú giả bằng cách chỉ cho bé dùng trong thời gian ngủ trưa hoặc vào ban đêm.

    Cai sữa sớm

    Thông thường, ba tháng đầu đời là quãng thời gian bé rất dễ chịu và dễ thích nghi. Vì vậy, nếu bạn đang chọn thời điểm thích hợp nhất để cai sữa cho bé thì chính là lúc này đây. Mặc dù bé rất thích bú mẹ, nhưng việc cho bé cai sữa vào thời điểm này sẽ không quá khó khăn như khi cai sữa khi bé được sáu tháng tuổi. Khi bạn muốn sớm cai sữa cho bé, tốt nhất hãy bắt đầu bằng việc cho bé uống sữa bột bổ sung hoặc sữa mẹ vắt ra bình trong khoảng 4-6 tuần để bé dần làm quen. Bạn có thể sẽ phải thử nhiều cách khác nhau để biết bé thật sự thích phương pháp nào. Tại thời điểm này, tốt nhất hãy cho bé bú sữa bột để dần giảm nguồn cung sữa mẹ. Hãy kiên trì nhưng đừng quá miễn cưỡng khi thực hiện công việc này.

    Hãy thử cho con bú bình trước khi bú mẹ. Nếu bé từ chối bú bình lần đầu tiên, hãy thử lại ở lần tiếp theo. Bạn nên tiếp tục cố gắng cho đến khi bé bú ít nhất 30-60 ml sữa bình. Khi bé đã làm được điều đó, hãy dần thay thế một cữ bú sữa bột thay cho sữa mẹ. Một vài ngày sau đó, bạn lại tiếp tục thay thế một cữ bú khác bằng sữa bột thay cho sữa mẹ. Hãy chuyển đổi dần dần để ngực bạn có thời gian điều chỉnh nguồn sữa.

    Bạn cũng cần lưu ý đừng kéo dài thời gian cho bé bú vào các buổi tối để bạn và bé có thêm thời gian yên tĩnh và thư giãn cùng nhau sau khi bạn đi làm về. Nếu thích, bạn có thể tiếp tục cho bé bú một lần một ngày nếu bạn vẫn còn sữa và bé vẫn thèm bú. Hãy từ từ cai sữa hoàn toàn cho bé hoặc đợi cho đến khi bạn không còn sữa nữa.

    Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    TS. Dược khoa Trương Anh Thư

    Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 11/05/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo