backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Những mũi tiêm chủng cho trẻ 6 tháng tuổi mẹ cần biết

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 24/12/2019

    Những mũi tiêm chủng cho trẻ 6 tháng tuổi mẹ cần biết

    Trẻ nhỏ lớn lên rất nhanh theo từng ngày, càng lớn trẻ càng phát triển về mọi mặt và nhu cầu tìm hiểu khám phá thế giới cũng dần tăng lên. Để con khỏe mạnh và được bảo vệ toàn diện, các mẹ cần tuân thủ lịch tiêm chủng vaccine cho trẻ. Với trẻ 6 tháng tuổi thì những loại vaccine bé cần là những gì?

    Đến thời điểm này, bé cưng nhà bạn chắc chắn đã tiêm một số mũi vaccine nhất định. Những mũi tiêm này sẽ phần nào giúp bé tăng khả năng bảo vệ của cơ thể để chống lại một vài căn bệnh nào đó. Những mũi tiêm ngừa chính là những viên gạch tốt để xây dựng nên một hệ miễn dịch vững chắc cho trẻ, vì vậy mà việc duy trì chủng ngừa cho trẻ theo đúng lịch tiêm phòng cho trẻ là điều mà bố mẹ hết sức phải chú trọng.

    Lợi ích của tiêm chủng cho trẻ

    Cơ thể con người từ khi sinh ra đến khi trưởng thành luôn trải qua những giai đoạn cần thiết để tự hoàn chỉnh các chức năng nhằm có thể chống lại nhiều căn bệnh nguy hiểm. Hệ miễn dịch ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh còn rất non yếu nên bé dễ mắc bệnh. Chính vì vậy để có thể phòng bệnh, bé cần phải nhờ đến sự bảo vệ của nhiều loại vaccine.

    Tiêm ngừa ở trẻ là việc đưa một lượng vaccine vào cơ thể mà bản chất chính là đưa những kháng nguyên virus hay vi khuẩn gây bệnh để kích thích cơ thể sản xuất ra các kháng thể đáp ứng. Kháng thể sẽ tiêu diệt tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể và tồn tại để bảo vệ chống lại các tác nhân gây bệnh đó nếu trường hợp chúng xâm nhập lại lần sau.

    Do đó, thay vì tốn kém tiền bạc cho việc điều trị nếu trẻ chẳng may mắc bệnh thì một mũi vaccine với chi phí không quá cao hoặc hoàn toàn miễn phí lại có thể giúp ngăn ngừa được điều đó.

    Những loại vaccine cần chủng ngừa cho trẻ 6 tháng tuổi

    Tiêm chủng cho trẻ 6 tháng tuổi

    Dưới đây là danh sách các loại vaccine được tiêm cho trẻ vào lúc 6 tháng tuổi:

    1. Bạch hầu – ho gà – uốn ván (DTaP)

    Đây là loại vaccine tổng hợp cả ba loại bệnh thông thường mà trẻ có thể mắc phải là bạch hầu, ho gà, uốn ván.

    Nếu trước đó, bé từng tiêm mũi này rồi thì mũi tiêm tiếp theo sẽ rơi vào giai đoạn trẻ từ 15 đến 18 tháng tuổi. Lưu ý là để giảm số lần tiêm, bạn có thể chọn tiêm kết hợp vaccine 5 trong 1 để phòng các bệnh như bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt – viêm gan B.

    2. Vaccine viêm gan B

    Nếu con 6 tháng tuổi thì đây là thời điểm tiêm liều thứ 3 và cũng là liều tiêm vaccine viêm gan B cuối cùng của trẻ. Viêm gan B là căn bệnh nguy hiểm có thể lây truyền từ mẹ sang con nên khi sau sinh ra trong vòng 24 giờ, trẻ sẽ được tiêm một mũi ngừa viêm gan B. Tác dụng phụ thường gặp khi tiêm chủng loại vaccine này cho trẻ là bé có biểu hiện sốt nhẹ, có thể sưng hoặc đau ở chỗ tiêm.

    3. Phế cầu khuẩn liên hợp (PCV)

    Bệnh phế cầu khuẩn là thuật ngữ dùng để mô tả một số bệnh nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn Streptococcus pneumoniae. Trên toàn thế giới, các chuyên gia ước tính hàng năm có gần nửa triệu trẻ em tử vong vì phế cầu.

    Trẻ nhiễm phế cầu khuẩn có thể mắc những căn bệnh từ thông thường như viêm xoang, viêm tai giữa đến những bệnh nghiêm trọng đe dọa tính mạng như bệnh viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng máu…

    Vaccine phế cầu khuẩn liên hợp rất tốt trong việc bảo vệ trẻ khỏi virus gây ra những căn bệnh nghiêm trọng kể trên. Loại vaccine này được tiêm cho trẻ nhỏ trong độ tuổi 6 tuần đến 5 tuổi, liều tiêm sau cách liều tiêm liền kề trước đó ít nhất 1 tháng. Thế nên, giai đoạn trẻ 6 tháng tuổi thường là thời điểm con tiến hành tiêm ngừa mũi thứ 3. Vaccine phế cầu khuẩn liên hợp khá đắt tiền nên các bác sĩ nhi khoa thường chỉ định tiêm cho bé khi có sự đồng ý của cha mẹ.

    Nếu bạn đã xác định tiêm vaccin này cho con mình rồi thì nên cho bé tiêm đủ liều và đúng lịch trình. Sau khi tiêm loại vaccine này, trẻ có thể tỏ ra khó chịu, buồn ngủ hoặc sốt nhẹ.

    4. Haemophilus cúm B (Hib)

    Haemophilus Influenza týp B (hay còn gọi là HIb) là loại vi khuẩn gây ra bệnh viêm màng não và viêm phổi cực kỳ nguy hiểm đặc biệt với trẻ dưới 5 tuổi. Vì vậy, việc cho trẻ chủng ngừa vaccine phòng HIb trong giai đoạn trẻ được 6 tháng tuổi sẽ giúp bảo vệ bé khỏi loại vi khuẩn đáng sợ này. Lưu ý rằng mũi tiêm tiếp theo sẽ là lúc trẻ được 12 đến 15 tháng tuổi.

    5. Vaccine phòng bệnh bại liệt

    Bại liệt là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Polio (hay còn gọi là vi rút bại liệt) gây ra. Vi rút bại liệt gồm 3 týp kháng nguyên bại liệt týp 1, 2 và 3. Sau khi vào xâm nhập vào cơ thể virus sẽ tấn công hệ thống thần kinh trung ương và gây nên tổn thương ở các tế bào thần kinh vận động. Người bệnh có thể gây tử vong hoặc phải chịu các di chứng liệt không hồi phục và tàn tật suốt đời. Virus polio có thể lây truyền và gây thành dịch lớn nếu tình trạng miễn dịch cộng đồng thấp. Do đó, việc bảo vệ bé yêu trước căn bệnh này bằng vaccine là điều hết sức cần thiết.

    Hiện, vaccine phòng bệnh bại liệt có 2 dạng là dạng uống (bOPV) hoặc dạng tiêm (IPV). 3 liều vaccine bại liệt dạng uống chỉ có tác dụng miễn dịch phòng bệnh bại liệt đối với vi khuẩn gây bệnh týp 1 và 3. Do đó, các bác sĩ thường chỉ định trẻ trong độ tuổi từ 5 – 6 tháng tiêm thêm 1 liều vaccine IPV. Vaccine IPV có chứa đầy đủ 3 týp kháng nguyên bại liệt sẽ giúp tăng cường miễn dịch phòng bệnh bại liệt toàn diện cho trẻ.

    Mẹ có thể cho bé yêu chủng ngừa bệnh bại liệt theo lịch sau:

  • Uống 3 liều vaccine bại liệt (bOPV): khi trẻ đủ 2, 3 và 4 tháng tuổi
  • Tiêm 1 liều vaccine bại liệt (IPV): khi trẻ đủ 5 tháng tuổi
  • 6. Vaccine ngừa virus Rota (RV)

    Các bệnh như tiêu chảy cấp, nôn nửa gây mất nước nghiêm trọng thì nguyên nhân có thể đến từ virus rota. Vaccine phòng bệnh tiêu chảy cấp do virus rota khá quan trọng bởi lẽ trẻ ở lứa tuổi này rất dễ mắc các chứng tiêu chảy. Nếu bạn chọn cho bé chủng ngừa vaccine này thì thời điểm bé được 6 tháng tuổi sẽ là liều uống cuối cùng nhé!

    7. Vaccine ngừa cúm

    Với người lớn chúng ta, cúm là một căn bệnh khá phổ biến và thường không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Một người khỏe mạnh bình thường một năm có thể mắc cúm từ 3 đến 4 lần. Với trẻ em đặc biệt là trẻ nhỏ thì số lần mắc càng nhiều hơn.

    Vaccine cúm cũng được khuyến cáo nên được tiêm cho trẻ định kỳ hằng năm và nên bắt đầu vào mùa thu hay trước khi thời điểm giao mùa diễn ra bởi những thời điểm này là mùa của dịch cúm. Virus cúm cũng thường xuyên thay đổi kiểu gien của mình nên đây là lý do các bác sĩ thường khuyên nên cho trẻ tiêm phòng định kỳ mỗi năm là vì vậy.

    Trẻ sẽ được tiêm ngừa loại vaccine này khi được 6 tháng tuổi trở lên. Sau khi tiêm bé có thể bị đau, sưng chỗ tiêm hoặc sốt nhẹ. Mẹ yên tâm không cần quá lo lắng và nếu bé sốt cao có thể dùng thêm thuốc hạ sốt cho bé theo đúng liều lượng là được.

    Một lưu ý nhỏ là nếu bé cưng bị dị ứng với trứng, bạn không nên cho con tiêm vaccina này vì có thể bé sẽ bị dị ứng đấy!

    Trường hợp nào thì không nên tiêm chủng cho trẻ

    Tiêm chủng cho trẻ 6 tháng

    Trẻ không nên tiêm chủng khi đang sốt trên 37,5°C hoặc bị hạ thân nhiệt dưới mức 35,5°C, nghe nhịp tim bất thường, trẻ trong tình trạng li bì hoặc bị kích thích, trẻ bú kém, cân nặng dưới 2kg và một số trường hợp khác cần được bác sĩ xem xét thêm.

    Một số vaccine được sản xuất từ tế bào phôi trứng gà  như vắc xin sởi, vắc xin quai bị hoặc từ chính phôi trứng gà như vắc xin cúm nên những trường hợp trẻ bị dị ứng trứng thì cần chống chỉ định với các loại vắc xin này.

    Để việc tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ được an toàn và hiệu quả, tốt nhất trước khi tiêm mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ và hỏi rõ về thời điểm tiêm thích hợp nhé!

    Sáu tháng tuổi là một thời điểm quan trọng trong mốc phát triển của con yêu. Mẹ có thể hỗ trợ bé trong suốt hành trình phát triển của mình bằng cách giữ cho con an toàn thông qua việc tiêm chủng cho trẻ đủ mũi và đúng lịch.

    Phú Đoàn/HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 24/12/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo