backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Chọc dò tủy sống ở trẻ nhỏ có thực sự đáng lo như bạn nghĩ?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 24/03/2020

    Chọc dò tủy sống ở trẻ nhỏ có thực sự đáng lo như bạn nghĩ?

    Phần lớn cha mẹ đều cảm thấy lo lắng khi nghe bác sĩ đề nghị cho con thực hiện xét nghiệm chọc dò tủy sống để chẩn đoán một căn bệnh nào đó. Thực tế, đây là một thủ tục y khoa rất cần thiết trong việc chẩn đoán một số bệnh.  

    Bé cưng nhà bạn bị bệnh một thời gian nhưng mãi vẫn không khỏi dù đã uống rất nhiều loại thuốc khác nhau. Khi đi khám, bác sĩ khuyên bạn nên cho trẻ làm xét nghiệm chọc dò tủy sống. Điều này khiến bạn rất hoang mang, lo lắng không biết bé cưng của mình đang mắc phải căn bệnh gì nghiêm trọng.

    Thực tế là khi nghe đến tên của thủ thuật này, phần lớn các bậc cha mẹ đều có chung tâm trạng như bạn. Tuy nhiên, đừng quá lo, hãy đọc tiếp những chia sẻ sau của Hello Bacsi để hiểu thêm về ưu, nhược điểm của thủ thuật chọc dò tủy sống và tại sao bé cần thực hiện phương pháp xét nghiệm này nhé.

    Chọc dò tủy sống ở trẻ nhỏ

    Chọc dò tủy sống, chọc dò ống sống thắt lưng hay còn gọi là vòi cột sống là một thủ thuật y khoa. Thủ thuật này được tiến hành để lấy dịch não tủy (một chất lỏng trong suốt, mang chất dinh dưỡng và “đệm” vào não cùng tủy sống) bằng một loại kim đặc biệt được đưa xuyên qua da vào trong ống tủy. Sau khi lấy một lượng nhỏ dịch não tủy, kim sẽ được rút ra.

    Nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng, hoang mang khi nghe đến thủ thuật này vì nó có vẻ đáng sợ và đau đớn. Thêm một nguyên nhân nữa là bạn sợ rằng trẻ đã mắc phải một căn bệnh nguy hiểm nên bác sĩ mới yêu cầu làm xét nghiệm này.

    Tại sao bác sĩ lại yêu cầu bạn cho trẻ thực hiện xét nghiệm chọc dò tủy sống?  

    Dưới đây là một số lý do khiến bác sĩ yêu cầu bạn cho trẻ thực hiện xét nghiệm chọc dò tủy sống:

    1. Nghi ngờ trẻ bị nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn

    Có một số loại vi khuẩn hoặc virus có thể ẩn náu trong dịch não tủy, gây hại cho hệ thần kinh. Do đó, bác sĩ sẽ chỉ định trẻ làm xét nghiệm này để xác định xem bé có bị nhiễm trùng máu hoặc các nhiễm trùng khác liên quan đến hệ thần kinh hay không.

    2. Phát hiện các bệnh về hệ thần kinh

    Một số bệnh về hệ thần kinh như hội chứng Guillain-Barre và bệnh đa xơ cứng chỉ có thể được chẩn đoán chính xác bằng cách thực hiện xét nghiệm chọc dò tủy sống.

    3. Phát hiện tình trạng xuất huyết dưới nhện

    Xuất huyết dưới nhện là tình trạng máu chảy đột ngột vào khoang trống (khu vực dưới màng nhện) ở giữa não và lớp màng bao phủ não. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là do phình động mạch hoặc do một số chấn thương ở đầu.

    4. Chẩn đoán ung thư

    Một số loại ung thư như ung thư hạch và ung thư bạch cầu có thể chẩn đoán dễ dàng bằng cách kiểm tra dịch tủy sống.

    5. Đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp

    Đôi khi, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn cho trẻ thực hiện xét nghiệm này để có một cái nhìn tổng quan về hệ thần kinh của trẻ hoặc dựa vào kết quả để đưa ra một số lựa chọn điều trị phù hợp.

    Quá trình chọc dò tủy sống ở trẻ nhỏ

    chọc dò tủy sống ở trẻ em

    Toàn bộ quá trình làm xét nghiệm có thể mất khoảng 30 phút. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ đưa một cây kim rất mỏng vào ngay giữa hai đốt sống để lấy các mẫu dịch não tủy.

    • Đối với trẻ sơ sinh: Bé sẽ được đặt nằm nghiêng ở tư thế cong người, gập gối sát vào bụng sao cho các đốt sống thắt lưng giãn rộng.
    • Đối với trẻ nhỏ: Với những đứa trẻ lớn hơn, trẻ có thể ngồi với tư thế đầu chúi về phía trước hoặc ở tư thế nằm nghiêng.

    Sau khi lấy được dịch não tủy, các bác sĩ rút kim ra và băng lại bằng một miếng băng nhỏ.

    Khi bé được chỉ định chọc tủy sống, bạn cần phải làm gì?

    Trong quá trình giải thích về quy trình xét nghiệm, bác sĩ có thể yêu cầu bạn ký vào một số mẫu đơn xác nhận rằng bạn đã hiểu rõ tất cả các bước làm xét nghiệm và các rủi ro liên quan. Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải cung cấp một số thông tin về tiền sử bệnh cũng như các loại thuốc mà trẻ đang dùng. Trước khi tiến hành xét nghiệm, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn cho trẻ ngừng sử dụng một số loại thuốc và có một số thay đổi nhỏ trong chế độ ăn.

    Những nguy cơ của việc chọc dò tủy sống

    Khi cho trẻ thực hiện xét nghiệm này, việc đầu tiên bạn cần làm là tìm hiểu rõ về những rủi ro có thể gặp phải. Dưới đây là một số vấn đề thường gặp:

    • Gây đau đầu, khiến trẻ hay quấy khóc và cáu kỉnh
    • Vùng da lấy dịch tủy có thể bị viêm
    • Đau lưng.

    Ngoài ra, còn có những rủi ro nguy hiểm hơn như:

    • Làm giảm nhịp tim ở trẻ sơ sinh: Trong trường hợp này, bé cần phải được cung cấp thêm oxy
    • Việc vệ sinh không đúng cách có thể gây nhiễm trùng tại vùng da lấy dịch tủy, làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh
    • Có thể gây vỡ mạch máu, dẫn đến các rối loạn thần kinh nghiêm trọng
    • Nếu trẻ cử động, giãy giụa trong khi làm xét nghiệm, dịch não tủy có nguy cơ bị trộn lẫn với máu. Nếu rơi vào tình huống này, dịch não tủy lấy ra sẽ không sử dụng được, do đó bác sĩ có thể yêu cầu bạn cho trẻ làm lại.

    Cách chăm sóc trẻ sau khi chọc ống sống thắt lưng

    Dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý khi chăm sóc trẻ:

    • Cho trẻ uống nhiều nước: Hãy cho trẻ uống nhiều nước để bù lại lượng dịch não tủy bị mất. Bạn có thể cho trẻ uống nước trái cây hoặc ăn các món súp để tăng cường bổ sung nước cho cơ thể.
    • Nghỉ ngơi nhiều: Nghỉ ngơi sau khi làm xét nghiệm là một điều rất cần thiết để giúp cơ thể nhanh hồi phục.
    • Không hoạt động mạnh: Đừng để trẻ di chuyển nhiều hoặc hoạt động mạnh vì như vậy có thể khiến máu rỉ ra.
    • Vệ sinh thường xuyên: Giữ cho vùng tiêm sạch sẽ và thay băng thường xuyên theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh nguy cơ nhiễm trùng.

    Khi nào bạn nên đưa trẻ đi khám sau khi thực hiện xét nghiệm chọc dò tủy sống?

    Bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được bác sĩ thăm khám kịp thời nếu:

    • Trẻ khóc không ngừng nhưng không rõ nguyên nhân
    • Trẻ bị co giật sau khi chọc dò tủy sống
    • Trẻ có thể bị nôn trong thời gian làm xét nghiệm, tuy nhiên, nếu  sau vài giờ hoặc vài ngày mà bé vẫn còn nôn, bạn cần đưa trẻ đi khám ngay
    • Trẻ có dấu hiệu tỏ ra mệt mỏi và hay buồn ngủ
    • Trẻ không chịu ăn uống.

    Một số câu hỏi thường gặp

    Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về xét nghiệm chọc dò tủy sống ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mà các bậc phụ huynh thường thắc mắc:

    1. Làm thế nào để giữ bé nằm yên trong thời gian làm xét nghiệm?

    Bạn hãy ở bên cạnh trẻ và cố gắng đánh lạc hướng trẻ. Nếu trẻ đã lớn, bạn có thể giải thích trước về những điều trẻ sẽ trải qua trong quá trình xét nghiệm.

    2. Quá trình xét nghiệm mất bao lâu?

    Thời gian thực hiện xét nghiệm chỉ mất một hoặc hai phút nếu bé nằm đúng tư thế và không quấy khóc.

    Khi nghe tin con phải làm xét nghiệm chọc dò tủy sống, chắc hẳn trong tâm trí cha mẹ sẽ có rất nhiều băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng đây là một trong những xét nghiệm an toàn và cần thiết để chẩn đoán, phát hiện sớm một số căn bệnh nguy hiểm. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc liên quan đến xét nghiệm này, bạn có thể đến gặp bác sĩ để được giải đáp thêm nhé.

    Ngân Phạm / HELLO BACSI 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 24/03/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo