backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Cách xử lý khi gia đình có người bị ngộ độc với chì

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Đăng Lâm · Ngày cập nhật: 10/12/2019

    Cách xử lý khi gia đình có người bị ngộ độc với chì

    Chì có hại cho trẻ em hơn so với người lớn vì não và hệ thần kinh của các bé vẫn còn đang phát triển. Ngộ độc với chì có thể được điều trị, nhưng một số tổn thương mà chì gây ra không phục hồi được.

    Chì là kim loại có độc tính rất cao khi tiếp xúc với cơ thể. Ngộ độc với chì là một loại ngộ độc nghiêm trọng và thậm chí gây ra tử vong. Tình trạng này xảy ra khi kim loại chì tích tụ trong cơ thể quá mức an toàn.

    Ngộ độc với chì diễn ra như thế nào?

    Chì được tìm thấy trong những loại sơn có pha chì, kể cả sơn trên tường những căn nhà cũ và đồ chơi. Ngoài ra, chì còn được tìm thấy trong dụng cụ mỹ thuật, bụi ô nhiễm hay các sản phẩm xăng dầu.

    Ngộ độc chì tích tụ dần trong khoảng thời gian nhiều tháng hoặc nhiều năm. Nó có thể gây suy giảm nghiêm trọng về thể chất và tinh thần mà trong đó trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Khi đưa những vật bị nhiễm chì vào miệng, trẻ em đã vô tình tích tụ chì trong cơ thể của mình. Việc chạm tay vào những vật bị nhiễm chì, sau đó đưa ngón tay vô miệng cũng có thể gây nhiễm chì.

    Các triệu chứng khi bị nhiễm độc chì

    Các triệu chứng của ngộ độc chì rất khác nhau. Chúng có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể. Hầu hết các trường hợp ngộ độc chì đều tiến triển chậm. Nó xảy ra sau một quá trình tiếp xúc nhiều với chì từng chút từng chút một. Ngộ độc chì thường hiếm khi xảy ra chỉ sau một tiếp xúc hoặc ăn phải đồ ăn nhiễm chì.

    Các dấu hiệu của nhiễm độc chì là:

    • Đau quặn bụng;
    • Hành vi hung hăng;
    • Táo bón;
    • Vấn đề về giấc ngủ;
    • Đau đầu;
    • Cáu gắt, bứt rứt;
    • Mất các kỹ năng phát triển ở trẻ em;
    • Ăn mất ngon;
    • Mệt mỏi;
    • Tăng huyết áp;
    • Tê hoặc ngứa ran ở các chi;
    • Mất trí nhớ;
    • Thiếu máu;
    • Rối loạn chức năng thận.

    Vì não của trẻ vẫn đang phát triển, ngộ độc chì có thể dẫn đến khuyết tật về trí tuệ. Các triệu chứng có thể bao gồm:

    • Vấn đề về hành vi;
    • IQ thấp;
    • Điểm kém ở trường;
    • Vấn đề nghe;
    • Khó khăn trong học tập ngắn và dài hạn;
    • Chậm tăng trưởng.

    Ngộ độc chì với liều cao có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng cần cấp cứu, chẳng hạn như:

    • Đau quặn bụng dữ dội;
    • Nôn;
    • Yếu cơ;
    • Đi xiêu vẹo;
    • Co giật;
    • Hôn mê;
    • Bệnh não, có biểu hiện như lú lẫn, hôn mê và co giật.

    Nếu thành viên trong gia đình có triệu chứng ngộ độc chì nặng, bạn hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Hãy chắc chắn biết rõ các thông tin sau đây để báo cho bác sĩ:

    • Tuổi người ngộ độc chì;
    • Cân nặng;
    • Nguyên nhân gây ngộ độc;
    • Lượng đồ đã ăn vào;
    • Thời gian ngộ độc xảy ra.

    Trong tình huống không khẩn cấp, hãy gọi cho đường dây nóng cấp cứu khẩn cấp 114 để được hướng dẫn về các bước cần thiết mà bạn có thể làm để giúp người bị ngộ độc trước khi chờ xe cứu thương đến.

    Nguyên nhân gây ngộ độc với chì là gì?

    Ngộ độc với chì xảy ra khi chì xâm nhập vào cơ thể. Hít bụi có chứa chì cũng có thể gây ngộ độc chì. Bạn không thể ngửi thấy mùi hoặc nếm được vị của chì và nó thường không nhìn thấy được bằng mắt thường.

    Tại một số quốc gia, chì thường được sử dụng trong sơn nhà và xăng. Những sản phẩm này hiện không còn cho chì vào nữa. Tuy nhiên, chì vẫn còn hiện diện ở mọi nơi. Nó đặc biệt thường được tìm thấy trong những ngôi nhà cũ.

    Ở Việt Nam, chì có thể có mặt trong các sản phẩm sơn nhà, sảm phẩm mỹ thuật, đồ chơi và mỹ phẫm không rõ nguồn gốc. Các nguồn có chứa chì nói chung bao gồm:

  • Những căn nhà được sơn trước năm 1978;
  • Đồ chơi và đồ gia dụng được sơn trước năm 1976;
  • Viên đạn, chặn rèm cửa và lưới câu cá được làm bằng chì;
  • Ống và vòi nước có chứa chìa có thể gây ô nhiễm chì vào trong nước;
  • Đất bị ô nhiễm bởi khí thải xe cũ hoặc sơn nhà vương vãi;
  • Dụng cụ mỹ thuật có dùng sơn;
  • Đồ trang sức, đồ gốm và các loại đồ dùng làm bằng chì;
  • Pin dự phòng;
  • Mỹ phẩm như sáp thỏi kẻ mắt kohl hoặc kajal cổ truyền của Ấn Độ, son môi;
  • Một số bài thuốc dân gian như viên thuốc nam, mẫu hồng đơn, thuốc cam.
  • Ai có nguy cơ bị ngộ độc chì?

    Trẻ em có nguy cơ bị ngộ độc chì cao nhất, đặc biệt nếu sống trong những ngôi nhà cũ với sơn lót. Lý do vì các bé có thói quen đưa đồ vật hoặc ngón tay vào miệng.

    Người sống ở các nước đang phát triển cũng có nguy cơ cao hơn. Nhiều quốc gia không có quy định chặt chẽ về sử dụng chì. Vì vậy, bạn nên cho con đi kiểm tra nồng độ chì thường xuyên.

    Chẩn đoán nhiễm độc với chì 

    Bác sĩ sẽ xét nghiệm chì trong máu để chẩn đoán nhiễm độc chì. Chì là nguyên tố kim loại khá phổ biến trong môi trường. Một số nghiên cứu cho thấy rằng, không có hàm lượng chì trong máu thuộc mức an toàn mà nồng độ chì thấp nhất là 5 mcg/dL đã có thể gây ra vấn đề sức khỏe ở trẻ em.

    Các xét nghiệm bổ sung có thể bao gồm xét nghiệm máu để xem xét lượng tế bào dự trữ sắt trong máu, chụp X-quang và sinh thiết tủy xương.

    Phương pháp điều trị khi bị ngộ độc với chì

    Bước đầu tiên khi điều trị là xác định và loại bỏ nguồn gây nhiễm chì. Bạn nên giữ bé cách xa với những vật dụng có nguy cơ gây nhiễm chì. Nếu nguồn gây nhiễm chì không loại bỏ được thì cần niêm phong hoặc không để con lại gần. Hãy tìm hiểu thông tin ở các cơ sở y tế địa phương để biết cách loại bỏ chì. Họ cũng có thể giúp bạn cách làm giảm nguy cơ tiếp xúc với chì.

    Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, bạn cần dùng đến phương pháp chelation. Đây là cách điều trị làm cho chì tích tụ trong cơ thể bị gắn kết lại. Chì được gắn kết sau đó sẽ bài tiết ra ngoài theo nước tiểu của bạn.

    Ngoài ra, bạn có thể sử dụng chất EDTA hoặc than hoạt tính để gắn kết với chì trong đường tiêu hóa và thải chì ra ngoài khi đi vệ sinh. Tuy nhiên, dù có điều trị thì cũng rất khó đảo ngược các tác hại của việc tiếp xúc với chì lâu dài.

    Cách ngăn ngừa ngộ độc chì

    Người lớn tiếp xúc vừa phải với chì thường tự phục hồi và không có bất kỳ biến chứng gì. Ở trẻ em, việc hồi phục có thể mất một khoảng thời gian. Ngay cả việc tiếp xúc với chì lượng ít cũng có thể gây ra tình trạng khuyết tật về trí tuệ vĩnh viễn.

    Các bước đơn giản có thể giúp bạn ngăn ngừa nhiễm độc chì là:

    • Tránh hoặc vứt bỏ các loại đồ chơi được sơn và đóng hộp không rõ nguồn gốc;
    • Giữ nhà cửa sạch sẽ không bám bụi;
    • Chỉ sử dụng nước sạch để nấu đồ ăn và thức uống;
    • Rửa tay trước khi ăn;
    • Kiểm tra nguồn nước có chì hay không. Nếu nồng độ chì cao, hãy sử dụng thiết bị lọc chì hoặc uống nước đóng chai;
    • Thường xuyên vệ sinh vòi nước và máy lọc khí kỹ;
    • Rửa đồ chơi và bình nước trẻ em thường xuyên;
    • Dạy con rửa tay sau khi chơi;
    • Nếu đang xây nhà, hãy đảm bảo các công nhân đều được chứng nhận về kiểm soát chì;
    • Sử dụng sơn không chì trong nhà;
    • Cho con đi làm xét nghiệm về nồng độ chì khi được 1 đến 2 tuổi;
    • Tránh các khu vực có thể sử dụng sơn chứa chì.

    Hy vọng rằng những thông tin hữu ích về tình trạng cũng như cách phòng tránh ngộ độc chì ở trẻ sẽ giúp các bậc phụ huynh tìm ra được cách tốt nhất để bảo vệ con yêu luôn khỏe mạnh!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Đăng Lâm · Ngày cập nhật: 10/12/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo