backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

5 lý do bạn không nên ép con học giỏi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 13/01/2020

    5 lý do bạn không nên ép con học giỏi

    Con học giỏi và luôn đạt thành tích cao là niềm tự hào của nhiều bậc làm ba mẹ. Tuy nhiên, nếu bạn thúc ép con quá thì sẽ khiến bé bị áp lực tâm lý dẫn đến nhiều tác hại không ngờ. 

    Mong muốn con học giỏi và thành công vượt trội là dễ hiểu vì không ba mẹ nào muốn con mình bị thua thiệt so với những đứa trẻ khác. Thế nhưng, mỗi đứa trẻ đều có khả năng và điểm mạnh riêng. Nếu chỉ chú trọng thành tích trong lớp của trẻ, bạn dễ khiến trẻ dần xa cách, nảy sinh tâm lý chống đối, mất niềm vui và không còn tự tin.

    Không những gặp nhiều vấn đề tâm lý, trẻ còn bị suy giảm sức khỏe khi phải học hành quá căng thẳng. Sau đây là những tác hại mà trẻ có nguy cơ gặp phải nếu ba mẹ ép con học giỏi.

    1. Trẻ sẽ dần khép kín hơn

    con học giỏi

    Các nhà tâm lý cho rằng những trẻ bị áp lực phải học giỏi thường trở nên khép kín với ba mẹ và thầy cô hơn. Khi bị ép phải đạt được một số yêu cầu từ người lớn, trẻ sẽ không còn hào hứng chia sẻ những tâm tư, cảm giác hay thắc mắc của mình. Sự xa cách này sẽ khiến ba mẹ khó hiểu con cái và tình cảm gia đình từ đó cũng bị ảnh hưởng.

    Thay vì chỉ yêu cầu con phải học giỏi và luôn đạt điểm 10, bạn có thể học cùng bé mỗi tối để giúp con học hiệu quả hơn. Đây cũng là khoảng thời gian bạn có thể nghe con tâm sự về những chuyện trên trường như bạn bè, thầy cô, điểm số…

    2. Trẻ sẽ có tâm lý chống đối

    con học giỏi

    Những trẻ liên tục bị trách mắng khi bị điểm xấu có thể hình thành tâm lý tức giận và chống đối với người lớn. Trẻ sẽ có những hành vi chống đối như nói dối, cãi lời người lớn, không làm bài tập, gây gổ với bạn bè… 

    3. Trẻ có thể bị căng thẳng

    Kỳ vọng về điểm số của ba mẹ có thể tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ và khiến bé bị căng thẳng kéo dài cũng như gặp các dấu hiệu bệnh trầm cảm ở trẻ em. Những bé bị stress do điểm số có thể có một số dấu hiệu như tránh tương tác xã hội, thích ở một mình, giận dữ bất ngờ, trầm cảm, rối loạn ăn uống hay kiệt sức. Bên cạnh đó, tâm lý căng thẳng còn có thể dẫn đến các bệnh thể chất như đau dạ dày và đau đầu. 

    4. Trẻ cảm thấy chán học

    con học giỏi

    Khi ba mẹ ép con học giỏi và đạt điểm cao hơn bạn bè, bé sẽ phải chịu những lo lắng vượt quá độ tuổi của mình và ngày càng cảm thấy chán học. Thậm chí, tâm lý lo lắng này còn có thể khiến trẻ không muốn đi học và tìm mọi cách để được nghỉ.

    Học tập vốn là quá trình các bé khám phá thế giới xung quanh, tìm hiểu mọi người và cả tìm hiểu bản thân. Đây là một hành trình đầy hứng khởi và thú vị nên bạn không nên tước đi niềm vui này và ép trẻ chú trọng quá vào điểm số. 

    5. Trẻ có thể mất tự tin

    Nếu luôn phải nghe những lời thúc ép của ba mẹ về điểm số của mình, trẻ sẽ dần tin rằng mình chỉ đáng được yêu thương khi đạt thành tích cao. Bé sẽ cho rằng mình cần đáp ứng những tiêu chuẩn ba mẹ đề ra thì mới được công nhận. 

    Nếu bị điểm kém trong một bài kiểm tra nào đó, trẻ sẽ cho rằng mình không còn giá trị và bị thua kém các bạn. Tâm lý này lâu dần có thể khiến trẻ tự ghét bản thân, không dám nói lên chính kiến của mình và bỏ mất nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.

    Việc tạo áp lực ép con học giỏi và đạt thành tích cao không hề mang lại tác động tích cực mà còn khiến trẻ thêm căng thẳng, chống đối và xa cách với ba mẹ. Để có thể hỗ trợ trẻ, bạn cần hiểu khả năng, sở thích, tính cách và cả nguyện vọng của con. Khi được ba mẹ giúp đỡ và ủng hộ, trẻ sẽ càng có hứng thú tới trường và tiến bộ nhanh hơn.

    Như Vũ HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 13/01/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo