backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Dạy bé kỹ năng xử lý khi bị kẹt trong thang máy

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 29/11/2019

    Dạy bé kỹ năng xử lý khi bị kẹt trong thang máy

    Ngày nay, có nhiều gia đình chọn sống ở chung cư hay thường xuyên đến các trung tâm thương mại nên trẻ nhỏ cũng có nhiều điều kiện tiếp cận và sử dụng thang máy hơn. Tuy nhiên, nhiều gia đình xem nhẹ việc dạy con cách sử dụng thiết bị này cũng như những kỹ năng cần thiết giúp bé biết cách xử lý khi bị kẹt trong thang máy.

    Hello Bacsi sẽ giới thiệu những kỹ năng sử dụng và xử lý tình huống khi bị kẹt trong thang máy mà bố mẹ có thể dạy cho con cái.

    Những quy tắc an toàn khi sử dụng thang máy mà bạn nên dạy trẻ

    Đa số trẻ em đều rất thích thang máy. Mỗi lúc đi thang máy, các bé thường có xu hướng chạy vội vào thang máy mà không chờ bố mẹ. Thêm vào đó, khi vào thang máy, các bé cũng thường giành để được bấm nút, chọn rất nhiều nút cùng lúc hoặc chạm vào cửa nhiều lần. Không những vậy, trẻ còn nhấn nút bên ngoài thang máy ngay cả khi cả nhà không có nhu cầu sử dụng thang.

    Điều này sẽ dẫn đến những thói quen không tốt và đôi khi còn có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Vì vậy, hãy dạy bé sử dụng thang máy đúng cách để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như không gây phiền phức cho người khác.

    1. Không chạm vào các nút khi không cần thiết, chỉ nhấn chọn tầng mà mình muốn đi. Sau khi đã bấm nút xong, hãy dạy trẻ tránh xa khỏi vị trí đó để người khác có thể sử dụng.
    2. Hãy chỉ cho con vị trí của các thiết bị cảm biến và dặn trẻ tránh xa chúng. Bộ cảm biến này được xem là “mắt thần” của thang máy, giúp cửa tự động mở ra và đóng lại. Chúng thường được lắp ở phía bên trên hoặc 2 bên cửa.
    3. Chỉ cho con vị trí cũng như công dụng của các nút chuông và điện thoại. Khi gặp các trường hợp khẩn cấp, các bé có thể bấm các nút này để kêu gọi sự giúp đỡ từ người lớn bên ngoài.
    4. Chúng ta thường có thói quen để tay hoặc đứng giữa hai cửa thang máy để chặn cửa khi muốn đợi ai đó. Tuy nhiên, điều này là sai và có thể khiến bé bị thương khi cửa thang máy đóng vào.
    5. Không leo trèo lên bất cứ vật nào và bất cứ đâu trong thang máy. Trẻ con cũng thường thích đu mình lên các tay vịn trong thang máy, hãy cảnh báo con về những nguy hiểm có thể xảy ra khi bé bị ngã. Ngoài ra, bạn cũng nên nhắc con không nhún nhảy trong thang máy.
    6. Đứng xa cửa vào thang máy. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thang máy quá đông, bạn có thể dặn bé cố gắng tìm những vị trí phía trong hoặc cách cửa thang máy một đoạn nhất định để đứng. Ngoài ra, cũng dặn bé hãy để tay, đồ dùng và quần áo tránh xa khỏi cửa.

    Thêm một điều bạn nên dạy trẻ đó chính là rửa tay ngay sau khi sử dụng thang máy. Thang máy là nơi công cộng nên có thể chứa đựng nhiều vi khuẩn xung quanh, từ đó khiến trẻ rất dễ bị ốm.

    Dạy trẻ cách xử lý khi bị kẹt trong thang máy

    Bị kẹt trong thang máy 1

    Dạy con sử dụng thang máy một cách an toàn thôi là chưa đủ, bởi vì nguy hiểm có thể “rình rập” ở bất cứ đâu và thang máy có thể bị kẹt bất cứ lúc nào. Do đó, bạn hãy dạy con cả cách xử lý khi bị kẹt trong thang máy để bé không hoảng loạn nếu trường hợp đó xảy ra.

  • Đối với trẻ dưới 6 tuổi, không cho bé sử dụng thang máy một mình khi không có người lớn đi cùng.
  • Trong trường hợp có sự cố xảy ra, hãy dặn chúng không được hoảng loạn. Vì nếu hoảng loạn, trẻ không suy nghĩ được nhiều việc và rất khó có thể xử lý. Những lúc như vậy, bé cần giữ bình tĩnh trong thời gian chờ sự giúp đỡ. Sợ sệt hoặc khóc là một chuyện rất bình thường, tuy nhiên con cần tỉnh táo để làm theo các hướng dẫn từ bên ngoài. Nếu đi cùng em nhỏ khác, hãy dặn bé phải luôn nắm tay em để giữ cho cả hai bình tĩnh và bớt sợ hơn.
  • Ngoài việc giữ bình tĩnh, trẻ còn phải biết cách kêu gọi sự giúp đỡ từ bên ngoài. Sử dụng nút chuông hoặc điện thoại để báo cho người khác. Nếu chuông hoặc điện thoại không hoạt động, bé cũng có thể hét thật lớn để thu hút sự chú ý từ người lớn bên ngoài. Khi thông báo, trẻ cần nói rõ vị trí của thang, số lượng người và tình trạng của từng người có mặt trong thang máy.
  • Hãy dặn trẻ không cố gắng tự mở cửa thang máy, bởi vì cửa có thể tự đóng lại và khiến bé bị mắc kẹt dẫn đến bị thương.
  • Đứng xa cửa và các thiết bị cảm biến.
  • Không trèo lên bất cứ đâu trong thang máy. Trẻ em có thể xem quá nhiều phim hành động và bắt chước trèo lên phía trên thang máy để thoát ra ngoài. Tuy nhiên, điều này là rất nguy hiểm và có thể dẫn đến những tình huống nghiêm trọng hơn. Vì vậy, bạn hãy dặn bé bình tĩnh và chờ sự giúp đỡ từ người lớn bên ngoài.
  • Khi xảy ra sự cố kẹt thang máy, trẻ con cần phải kiên nhẫn chờ sự giúp đỡ của người lớn bên ngoài. Trẻ thường sợ thang máy bị rơi khi lơ lửng như vậy. Tuy nhiên, bạn nên nói rõ với bé là thang máy sẽ không thể tự rơi xuống như trong phim nếu không bị tác động.
  • Nhiều người sau khi bị kẹt trong thang máy thường đặt câu hỏi: “Trong lúc chờ người đến giúp, tôi ngồi xuống đợi thì có an toàn không?”. Thực tế thì việc ngồi xuống sàn thang máy không ảnh hưởng gì và khá an toàn. Bạn có thể dạy trẻ ngồi xuống trong thời gian đợi người bên ngoài đến giúp.
  • Khi xảy ra các trường hợp khẩn cấp như kẹt thang máy, không chỉ trẻ em mà người lớn cũng có thể hoảng loạn và không biết mình phải làm gì. Chính vì vậy, bạn nên trang bị cho trẻ những kỹ năng để xử lý tình huống bị kẹt trong thang máy. Nếu đã biết về những cách này, trẻ sẽ có thể giữ bình tĩnh và biết những việc cần làm nếu tình huống này xảy ra.

    Phương Quỳnh/HELLO  BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 29/11/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo