backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Sinh đôi khác trứng là như thế nào? 5 sự thật về song thai khác trứng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 20/07/2021

    Sinh đôi khác trứng là như thế nào? 5 sự thật về song thai khác trứng

     hợTheo suy nghĩ của nhiều người, các cặp sinh đôi sẽ giống hệt nhau về ngoại hình và một phần tính cách. Thế nhưng, điều này chỉ đúng với những cặp sinh đôi cùng trứng còn những cặp sinh đôi khác trứng sẽ có những điểm khác biệt khá đặc trưng.

    Sinh đôi là niềm vui cực kỳ to lớn đối cả gia đình nhưng đi cùng với niềm vui là rất nhiều nỗi băn khoăn, lo lắng về việc chăm sóc và nuôi dạy con. Trong số các ca sinh đôi, sinh đôi khác trứng khá là phổ biến, chiếm 2/3 tỉ lệ các ca sinh đôi. Cũng giống như sinh đôi cùng trứng, các cặp song thai khác trứng cũng tồn tại rất nhiều đặc điểm thú vị. Để hiểu thêm, bạn hãy xem tiếp những chia sẻ sau của Hello Bacsi nhé.

    Hiện tượng sinh đôi khác trứng là như thế nào?

    Sinh đôi khác trứng (song thai khác trứng hay thai đôi khác trứng) là hiện tượng có 2 quả trứng cùng rụng một lúc và thụ thai với 2 tinh trùng khác nhau trong cùng một đợt. Các cặp sinh đôi khác trứng có nhiều sự khác biệt về mặt di truyền hơn so với sinh đôi cùng trứng. Do đó, hai bé sinh đôi khác trứng không nhất thiết phải có cùng giới tính hoặc có ngoại hình giống hệt nhau.

    Sinh đôi cùng trứng và khác trứng sẽ khác nhau như thế nào?

    Sinh đôi cùng trứng là hiện tượng sau khi trứng được thụ tinh sẽ phân chia thành 2 tế bào riêng biệt và phát triển thành 2 cá thể riêng lẻ. Chính vì vậy, những cặp sinh đôi này sẽ giống nhau gần như 100% cấu trúc ADN.

    Trong khi những cặp sinh đôi khác trứng chỉ giống nhau 50% cấu trúc ADN. Thông thường, những cặp thai đôi khác trứng sẽ là sinh đôi 1 nam 1 nữ nhưng cũng có trường hợp cùng giới tính với tỷ lệ là 50:50.

    Một số đặc điểm thú vị của các cặp song thai khác trứng

    sinh đôi khác trứng

    1. Các bé có thể có giới tính khác hoặc giống nhau, nghĩa là bạn có thể sinh 1 bé trai 1 bé gái, 2 bé trai hoặc 2 bé gái.
    2. Các bé có thể không giống nhau nhiều như những cặp sinh đôi cùng trứng vì chúng chỉ giống nhau 50% cấu trúc ADN.
    3. Một người phụ nữ có thể thụ thai một cặp sinh đôi khác trứng với tinh trùng của 2 người đàn ông khác nhau, hiện tượng này gọi là bội thụ tinh khác kỳ.
    4. Tỷ lệ sinh đôi khác trứng ở các quốc gia Trung Phi là cao nhất, còn châu Á và châu Mỹ Latinh là thấp nhất.
    5. Mang thai song sinh có thể làm cho nhiều nhu cầu trong thai kỳ của bạn tăng cao.

    Những yếu tố làm gia tăng khả năng sinh đôi khác trứng

    Theo các nhà nghiên cứu, việc sinh đôi phụ thuộc phần lớn vào khía cạnh di truyền. Việc sinh con song sinh cùng trứng có thể không do di truyền nhưng cặp sinh đôi khác trứng thì yếu tố di truyền có thể có liên quan. Ngoài ra, còn có một số yếu tố như:

    1. Tuổi của người mẹ: Nếu bạn trên 30 thì tỷ lệ này sẽ cao hơn bởi ở độ tuổi này, cơ thể sẽ giải phóng nhiều FSH, một hormone có thể kích thích việc rụng hai quả trứng.
    2. Yếu tố di truyền: Nếu bạn có chị em sinh đôi hoặc trong nhà có chị hay em đã sinh đôi thì khả năng bạn mang thai đôi cũng rất cao.
    3. Nếu cả bên nội lẫn bên ngoại đều có trường hợp sinh đôi thì khả năng bạn mang song thai sẽ tăng lên.
    4. Phụ nữ có chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 30 có khả năng mang thai đôi cao hơn những người có chỉ số BMI bình thường. Nguyên nhân là do lượng chất béo dư thừa trong cơ thể có làm tăng nồng độ estrogen.
    5. Những phụ nữ có vóc dáng cao lớn sẽ dễ có cơ hội mang thai đôi hơn so với phụ nữ nhỏ bé.
    6. Càng mang thai nhiều lần cơ hội mang song thai càng cao.
    7. Phụ nữ cho con bú có nhiều khả năng sinh đôi hơn so với những phụ nữ không làm điều này. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ sinh đôi là 11,4% ở những phụ nữ cho con bú còn những phụ nữ không cho con bú thì tỷ lệ này chỉ là 1,1%.
    8. Một nghiên cứu đã chứng minh rằng phụ nữ ăn nhiều sản phẩm làm từ sữa sẽ có khả năng sinh đôi cao hơn những phụ nữ khác.
    9. Việc áp dụng các công nghệ hỗ trợ sinh sản, đặc biệt nhất là thụ tinh trong ống nghiệm có thể kích thích trứng rụng nhiều hơn trong mỗi tháng và làm tăng khả năng mang song thai khác trứng.

    Sinh đôi khác trứng có giống nhau không?

    sinh đôi khác trứng

    Câu trả lời có thể có hoặc không. 50% cấu trúc gien của cặp song sinh khác trứng sẽ khác nhau. Khi được sinh ra, màu tóc, màu da, cân nặng, kích thước, khuôn mặt, vóc dáng của cặp song sinh này có thể hoàn toàn khác nhau nếu cha và mẹ có màu da khác biệt nhau. Thai song sinh khác trứng sẽ có hai nhau thai cho từng thai nhi và nằm trong hai màng ối khác nhau trong tử cung người mẹ.

    Làm sao biết sinh đôi cùng trứng hay khác trứng?

    Để biết thai đôi cùng trứng hay khác trứng, bạn có xác định bằng cách làm xét nghiệm DNA và xem đoạn mã di truyền nào giống nhau. Nếu chỉ giống nhau có 50% ADN thì đó là sinh đôi khác trứng. Đây là cách xác định chính xác nhất và có thể thực hiện ngay khi mới sinh.

    Ngoài ra, bạn có thể nhận biết mình mang thai thai đôi thông qua các triệu chứng của thai kỳ. Trong 3 tháng đầu tiên, bạn sẽ cảm thấy buồn nôn nhiều hơn so với các lần mang thai khác (nếu bạn từng mang thai). Ngoài ra, bạn có thể bị nghén nặng khi ăn các loại thực phẩm như thịt, hải sản, cà phê…

    Bụng bạn sẽ to hơn nhiều so với những phụ nữ khác mang thai cùng giai đoạn, bạn cũng sẽ đi tiểu nhiều hơn và nồng độ hCG cũng cao hơn nhiều. Thậm chí, một số phụ nữ còn nằm mơ thấy mình mang thai sinh đôi khác trứng.

    Thai đôi khác trứng sẽ phát triển như thế nào trong bụng mẹ?

    Trong 8 tuần đầu tiên của thai kỳ, 2 quả trứng đã được thụ tinh sẽ bắt đầu phát triển thành hàng trăm tế bào, gắn chặt vào thành tử cung. Mỗi bé sẽ nằm trong một túi ối riêng và bắt đầu phát triển các bộ phận của cơ thể. Đến 8 tuần, các bé sẽ có tay, chân và bắt đầu phát triển hệ thần kinh.

    Đến 12 tuần, các bé bắt đầu đá và duỗi, móng tay cũng bắt đầu phát triển và xuất hiện mí mắt. Đến 16 tuần, mỗi bé sẽ có một dấu vân tay riêng và đến 20 tuần thì tóc của bé cũng bắt đầu phát triển.

    Đến 24 tuần, lông mày bắt đầu xuất hiện, đến tuần thứ 28, cặp song sinh có thể mở mí mắt và hình thành các lớp mỡ dưới da. Đến 32 tuần, tay, chân của các bé sẽ phát triển đầy đủ. Lúc này, các bé đã sẵn sàng chào đời trong vài tuần tiếp theo.

    Rủi ro mà mẹ bầu có thể gặp phải khi sinh đôi khác trứng

    Biến chứng mà thai phụ mang thai thai đôi khác trứng gặp phải cũng giống như những người mang thai đôi khác. Các biến chứng thai kỳ thường gặp là:

    1. Các bé sinh ra có cân nặng thấp hơn so với tuổi thai
    2. Trong giai đoạn sau của thai kỳ, khi các bé đã lớn, không gian trong tử cung sẽ bị bó hẹp. Điều này có thể khiến cho việc phát triển của các bé cũng bị hạn chế
    3. Nguy cơ tăng huyết áp khi mang thai (PIH) cũng cao hơn
    4. Có nguy cơ mắc phải bệnh đái tháo đường thai kỳ
    5. Tiềm ẩn nguy cơ sẩy thai và nguy cơ một trong hai bé chết khi chào đời
    6. Nguy cơ sinh non cao.

    Sinh đôi là rất hiếm và nếu bạn may mắn có được điều này, hãy tận hưởng niềm hạnh phúc này nhé. Mặc dù trong quá trình nuôi dạy và chăm sóc sẽ gặp nhiều khó khăn, vất vả, nhưng nhìn các bé lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc từng ngày sẽ là một điều rất tuyệt đấy.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 20/07/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo