backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Ngứa ngực khi mang thai: Nguyên nhân và cách giảm ngứa hiệu quả

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 28/08/2023

    Ngứa ngực khi mang thai: Nguyên nhân và cách giảm ngứa hiệu quả

    Nhiều người cho rằng các vấn đề mà mẹ bầu có thể gặp phải trong thời gian mang thai chỉ gói gọn trong những những việc như ốm nghén, thèm ăn, mất ngủ… Thế nhưng, thực chất là các mẹ còn gặp phải một số vấn đề khó chịu khác, chẳng hạn như cảm giác ngứa ngực khi mang thai cũng rất phổ biến.

    Có khá nhiều nguyên nhân gây ra những cơn ngứa này, bao gồm sự thay đổi nồng độ hormone, tình trạng da bị căng… Tuy nhiên, đây không phải làm vấn đề đáng lo ngại. Đọc ngay những thông tin sau đây để xử lý tình trạng ngực bị ngứa khi mang thai hiệu quả nhé!

    Nguyên nhân gây ngứa ngực khi mang thai

    Có rất nhiều lý do khiến bà bầu bị ngứa ngực khi mang thai. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến khiến các chị em bầu bí cảm thấy ngứa vùng “núi đôi”:

    1. Ngứa ngực khi mang thai do mắc các bệnh về da liễu

    Nếu bạn cảm thấy ngứa đầu vú hoặc bầu ngực trong thai kỳ, hãy xét đến nguyên nhân đầu tiên: các bệnh da liễu. Nếu mẹ bầu bị viêm da dị ứng, vảy nến… thì vùng da ngực có thể bị khô, phát ban.

    Viêm da tiếp xúc cũng có thể là tác nhân gây ngứa ngực khi mang thai. Mẹ bầu có thể bị viêm da tiếp xúc do các tác nhân như xà phòng, nước hoa, các chất tẩy rửa, sợi len, sợi nhân tạo…

    2. Ngực bị ngứa do quá trình mang thai

    Ngứa đầu vú và bầu ngực khi mang thai thường tăng mức độ hơn so với phụ nữ bình thường. Có rất nhiều sự thay đổi trong thai kỳ khiến mẹ bầu bị ngứa vùng ngực, bao gồm:

    2.1. Thay đổi nội tiết tố

    Trong thời gian mang thai, hormone của bạn sẽ thay đổi thất thường và dường như tăng lên đỉnh điểm vào gần ngày dự sinh. Lý do này đã tạo điều kiện để tất cả các triệu chứng khi mang thai xuất hiện, bao gồm ngứa ở vùng ngực, ngứa bụng, dễ nổi mề đay…

    2.2. Da bị căng gây ngứa ngực khi mang thai

    Khi thai nhi lớn dần trong bụng mẹ, làn da của bạn sẽ căng ra để phù hợp với hình dáng cũng như cân nặng hiện tại. Mẹ bầu thậm chí có thể nhận thấy những vết rạn ở ngực, đùi, mông và bụng, kèm theo là cảm giác nóng rát hoặc ngứa tại các khu vực này.

    Rạn da khi mang thai xuất hiện dưới nhiều màu sắc khác nhau, từ đỏ, hồng cho đến xanh hoặc thậm chí cả tím. Chúng có xu hướng mờ dần và nhạt đi theo thời gian. Điều này cũng xảy ra tương tự với vùng ngực. Bởi vì vòng 1 của mẹ sẽ ngày càng căng ra và lớn hơn theo sự phát triển của thai kỳ

    2.3. Chàm da (Eczema)

    vì sao bị ngứa ngực khi mang thai

    Bệnh chàm là tình trạng khá phổ biến mà mẹ bầu có thể gặp phải trong suốt 9 tháng em bé ở trong bụng mẹ. Một số dấu hiệu điển hình của chàm bao gồm ngứa ngực khi mang thai hoặc trên những bộ phận khác của cơ thể. Cùng với đó, làn da mẹ bầu cũng trở nên thô ráp, xuất hiện các mảng đỏ, nứt nẻ, thậm chỉ là nổi vảy.

    2.4. Sẩn ngứa và mề đay (Pruritic Urticarial Papules and Plaques of Pregnancy – PUPPP)

    Nếu mẹ bầu bị ngứa ngực thì nguyên nhân cũng có thể xuất phát từ chứng sẩn ngứa và mề đay đấy. Tình trạng này sẽ khiến da hiện lên các nốt sưng nhỏ, nốt mề đay theo từng cụm, lan đến cả các bộ phận khác như ngực, đùi và mông.

    2.5. Phát ban cơ địa thai kỳ (Atopic eruption during pregnancy – AEP)

    Những mẹ bầu có tiền sử dị ứng (viêm da dị ứng) có nguy cơ phát triển các mảng đỏ, có vảy và ngứa trên ngực, cổ và các vùng da khô khác. Đây có thể là nguyên nhân khiến các chị em bị ngứa ngực khi mang thai.

    2.6. Sẩn ngứa thai kỳ (Prurigo of pregnancy)

    Sẩn ngứa là một tình trạng đặc trưng của thai kỳ, xảy ra do phản ứng của hệ thống miễn dịch của cơ thể đối với tất cả những thay đổi của quá trình mang thai.

    Nếu bị sẩn ngứa thai kỳ, mẹ bầu có thể có những vết sưng nhỏ trên ngực hoặc các bộ phận khác trên cơ thể. Các vết sưng có thể gây ngứa và trông giống như vết côn trùng cắn.

    3. Ngứa ngực khi mang thai do các bệnh lý khác

    Mẹ bầu bị ngứa ngực cũng có thể do nhiều bệnh lý khác, chẳng hạn như nhiễm trùng nấm men, ứ mật khi mang thai, bệnh Paget ở vú (ung thư vú hiếm gặp), viêm vú… Bên cạnh đó, hăm da vùng ngực cũng có thể là nguyên nhân khiến mẹ bầu bị ngứa vú khi mang thai.

    Mẹ bầu ngứa ngực phải làm sao? 5 cách giảm ngứa ngực cực kỳ hiệu quả

    Mẹ bầu ngực bị ngứa nhưng không biết phải làm sao? Một số biện pháp sau đây có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn khi gặp phải tình trạng sau đây:

    1. Uống nhiều nước giúp giảm tình trạng ngứa ngực khi mang thai

    Theo các chuyên gia, phụ nữ mang thai nên uống khoảng 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày, bao gồm nước lọc, nước ép trái cây tươi, canh súp…

    Quá trình bầu bí làm gia tăng nhu cầu đi vệ sinh khiến nhiều mẹ bầu ngại uống nước. Tuy nhiên, nếu không bổ sung đủ chất lỏng, bạn sẽ có nguy cơ gặp phải các vấn đề như ngứa ngực khi mang thai, da khô bong tróc.

    Bên cạnh đó, thói quen uống đủ nước còn hỗ trợ giảm nhẹ một số tình trạng khó chịu khác, bao gồm táo bón.

    2. Bà bầu bị ngứa ngực nên lựa chọn quần áo thoải mái

    cách giảm ngứa ngực khi mang thai

    Nếu cảm thấy ngứa bầu ngực khi mang thai, mẹ hãy ưu tiên trang phục có chất liệu co giãn và thấm hút mồ hôi tốt. Những đặc điểm này sẽ hạn chế việc da cọ xát với vải, từ đó tránh làm nghiêm trọng thêm tình trạng ngứa ngực. Bên cạnh đó, việc lựa chọn quần áo được làm từ cotton hoặc linen còn hỗ trợ cho da mẹ bầu được “thở” một cách thoải mái nhất thay vì khó chịu do bị hầm bí bách và mồ hôi.

    Đối với áo ngực, bạn nên tìm mua các áo có dáng nâng đỡ, kích cỡ vừa vặn hoặc lớn hơn size hiện tại một chút là tốt nhất.

    3. Làm mát cơ thể giúp giảm ngứa ngực ở bà bầu

    Thay vì cố gắng gãi để thỏa cơn ngứa khiến da bị xước hoặc thậm chí chảy máu, bạn có thể áp dụng biện pháp chườm mát nhằm làm dịu cơn ngứa ngực khi mang thai cũng như tình trạng chàm da nếu chẳng may mắc phải.

    Nếu tắm bằng nước nóng, bạn hãy dùng nhiệt kế để đo nhiệt độ nước ở khoảng từ 29.4 – 32.2°C là vừa. Bên cạnh đó, bạn nên chỉ tắm từ 10 – 15 phút nhằm tránh việc da mất đi độ ẩm cần thiết.

    4. Dùng kem dưỡng ẩm

    Việc dùng các loại kem dưỡng ẩm có đặc tính làm dịu và dưỡng ẩm sẽ giúp bạn hạn chế tình trạng ngứa ngực khi mang thai. Hãy chọn các sản phẩm với thành phần lành tính, thân thiện với làn da như dầu ô liu, bơ hạt mỡ, dầu jojoba…

    5. Chọn xà phòng lành tính

    Một số loại xà phòng có thành phần tẩy rửa quá mạnh sẽ làm làn da mất đi độ ẩm cần thiết. Điều này vô tình khiến bạn dễ bị ngứa ngực khi mang thai. Do vậy, dù loại sữa tắm bạn đang dùng có thơm đến đâu nhưng nếu chúng khiến bạn không thoải mái ở vùng da ngực sau khi bước ra khỏi phòng vệ sinh thì hãy tạm thời chuyển sang một sản phẩm khác lành tính hơn nhé.

    Ngứa ngực liệu có phải dấu hiệu mang thai?

    Quả thật, quá trình mang thai đem đến các thay đổi về thể chất bên ngoài cũng như nội tiết tố bên trong. Việc ngực bạn có cảm giác ngứa ngầm báo hiệu cho thấy cơ thể đang bắt đầu chuẩn bị cho sự xuất hiện của em bé.

    Tuy nhiên, để chắc chắn hơn, bạn vẫn nên thực hiện các bài kiểm tra thử thai bởi hiện tượng ngứa ngực cũng có thể là do những tình trạng sức khỏe khác gây nên.

    Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ về nguyên nhân gây ngứa ngực khi mang thai cũng như biết được lời đáp cho vấn đề bà bầu ngứa ngực phải làm sao.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 28/08/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo