backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Biện pháp giúp giảm mụn trứng cá khi mang thai

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 20/05/2022

    Biện pháp giúp giảm mụn trứng cá khi mang thai

    Bạn bị nổi nhiều mụn trứng cá khi mang thai? Sự thay đổi hormone trong thai kỳ dẫn đến tình trạng này. Có nhiều biện pháp giúp giảm mụn trứng cá.

    Mụn trứng cá thường gọi đơn giản là mụn bọc hoặc mụn. Đây là tình trạng liên quan đến tuyến bã nhờn dưới da. Đường dẫn chất nhờn nối từ lỗ chân lông đến tuyến bã nhờn được gọi là nang lông. Những nốt mụn đỏ hình thành khi nang lông của bạn bị lượng lớn chất nhờn và tế bào chết làm tắc nghẽn, dẫn đến viêm.

    Nếu lỗ chân lông chỉ bị tắc nghẽn một phần, sau đó sẽ chuyển sang màu đen do tiếp xúc với oxy sẽ hình thành mụn đầu đen. Còn mụn đầu trắng hình thành do lỗ chân lông bị tắc nghẽn hoàn toàn với bề mặt bị che phủ. Do đó, mụn thường có màu trắng hoặc màu gần với da. Nếu để lâu, cả hai loại mụn này có thể bị sưng hoặc biến thành mụn trứng cá.

    Tìm hiểu nguyên nhân gây mụn trứng cá khi mang thai

    bien-phap-giup-giam-mun-trung-ca-khi-mang-thai-1

    Dưới đây là một vài lý do khiến mụn trứng cá bùng phát khi mang thai:

    1. Nội tiết tố thay đổi trong giai đoạn đầu của thai kỳ là nguyên nhân chính khiến mụn trứng cá mọc nhiều. Sự gia tăng của hormone androgen khiến da sản sinh ra bã nhờn nhiều hơn làm cho lỗ chân lông bị tắc nghẽn, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát sinh.

    2. Nếu bạn sử dụng các sản phẩm chăm sóc da và trang điểm gốc dầu thì nguy cơ bị mụn trứng cá là rất cao.

    3. Nếu bạn đã từng bị mụn trứng cá trước đây thì nguy cơ mụn bùng phát trong thai kỳ là rất lớn. Ngoài ra, nếu thường bị mụn trước khi hành kinh, có nhiều khả năng bạn phải “sống chung” với nó trong thời gian mang thai.

    4. Các yếu tố về hệ miễn dịch khiến da bạn trở nên nhạy cảm. Hệ miễn dịch yếu sẽ khiến vi khuẩn sinh sôi ở trong các lỗ chân lông, gây viêm.

    Mụn trứng cá không phải là một vấn đề nghiêm trọng nhưng có thể ảnh hưởng đến tâm lý của phụ nữ mang thai.

    Làm thế nào khi mụn trứng cá xuất hiện dày đặc?

    Nếu chỉ bị nhẹ thì bạn sẽ không để ý. Thế nhưng, nếu bị nặng thì bạn sẽ dành cả ngày để nghĩ về nó đấy. Dưới đây là một số cách mà bạn có thể xử lý khi gặp phải tình huống này:

    1. Mụn trứng cá nhẹ

    Mụn trứng cá nhẹ thường chỉ có liên quan đến mụn đầu trắng và mụn đầu đen. Ngoài ra, chúng cũng sẽ không xuất hiện thành từng mảng lớn trên gương mặt của bạn. Các biện pháp chăm sóc da thường xuyên có thể giảm bớt tình trạng này.

    Cách xử lý

    Hỏi bác sĩ da liễu về các biện pháp điều trị ngoài da. Những sản phẩm non-acnegenic (không gây mụn) cũng có thể giúp ngăn ngừa mụn trứng cá. Tuy nhiên, bạn vẫn nên nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng.

    Khi sử dụng các loại thuốc bôi, hãy đọc kỹ và làm theo hướng dẫn được ghi trên bao bì. Đừng thay đổi các loại thuốc liên tục. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng một số loại sữa rửa mặt hoặc kem dưỡng ẩm nhẹ nhàng. Nếu tình trạng mụn trứng cá không được cải thiện sau 8 tuần, hãy đến gặp bác sĩ một lần nữa.

    2. Mụn trứng cá khi mang thai ở mức trung bình

    Mụn trứng cá ở mức trung bình là khi các vết mụn đã bắt đầu sưng đỏ có mủ ở bên trong. Ngoài ra, những vết mụn này đã lan truyền khá rộng trên mặt bạn. Bạn cần phải tốn khá nhiều thời gian để điều trị đấy.

    Cách xử lý

    Hãy đến bác sĩ khám. Lúc này, bác sĩ có thể kê cho bạn một số loại thuốc kháng sinh. Theo dõi tình trạng này trong 12 tuần hoặc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu tình trạng này không được điều trị kịp thời sẽ để lại sẹo trên da.

    3. Mụn trứng cá nặng

    Mụn trứng cá nặng là khi những vết mụn đã xuất hiện những khối u sâu, lớn ở dưới da. Ngoài ra, mụn đã lan ra khắp gương mặt. Khi rơi vào tình huống này, bạn nên điều trị ngay để tránh để lại sẹo vĩnh viễn.

    Cách xử lý

    Nếu rơi vào tình huống này, đầu tiên bạn nên đến gặp bác sĩ để khám. Sau khi nhận được toa thuốc, hãy uống theo yêu cầu.

    Các biện pháp kiểm soát tình trạng lây lan của mụn trứng cá khi mang thai

    Do da mẹ bầu thay đổi rất nhiều khi mang thai, bạn có thể thực hiện một số biện pháp dưới đây để ngăn ngừa và giảm nguy cơ mụn trứng cá lây lan trên diện rộng khi mang thai.

    1. Giữ da sạch sẽ

    giữ da mặt sạch sẽ

    Sử dụng một loại sữa rửa mặt nhẹ nhàng để làm sạch lỗ chân lông. Rửa mặt 2 lần/ngày vào buổi sáng và trước khi đi ngủ. Sau khi rửa xong, hãy lau nhẹ nhàng bằng khăn sạch, không chà xát.

    Giữ khu vực đường viền hàm dưới với đường viền với tóc sạch sẽ vì những khu vực này là nơi dễ bị tắc nghẽn nhất. Ngoài ra, khi gội đầu, bạn không nên sử dụng loại dầu gội có tính dầu.

    Giặt bao áo gối thường xuyên để tránh tiếp xúc với bã nhờn còn đọng lại trên gối. Đừng rửa mặt quá nhiều lần vì sẽ làm mất độ ẩm tự nhiên của da. Cuối cùng, tránh sử dụng nước nóng khi rửa mặt vì sẽ làm da bị khô.

    2. Đừng cọ xát vùng mụn

    Khi rửa mặt, đừng kỳ cọ vùng bị mụn vì nó có thể khiến tình hình trở nên tệ hơn. Trong thời gian mang thai, da của bạn sẽ nhạy cảm đến nỗi mà chỉ chà nhẹ cũng có thể tạo ra thương tích. Vì vậy, việc chà xát quá mức sẽ khiến da bị mất đi độ ẩm, khiến cho tuyến bã nhờ hoạt động mạnh hơn. Bên cạnh đó, việc nặn mụn trong lúc này cũng có thể khiến bạn bị sẹo vĩnh viễn. Do đó, bạn chỉ nên lau mặt nhẹ nhàng bằng khăn mềm hoặc bằng tay. Rửa mặt kỹ, sử dụng kem dưỡng ẩm không dầu.

    3. Tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời quá nhiều

    Việc tiếp xúc nhiều với ánh mặt trời không chỉ gây hỏng da mà còn khiến mụn trứng cá xuất hiện. Khi ra ngoài, bạn hãy sử dụng kem chống nắng để ngăn ngừa tổn thương. Quan trọng hơn, bạn nên lựa chọn loại kem chống nắng nào phù hợp với da nhờn và da bị mụn nhé.

    4. Làm ẩm da

    bôi kem dưỡng ẩm để ngừa mụn trứng cá khi mang thai

    Hãy sử dụng kem dưỡng ẩm không dầu được thiết kế đặc biệt cho da bị mụn trứng cá. Điều này sẽ giúp giữ độ ẩm cho làn da. Bên cạnh đó, bạn đừng rửa mặt quá thường xuyên vì điều này sẽ khiến da bị mất đi độ ẩm. Hãy nhớ một điều: việc sử dụng kem dưỡng ẩm phù hợp sẽ giúp duy trì độ pH của da.

    5. Tránh trang điểm khi đang trị mụn cho bà bầu

    Bạn nên hạn chế trang điểm khi đang bị mụn trứng cá. Tuy nhiên, nếu bắt buộc phải làm điều này, hãy lựa chọn những mỹ phẩm không chứa gốc dầu. Tẩy lớp trang điểm càng sớm càng tốt nhé.

    6. Ăn những món tốt cho sức khỏe

    Hạn chế ăn đồ ngọt để giảm mụn. Tránh các loại thực phẩm nướng và chiên vì chúng chứa rất nhiều chất béo không bão hòa, khiến da dễ bị mụn. Thay vì sử dụng đường, hãy chuyển sang dùng mật ong. Ăn nhiều loại hạt, trái cây tươi, rau xanh, cam để bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Trước khi thay đổi chế độ ăn, hãy nói chuyện với bác sĩ để đảm bảo sức khỏe của bạn và bé nhé.

    7. Bổ sung vitamin B2

    thực phẩm giàu vitamin B2

    Thiếu hụt vitamin B2 có thể khiến da sản xuất nhiều chất bã nhờn. Có rất nhiều thực phẩm giàu vitamin B2 mà bạn nên sử dụng như các loại rau có màu xanh, cải bó xôi, măng tây và hạnh nhân.

    8. Uống nhiều nước để phòng ngừa mụn trứng cá khi mang thai

    Uống nhiều nước mỗi ngày vì nếu thiếu nước, da sẽ bị khô. Bạn có thể thử một số loại thức uống dinh dưỡng như nước ép trái cây tươi, sinh tố, sữa lắc và nước ép rau củ. Điều này không chỉ giúp bổ sung nước cho cơ thể mà còn giúp bổ sung chất dinh dưỡng để hạn chế tình trạng mụn trứng cá bùng phát.

    Các biện pháp trên chỉ giúp bạn kiểm soát tình trạng lây lan của mụn trứng cá chứ không thể loại bỏ chúng hoàn toàn. Vì vậy hãy thử một số biện pháp dưới đây để điều trị mụn trứng cá cho bà bầu nhé.

    Một số giải pháp thiên nhiên khắc phục tình trạng mụn trứng cá khi mang thai

    Mụn trứng cá chỉ là tạm thời và có thể được điều trị nếu bạn biết cách chăm sóc da. Dưới đây là những phương pháp điều trị từ thiên nhiên mà bạn có thể thử:

    1. Dầu dừa

    Chuẩn bị một vài giọt dầu dừa thiên nhiên. Rửa và massage mặt với nước, sau đó dùng dầu dừa xoa lên vùng bị mụn khoảng từ 1 – 2 phút và để qua đêm. Bạn nên làm việc này mỗi đêm.

    Dầu dừa nổi tiếng với tính kháng khuẩn và kháng nấm. Vì vậy, nó sẽ giúp bạn chống lại các vi khuẩn gây ra mụn trứng cá. Ngoài ra, dầu dừa còn giúp giữ ẩm và nuôi dưỡng làn da của bạn.

    2. Giấm táo

    dùng giấm táo trị mụn cho bà bầu

    Chuẩn bị một ít giấm táo tươi chưa qua chế biến. Sau đó, trộn giấm táo và nước với tỷ lệ 1:3. Ngâm một cái khăn trong hỗn hợp này, sau đó áp lên vùng da bị mụn để thấm dầu. Bạn nên làm điều này 1 lần/ngày.

    3. Trị mụn cho bà bầu bằng Baking soda

    Chuẩn bị một ít baking soda. Sau đó, cho một muỗng baking soda vào nước và bôi lên vùng da bị mụn. Để khô rồi mới rửa. Bạn nên làm điều này từ 2 – 4 lần/tuần.

    Baking soda giúp loại bỏ chất nhờn ra khỏi da. Ngoài ra, nó còn nổi tiếng với đặc tính kháng khuẩn và chống viêm.

    4. Những loại hoa quả thuộc họ cam quýt

    Chuẩn bị một trái chanh. Vắt lấy một vài giọt nước cốt chanh và hòa tan với nước, sau đó thoa trực tiếp lên vùng bị mụn bằng một miếng bông gòn. Để khoảng 10 phút cho đến khi khô, sau đó rửa lại lại bằng nước sạch. Bạn nên làm việc này 1 lần/ngày.

    Chanh có chứa axít alpha hydroxy giúp làm sạch lỗ chân lông và loại bỏ các tế bào chết.

    5. Mật ong

    mật ong giúp làm dịu da

    Bạn hãy chuẩn bị một vài giọt mật ong. Sau khi rửa mặt bằng nước ấm, hãy thoa mật ong trực tiếp vào vùng da bị mụn. Để khoảng từ 20 – 30 phút rồi rửa sạch bằng nước ấm. Bạn nên thực hiện 2 lần/ngày, vào buổi sáng và buổi tối.

    Mật ong có tính khử trùng và kháng khuẩn. Bên cạnh đó, nó còn giúp làm dịu làn da của bạn.

    6. Dùng nghệ chữa mụn trứng cá khi mang thai

    Bạn hãy chuẩn bị sẵn một thìa cà phê bột nghệ với một ít nước. Sau đó, trộn 2 thứ này lại với nhau và thoa lên vùng bị mụn. Để khoảng một giờ hoặc lâu hơn rồi mới rửa sạch bằng nước. Bạn nên thực hiện việc này mỗi ngày.

    Nghệ là một chất khử trùng tự nhiên và giúp làm sáng da. Ngoài ra, nó còn có khả năng ngăn ngừa tình trạng nổi mề đay và giúp cải thiện chất lượng da, màu sắc và kết cấu của da.

    Lưu ý: Khi thực hiện phương pháp này, bạn nên mặc quần áo cũ vì khi nghệ dính lên quần áo sẽ rất khó giặt.

    7. Lô hội (nha đam)

    Chuẩn bị sẵn một ít lô hội, sau đó cắt lát và lấy phần gel bên trong. Thoa trực tiếp lên mặt và massage nhẹ nhàng. Để khoảng 30 phút rồi rửa sạch bằng nước. Bạn cũng có thể để qua đêm nếu không cảm thấy khó chịu. Hãy làm điều này vào mỗi tối trước khi ngủ nhé.

    Tinh chất lô hội là một phương thuốc kỳ diệu để giải quyết các vấn đề có liên quan đến da. Bên cạnh đó, nó còn giúp giảm mụn trứng cá và cung cấp các dưỡng chất cần thiết để giúp làn da trở nên tươi trẻ hơn.

    8. Tinh dầu cây trà

    tinh dầu tràm trà

    Nhỏ 1 – 2 giọt tinh dầu tràm trà vào bát với 1 giọt tinh dầu oải hương và 4 – 5 giọt dầu dừa nguyên chất hoặc dầu ô liu. Trộn các loại tinh dầu này lại với nhau, thoa trực tiếp lên vùng bị mụn và để qua đêm. Bạn nên thực hiện việc này mỗi đêm trước khi đi ngủ.

    Chất chống oxy hóa và tính kháng khuẩn có trong dầu oải hương và dầu cây trà giúp làm giảm mụn trứng cá và làm mờ sẹo.

    Lưu ý: Tinh dầu có thể không phù hợp với mọi người. Do đó, bạn chỉ sử dụng nếu không bị dị ứng với chúng. Trước khi dùng, nhớ tham khảo ý kiến bác sĩ nhé.

    9. Mặt nạ đất sét dành cho mẹ bị mụn trứng cá khi mang thai

    Bạn hãy chuẩn bị sẵn một ít đất sét, một vài giọt nước hoa hồng và một vài giọt nước chanh. Cho một vài giọt nước hoa hồng và 1 – 2 giọt nước chanh vào đất sét, sau đó thoa lên vùng bị mụn. Để khoảng 5 phút và rửa sạch bằng nước ấm. Bạn nên làm việc này khoảng 3 lần/tuần. Phương pháp này giúp hạn chế tiết bã nhờn và giúp các lỗ chân lông không còn bị tắc nghẽn nữa.

    10. Đu đủ

    Chuẩn bị một trái đủ đủ xanh. Lấy phần thịt và trộn với nước, sau đó thoa trực tiếp lên da. Để khoảng 5 – 10 phút rồi rửa sạch bằng nước ấm. Bạn nên thực hiện phương pháp này mỗi ngày bởi nó rất hiệu quả trong việc loại bỏ tế bào chết và hạn chế việc sản xuất chất nhờn quá nhiều.

    11. Dưa leo và bột yến mạch

    dưa leo trị mụn cho bà bầu

    Bạn chuẩn bị sẵn một trái dưa leo cắt hạt lựu và một ít bột yến mạch. Trộn dưa leo với bột yến mạch và cho vào tủ lạnh. Sau đó, đắp lên mặt và để từ 10 – 15 phút. Bạn nên làm việc này thường xuyên vì nó giúp làm dịu da, giảm mụn trứng cá.

    Nếu sau khi sử dụng những phương pháp này, mụn trứng cá vẫn không hết, bạn nên sử dụng các loại thuốc mà bác sĩ kê đơn. Tuy nhiên, bạn cần thận trọng khi sử dụng chúng trong thai kỳ.

    Thắc mắc: mụn trứng cá có phải là dấu hiệu của việc mang thai?

    Sự thay đổi của hormone trong cơ thể khi mang thai khiến mụn hoạt động mạnh mẽ trên da của bạn. Nếu trước đây từng bị mụn thì khả năng bạn gặp phải triệu chứng này trong thai kỳ rất cao. Còn nếu bạn đang bị mụn thì các triệu chứng sẽ trở nên trầm trọng hơn trong thai kỳ nhưng sẽ dần dịu lại khi các hormone ổn định.

    Không phải thai phụ nào cũng bị mụn trứng cá nhưng thông thường, mụn sẽ bùng phát vào đầu thai kỳ. Sau đó, tình hình sẽ dần được cải thiện và đến những tháng cuối thì tình trạng mụn trầm trọng trở lại do các hormone lại biến động mạnh.

    Sự gia tăng của hormone androgen chỉ là một trong nhiều lý do gây ra mụn trứng cá trong thời gian mang thai. Bên cạnh đó, vẫn có một số lý do khác.

    Điều trị mụn trứng cá trong thai kỳ có an toàn không?

    điều trị mụn trứng cá khi mang thai

    Bạn nên hỏi bác sĩ da liễu về những phương pháp điều trị tình trạng này. Mụn trứng cá không phải là một tình trạng nghiêm trọng và nó hoàn toàn có thể cải thiện một khi các hormone trở lại bình thường. Vì vậy, bạn có thể tự quyết định xem có nên điều trị hay không dựa trên mức độ mà bạn đang gặp phải.

    Những phương pháp trị mụn trứng cá an toàn cho bà bầu:

    • Những loại thuốc có chứa kẽm sulfat, axít azelaic, erythromycin và clindamycin có thể sử dụng để điều trị tình trạng mụn trứng cá nhẹ và trung bình.
    • Những loại thuốc có chứa axít salicylic được coi là an toàn trong thai kỳ và có thể dùng mà không cần đến việc kê toa.
    • Benzoyl peroxide cũng rất an toàn khi sử dụng điều trị mụn trứng cá trong thời gian mang thai. Da chỉ hấp thu 5% benzoyl peroxide, sau đó chuyển thành axít benzoic và được bài tiết qua nước tiểu.
    • Axít azelaic cũng an toàn khi sử dụng trong thai kỳ vì theo nghiên cứu, không có các dị tật bẩm sinh nào được phát hiện khi sử dụng thuốc này.
    • Kem có chứa resorcinol hoặc lưu huỳnh cũng có thể giúp ngăn ngừa mụn đầu đen và mụn đầu trắng.
    • Sữa rửa mặt có chứa axít glycolic với hàm lượng thấp cũng vô hại trong thời kỳ mang thai.
    • Thuốc kháng sinh như erythromycin, azithromycin và cephalexin cũng không gây ra nguy cơ gì.

    Lưu ý: Không tự ý sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào trước khi nói chuyện với bác sĩ vì có một số loại thuốc không an toàn cho phụ nữ mang thai.

    Phương pháp không nên dùng để điều trị mụn trứng cá khi mang thai

    Thuốc ảnh hưởng tới mỗi người theo nhiều cách khác nhau. Do đó, sẽ rất khó biết được loại thuốc nào là phù hợp với bạn. Tuy nhiên, tốt hơn hết bạn không nên dùng những loại thuốc sau:

    1. Isotretinoin

    Nên tránh sử dụng Isotretinoin trong thai kỳ vì:

    • Nó gây ra dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh.
    • Hiệu quả của thuốc rất mạnh. Do đó, trước khi sử dụng, bạn cần phải có một số biện pháp phòng ngừa nhất định để tránh rủi ro.
    • Thuốc này cực kỳ nguy hiểm với phụ nữ mang thai. Ở người bình thường, bác sĩ sẽ yêu cầu sử dụng thuốc ngừa thai trước khi dùng thuốc này.

    2. Thuốc kháng androgen

    Việc sử dụng thuốc kháng androgen (spironolactone và flutamide) cũng có thể gây dị tật bẩm sinh.

    3. Tetracyclines trị mụn trứng cá cho bà bầu

    Thuốc kháng sinh tetracyclines có chứa doxycycline và minocycline, gây cản trở sự phát triển của xương và dẫn đến tình trạng răng đổi màu ở thai nhi. Nếu bạn đang mang thai ở tuần thứ 15, hãy tránh dùng loại thuốc này vì nó có thể gây dị tật bẩm sinh.

    4. Thuốc corticosteroid

    Thuốc corticosteroid cũng được sử dụng để điều trị mụn trứng cá nặng. Tuy nhiên, việc sử dụng loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ hở hàm ếch, sinh non và sẩy thai.

    5. Retinoid

    Retinoid có thể đi vào máu thông qua da và tiếp cận với thai nhi. Các retinoids như adapalen (Differin), tazarotene (Tazorac) và tretinoin (Retin-A) cần tránh sử dụng trong thời kỳ mang thai vì chúng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi.

    Mụn trứng cá không phải là một vấn đề nghiêm trọng có thể đe dọa đến sức khỏe của bạn và thai nhi. Tuy nhiên, tình trạng mụn trứng cá nghiêm trọng có thể làm cho phụ nữ mang thai cảm thấy chán nản và điều đó không tốt cho thai kỳ. Hãy thử các biện pháp điều trị tại nhà và thay đổi một số thói quen sinh hoạt. Nếu vẫn không hết, bạn hãy đến gặp bác sĩ và hỏi ý kiến.

    Một số câu hỏi thường gặp

    1. Khi nào mụn trứng cá sẽ biến mất?

    Mụn trứng cá có thể giảm trong quá trình mang thai hoặc sau khi sinh con. Việc chăm sóc tốt cho làn da sẽ đẩy nhanh quá trình giảm mụn.

    2. Mụn trứng cá khi mang thai có giúp xác định giới tính của bé không?

    Không có bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng mụn trứng cá có thể xác định giới tính của thai nhi. Tuy nhiên, theo dân gian, nếu bạn nổi nhiều mụn trứng cá khi mang thai thì nhiều khả năng bạn sắp có một bé gái đấy.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 20/05/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo