backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Hormone chống bài niệu

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 11/05/2020

Tên kĩ thuật y tế: Xét nghiệm hormone chống bài niệu (ADH, Vasopressin)

Bộ phận cơ thể/Mẫu thử: Máu

Tìm hiểu chung

Xét nghiệm hormone chống bài niệu là gì?

Xét nghiệm hormone chống bài niệu (ADH) được dùng để chẩn đoán và xác định nguyên nhân gây ra sự thiếu hụt hay dư thừa hocmon chống bài niệu. Tuy nhiên xét nghiệm này thường không phổ biến. Để chẩn đoán những tình trạng này bác sĩ thường dựa vào các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm khác như độ thẩm thấu máu và thẩm thấu nước tiểu, xét nghiệm điện giải đồ.

ADH, hay vasopressin, được sản xuất ở vùng dưới đồi và được dự trữ ở thuỳ sau tuyến yên. ADH điều khiển lượng nước được tái hấp thu ở gan. Áp suất thẩm thấu của huyết thanh cao hay giảm lượng máu trong lòng mạch sẽ kích thích giải phóng ADH. Stress, phẫu thuật hay lo lắng quá mức cũng có thể kích thích giải phóng ADH. Càng nhiều ADH được giải phóng, nước tái hấp thụ ở thận càng nhiều. Nước sẽ tái hấp thụ quá nhiều vào dòng máu và khiến nước tiểu đặc lại. Khi ADH giảm, cơ thể sẽ thải nước ra, gây ra cô đặc máu và làm loãng nước tiểu.

Đái tháo nhạt xảy ra khi cơ thể không tiết đủ ADH hay thận không đám ứng kích thích của ADH. Lượng ADH tiết ra không đủ thường do các bất thường với hệ thần kinh trung ương (đái tháo nhạt do thần kinh), gây ra bởi chấn thương, khối u, viêm não (viêm vùng dưới đồi), hay phẫu thuật cắt bỏ tuyến yên. Bệnh nhân mắc đái tháo nhạt thải lượng lớn nước trong một lần tiểu. Máu của họ bị cô đặc lại, khiến bệnh nhân cảm thấy khát.

Các bệnh thận nguyên phát có thể khiến thận ít nhạy hơn với các kích thích từ ADH (đái tháo nhạt do thận). Để phân biệt đái tháo nhạt do thần kinh với đái tháo nhạt do thận, bác sĩ có thể tiến hành nghiệm pháp ngừng uống nước (thử nghiệm kích thích ADH). Trong nghiệm pháp này, bệnh nhân sẽ không được uống nước, và độ thẩm thấu niệu sẽ được đo trước và sau khi vasopressin được đưa vào cơ thể. Nếu đái tháo nhạt do thần kinh, độ thẩm thấu niệu do giảm lượng nước không thay đổi, trong khi độ thẩm thấu niệu sẽ tăng sau khi đứa vasopressin vào cơ thể. Trong trường hợp đái tháo nhạt do thận, độ thẩm thiếu niệu sẽ không tăng ngay cả khi giảm lượng nước và dùng vasopressin. Chẩn đoán bệnh có thể kèm theo xét nghiệm ADH huyết thanh. Trong trường hợp đái tháo nhạt do thần kinh, lượng ADH thấp, ngược lại trong trường hợp đái tháo nhạt do thận, lượng ADH cao.

Lượng ADH huyết thanh cao đi kèm với hội chứng tiết ADH không thích hợp. Đáp ứng lại sự tiết ADH quá mức, nước được thận hấp thụ lại tại thận quá nhiều so với lượng bình thường. Do đó máu bệnh nhân loãng ra và nước tiểu đặc lại. Nồng độ các ion quan trọng trong máu giảm, gây ra các rối loạn nghiêm trọng về thần kinh, tim và chuyển hoá. Hội chứng tiết ADH không thích hợp cũng đi kèm với các bệnh về phổi (ví dụ như lao phổi, viêm phổi do nhiễm trùng), stress nặng (ví dụ phẫu thuật hay chấn thương), u não, hay nhiễm trùng. ADH tiết ra từ các khối u cũng gây ra hội chứng tiết ADH không thích hợp. Các khối u gây hội chứng tiết ADH không thích hợp bao gồm các u biểu mô phổi, tuyến ức, khối u hạch lympho, bệnh bạch cầu, các khối u biểu mô tuỵ, đường niệu và ruột. Bệnh nhân mắc bệnh suy tuyến giáp hay bệnh Addison cũng có thể mắc hội tiết ADH không thích hợp.

Bác sĩ dùng nghiệm pháp chặn ADH để phân biệt hội chứng tiết ADH không thích hợp với các nguyên nhân khác gây ra hạ natri máu hay các bệnh lý phù nề. Nghiệm pháp này thường được dùng với đo độ thẩm thấu niệu và thẩm thấu nước tiểu. Bệnh nhân mắc hội chứng tiết ADH không thích hợp sẽ không thải hoặc thải rất ít lượng nước được uống vào. Hơn nữa, độ thẩm thấu niệu sẽ không bao giờ thấp hơn 100, và tỉ lệ thẩm thấu niệu/máu sẽ cao hơn 100. Bệnh nhân với các nguyên nhân khác gây hạ natri máu, gây phù nề và các bệnh thận mãn tính sẽ thải 80% lượng nước uống vào và sẽ có độ thẩm thấu niệu trung bình.

Khi nào bạn nên thực hiện xét nghiệm hormone chống bài niệu?

Bác sĩ có thể chỉ định đơn cử xét nghiệm ADH hoặc cùng thực hiện cùng các xét nghiệm khác như một phần của nghiệm pháp ngừng nước hay nghiệm pháp chặn ADH khi bác sĩ nghi ngờ có vấn đề về sản xuất hoặc bài tiết ADH.

Ngoài ra xét nghiệm này còn có thể được chỉ định khi bạn có lượng Natri thấp trong máu mà không rõ nguyên nhân. Hoặc khi bạn khi bạn có các triệu chứng dấu hiệu liên quan tới hội chứng tiết ADH không thích hợp (SIADH).

Nếu hội chứng SIADH phát triển âm thầm, có thể không có triệu chứng, nhưng nếu tình trạng này diễn ra một cách cấp tính, các dấu hiệu và triệu chứng đi kèm với tình trạng ứ nước có thể bao gồm:

  • Đau đầu;
  • Buồn nôn, nôn;
  • Lú lẫn;
  • Hôn mê và co giật trong những trường hợp nặng.

Xét nghiệm ADH còn được thực hiện để đánh giá tình trạng thừa ADH do những bệnh lý khác gây ra. Các bệnh lý này có thể bao gồm:

  • Bệnh bạch cầu;
  • Lymphoma;
  • Ung thư phổi, tụy, bàng quang, và não;
  • Các bệnh lý hệ thống làm tăng sản xuất ADH;
  • Hội chứng Guillain Barre;
  • Đa xơ cứng;
  • Động kinh;
  • Cơn porphyria cấp (một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến sự sản xuất heme, một thành phần quan trọng của máu);
  • Bệnh xơ nang;
  • Khí phế thủng;
  • Mất nước, chấn thương sọ não, và phẫu thuật cũng có thể làm tăng nồng độ ADH.

Xét nghiệm ADH có thể được thực hiện khi bệnh nhân cảm thấy rất khát và đi tiểu thường xuyên để giúp bác sĩ xác định bệnh đái tháo nhạt.

Những bệnh nhân bị đái tháo nhạt trung ương (đái tháo nhạt có nguyên nhân là do những tổn thương vùng dưới đồi, tuyến yên) thường cảm thấy rất mệt mỏi bởi vì chu kì thức ngủ của họ bị gián đoạn vì phải thức dậy để đi tiểu. Nước tiểu của bệnh nhân thường trong, không hôi, và có nồng độ thẩm thấu thấp dưới mức bình thường.

Điều nên thận trọng

Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện xét nghiệm hormone chống bài niệu?

Bạn cần biết về những tác nhân có thể ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm:

  • Nếu bạn bị mất nước, giảm thể tích máu, hoặc căng thẳng quá mức có thể làm tăng nồng độ của ADH.
  • Nếu bạn uống quá nhiều nước, giảm thẩm thấu huyết thanh, hoặc tăng thể tích máu có thể dẫn tới giảm nồng độ ADH.
  • Nếu sử dụng ống tiêm thủy tinh hay ống nghiệm có thể làm suy giảm lượng ADH.
  • Những loại thuốc sau làm tăng nồng độ ADH và có thể gây ra SIADH: acetaminophen (giảm đau, như panadol), barbiturates, carbamazepine (các thuốc gây mê), cholinergic agents (thuốc tác động lên hệ cholinergic), cyclophosphamide (một loại thuốc ức chế miễn dịch nhóm độc tế bào), một vài thuốc lợi tiểu (ví dụ, thiazides), estrogen, thuốc nhóm á phiện, nicotine, thuốc hạ đường huyết uống (đặc biệt là sulfonylureas), và thuốc chống trầm cảm ba vòng hoặc thuốc chống trầm cảm nhóm SSRI.
  • Thuốc có khả năng làm giảm nồng độ ADH là: cồn, beta-adrenergic, chất kháng morphine và phenytoin.

Trước khi tiến hành kỹ thuật y tế này, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.

Quy trình thực hiện

Bạn nên chuẩn bị gì trước khi thực hiện xét nghiệm hormone chống bài niệu?

  • Bạn hãy lắng nghe bác sĩ giải thích và hướng dẫn xét nghiệm.
  • Hãy chắc chắn rằng bạn uống đủ nước và nhịn ăn trong 12 tiếng.
  • Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng căng thẳng thể chất và cảm xúc của bạn.
  • Trước xét nghiệm, bác sĩ có thể yêu cầu bạn tránh sử dụng các loại thuốc làm ảnh hưởng đến kết quả của xét nghiệm, bạn hãy tuân thủ theo yêu cầu của bác sĩ.

Quy trình thực hiện xét nghiệm hormone chống bài niệu như thế nào?

  • Bác sĩ sẽ lấy mẫu máu của bạn từ tĩnh mạch khi bạn đang trong tư thế ngồi hoặc nằm nghiêng và cho lượng máu đó vào ống nghiệm nắp đỏ được làm từ nhựa.
  • Nghiệm pháp chặn ADH cần đo mức natri huyết thanh gốc để tính nước cho bệnh nhân uống. Nước tiểu sau đó được thu thập trong điều kiện tỉ trọng và thẩm thấu cụ thể. Máu được thu thập cho sự thẩm thấu.

Bạn nên làm gì sau khi thực hiện xét nghiệm hormone chống bài niệu?

  • Sau khi lấy máu cần băng và ép lên vùng chọc tĩnh mạch lấy máu để giúp cầm máu.
  • Lưu ý rằng các bác sĩ có thể làm đông lạnh huyết thanh và gửi chúng đến các phòng thí nghiệm để xét nghiệm.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về quy trình thực hiện, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

Hướng dẫn đọc kết quả

Kết quả của bạn có ý nghĩa gì?

Khoảng giá trị bình thường của kỹ thuật y tế này có thể không thống nhất tùy thuộc vào cơ sở thực hiện xét nghiệm mà bạn chọn. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về kết quả xét nghiệm.

Kết quả bình thường:

  • ADH: 1-5 pg/mL hoặc 1-5 ng/L (đơn vị SI).
  • Nghiệm pháp chặn ADH (nghiệm pháp uống nước).
    • 65% lượng nước uống vào được bài tiết trong 4 tiếng.
    • 80% lượng nước uống vào được bài tiết trong 5 tiếng.
    • Độ thẩm thấu của nước tiểu (trong giờ thứ 2) ≤100 mmol/kg.
    • Tỉ lệ độ thẩm thấu niệu/huyết thanh >100.
    • Tỉ trọng nước tiểu <1.003.

Kết quả bất thường:

Tăng nồng độ có thể do:

  • Hội chứng tiết ADH không thích hợp (SIADH);
  • Bệnh đái tháo nhạt do thận;
  • Hậu phẫu từ ngày 1 tới ngày thứ 3;
  • Căng thẳng thể chất nghiêm trọng như chấn thương hoặc đau đớn kéo dài;
  • Giảm thể tích máu;
  • Mất nước;
  • Hội chứng porphyrin (phoryria) cấp tính.

Giảm nồng độ có thể do:

  • Bệnh đái tháo nhạt do hệ thần kinh trung ương;
  • Phẫu thuật cắt bỏ tuyến yên;
  • Tăng thể tích máu;
  • Giảm độ thẩm thấu huyết thanh.

Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về kết quả xét nghiệm.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 11/05/2020

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo