backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Cách dùng các loại thuốc tránh thai khẩn cấp

Tác giả: Bác sĩ - Giáo sư Aron Schuftan · Sản - Phụ khoa · Bệnh viện FV


Ngày cập nhật: 08/11/2021

    Cách dùng các loại thuốc tránh thai khẩn cấp

    Đối với hầu hết phụ nữ, các loại thuốc tránh thai khẩn cấp là lựa chọn ngừa thai tốt nhất sau khi quan hệ tình dục không dùng các phương pháp bảo vệ. Một số phụ nữ sử dụng viên ngừa thai khẩn cấp thường xuyên như là một phần của biện pháp tránh thai. 

    Thuốc tránh thai khẩn cấp là thuốc gì?

    Thuốc ngừa thai khẩn cấp là một loại thuốc có chứa hormone nữ cụ thể gọi là levonorgestrel, hoạt động bằng cách gây tác động đến các hoạt động bình thường của màng nhầy cổ tử cung, nội mạc tử cung, ngăn cản tinh trùng tiếp cận tử cung và trứng đã thụ tinh bám vào tử cung. Bạn có thể tìm mua viên uống tránh thai này ở các nhà thuốc mà không cần phải có đơn thuốc chỉ định của bác sĩ.

    Tác dụng của các loại thuốc tránh thai khẩn cấp

    Thuốc tránh thai khẩn cấp có tác dụng ngừa thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên, thuốc có thể gây các tác dụng phụ nghiêm trọng như rong kinh, trễ kinh, buồn nôn, nhức đầu.. nếu sử dụng sai cách. Ngoài tác dụng ngừa thai, thuốc ngừa thai khẩn cấp còn có tác dụng điều hòa kinh nguyệt. Cơ chế tạo nên tác dụng ngừa thai của thuốc bao gồm:

    • Làm ngừng giai đoạn rụng trứng
    • Trong trường hợp trứng đã rụng thì thuốc có tác dụng ngăn chặn sự thụ tinh
    • Nếu trứng đã thụ tinh, thuốc sẽ ngăn cản quá trình trứng bám vào thành tử cung để làm tổ.

    các loại thuốc tránh thai khẩn cấp loại 1 viên

    Nói chung, các loại thuốc tránh thai khẩn cấp có tác dụng ngăn ngừa mang thai sau khi quan hệ tình dục mà không dùng biện pháp an toàn hoặc xảy ra sự cố, như rách bao cao su, hoặc quên uống thuốc tránh thai hằng ngày. Hầu hết trong mọi trường hợp, hiệu quả tránh thai không bao giờ đạt 100%. Theo nghiên cứu của nhà sản xuất, uống thuốc tránh thai khẩn cấp trong 24 giờ kể từ thời điểm giao hợp, hiệu quả ngừa thai có thể lên tới 95%; nếu sử dụng thuốc sau 1-2 ngày, hiệu quả của thuốc lúc này sẽ là 85% và sau 49-72 giờ, tác dụng chỉ còn 58%.

    Các loại thuốc tránh thai khẩn cấp phổ biến hiện nay

    Tránh thai khẩn cấp có mấy loại? Mời bạn tìm hiểu các loại thuốc tránh thai khẩn cấp phổ biến sau:

    1.Thuốc tránh thai khẩn cấp loại 1 viên

    Thuốc ngừa thai khẩn cấp loại 1 viên hiện nay được rất nhiều người lựa chọn vì tính tiện lợi và khá phổ biến trên thị trường. Phần lớn các loại thuốc tránh thai loại 1 viên chỉ đạt hiệu quả nếu sử dụng trong 72 giờ đầu sau khi quan hệ tình dục, sử dụng càng sớm càng tốt. Các loại thuốc tránh thai 1 viên quen thuộc bao gồm:

    • Postinor-1® – Chứa hoạt chất levonorgestrel 1.5mg với liều một viên duy nhất. Đây cũng là nhãn phổ biến nhất trong nhóm thuốc tránh thai loại 1 viên.
    • Mifestad 10® – Sử dụng chất đối kháng progestine (mifepristone 10mg). Khoảng liều 10 mg có tác dụng ngừa thai an toàn.
    • Bocinor® – Hộp đóng gói chỉ gồm 1 vỉ x 1 viên nén, chứa hoạt chất levonorgestrel với hàm lượng 1.5mg.
    • Ciel EC 25® – Thích hợp với đối tượng phụ nữ trẻ, có quan hệ lần đầu không sử dụng biện pháp ngừa thai, với ý định chưa muốn có thai, hoặc bị cưỡng ép quan hệ.
    • Lys® – Một viên thuốc chứa levonorgestrel 0,75mg, thường được chỉ định cho chị em có quan hệ tình dục một cách đột xuất (trường  hợp chồng đi công tác, không gặp thường xuyên)
    • Thuốc ngừa thai cấp tốc loại 1 viên Naphamife® – Với thành phần mifepristone 10mg cùng với tá dược vừa đủ, có xuất xứ từ Việt Nam.

    2. Thuốc tránh thai khẩn cấp loại 2 viên

    các loại thuốc tránh thai khẩn cấp loại 2 viên

    Thuốc ngừa thai khẩn cấp loại 2 viên thường sẽ hiếm gặp hơn trên thị trường. Đây là viên uống ngừa thai khẩn cấp với quy cách đóng gói 2 viên cho một hộp thuốc. Các loại thuốc tránh thai khẩn cấp loại 2 viên phổ biến bao gồm:

    • Postinor-2® – Đây là loại thông dụng nhất, gồm 2 viên nén chứa hormone levonorgestrel với hàm lượng 750mcg mỗi viên. Thuốc này không có tác dụng phá thai như mọi người thường lầm tưởng.
    • Happynor® – Một hộp thuốc gồm 2 viên, mỗi viên chứa 0.75mg levonorgestrel, nhà sản xuất tại Việt Nam.
    • Posinight 2® – Cơ chế tác động và thành phần hoạt chất cũng giống với 2 loại trên, tuy nhiên giá tiền của mỗi loại thuốc tránh thai khẩn cấp sẽ khác nhau tùy vào nguyên liệu và công nghệ sản xuất.

    Cách sử dụng các loại thuốc tránh thai khẩn cấp an toàn 

    1. Nên uống các loại thuốc tránh thai khẩn cấp khi nào?

    Để phát huy tối đa hiệu quả, bạn hãy uống viên tránh thai khẩn cấp càng sớm càng tốt (không quá 72 giờ) sau khi có quan hệ tình dục không dùng biện pháp bảo vệ. Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, uống càng sớm thì tác dụng của thuốc sẽ càng được đảm bảo, đồng nghĩa với khả năng tránh thai sẽ càng cao hơn.

    Một số lưu ý để sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp loại 1 viên một cách an toàn:

    • Không sử dụng thuốc quá muộn sau thời điểm giao hợp (tốt nhất là nên uống 1 tiếng sau khi giao hợp, không được để qua 36 hoặc 72 tiếng tùy thuộc vào từng loại thuốc).
    • Uống thuốc tránh thai khẩn cấp theo đúng trình tự và đúng liều lượng quy định theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
    • Đặc biệt, tránh sử dụng thuốc quá 2 lần trong vòng một tháng.

    2. Hướng dẫn sử dụng thuốc tránh thai loại 2 viên

    Đối với thuốc tránh thai loại 2 viên, bạn nên sử dụng viên đầu tiên trong vòng 72 giờ sau khi quan hệ và dùng viên thứ hai 12 giờ sau khi uống viên đầu tiên.

    Hiện nay, thuốc tránh thai khẩn cấp được đa số chị em sử dụng mỗi khi cần tránh mang thai ngoài ý muốn bởi vì tính tiện dụng của nó. Tuy nhiên, việc uống thuốc ngừa thai cũng sẽ để lại nhiều hậu quả đáng tiếc nếu chị em dùng không đúng cách. Những tác dụng phụ đó là gì và tác dụng như thế nào đối với cơ thể?

    Tác dụng phụ của các loại thuốc tránh thai khẩn cấp

    Mặc dù không có đủ dữ liệu đáng tin cậy về tác hại của thuốc tránh thai khẩn cấp, nhưng vẫn còn nhiều lý do bạn nên tránh sử dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp một cách thường xuyên. Đầu tiên, uống thuốc ngừa thai khẩn cấp quá thường xuyên có thể tác động lên chu kỳ kinh nguyệt của bạn, chu kỳ có thể kéo dài nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường. Nó cũng có thể đến sớm hơn hoặc muộn hơn bình thường. Hơn nữa, khoa học đã chứng minh một số rủi ro của chất levonorgestrel có trong thuốc ngừa thai khẩn cấp. Theo đó, các tác dụng phụ của việc lạm dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp bao gồm:

    • Trên hệ sinh sản: xuất huyết âm đạo bất thường, gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt;
    • Trên hệ tiêu hóa: biếng ăn, rối loạn thói quen ăn uống, buồn nôn, nôn, đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy, đau dạ dày..;
    • Trên hệ thần kinh: nhức đầu, chóng mặt, loạn thị, mệt mỏi, đau nửa đầu, trầm cảm lâm sàng..;
    • Tuyến vú: căng ngực, đau ngực, đau vú;
    • Một số tác dụng không mong muốn khác: tăng cân, nhiễm nấm âm đạo, khô mắt, cục máu đông, đau khi quan hệ..

    các loại thuốc tránh thai khẩn cấp

    Về độ hiệu quả, thuốc tránh thai khẩn cấp không thể “đánh bại” thuốc tránh thai thông thường hoặc bao cao su. Quan hệ tình dục không được bảo vệ và dùng thuốc tránh thai khẩn cấp rủi ro hơn so với sử dụng biện pháp tránh thai thông thường. Như chúng ta đều biết, quan hệ tình dục không được bảo vệ có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) bao gồm cả HIV/AIDS. Cách duy nhất để bảo vệ bản thân không mắc phải STDs là sử dụng bao cao su.

    Ngoài ra, nếu bạn uống thuốc tránh thai khẩn cấp không đúng cách, nguy cơ mang thai vẫn sẽ xảy ra. Để đạt hiệu quả tối đa, bạn nên uống viên tránh thai khẩn cấp cần càng sớm càng tốt sau khi giao hợp trong vòng 72 giờ. Bạn có thể uống thuốc tránh thai khẩn cấp bất cứ lúc nào trong chu kỳ kinh nguyệt của bạn.

    Nếu bạn phải sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp quá thường xuyên, có thể là vì bạn không tìm ra phương pháp ngừa thai hiệu quả và thích hợp dành riêng cho bạn. Trong trường hợp này, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để họ có thể giúp bạn tìm một giải pháp hiệu quả hơn và tránh các tác hại của thuốc tránh thai khẩn cấp.

    Giải đáp một số thắc mắc sau khi sử dụng các loại thuốc ngừa thai khẩn cấp

    Các loại thuốc tránh thai khẩn cấp loại 1 viên có tác dụng trong bao lâu?

    Viên uống tránh thai khẩn cấp có tác dụng cao nhất trong 72 giờ đầu sau khi quan hệ, càng lâu về sau thì hiệu quả của thuốc sẽ càng giảm. Đây là biện pháp tránh thai tức thời, không phải là biện pháp tránh thai an toàn, hiệu quả lâu dài.

    Uống thuốc tránh thai khẩn cấp sau này có thai được không?

    Trong levonorgestrel có chứa hormone progesterone với liều lượng đủ cao để tránh thai. Tùy vào loại thuốc bạn chọn mà sử dụng với liều lượng thích hợp. Thuốc ngừa thai khẩn cấp hoạt động bằng cách làm chậm đi thời gian rụng trứng. Do đó, levonorgestrel không làm gián đoạn quá trình phát triển của thai nhi trong trường hợp đã xảy ra thụ tinh. Và vì vậy, thuốc tránh thai khẩn cấp sẽ không gây ảnh hưởng đến khả năng mang thai sau này.

    Giá thuốc tránh thai khẩn cấp trên thị trường là bao nhiêu?

    Tùy thuộc vào từng loại thuốc mà chi phí sẽ khác nhau, thường dao động từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng. Bạn có thể sẽ tốn ít chi phí cho các biện pháp ngừa thai khẩn cấp hơn khi có bảo hiểm y tế hay đến phòng khám kế hoạch hóa gia đình.

    Dấu hiệu uống thuốc tránh thai khẩn cấp thành công?

    Bạn sẽ biết dấu hiệu ngừa thai thành công khi thấy xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt trong tháng tiếp theo, giống như chu kỳ bình thường khi chưa uống thuốc. Tuy nhiên, để biết chắc chắn kết quả, ít nhất cần đợi trong vòng một vài tuần, sau đó sử dụng que thử thai mới có thể chắc chắn là đã tránh thai thành công hay chưa.

    Ra máu sau khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp 1 tuần có sao không?

    các loại thuốc tránh thai khẩn cấp

    Đây là câu hỏi phổ biến được nhiều người quan tâm nhất. Ra máu âm đạo bất thường sẽ xảy ra trong một vài tuần, thậm chí vài tháng sau khi bạn bắt đầu việc sử dụng thuốc tránh thai mới. Tình trạng ra máu sau khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp chỉ bao gồm một lượng máu khá nhỏ và hầu hết các trường hợp, bạn không cần phải sử dụng các sản phẩm vệ sinh phụ nữ (như băng vệ sinh). Tuy nhiên, nếu tình trạng này làm cho bạn khó chịu, bạn nên tham khảo một số cách giải quyết tại bài viết: Nên làm gì khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp bị ra máu

    Trong trường hợp vấn đề này  tiếp tục kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, bạn nên đến gặp bác sĩ phụ khoa để kiểm tra.

    Liệu có nên uống thêm viên tránh thai nếu như không chắc chắn?

    Câu trả lời là không. Uống nhiều viên thuốc tránh thai khẩn cấp không thể giúp tăng cường khả năng tránh thai, ngược lại nhiều khả năng bạn sẽ cảm thấy khó chịu trong dạ dày (một trong những tác dụng phụ phổ biến hơn).

    Nếu bạn bị nôn và sau đó nôn liên tục sau khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp, điều này có nghĩa là thuốc vẫn còn tác dụng hoặc do tùy thuộc vào thời gian bạn nôn sau khi uống thuốc. Nếu bạn nôn trong vòng 1 giờ, hãy uống thêm 1 liều nữa để bảo đảm hiệu quả tránh thai.

    Khi nào chu kỳ kinh nguyệt sẽ bình thường trở lại sau khi uống các loại thuốc tránh thai khẩn cấp?

    Chu kỳ kinh nguyệt sẽ bắt đầu trong tháng tới, mặc dù nó có thể đến sớm một vài ngày hoặc muộn hơn. Nếu không thấy kinh nguyệt trở lại, bạn cần xét nghiệm để xem mình có đang mang thai hay không.

    Khi nào cần tham vấn ý kiến bác sĩ sau khi uống viên tránh thai khẩn cấp?

    Sau khi sử dụng các loại thuốc tránh thai khẩn cấp, nếu bạn có bất cứ triệu chứng nào dưới đây, vui lòng đến các cơ sở y tế gần nhất hoặc gặp bác sĩ:

    • Đau nhiều ở chân (bắp chân hoặc đùi);
    • Đau bụng nặng;
    • Đau ngực, ho hoặc khó thở;
    • Nhức đầu dữ dội, chóng mặt, yếu hoặc bị tê;
    • Mờ mắt, giảm thị lực hoặc nói khó khăn;
    • Vàng da (nếu bạn nhìn thấy màu vàng nhạt trong lòng trắng của mắt, trên da của bạn hoặc niêm mạc dưới lưỡi);

    Những chia sẻ trên có thể giải đáp cho bạn về các thắc mắc khi sử dụng các loại thuốc tránh thai khẩn cấp và một số triệu chứng thường gặp khi bạn lựa chọn phương án này. Mong rằng các bạn sẽ tìm được những giải đáp hữu ích cho riêng mình.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tác giả:

    Bác sĩ - Giáo sư Aron Schuftan

    Sản - Phụ khoa · Bệnh viện FV


    Ngày cập nhật: 08/11/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo