backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Điện não đồ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 07/05/2020

    Điện não đồ

    Tìm hiểu chung

    Điện não đồ là gì?

    Điện não đồ (EEG) là 1 dạng xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh ghi lại hoạt động điện sinh học của não bằng các điện cực kim loại dán ở da đầu. Một số ít trường hợp, điện cực được đặt ở bề mặt vỏ não hoặc trong chất não. Các tế bào não giao tiếp với nhau thông qua các xung điện. Những điện cực làm biến đổi hoạt động điện thành các sóng (sóng não) trên bản ghi điện não, được ghi lại bởi 1 máy đa âm, truyền đến màn hình máy tính.

    Ghi điện não có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau: điện não đồ thường quy (ghi điện não bằng các điện cực đặt trên da đầu), điện não đồ video (ghi hoạt động điện não phối hợp với quay video), ghi đa ký giấc ngủ (ghi hoạt động của não khi ngủ kèm theo ghi điện tim, hoạt động của cơ, của hô hấp và của nhãn cầu khi ngủ), điện não đồ vỏ não hoặc điện não đồ định vị (ghi hoạt động của não khi phẫu thuật trong sọ).

    Điện não đồ thường quy là loại ghi điện não hay được sử dụng nhất, sử dụng nhiều loại điện cực khác nhau tùy theo mục đích, thời gian và đối tượng được ghi điện não, chẳng hạn như điện cực cầu, điện cực dán hoặc điện cực kim.

    Khi nào bạn cần thực hiện điện não đồ?

    Ghi điện não đồ có thể xác định những thay đổi trong hoạt động của não (sóng điện não bất thường), giúp chẩn đoán một số bệnh lý thần kinh như bệnh động kinh. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng hữu ích trong chẩn đoán hoặc điều trị các chứng rối loạn sau:

    • U não
    • Tổn thương não do chấn thương đầu
    • Rối loạn chức năng não do nhiều nguyên nhân (bệnh não)
    • Viêm não
    • Đột quỵ
    • Rối loạn giấc ngủ
    • Sa sút trí tuệ

    Điện não đồ cũng có thể được sử dụng để kiểm tra tình trạng chết não ở người bị hôn mê kéo dài. Ghi điện não liên tục còn giúp tìm ra mức độ gây mê phù hợp cho người bệnh cần phẫu thuật. Đôi khi, phương pháp thăm khám đo lường này được dùng để đánh giá hoạt động của não sau chấn thương đầu nghiêm trọng, ghép gan hay có các vấn đề tim mạch.

    Điều cần thận trọng

    Điện não đồ có nguy hiểm không?

    Ghi điện não là phương pháp an toàn và không gây đau. Trong một số trường hợp động kinh, quy trình thực hiện có thể kích hoạt co giật có chủ ý ở người bệnh nhưng kỹ thuật viên thực hiện đều được đào tạo để kiểm soát mọi tình huống có thể xảy ra. Mức độ khó chịu khi thực hiện ghi điện não thường không có hoặc rất ít. Các điện cực không truyền điện vào người bệnh mà chúng chỉ ghi lại hoạt động điện của não bộ.

    Quy trình thực hiện

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Trước khi thực hiện

    Bác sĩ sẽ kiểm tra lại chỉ định, chống chỉ định, tình trạng toàn thân cũng như bệnh sử. Người bệnh cần cam kết đồng ý thực hiện thủ thuật.

    Người bệnh phải tránh các thực phẩm hay thức uống có chứa caffeine ít nhất 8 giờ trước khi thực hiện ghi điện não, do caffeine có thể ảnh hưởng đến kết quả. Người bệnh cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, cả kê toa và không kê toa. Người bệnh có thể phải ngừng dùng thuốc an thần ít nhất trước đó 3 ngày, tuy nhiên đối với thuốc chống động kinh thì không nhất thiết phải ngừng. Nếu có sử dụng thiết bị tạo nhịp tim, hãy thông báo cho bác sĩ.

    Trước khi làm điện não đồ, người bệnh cần gội đầu sạch và để khô tóc nhưng không nên sử dụng dầu xả, kem dưỡng tóc, thuốc xịt hoặc gel tạo kiểu tóc vì các sản phẩm này có thể khiến việc cố định điện cực lên da đầu gặp khó khăn. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh phải giảm thời gian ngủ hay không được ngủ trước giờ thực hiện ghi điện não.

    Trong khi thực hiện

    Kỹ thuật viên sẽ đo kích thước đầu và đánh dấu vị trí dán điện cực lên da đầu người bệnh. Trước khi đặt các điện cực, da đầu phải được làm sạch để giảm trở kháng chỗ tiếp xúc giữa điện cực và da đầu. Sau đó, kỹ thuật viên tiến hành gắn điện cực, sử dụng một chất kết dính đặc biệt. Đôi khi, người bệnh sẽ được đội một loại mũ trùm dẻo có sẵn các điện cực này. Các điện cực mang số chẵn nằm bên phải và các điện cực số lẻ nằm bên trái. Điện cực được kết nối với dây dẫn đến một thiết bị khuếch đại sóng não và được ghi lại trên thiết bị máy tính.

    Người bệnh cần nhắm mắt thư giãn trong tư thế thoải mái, nằm yên khoảng 3-4 phút sau đó thực hiện nghiệm pháp nhắm mở mắt (mở mắt trong vòng 10 giây, sau đó nhắm mắt), Vào những thời điểm khác nhau, kỹ thuật viên có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một vài phép tính nhẩm đơn giản, đọc một đoạn văn, nhìn vào một bức tranh, hít thở sâu (tăng thông khí) trong vài phút hoặc nhìn vào một ánh sáng nhấp nháy (nghiệm pháp kích thích ánh sáng)…

    Trong điện não đồ video, chuyển động cơ thể của người bệnh được ghi lại bằng máy quay video song song với việc ghi sóng não. Một phương pháp ghi điện não ít phổ biến hơn là điện não đồ lưu động (aEEG) cho phép theo dõi sóng não khi người bệnh không có mặt tại cơ sở y tế. Phương pháp này có thể ghi lại hoạt động của não trong vài ngày, tăng khả năng phát hiện các rối loạn co giật.

    Sau khi thực hiện

    Kỹ thuật viên giúp người bệnh tháo gỡ các điện cực hoặc mũ trùm. Nếu không gây mê, người bệnh sẽ gặp phải tác dụng phụ sau thủ thuật và có thể trở lại với sinh hoạt bình thường. Trong trường hợp có gây mê, người bệnh cần đi cùng người nhà để không phải tự lái xe vì thuốc an thần cần thời gian để hết tác dụng.

    Quá trình thực hiện ghi điện não thường mất từ 30–60 phút. Nếu có gây mê thì thời gian có thể sẽ kéo dài hơn.

    Điện não đồ là gì?

    Kết quả của xét nghiệm

    Kết quả của điện não đồ là gì?

    Bác sĩ thần kinh học sẽ phân tích kết quả điện não đồ, diễn giải cho người bệnh và gửi kết quả về cho bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh có thể sẽ cần sắp xếp một cuộc gặp để thảo luận về kết quả xét nghiệm.

    Các loại sóng điện não cơ bản:

    • Alpha: tần số 8–13Hz, biên độ 20-100 microVolt, dạng hình sin, phân bố rõ vùng đỉnh, chẩm, thái dương sau.
    • Beta: tần số >13Hz, biên độ < 20 microVolt, trội ở vùng trán – trung tâm.
    • Theta: tần số 4–7Hz, biên độ 30–60 microVolt.
    • Delta: tần số < 4Hz, biên độ thường cao.

    Các sóng nhiễu:

    • Nhiễu sinh lý: nhiễu điện cơ, nhiễu điện tim, cử động mắt, cử động lưỡi, mồ hôi da, hô hấp…
    • Không sinh lý: do điện cực, thiết bị, môi trường.

    Kết quả điện não đồ bình thường

    Hoạt động điện trong não xuất hiện trong bản ghi điện não đồ dưới dạng hình sóng. Các mức độ ý thức khác nhau như ngủ và thức sẽ có một dải tần số sóng cụ thể trong một giây được xem là bình thường. Các mẫu sóng não di chuyển khi thức nhanh hơn so với khi ngủ. Hoạt động của sóng não bình thường thường có nghĩa là người bệnh không bị các rối loạn về não.

    • Ở người lớn lúc thức: nhịp trội phía sau có tần số 8.5–11Hz, các hoạt động nhanh, tần số thấp ở các chuyển đạo phía trước.
    • Ở trẻ em: nhịp trội phía sau có tần số thấp hơn và biên độ cao hơn, đôi khi có sóng chậm ở phía sau.

    Kết quả điện não đồ bất thường hay gặp

    • Các sóng chậm: Có thể gặp trong tổn thương cấu trúc não (sóng chậm thường khu trú) hay liên quan mật thiết với các hoạt động động kinh hoặc do các bệnh lý não.
    • Các bất thường về biên độ:
      • Biên độ thấp cục bộ do tổn thương vỏ não, tổn thương choán chỗ trong hay ngoài sọ.
      • Biên độ thấp lan tỏa gặp trong trường hợp bệnh nhân lo lắng gây giảm tính đồng bộ của hoạt động vỏ não, cũng có thể gặp trong trường hợp có tổn thương vỏ não hay rối loạn chức năng vỏ não.
      • Điện não đẳng điện.
      • Biên độ tăng cục bộ trong khuyết sọ.
    • Các hoạt động có chu kỳ:
      • Hoạt động có chu kỳ khu trú ở một bên bán cầu có lúc xuất hiện độc lập ở hai bán cầu. Các bất thường này có thể gặp trong các tổn thương não cấp như: Đột quỵ, viêm não, cũng có thể gặp ở các trường hợp động kinh lâu năm.
      • Hoạt động có chu kỳ toàn thể: Có thể gặp trong bệnh não chuyển hóa, ngộ độc, thiếu oxy, bệnh Creutzfeldt- Jacob (bệnh bò điên).
      • Dạng bùng nổ – ức chế hay dạng ức chế – bùng nổ: Thường gặp trong các bệnh não nặng.
  • Động kinh: Điện não đồ sẽ ghi nhận xem có các phóng điện dạng động kinh hay không, khu trú hay toàn thể, vị trí ở đâu.
  • Nhìn chung, kết quả điện não đồ bất thường có thể là do:

    • Động kinh hoặc rối loạn co giật khác
    • Chảy máu bất thường (rối loạn chảy máu)
    • Rối loạn giấc ngủ
    • Viêm não
    • Khối u
    • Mô chết do tắc nghẽn lưu lượng máu
    • Chứng đau nửa đầu
    • Lạm dụng rượu hoặc ma túy
    • Chấn thương đầu (chấn thương sọ não)

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

    Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 07/05/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo