backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

21 tuần

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 11/05/2020

    21 tuần

    Hành vi và phát triển

    Bé phát triển như thế nào?

    Vào tuần thứ 21, bé có thể:

  • Giữ cố định đầu khi vươn thẳng, nâng ngực lên tựa người bằng bụng và chống bằng hai tay;
  • Bé sẽ hay chú ý đến các vật có kích thước nhỏ (những vật như vậy nên để tránh xa tầm tay trẻ);
  • Thét lên vui sướng;
  • Bắt đầu khóc khi bạn rời khỏi phòng và vô cùng hứng khởi khi bạn quay lại;
  • Cười khi thấy những cử chỉ khôi hài bạn làm và cũng cố thử chọc bạn cười;
  • Với tới các vật thể xung quanh;
  • Bỗng dưng bật cười;
  • Cười khi bạn cười;
  • Luôn cố giữ đầu ngang với cơ thể khi ngồi.
  • Mẹ cần làm gì để hỗ trợ cho bé?

    Lúc này con bạn đã có thể nhận biết được âm thanh đến từ đâu và bé sẽ nhanh chóng hướng đến điều mới mẻ này. Một trong những cách dễ nhất để thu hút bé là tạo ra tiếng leng keng từ chùm chìa khoá. Bạn cũng có thể sử dụng chuông gió để thu hút sự chú ý của bé.

    Nếu bạn muốn thu hút sự chú ý của bé, hãy trò chuyện với bé. Ở độ tuổi này, các bé không học ngôn ngữ từ TV hoặc đài phát thanh. Vì vậy hãy tắt chúng đi và thay vào đó sử dụng những cuộc đối thoại thực tế để giúp bé phát triển khả năng ngôn ngữ và cách dùng từ.

    Sức khỏe và an toàn

    Mẹ nên trao đổi gì với bác sĩ?

    Cảm lạnh

    Con bạn có thể sẽ mắc bệnh cảm lạnh trong năm đầu đời. Có vô số các loại virus gây cảm lạnh và gần như không thể tránh được. Trên thực tế, người ta ước tính rằng trẻ em bị cảm lạnh khoảng 8 lần trong một năm.

    Virus được lan truyền từ không khí xung quanh và có thể bám vào các vật thể nhiễm bệnh như tay nắm cửa và đồ chơi.  Do hệ miễn dịch của bé vẫn chưa hoàn thiện, con bạn sẽ rất dễ mắc phải cảm cúm. Hơn nữa, ở độ tuổi này, bé sẽ rất hay liên tục đưa tay lại gần mắt và cho vào miệng. Như vậy bất kì một loại virus nào cũng có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể bé và gây bệnh. Nếu con bạn tiếp xúc với một nhóm các bé khác hoặc có anh chị, bé lại càng dễ bị tấn công bởi hàng trăm vi khuẩn cúm khác. Những triệu chứng thông thường bao gồm sổ mũi, chảy nước mắt, nghẹt mũi, ho, chảy nước mũi, quấy khóc, sốt nhẹ. Những triệu chứng này thường kéo dài khoảng một tuần.

    Bạn có thể dùng bơm hút mũi cho bé để lấy chất nhầy khi bé nghẹt mũi và sử dụng máy phun sương hoặc máy làm ẩm trong phòng ngủ của bé. Những bước trên sẽ giúp chất nhầy đóng trong mũi bé mỏng và loãng hơn, vì vậy bé sẽ dễ thở hơn. Hãy nhớ rằng con bạn thích thở bằng mũi hơn là bằng miệng. Do đó, mũi tắc nghẽn sẽ làm bé rất khó chịu.

    Nếu có thể, hãy nâng đầu bé lên khỏi đệm vài cm để làm giảm nhẹ tắc nghẽn cổ họng. Đừng bao giờ sử dụng gối để nâng đầu của bé. Nếu đệm của bé không thể nâng lên, bạn có thể đặt bé ngủ ở vị trí ngồi trên xe hơi với tư thế ngả về sau khoảng 45 độ.

    Không được tự ý cho bé dùng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Thông thường, trẻ dưới 6 tuổi không được khuyến khích dùng thuốc vì những thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng với các dạng cảm cúm do virus gây ra. Nếu bé bị sốt, bác sĩ có thể đề nghị cho bé dùng acetaminophen (paracetamol).

    Gọi ngay cho bác sĩ nếu bé gặp phải các triệu chứng sau:

    • Sốt 38oC hoặc cao hơn;
    • Thở nhanh, nặng nhọc hơn 60 lần một phút, ho nặng hơn, thở khò khè hoặc hổn hển;
    • Mắt đổ ghèn. Đây có thể là dấu hiệu viêm kết mạc hoặc bị nhiễm trùng tai;
    • Tai liên tục giật mạnh, bé khóc khi cho bú hay khóc rất khác thường khi được đặt vào giường, đây có thể là dấu hiệu cho thấy bé bị nhiễm trùng tai;
    • Nếu con bạn ốm nặng hơn sau 5–7 ngày hoặc các triệu chứng kéo dài liên tục trong hơn hai tuần.

    Mọc răng

    Trung bình thì chiếc răng đầu tiên của bé sẽ mọc vào khoảng tháng thứ 7, mặc dù đầu răng của bé cũng có thể sẽ nhú lên sớm hơn (vào tháng thứ 3) hay trễ hơn (vào tháng thứ 12). Răng mọc thường theo yếu tố di truyền, vì vậy nếu cha hoặc mẹ bé mọc răng sớm thì bé cũng sẽ giống vậy và ngược lại. Tuy nhiên, các triệu chứng của mọc răng thường xuất hiện trước khoảng 2 hoặc 3 tháng. Những triệu chứng này rất khác biệt ở mỗi trẻ. Bé mọc răng có thể gặp một hoặc tất cả những điều sau đây:

    • Chảy nước dãi;
    • Phát ban ở cằm và mặt;
    • Ho nhẹ;
    • Thích cắn xé;
    • Đau nhức;
    • Khó chịu;
    • Không chịu ăn uống;
    • Tiêu chảy;
    • Sốt nhẹ;
    • Không chịu ngủ;
    • Tụ máu ở nướu;
    • Kéo tai, chà xát má.

    Một số mẹo dân gian tuy vẫn chưa được minh chứng, nhưng được tin rằng có thể hiệu quả để giảm thiểu các triệu chứng mọc răng ở trẻ. Các cách này bao gồm:

    • Cho bé nhai một thứ gì đó;
    • Cọ xát bé với đồ vật;
    • Cho bé uống đồ uống lạnh;
    • Cho bé ăn đồ lạnh;

    Bạn có thể thử áp dụng các biện pháp trên để giảm đau cho bé.

    Mối quan tâm của mẹ

    Những điều mẹ cần quan tâm là gì?

    Bắt đầu cho bé ăn dặm

    Bạn có thể cần phải chú ý đến thời gian, chế độ ăn và dụng cụ cho bữa ăn này trong tương lai.

    • Thời gian thích hợp: Nếu bạn đang cho con bú sữa mẹ thì mọi thứ nên được tiến hành khi nguồn sữa của bạn ở mức thấp nhất (hầu hết các phụ nữ thường ít sữa nhất vào cuối buổi chiều hoặc đầu buổi tối). Mặt khác, nếu con bạn có vẻ đói nhất vào buổi sáng, bạn có thể cho bé ăn dặm vào lúc này. Hãy bắt đầu bằng một bữa ăn mỗi ngày, sau đó tăng lên với bữa ăn sáng và tối cho các tháng tiếp theo.
    • Tạo nên niềm vui cho bé: Nếu bạn kì công chuẩn bị cho bé ăn dặm vào lúc 5 giờ chiều nhưng lại nhận ra rằng bé không muốn ăn, bạn không cần phải cho bé ăn như kế hoạch nữa. Bạn không thể cho bé thử những món ăn lạ khi bé đang mệt mỏi hoặc khó chịu. Hãy sắp xếp các bữa ăn khi bé tỉnh táo và vui vẻ. Đừng cho bé ăn quá no. Hãy chuẩn bị xây dựng một quá trình lâu dài để giúp bé xây dựng thói quen ăn dặm khỏe mạnh.
    • Đừng cho bé ăn quá no: Hãy bắt đầu bằng món khai vị với một lượng nhỏ sữa bột hoặc sữa mẹ. Bằng cách đó, bé sẽ không quá no khi bắt đầu trải nghiệm món mới và sẽ không cảm thấy chán ngấy các món sau.
    • Sẵn sàng cho một quá trình lâu dài khi cho bé ăn: đừng nấu vội món ăn cho bé chỉ vì bạn bận rộn. Cho bé ăn là một quá trình mất nhiều thời gian, vì vậy hãy chắc chắn rằng bạn có thể dành nhiều thời gian cho việc này.
    • Đóng vai trò hỗ trợ: Nếu bạn cho bé một cơ hội để hoàn thành bữa ăn thì bé sẽ ăn xong nhanh chóng hơn nhiều. Trước khi cố gắng đút thức ăn vào miệng bé, hãy đặt một ít thức ăn lên bàn hoặc ghế cao có khay và cho bé một cơ hội để xem xét, bóp bể, nghiền, chà xát, thậm chí có thể nếm thử món ăn.
    • Bắt đầu bằng việc thu hút bé: Một số bữa ăn đầu tiên sẽ không phải là bữa ăn thực sự mà chỉ đơn giản là khúc dạo đầu để bé dần làm quen với thức ăn dặm. Hãy lướt chút ít đồ ăn qua môi bé và cho bé chút thời gian để phản ứng. Nếu tìm thấy hương vị phù hợp, bé có thể sẽ mở miệng rộng hơn cho những lần ăn tiếp theo. Khi đó bạn có thể đưa muỗng vào sâu hơn để bé nuốt dễ dàng hơn. Chú ý đừng đưa muỗng quá sâu có thể khiến bé bị nghẹn.
    • Biết khi nào nên dừng: Đừng bao giờ ép bé tiếp tục bữa ăn khi bé đã mất hứng thú. Tùy vào từng bé, các dấu hiệu cho thấy bé đã muốn ngừng ăn có thể bao gồm quấy khóc, quay đầu đi, miệng ngậm chặt, nhả thức ăn ra hoặc ném thức ăn ra xung quanh.
    • Thức ăn dặm đầu tiên cho bé: Mọi người đều đồng ý rằng thức ăn lỏng hoàn hảo đầu tiên cho bé là sữa mẹ. Nhưng thức ăn dặm đầu tiên nào phù hợp với bé nhất? Bạn có thể cho bé ăn ngũ cốc, trái cây và rau củ. Hãy nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ nhi khoa để có thể lựa chọn được thức ăn dặm đầu tiên thích hợp cho bé.

    Hãy nhớ rằng bạn sẽ không thể đánh giá chính xác cảm giác của bé khi lần đầu thử món ăn mới. Hầu hết các bé lúc đầu đều sẽ ngậm chặt miệng lại cho dù chúng thích thú hài lòng với đồ ăn đến mức nào, đặc biệt là với các đồ ăn có vị chua cay. Hãy tập trung vào những phản ứng tiếp theo của bé khi bạn muốn cho bé thử ăn lần thứ hai.

    Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    TS. Dược khoa Trương Anh Thư

    Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 11/05/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo