backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không? 6 nguy cơ với thai nhi

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 10/10/2021

    Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không? 6 nguy cơ với thai nhi

    Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không, có ảnh hưởng đến bé không là “trăn trở” hàng đầu của mẹ khi nghe tình mình gặp phải tình trạng này. Dù tình trạng này có thể dẫn đến nhiều nguy cơ nhưng mẹ đừng quá lo. Chỉ cần có chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý, tình trạng sức khỏe của bạn và bé yêu sẽ được kiểm soát.

    Mang thai từ tuần thứ 20 trở đi, bạn có thể bị tiểu đường thai kỳ hay đái tháo đường thai kỳ do rối loạn nội tiết tố hoặc cơ thể bạn không thể tổng hợp được insulin. Đái tháo đường thai kỳ thường gặp ở người béo phì, có gen đái tháo đường type 2. Việc điều trị bệnh trong trường hợp này thường là điều chỉnh khẩu phần ăn giàu chất xơ, giảm bớt tinh bột, tiêm insulin trong trường hợp cần thiết (theo chỉ định của bác sĩ).

    Tiểu đường thai kỳ: Nguyên nhân do đâu?

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tiểu đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc phát hiện lần đầu khi đang mang thai.

    Glucose là chất dinh dưỡng có vai trò cung cấp năng lượng cho hoạt động của các tế bào. Song glucose không thể tự vận chuyển từ mạch máu vào tế bào mà phải có sự hỗ trợ của insulin.

    Nếu tuyến tụy không sản xuất đủ lượng nội tiết tố insulin đáp ứng nhu cầu của cơ thể hoặc insulin giảm tác động lên cơ thể hoặc cơ thể không chuyển hóa tốt insulin thì lượng đường trong máu có thể tăng cao.

    Trong thời kỳ bầu bí, vì nhu cầu năng lượng tăng cao hơn nên cơ thể có nhu cầu tăng lượng đường. Không những vậy, trong thai kỳ, nhau thai tạo ra nội tiết tố giúp thai nhi phát triển, những nội tiết tố này gây ra một số tác động xấu đến insulin, dẫn đến rối loạn nội tiết tố.

    Nếu insulin không kiểm soát được lượng đường trong máu, bạn sẽ bị tiểu đường thai kỳ. Còn nếu insulin và đường huyết cùng đạt chỉ số và duy trì lượng đường trong máu ở mức an toàn, bạn không nằm trong nhóm mắc đái tháo đường thai kỳ.

    Những đối tượng dễ bị đái tháo đường thai kỳ là:

    • Mang thai khi đã ngoài 30 tuổi.
    • Gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường type 2
    • Bị thừa cân, béo phì trước và trong khi mang thai
    • Từng mắc căn bệnh này ở lần mang thai trước.

    Tiểu đường thai kỳ nguy hiểm như thế nào với thai nhi?

    Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có sao không? Mẹ bị tiểu đường thai kỳ có ảnh hưởng đến thai nhi? Mẹ bị tiểu đường thai kỳ con có bị không? Đây là những băn khoăn rất thường gặp.

    Theo các chuyên gia, tiểu đường thai kỳ có thể khiến mẹ bị cao huyết, làm tăng nguy cơ sinh non, thai lưu. Đối với bé, tác hại của tiểu đường thai kỳ có thể nghiêm trọng bởi bé nhận dinh dưỡng hoàn toàn từ máu mẹ. Cơ thể bé có thể dự trữ lượng đường dư thừa dưới dạng mỡ khiến thai to hơn bình thường:

    1. Thai tăng trưởng quá mức

    Việc tăng vận chuyển glucose từ mẹ vào thai kích thích tụy của thai nhi bài tiết insulin, làm tăng nhu cầu năng lượng của thai nhi, kích thích thai phát triển quá mức. Do đó, mẹ tiểu đường thai kỳ con có thể nặng cân. Điều này khiến việc sinh nở có thể gặp các khó khăn như phải sinh mổ, sinh khó do kẹt vai, bé bị chấn thương khi sinh…

    2. Hạ glucose huyết tương và các bệnh lý chuyển hóa ở trẻ sơ sinh

    Trẻ sơ sinh được sinh ra từ các bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ bị hạ đường huyết. Nguyên nhân thường do gan thai nhi đáp ứng kém với glucagon, dẫn đến tình trạng giảm tân tạo glucose từ gan.

    3. Suy hô hấp

    Trước đây, hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ được sinh ra từ các mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ. Hiện nay, nhờ có các thiết bị đánh giá độ trưởng thành phổi của thai nhi mà các bác sĩ có thể can thiệp thành công.

    4. Tăng hồng cầu

    Đây là một tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh được sinh ra từ các mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ.

    5. Vàng da sơ sinh

    Tình trạng tăng hủy hemoglobin dẫn đến tăng bilirubin huyết tương gây vàng da sơ sinh, thường xảy ra ở những trẻ được sinh ra từ mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ.

    6. Các ảnh hưởng sức khỏe lâu dài khác

    Trẻ được sinh ra từ các bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ thường có nguy cơ bị béo phì, bị đái tháo đường type 2 khi trưởng thành, rối loạn tâm thần – vận động.

    5 dấu hiệu tiểu đường thai kỳ điển hình nhất

    dấu hiệu tiểu đường thai kỳ

    Tiểu đường thai kỳ thường diễn ra âm thầm, bạn chỉ biết mình có mắc bệnh hay không cho đến khi đi khám thai định kỳ và bác sĩ cho bạn làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Một vài dấu hiệu tiểu đường thai kỳ chung ở các thai phụ mắc bệnh là:

    1. Khát nước thường xuyên, hay thức giấc giữa đêm để uống nước.
    2. Đi tiểu nhiều lần và lượng nước tiểu cũng nhiều so với các thai phụ khác.
    3. Nếu chẳng may bị trầy xước, vết thương sẽ rất lâu lành.
    4. Vùng kín bị nhiễm nấm, dùng các kem/thuốc trị nấm thông thường không hết.
    5. Sụt cân, mệt mỏi, uể oải, thiếu sức sống.

    Nếu bị tiểu đường thai kỳ phải làm sao?

    Tiểu đường thai kỳ có hết không? Nếu bị tiểu đường thai kỳ, bạn duy trì chế độ ăn lành mạnh, khoa học kết hợp vận động hợp lý thì có thể nhanh kiểm soát bệnh mà không phải dùng đến thuốc và giảm nhẹ các nguy cơ cho thai nhi.

    1. Thay đổi chế độ ăn

    “Bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gì?” là câu hỏi của hầu hết các thai phụ gặp phải tình trạng này. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn phương pháp duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp và cách cân bằng lượng tinh bột, chất béo và protein trong khẩu phần ăn hằng ngày.

    Những hướng dẫn này chỉ mang tính tổng quát chung trong việc điều trị tiểu đường thai kỳ. Thực tế, chế độ ăn sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bạn như nồng độ đường glucose trong máu, cân nặng, thói quen tập thể dục, sở thích ăn uống và khẩu vị. Chuyên gia dinh dưỡng có kinh nghiệm có thể lên thực đơn cho bà bầu bị tiểu đường thai kỳ giúp bạn lên kế hoạch ăn uống hiệu quả.

    Các chuyên gia thường khuyến khích các mẹ bầu mắc bệnh tiểu đường thai kỳ nên duy trì những thói quen ăn uống sau:

    ♦ Ăn sáng đầy đủ để bảo đảm năng lượng cho ngày làm việc, tránh cảm giác thèm ăn dẫn tới việc ăn khó kiểm soát. Việc ăn sáng đủ dưỡng chất giúp ổn định lượng đường huyết. Bạn có thể ăn bữa sáng với ngũ cốc nguyên hạt cùng một quả trứng luộc, tráng miệng với một hũ sữa chua.

    ♦ Tránh xa thực phẩm có đường và tinh bột như đường, mật ong, đường nâu, si-rô, nhóm thực phẩm chứa tinh bột… để giữ lượng đường trong máu không tăng quá cao. Nguyên nhân là do những thực phẩm này sẽ phá vỡ sự cân bằng đường huyết do insulin trong cơ thể. Khi kiểm tra bao bì thực phẩm, hãy nhớ các thành phần mà đuôi có các ký tự OSE luôn là đường (sucrose, dextrose, glucose).

    ♦ Kiêng uống nước ép trái cây do thành phần đường tự nhiên trong trái cây cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu. Các bác sĩ cho rằng thỉnh thoảng bạn có thể uống khoảng 30ml nước ép trong bữa ăn. Nước ép cà chua cũng là một lựa chọn tốt vì chứa hàm lượng đường thấp. Bạn có thể ăn trái cây tươi, vì các loại trái cây tươi có chứa chất xơ giúp làm chậm sự hấp thu đường vào máu.

    ♦ Ăn ít đồ tinh chế hơn như cơm trắng, khoai tây nghiền, bánh mì trắng… bởi chúng sẽ nhanh chóng chuyển thành đường, làm gia tăng đường huyết trong máu. Thay vào đó, hãy tập trung ăn những món giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, đậu, đậu Hà Lan và các loại rau… Các loại thực phẩm này giúp giảm lượng insulin mà cơ thể cần để giữ cho lượng đường trong máu ở mức bình thường.

    ♦ Ăn các loại thực phẩm có chứa crôm, khoáng chất đã được chứng minh có thể giúp cải thiện việc dung nạp glucose trong bệnh tiểu đường thai kỳ. Bạn có thể tìm thấy khoáng chất này trong các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt, cải bó xôi, cà rốt và thịt gà. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn muốn uống thuốc bổ sung crôm.

    ♦  Ăn thức ăn chứa ít chất béo, tập trung ăn các thực phẩm chứa chất béo lành mạnh từ các loại hạt hoặc bổ sung chất béo từ dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu hoa hướng dương, dầu ô liu…

    2. Kiểm soát bữa ăn khi bị tiểu đường thai kỳ

    Do quá lo sợ đường huyết tăng cao nên có không ít mẹ bầu bỏ bữa. Thực tế, điều này không giúp ổn định đường huyết. Nguyên tắc là bạn không nên ăn quá nhiều trong một bữa mà hãy chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ.

    Bạn nên ăn ít nhất 3 bữa chính và 3 bữa phụ một ngày (bao gồm một bữa ăn vặt trước khi đi ngủ) và chia chúng theo khoảng thời gian đồng đều nhất có thể.

    Một quy tắc khác áp dụng cho tất cả phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ là không bao giờ được bỏ bữa. Việc bỏ bữa chính (hoặc bữa ăn vặt) có thể dẫn đến hạ đường huyết, khiến bạn rơi vào tình trạng run rẩy, nhức đầu và có thể có hại cho thai nhi.

    Bữa ăn vặt quan trọng nhất cho bạn rơi vào buổi tối bởi nó sẽ giúp bạn phòng ngừa tình trạng hạ đường huyết vào ban đêm. Trước khi đi ngủ, hãy ăn một bữa ăn vặt có chứa protein (như pho mát ít béo) và tinh bột (chẳng hạn như bánh mì trắng). Tinh bột sẽ giúp ổn định lượng đường trong máu vào đầu buổi tối, trong khi các protein lại hoạt động như chất ổn định lâu dài.

    3. Kiểm soát cân nặng khi bị tiểu đường thai kỳ

    kiểm soát cân nặng khi bị tiểu đường thai kỳ

    Cân nặng tăng cao quá mức có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao, vậy nên bạn cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ và tỷ lệ tăng cân. Tăng quá nhiều cân một cách nhanh chóng (1kg trở lên/tuần) sẽ tạo ra thêm chất béo cho cơ thể và có thể gây hiệu ứng kháng insulin. Do đó, bạn cần kiểm soát việc tăng cân một cách chặt chẽ.

    Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về các bài tập vận động trong thai kỳ giúp giảm cân khi mang thai để kiểm soát cân nặng hiệu quả. Bạn có thể tìm hiểu các bài tập yoga cho bà bầu để có thể tự tập tại nhà.

    Lưu ý quan trọng cho bà bầu bị tiểu đường thai kỳ

    1. Chỉ số bao nhiêu thì bị đái tháo đường thai kỳ?

    Viện Y tế Quốc gia về Chất lượng điều trị, Vương quốc Anh (NICE) khuyến nghị giới hạn chỉ số đường huyết nằm ở mức bình thường như sau:

    Nếu chỉ số đường huyết không nằm trong mức bình thường so với bảng trên, nghĩa là bạn đã bị đái tháo đường thai kỳ. Người bị đái tháo đường có mức đường huyết thấp hơn 4mmol/L được xem là hạ đường huyết. Lúc này, bệnh nhân cần được sơ cứu kịp thời.

    2. Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có sinh thường được không?

    Như đã nói ở trên, bà bầu bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ khiến thai to làm gia tăng nguy cơ phải sinh mổ. Con của các thai phụ bị tiểu đường thai kỳ sinh ra thường rất nặng cân, có bé trên 4kg.

    Nếu chế độ ăn uống được kiểm soát tốt, thai nhi phát triển bình thường sẽ không ảnh hưởng đến việc sinh đẻ. Thực tế là việc sinh mổ hay sinh thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố và bác sĩ có thể dự đoán được . Việc sinh mổ không hẳn là nguy hại vì trong một số trường hợp, phương pháp sinh này giúp mẹ con bạn an toàn hơn.

    [mc4wp_form id=”290304″]

    3. Bà bầu bị tiểu đường thai kỳ có được uống sữa bầu được không?

    Để có câu trả lời chính xác, bạn phải tham khảo ý kiến của bác sĩ. Bác sĩ sẽ dựa vào kết quả xét nghiệm của bạn xem nồng độ đường cao hay thấp mới có thể đưa ra lời khuyên hữu ích. Ví như bạn vẫn có thể uống sữa bầu thông dụng hay loại sữa dành riêng cho bà bầu bị đái tháo đường với hàm lượng carbohydrate thấp và không chứa đường.

    4. Quá trình xét nghiệm đường huyết cho bà bầu diễn ra như thế nào?

    Bạn sẽ được chỉ định xét nghiệm đường huyết bằng cách thử nghiệm dung nạp glucose và tiểu đường thai kỳ giữa tuần 25 – 28. Thông thường, trước khi làm xét nghiệm, nhân viên y tế sẽ cho bạn uống thức uống có đường nhưng không có ga. Khoảng 1 giờ sau khi uống, bạn sẽ được làm xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu không gây nguy hiểm cho mẹ và bé. Bạn sẽ biết được kết quả xét nghiệm trong vòng 1 – 2 ngày sau.
    Nếu kết quả sàng lọc cho thấy lượng đường trong máu bạn từ 140 miligam glucose/1 decilit huyết tương (mg/dL), bạn sẽ được thử nghiệm dung nạp glucose. Nghiệm pháp dung nạp glucose là đo đường huyết sau 2 giờ uống 75g đường glucose.
    Điều này có nghĩa mẫu máu sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm và chờ đợi 1 – 2 ngày để biết kết quả. Nếu kết quả cho biết nồng độ đường cao, bạn sẽ được bác sĩ theo dõi cẩn thận. Trường hợp nồng độ đường quá cao, việc tiêm insulin là cần thiết.

    5. Bệnh tiểu đường thai kỳ có được ăn khoai lang?

    bị tiểu đường thai kỳ có được ăn <a href=

    Câu trả lời là có. Thực tế nếu bạn biết ăn khoai lang đúng cách sẽ có tác dụng kiểm soát và ngăn ngừa lượng đường huyết:

    • Nên ăn khoai nướng thay vì ăn khoai luộc hay hấp
    • Không ăn khoai lang vào buổi tối mà nên ăn vào buổi trưa. Nguyên nhân là vì sau khi ăn, lượng canxi có trong khoai lang phải cần tới 4 giờ mới có thể hấp thụ vào cơ thể, nếu ăn buổi tối có thể bạn sẽ có cảm giác khó chịu.
    • Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng đang điều trị cho bạn về lượng khoai mà bạn có thể ăn mỗi ngày và tuân thủ chỉ dẫn một cách nghiêm ngặt.

    6. Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ hết bao nhiêu tiền?

    Hiện nay, chi phí xét nghiệm tiểu đường thai kỳ dao động trong khoảng từ 300.000 – 700.000 đồng tùy theo mức phí của từng bệnh viện. Thông thường, bạn sẽ được chỉ định làm xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ khi mang thai trong khoảng từ 25 – 28 tuần.

    Trước khi tiến hành xét nghiệm tiểu đường thai kỳ, bác sĩ sẽ dặn bạn nhịn ăn trước khoảng 8 giờ để tiến hành xét nghiệm đường huyết lúc đói, tiếp theo là nghiệm pháp dung nạp glucose (đo đường huyết sau 2 giờ uống 75g đường glucose) và xét nghiệm HbA1C.

    Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý để đảm bảo cho bạn một thai kỳ khỏe mạnh.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    TS. Dược khoa Trương Anh Thư

    Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 10/10/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo