backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Hiểu rõ về các loại thuốc trị mụn để sử dụng đúng cách!

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai · Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 19/09/2022

    Hiểu rõ về các loại thuốc trị mụn để sử dụng đúng cách!

    Mụn không chỉ là nỗi “đau đầu” riêng của chị em phụ nữ mà còn ở nam giới, theo ước tính có đến khoảng 70-80% người trên thế giới từng bị mụn trứng cá một lần trong đời. Đặc biệt các loại mụn trứng cá không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn gây đau đớn, khó chịu cho người mắc phải. Do đó, người bị mụn phải sử dụng và thay đổi hàng loạt các loại thuốc trị mụn từ không kê đơn đến kê đơn. Việc lựa chọn loại thuốc trị mụn phù hợp cũng gây khó khăn không nhỏ cho cả bác sĩ và bệnh nhân. 

    Vậy làm sao để biết loại thuốc trị mụn nào phù hợp với tình trạng của bạn? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây.

    Thuốc trị mụn là gì?

    Điều trị mụn trứng cá thường cần dựa trên mức độ nghiêm trọng của nó. Thông thường, ở mức độ nhẹ, mụn trứng cá có thể được kiểm soát hiệu quả với các loại kem và gel không kê đơn mà bạn dễ dàng mua được tại các hiệu thuốc với thành phần chủ yếu là benzoyl peroxide

    Trường hợp mụn trứng cá ở mức độ trung bình đến nặng hoặc thuốc bôi trị mụn mua từ hiệu thuốc không làm thuyên giảm tình trạng mụn thì bạn cần đi khám bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và kê đơn thuốc phù hợp. Các thuốc kê đơn điều trị mụn trứng cá bao gồm: 

    • Retinoids dùng tại chỗ 
    • Thuốc kháng sinh dùng tại chỗ
    • Axit azelaic 
    • Thuốc kháng sinh đường uống 
    • Ở phụ nữ có thể dùng viên uống tránh thai kết hợp. 

    Nếu trường hợp mụn trứng cá nặng gây sưng đau hoặc có nguy cơ hình thành sẹo thì bác sĩ có thể kết hợp nhiều phương pháp để điều trị, chẳng hạn như kết hợp thuốc bôi ngoài da với thuốc uống hoặc các liệu pháp hormone khác,…

    Điều quan trọng là bạn cần kiên trì và tuân theo chỉ định từ bác sĩ. Quá trình điều trị mụn có thể mất từ một đến vài tháng tùy vào mỗi người. 

    Các loại thuốc trị mụn dùng tại chỗ 

    thuốc trị mụn

    Thuốc bôi trị mụn được xem là phương pháp điều trị tiêu chuẩn ban đầu cho các tình trạng mụn từ nhẹ đến trung bình. Trong đó bao gồm các loại thuốc như: 

    Retinoids và các loại thuốc giống retinoid

    Các liệu pháp retinioid tại chỗ thường ở dạng gel, kem với thành phần axit retinoic, adapalene và tretinoin. Chúng hoạt động theo cơ chế loại bỏ các tế bào chết tồn đọng trên nang lông – nguyên nhân chính gây ra mụn. 

    Tác dụng phụ lớn nhất của các loại thuốc trị mụn chứa retinoids là gây khô da, kích ứng và nổi ban đỏ. Retinoids cũng làm tăng độ nhạy cảm của da với ánh nắng mặt trời. Vì thế, bạn chỉ nên bôi các loại thuốc retinoid trên một vùng da nhỏ và sử dụng vào buổi tối trước khi ngủ với một liệu trình khuyến cáo là khoảng 6 tuần. 

    Retinoids bôi ngoài da không được dùng cho phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai, vì nguy cơ gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. 

    Thuốc kháng sinh tại chỗ 

    Các loại kháng sinh điều trị tại chỗ được dùng để loại bỏ vi khuẩn có thể gây lây lan viêm nhiễm trên da và giảm đỏ, sưng do viêm. Một liệu trình điều trị mụn với kháng sinh dùng ngoài da có thể kéo dài từ 6-8 tuần. Trong đó ở giai đoạn đầu có thể kết hợp kháng sinh buổi sáng và retinoid buổi tối. Các tác dụng phụ của thuốc kháng sinh dùng ngoài da không phổ biến nhưng có thể gặp phải như kích ứng, đỏ và nóng rát da. 

    Axit azelaic và axit salicylic

    Axit azelaic là một loại axit tự nhiên được tạo ra bởi nấm men, có tác dụng kháng khuẩn, thường được dùng dưới dạng kem hoặc gel axit azelaic 20%, được xem là có hiệu quả điều trị tương đương với các liệu pháp điều trị mụn khác. 

    Trong khi đó, axit salicylic cũng là một loại axit được dùng trong điều trị mụn ở dạng sữa rửa mặt và dầu gội đầu có thể giúp hạn chế nguy cơ bít tắc lỗ chân lông dẫn đến hình thành mụn, nhưng hiệu quả điều trị cho thấy còn nhiều hạn chế. Tác dụng phụ phổ biến là gây đổi màu da và kích ứng nhẹ.

    Axit azelaic bôi ngoài da loại kê đơn không được khuyên dùng cho phụ nữ mang thai và cho con bú.

    Dapsone 

    Gel Dapsone 5% được khuyến cáo dùng để trị mụn viêm, đặc biệt là ở phụ nữ. Các tác dụng phụ của thuốc có thể bao gồm mẩn đỏ và khô da. 

    Các loại thuốc uống trị mụn 

    thuốc trị mụn

    Khi bị mụn trứng cá nhẹ, bạn có thể dùng các loại thuốc trị mụn bôi ngoài da. Nhưng với những trường hợp mụn trứng cá nghiêm trọng hơn và hoặc không thuyên giảm khi dùng các liệu pháp điều trị tại chỗ thì có thể cần đến các loại thuốc uống trị mụn như: 

    Thuốc kháng sinh 

    Đối với trường hợp mụn trứng cá nặng gây viêm, sưng và đau, bác sĩ thường chỉ định các loại kháng sinh đường uống mà sự lựa chọn hàng đầu là nhóm tetracyclin (minocycline, doxycycline). Macrolide (erythromycin, azithromycin) có thể được chỉ định thay thế ở người bệnh không dùng được tetracyclin, phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 8 tuổi. 

    Kháng sinh đường uống nên dùng trong thời gian ngắn nhất có thể để ngăn ngừa nguy cơ kháng kháng sinh và có thể kết hợp với các loại thuốc trị mụn có khả năng kháng khuẩn khác như benzoyl peroxide. 

    Các tác dụng phụ nghiêm trọng từ việc sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị mụn trứng cá là không phổ biến. Những loại thuốc này thường làm tăng độ nhạy cảm của da với ánh nắng mặt trời, dị ứng, rối loạn tiêu hóa, hội chứng stevén-johnson, phản ứng máu… tùy loại kháng sinh sử dụng.

    Thuốc tránh thai kết hợp 

    Thuốc tránh thai kết hợp có chứa progestin và estrogen thường được sử dụng điều trị mụn trứng cá ở chị em phụ nữ (cũng đang trong thời kỳ ngừa thai). Liệu pháp này còn được gọi là liệu pháp nội tiết, thường được sử dụng trong thời gian ngắn khoảng vài tuần và kết hợp với các phương pháp điều trị mụn khác. Bởi nhiều nghiên cứu cho thấy dùng thuốc tránh thai kết hợp kéo dài trên hàng tháng để trị mụn không đạt được hiệu quả. 

    Các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc tránh thai kết hợp là tăng cân, căng tức ngực và buồn nôn. Những loại thuốc này cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch, ung thư vú và ung thư cổ tử cung.

    Các tác nhân chống androgen 

    Thuốc spironolactone cũng được cân nhắc dùng điều trị mụn cho phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên, hoặc cho nam giới trong một số trường hợp, khi mà thuốc kháng sinh không có tác dụng. Loại thuốc trị mụn này hoạt động theo cơ chế kiểm soát dầu nhờn nhờ vào khả năng ngăn chặn hoạt động của nội tiết tố androgen. Các tác dụng phụ có thể xảy ra gồm căng tức ngực và đau liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. 

    Isotretinoin 

    Isotretinoin là một loại dẫn xuất của vitamin A thường được kê đơn khi các phương pháp điều trị mụn khác không hiệu quả. 

    Các tác dụng phụ tiềm ẩn của isotretinoin bao gồm: viêm ruột, trầm cảm và dị tật bẩm sinh nghiêm trọng. Khi dùng isotretinoin để trị mụn, bạn phải thường xuyên đi thăm khám với bác sĩ để theo dõi và có biện pháp can thiệp kịp thời khi xuất hiện tác dụng phụ. 

    Bạn có thể quan đọc thêm: Top 5 cách trị mụn tại nhà cực hiệu quả trong thời gian ngắn

    Nói chung, việc lựa chọn thuốc trị mụn sẽ dựa trên một hoặc nhiều cơ chế gây mụn khác nhau. Bác sĩ có thể chỉ định cho bạn điều trị đơn trị liệu hoặc phối hợp các loại thuốc điều trị mụn với nhau, tùy vào tình trạng mụn ở từng bệnh nhân. Điều quan trọng là bạn cần kiên trì và tuân thủ chỉ định từ bác sĩ nhé! 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

    Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 19/09/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo