backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai · Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 14/03/2023

    Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư

    Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư được chứng minh là có hiệu quả trong rất nhiều trường hợp bệnh ung thư ở giai đoạn cuối, giúp kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

    Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể hơn về phương pháp này trong bài viết ngay sau đây.

    Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư là gì?

    Liệu pháp miễn dịch là gì? Đây là một phương pháp điều trị ung thư bằng cách kích thích hệ thống miễn dịch nhận ra và tấn công các tế bào ung thư, góp phần chống lại bệnh ung thư.

    Một số loại liệu pháp miễn dịch còn được gọi là liệu pháp sinh học. Liệu pháp sinh học là phương pháp điều trị sử dụng các chất được tạo ra từ cơ thể sống để điều trị ung thư.

    Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư hoạt động như thế nào?

    tác dụng của liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư

    Để hiểu về các hoạt động của liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư, bạn cần biết hệ miễn dịch là gì? Hệ thống miễn dịch là một phần chức năng bình thường của cơ thể giúp phát hiện và tiêu diệt các tế bào bất thường và có thể ngăn ngừa hoặc hạn chế sự phát triển của nhiều bệnh ung thư.

    Hệ miễn dịch được tạo thành từ các cơ quan khác nhau, các kháng thể (protein) và các tế bào miễn dịch hoạt động cùng nhau để chống lại bệnh tật và nhiễm trùng. Hệ miễn dịch được tạo thành từ các tế bào bạch cầu, các cơ quan và mô của hệ thống bạch huyết .

    • Tế bào lympho B: Các tế bào bạch cầu này tạo ra các kháng thể chống lại các kháng nguyên gây nhiễm trùng.
    • Tế bào lympho T: Các tế bào bạch cầu này kích thích sự phát triển và biệt hóa của lympho B, phá hủy các tế bào đã bị virus tấn công hoặc tế bào khối u. Tế bào T cũng cảnh báo các tế bào khác về sự hiện diện của các tế bào bị bệnh hoặc ngoại lai.
    • Tế bào đuôi gai: Trình diện kháng nguyên cho các tế bào lympho T để kích thích phản ứng của hệ thống miễn dịch.
    • Bạch cầu hạt: Chúng bao gồm bạch cầu trung tính, bạch cầu ái toan và bạch cầu ưa bazơ giúp chống lại nhiễm trùng, các bệnh truyền nhiễm và các vật thể lạ.

    Hệ thống miễn dịch hoạt động để bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng và bệnh tật, đồng thời có thể phát hiện và tiêu diệt các tế bào bị lỗi trong cơ thể, giúp bảo vệ chúng ta khỏi sự phát triển của ung thư. 

    Tuy nhiên, các tế bào ung thư vẫn có cách để tránh bị hệ thống miễn dịch tiêu diệt và bệnh ung thư có thể phát triển khi:

    • Hệ thống miễn dịch nhận ra tế bào ung thư nhưng không đủ mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư
    • Các tế bào ung thư tạo ra các protein trên bề mặt nhằm ngăn chặn hệ thống miễn dịch tấn công nó
    • Các tế bào ung thư có những thay đổi về gen khiến hệ thống miễn dịch không thể nhận ra.

    Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư hoạt động bằng cách:

    • Kích thích hệ thống miễn dịch sản sinh ra nhiều tế bào miễn dịch chống lại bệnh tật
    • Giúp hệ miễn dịch dễ dàng nhận biết và chống lại các tế bào ung thư tốt hơn.

    Các loại liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư

    Có nhiều loại liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư khác nhau. Chúng hoạt động theo những cách khác nhau để giúp hệ thống miễn dịch nhận ra và tấn công các tế bào ung thư.

    1. Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch 

    Đây là loại thuốc ngăn chặn các điểm kiểm soát miễn dịch. Các điểm kiểm soát này là một phần bình thường của hệ miễn dịch để giữ cho các phản ứng miễn dịch không quá mạnh. Bằng cách ngăn chặn chúng, những loại thuốc này kích thích các tế bào miễn dịch tấn công mạnh hơn với các tế bào ung thư.

    2. Liệu pháp chuyển tế bào T (Liệu pháp tế bào nuôi, liệu pháp miễn dịch áp dụng hoặc liệu pháp tế bào miễn dịch)

    Bác sĩ sẽ thực hiện thay đổi các gen trong tế bào bạch cầu (tế bào T) của bệnh nhân để giúp tăng cường khả năng tế bào T nhận ra và tiêu diệt các tế bào ung thư. Sau đó, đưa trở lại các tế bào miễn dịch này vào chính cơ thể bệnh nhân. Thay đổi tế bào T theo cách này được gọi là kỹ thuật di truyền tế bào T. Phương pháp này được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh bạch cầu hoặc ung thư hạch bạch huyết hay các khối u đặc như ung thư vú hay ung thư não.

    3. Kháng thể đơn dòng 

    Kháng thể đơn dòng là các protein của hệ thống miễn dịch được tạo ra trong phòng thí nghiệm nhằm mục đích tấn công vào các bộ phận cụ thể của tế bào ung thư. Các kháng thể đơn dòng đưa thuốc, chất độc hoặc chất phóng xạ trực tiếp đến các khối u.

    Một số kháng thể đơn dòng sẽ giúp đánh dấu tế bào ung thư để chúng được hệ thống miễn dịch nhìn thấy và tiêu diệt tốt hơn. Các kháng thể đơn dòng như vậy là một loại liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư.

    4. Vacxin điều trị

    Giống như cách vacxin hoạt động chống lại bệnh tật, vacxin điều trị được tạo ra để nhận ra các protein có trên các tế bào ung thư cụ thể. Điều này giúp hệ thống miễn dịch nhận biết và tấn công các tế bào ung thư cụ thể.

    Vacxin điều trị kích thích phản ứng miễn dịch để bảo vệ cơ thể chống lại một số bệnh. Một số ví dụ cụ thể như: thuốc chủng ngừa virus u nhú ở người (HPV) bảo vệ chống lại một bệnh truyền nhiễm gây ra ung thư cổ tử cung, hậu môn, cổ họng và dương vật. Ngoài ra, còn có một loại vacxin phòng bệnh viêm gan B, bệnh gây ung thư gan.

    5. Virus oncolytic

    Các chuyên gia sẽ thay đổi những loại virus này trong phòng thí nghiệm. Các virus đã được biến đổi sẽ được tiêm vào khối u và tiêu diệt các tế bào ung thư.

    Những bệnh ung thư nào được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch?

    Thuốc điều trị miễn dịch đã được chấp thuận để điều trị nhiều loại ung thư. Tuy nhiên, điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch vẫn chưa được sử dụng rộng rãi như phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị.

    Liệu pháp miễn dịch không thích hợp cho tất cả các loại ung thư. Tuy nhiên, nó có thể là một trong những phương pháp điều trị chính cho một số bệnh. 

    Bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân áp dụng liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư tùy thuộc vào:

    • Loại ung thư đang mắc phải
    • Giai đoạn của bệnh và ung thư đã di căn
    • Các phương pháp điều trị ung thư khác đã áp dụng.

    Liệu pháp miễn dịch được FDA chấp thuận dùng để điều trị cho một số bệnh ung thư, bao gồm:

    Liệu pháp miễn dịch được thực hiện như thế nào?

    quy trình tiến hành liệu pháp miễn dịch

    Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư có thể được thực hiện theo những cách khác nhau. Cụ thể như sau:

    • Thuốc tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch
    • Thuốc uống ở dạng viên nén hoặc viên nang
    • Thuốc bôi tại chỗ ở dạng kem (cho bệnh ung thư da giai đoạn đầu)
    • Truyền thuốc trực tiếp vào bàng quang.

    Bạn có thể phải điều trị bằng liệu pháp miễn dịch hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng. Một số loại liệu pháp miễn dịch được đưa ra theo liệu trình. Một liệu trình thường kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó là một khoảng thời gian nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ ngơi giúp cơ thể bạn có cơ hội phục hồi, đáp ứng với liệu pháp miễn dịch và xây dựng các tế bào mới khỏe mạnh.

    Chi phí điều trị liệu pháp miễn dịch sẽ tùy thuộc vào thời gian điều trị, loại thuốc được sử dụng và các chi phí dịch vụ khác tại bệnh viện. Bác sĩ sẽ chỉ định thời gian và phác đồ điều trị liệu pháp miễn dịch tùy vào:

    • Loại và giai đoạn của bệnh ung thư
    • Loại thuốc điều trị miễn dịch được sử dụng
    • Khả năng cơ thể đáp ứng với điều trị.

    Tác dụng phụ

    Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư có thể xảy ra khác nhau tùy thuộc vào loại thuốc và loại bệnh ung thư. Các tác dụng phụ có thể gặp phải bao gồm các phản ứng liên quan đến truyền dịch như:

    • Tiêu chảy 
    • Viêm đại tràng
    • Đau xương
    • Đau cơ
    • Mệt mỏi
    • Sốt và ớn lạnh
    • Nhức đầu
    • Ăn mất ngon
    • Các vết loét ở miệng
    • Phát ban da
    • Khó thở 
    • Viêm phổi.

    Những lưu ý khác trong quá trình điều trị bằng liệu pháp miễn dịch

    tác dụng phụ của liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư

    Trước khi thực hiện liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư, bạn có thể cần phải làm các xét nghiệm như sinh thiết kiểm tra tế bào ung thư hoặc lấy mẫu máu để tìm kiếm những thay đổi trong protein hoặc gen nhất định. 

    Các xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ chắc chắn xem liệu phương pháp điều trị có khả năng hiệu quả hay không trước khi tiến hành điều trị. Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng cần làm xét nghiệm này.

    Trong quá trình điều trị, bạn có thể cần tái khám thường xuyên với bác sĩ để được theo dõi tình hình sức khỏe. Họ có thể sẽ yêu cầu tiến hành làm xét nghiệm máu hoặc các loại xét nghiệm hình ảnh khác nhau. Các xét nghiệm này giúp đánh giá sự thay đổi trong kích thước khối u và tìm kiếm những thay đổi trong máu.

    Tỷ lệ thành công đối với bất kỳ phương pháp điều trị ung thư nào, bao gồm cả liệu pháp miễn dịch, đều phụ thuộc vào nhiều yếu tố chẳng hạn như khả năng đáp ứng với điều trị, loại và giai đoạn của bệnh ung thư.

    Trong những năm gần đây, đã có những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch. Phương pháp điều trị này được cho là có hiệu quả điều trị thành công với nhiều bệnh ung thư dù bệnh đã ở giai đoạn 3.

    Liệu pháp miễn dịch trong điều trị có thể được áp dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị để nâng cao hiệu quả. Hy vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn và giảm bớt sự lo lắng trong quá trình điều trị ung thư.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

    Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 14/03/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo