backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Chất điện giải và nước bù điện giải: Vì sao cơ thể bạn cần?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 16/05/2023

Chất điện giải và nước bù điện giải: Vì sao cơ thể bạn cần?

Chất điện giải là vi chất không thể thiếu trong cơ thể. Chúng rất dễ bị thất thoát qua mồ hôi hoặc khi ốm bệnh. Lúc đó, chúng ta cần bổ sung lại bằng nước bù điện giải.

Trong nước uống nước đóng chai hay nước lọc thông thường dĩ nhiên vẫn có thể chứa một lượng chất điện giải nhưng rất nhỏ, không đủ để “bù đắp” lại sau khi bạn đã mất một lượng chất điện giải đáng kể.

Khi đó, trong cơ thể sẽ xảy ra những tình trạng gì? Vì sao những vi chất này lại quan trọng đến vậy? Hello Bacsi mời bạn đọc cùng tìm hiểu thông tin qua bài viết sau đây.

Chất điện giải là gì?

Chất điện giải là các khoáng chất mang điện tích được tìm thấy trong máu. Chúng điều chỉnh và kiểm soát sự cân bằng của dịch cơ thể. Có 3 chất điện giải chính là natri, kali và magiê. Ngoài ra còn có clorua, bicarbonat, phốt-phát và canxi.

Vai trò của chất điện giải đối với cơ thể là gì?

Các chất điện giải nhìn chung có thể giúp:

  • Kiểm soát cân bằng lượng chất lỏng trong cơ thể
  • Cân bằng mức axit/bazơ (pH) của máu
  • Tham gia vận chuyển chất dinh dưỡng vào các tế bào
  • Tham gia vận chuyển chất thải ra khỏi các tế bào
  • Điều hòa huyết áp
  • Tăng cường chức năng cơ bắp, kể cả cơ tim
  • Cần thiết cho sự hoạt động của hệ thần kinh

Natri (Na+) duy trì cân bằng dịch cơ thể

Natri là chất điện giải quan trọng nhất. Nếu mất quá nhiều natri (qua mồ hôi) có thể dẫn đến chuột rút, hay hạ natri máu và có thể gây ra các biến chứng sức khỏe lớn. Natri duy trì cân bằng dịch cơ thể, trợ giúp chức năng thần kinh, cơ và cân bằng pH trong máu. Đổ mồ hôi khiến cơ thể hao hụt lượng natri nhiều hơn hẳn các chất điện giải khác.

Kali (K+) ngăn ngừa chuột rút

Kali kết hợp với natri giúp giảm bớt và ngăn ngừa chuột rút. Kali có trong nhiều nguồn thực phẩm và trong chính cơ thể cũng đã có lượng dự trữ kali cao. Khi đổ mồ hôi, lượng kali hao hụt không nhiều bằng natri.

Canxi (Ca2+) điều hòa chức năng co cơ bắp và nhịp tim

Canxi là khoáng chất dồi dào nhất trong cơ thể, đóng vai trò trong nhiều chức năng cơ thể khi bình thường và cả khi luyện tập thể thao. Khi canxi lưu thông trong máu, nó có tác động lớn đến quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng thiết yếu và chức năng sinh lý thích hợp. Canxi rất cần thiết cho sức khỏe của xương và cơ bắp. Ngoài ra, canxi cũng tham gia vào quá trình tổng hợp và phân hủy glycogen của cơ và gan.

Magiê (Mg2+) thư giãn cơ bắp

Tương tự như cách natri và kali hoạt động cùng nhau, magiê và canxi cũng vậy. Trong khi canxi rất cần thiết cho các cơn co thắt cơ bắp thì magiê hỗ trợ trong việc giúp cơ bắp thư giãn. Do đó, sự kết hợp của magiê và canxi là rất quan trọng cho chức năng cơ bắp khỏe mạnh. Magiê cũng hỗ trợ chuyển hóa glucose và được tham gia trong nhiều phản ứng enzyme.

Điều gì xảy ra khi bạn bị mất cân bằng điện giải?

Khi cơ thể bị mất nước sẽ dẫn đến mất chất điện giải. Nếu trong trường hợp bị mất nước nhanh hay nghiêm trọng như tiêu chảy, nôn mửa, rối loạn chất điện giải có thể dẫn đến tử vong. Một số bệnh như bệnh thận, rối loạn ăn uống hay các chấn thương như bỏng nặng đều có thể gây mất cân bằng điện giải. Chúng có ảnh hưởng rất nguy hại đến sức khỏe. Bạn có thể gặp các triệu chứng như mệt mỏi, nhịp tim nhanh hoặc bất thường, tê và ngứa ran, yếu cơ và chuột rút, nhức đầu, co giật, mất nhận thức, lơ mơ…

Tiêu chảy là trường hợp thất thoát chất điện giải nhanh và nguy hiểm nếu không kịp bổ sung chất điện giải

Ước tính nhu cầu chất điện giải

Khi xác định mức độ thiếu hụt chất điện giải, hãy quan tâm các yếu tố như cường độ tập luyện thể thao, thời gian và môi trường hoạt động. Trong điều kiện cả nhiệt độ và độ ẩm cao, cơ thể hoạt động mạnh hơn, làm tăng thân nhiệt. Do đó, cơ thể cần giải phóng nhiệt qua mồ hôi và chất điện giải có thể bị mất với tốc độ nhanh hơn. Khi hoạt động nặng nhọc, lượng mồ hôi bài tiết sẽ tăng nhiều hơn hoặc khi thời gian hoạt động kéo dài, bạn đều có thể bị mất nước, dẫn đến mất cân bằng điện giải.

Nhu cầu hằng ngày đối với các chất điện giải sẽ khác nhau về giới tính, tuổi tác. Trong một số trường hợp sẽ tính theo cường độ/thời gian tập luyện thể thao.

  • Đối với cả nam và nữ nên giữ lượng natri dưới 2.000 mg. Tuy nhiên, trong và sau khi tập luyện thể thao, hãy bổ sung chất điện giải qua các loại nước bù điện giải.
  • Lượng kali cho nam và nữ là 4.700 mg mỗi ngày. Có nhiều thực phẩm rất giàu kali (chuối, bơ,…) nên bạn có thể không cần chủ động bổ sung qua nước bù điện giải trừ lúc tập luyện thể thao.
  • Lượng magiê cho nam giới nên nằm trong khoảng từ 330–350mg mỗi ngày và với nữ giới là khoảng 255–265mg mỗi ngày. Tuy nhiên, điều kiện nóng và ẩm có thể khiến lượng magiê được bài tiết qua mồ hôi với tốc độ cao hơn nên phải bổ sung nhiều hơn.
  • Canxi rất cần thiết và được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm. Lượng canxi khuyến cáo là 800 mg mỗi ngày cho cả nam và nữ.

Nước bù điện giải là gì?

Nước bù điện giải hay còn gọi là nước bổ sung ion bao gồm nước và các ion thiết yếu (Na+, Cl-, Ca2+, Mg2+, K+,…) với nồng độ khác nhau tùy theo mục đích sử dụng. Uống nước bù điện giải nhằm bù đắp nhanh và chính xác những gì cơ thể đã mất đi. Từ đó, giúp phục hồi trạng thái cơ thể một cách tốt nhất. Có nhiều loại nước bù điện giải từ tự nhiên đến “nhân tạo”. Nếu mua nước bù điện giải đóng chai, bạn cần lưu ý thành phần của nước để hạn chế hấp thu caffeine và đường.

Nước bù điện giải hay nước lọc thông thường?

Nước chiếm 60–70% khối lượng cơ thể người. Giữ cho cơ thể “ngậm nước” đủ là điều kiện cần thiết cho sức khỏe tổng thể. Nước giúp điều hòa thân nhiệt, thúc đẩy quá trình lưu thông máu, vận chuyển chất dinh dưỡng và loại bỏ chất thải, độc tố, hỗ trợ hệ thống bài tiết. Nước lọc thông thường có thể không chứa hoặc chứa rất ít các ion hay chất điện giải.

Cả nước bù điện giải và nước lọc thông thường đều được tính vào nhu cầu chất lỏng hàng ngày của bạn, cùng các loại đồ uống khác như cà phê, trà, nước ép trái cây và sữa. Người ta thường hiểu nhầm rằng nước bù điện giải tốt hơn nước lọc thông thường. Trong thực tế, điều này còn phụ thuộc vào hoàn cảnh.

Nước bù điện giải sẽ là lựa chọn có lợi hơn nếu bạn đang đối diện với nguy cơ mất khoáng chất nhanh, chẳng hạn như khi:

  • Tập luyện thể thao trong hơn 1 giờ
  • Đổ mồ hôi nhiều khi tập thể thao
  • Nôn mửa hoặc tiêu chảy
  • Tiếp xúc với nhiệt trong thời gian dài (thời tiết nóng,…)

Lời kết

Chất điện giải bị hao hụt có thể được tăng cường bằng nước bù điện giải. Nước bù điện giải có ích cho người đang tập luyện thể thao, sinh hoạt ở nơi nhiệt độ cao. Người bị bệnh khiến dịch cơ thể bị thất thoát (như nôn mửa, tiêu chảy) cũng rất cần nước bù điện giải. Nếu trong điều kiện sinh hoạt bình thường, bạn có thể không cần dùng hằng ngày.

Nước dừa là loại thức uống rất giàu chất điện giải
Nước dừa là loại thức uống rất giàu chất điện giải

Bạn vẫn có thể tự làm nước bù điện giải nếu có thời gian. Có rất nhiều công thức dễ làm, ngon miệng với giá thành “khả thi” hơn nếu dùng mỗi ngày. Chúng vừa cung cấp đủ lượng chất điện giải mà lại không chứa màu hay mùi vị nhân tạo. Cần lưu ý hàm lượng chất điện giải cơ thể cần để tránh trường hợp lạm dụng, dẫn đến mất cân bằng điện giải theo chiều hướng “dư thừa”. Bạn cũng không nên tùy ý sử dụng cho trẻ nhỏ khi chưa có chỉ định của bác sĩ nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 16/05/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo