backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bệnh nhân viêm gan C sống được bao lâu?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 15/11/2019

    Bệnh nhân viêm gan C sống được bao lâu?

    Viêm gan C được gây ra bởi nhiều kiểu gen virus HCV khác nhau và có thể tiến triển trầm trọng, thậm chí tử vong. Bệnh nhân viêm gan C sống được bao lâu phụ thuộc vào thời gian chẩn đoán sớm bệnh và khả năng đáp ứng điều trị.

    Hiện nay, rất nhiều người không biết mình đang nhiễm virus viêm gan C (HCV). Viêm gan C do virus HCV gây ra, làm tổn thương gan. Có khoảng 15 – 25% số người nhiễm virus HCV tự khỏi mà không cần điều trị. Tình trạng đó gọi là viêm gan C cấp tính và ít gây nguy hiểm đến tính mạng.

    75 – 85% người sẽ mắc viêm gan C mạn tính. Khi đó, quá trình mắc bệnh sẽ diễn ra lâu và có thể hình thành sẹo ở gan vĩnh viễn (xơ gan) hoặc ung thư gan. Theo thống kê, có khoảng 5 – 20% những người bị viêm gan mạn tính sẽ mắc xơ gan trong vòng 20 năm.

    Viêm gan C mạn tính giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Những người nhiễm HCV mạn tính thậm chí còn không biết có virus HCV trong máu, cho đến khi xuất hiện các triệu chứng nghĩa là đã bắt đầu tổn thương gan.

    Bệnh nhân viêm gan C sống được bao lâu phụ thuộc vào mức độ tổn thương gan. Ngoài ra, cũng phụ thuộc vào khả năng đáp ứng với điều trị của người bệnh.

    hcv

    Tương lai của những bệnh nhân viêm gan C mạn tính

    Khả năng điều trị

    Viêm gan C mạn tính thường có thể điều trị được. Bạn sẽ phải sử dụng phối hợp các loại thuốc cho đến khi loại bỏ hoàn toàn virus khỏi cơ thể. Các thuốc này giúp cho virus HCV không sinh sản và cuối cùng sẽ tiêu diệt chúng.

    Phác đồ điều trị viêm gan C luôn thay đổi để ngày càng hiệu quả hơn. Bạn có thể tham khảo ý kiến của các bác sĩ để lựa chọn cho mình phương pháp điều trị tốt nhất.

    Sau khi điều trị, bác sĩ sẽ đảm bảo tiêu diệt được hết virus HCV. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể bị tái nhiễm trở lại.

    Các loại thuốc điều trị viêm gan C điển hình gồm interferon dạng tiêm và ribavirin dạng uống. Ngày nay, một số loại thuốc mới gọi là thuốc kháng virus trực tiếp (DAA) có hiệu quả và dung nạp tốt hơn. Khoảng 60–95% người dùng thuốc DAA được xác định không còn virus HCV trong người, tùy thuộc vào các yếu tố sau:

    • Thuốc kháng virus trực tiếp
    • Loại viêm gan C (loại 1, 2, 3 hay 4)
    • Số lượng virus HCV trong máu
    • Mức độ nghiêm trọng của tổn thương gan trước khi điều trị

    Các thuốc DAA cũng rút ngắn thời gian điều trị còn 8 – 12 tuần, tùy vào từng loại thuốc.

    Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) báo cáo rằng virus HCV gây tử vong nhiều hơn bất kỳ loại bệnh truyền nhiễm nào khác. Lý do là vì mọi người không có thói quen sàng lọc máu thường xuyên nên không biết bản thân bị nhiễm HCV.

    Xét nghiệm máu thường xuyên để phát hiện HCV là rất quan trọng để tránh những tổn thương gan nghiêm trọng. Việc phát hiện bệnh muộn cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

    Các loại viêm gan C

    Khả năng chữa khỏi viêm gan C mạn tính phụ thuộc vào kiểu gen của virus gây bệnh. Qua nhiều năm, virus có thể biến thể ra nhiều kiểu gen khác nhau và một trong số đó rất khó điều trị.

    Hiện nay, kiểu gen virus HCV phổ biến nhất là 1A và 1B, chiếm 70% tất cả các trường hợp viêm gan C.

    Điều gì sẽ xảy ra khi viêm gan C phát triển thành xơ gan hay ung thư gan?

    Xơ gan và ung thư gan gây ra 1 – 5% các ca tử vong có liên quan đến virus HCV.

    Thông thường phải mất 20 – 30 năm để những người mắc viêm gan C mạn tính phát triển thành xơ gan. Khi đó, nếu không điều trị kịp thời, xơ gan có thể dẫn đến ung thư gan và suy gan.

    Để điều trị xơ gan và ung thư gan, bạn thường cần phải ghép gan. Việc đó sẽ giúp bạn chữa trị ung thu gan hay suy giảm chức năng gan. Tuy nhiên, chỉ có một số ít người có điều kiện và khả năng để cấy ghép.

    Theo nghiên cứu, sử dụng liệu pháp interferon có thể tăng thời gian sống ở người mắc viêm gan C mạn tính đang phát triển thành ung thư.

    Hy vọng mới

    Vào tháng 6/2016, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chấp nhận thuốc phối hợp Epclusa (sofosbuvir và velpatasvir). Đây là thuốc đầu tiên được phê duyệt để điều trị cả sáu loại viêm gan C.

    Các lựa chọn điều trị mới ngày càng mở rộng cho những người mắc viêm gan C.

    Tiêm phòng

    Tính cho đến năm 2016 vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa viêm gan C. Loại virus này rất đặc biệt vì nó tồn tại ít nhất 6 hình dạng riêng biệt và có 50 loại khác nhau.

    Thế nhưng, các nhà khoa học đang nghiên cứu một loại vắc xin sẽ cho kết quả đầy hứa hẹn. Trong giai đoạn 1 của thử nghiệm an toàn, kết quả trên 15 tình nguyện viên khỏe mạnh đã cho thấy phản ứng của tế bào miễn dịch lympho T cao. Các tế bào T này đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ virus một cách tự nhiên.

    Kết luận

    Thời gian sống của người nhiễm viêm gan C phụ thuộc vào loại gen HCV mắc phải. Rất nhiều trường hợp, mọi người không biết mình đang bị nhiễm HCV cấp tính và khoảng 15 – 20% trường hợp sẽ tự khỏi. Thế nhưng đối với HCV mạn tính, triển vọng sống phụ thuộc vào sức khỏe tổng thể, mức độ tổn thương gan, thời gian tiếp nhận điều trị và khả năng đáp ứng điều trị.

    Các thuốc điều trị virus HCV mới có thể giúp loại bỏ virus ra khỏi cơ thể, tăng tỷ lệ chữa trị thành công.

    Bạn hãy nhớ viêm gan C mạn tính không được điều trị có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Có khoảng 1 – 5% trường hợp nhiễm HCV mạn tính bị xơ gan hoặc ung thư gan dẫn đến tử vong. Ở giai đoạn tiến triển xơ gan, bác sĩ có thể yêu cầu bạn ghép gan đồng thời sử dụng thuốc điều trị. Vì vậy, bệnh nhân viêm gan C sống được bao lâu là phụ thuộc vào thời gian chẩn đoán sớm bệnh và chữa trị kịp thời.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 15/11/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo