backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Khi nào thì nên chụp nhũ ảnh?

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 15/11/2019

    Khi nào thì nên chụp nhũ ảnh?

    Chụp nhũ ảnh là gì?

    Chụp nhũ ảnh là một công cụ sàng lọc được sử dụng để phát hiện và chẩn đoán ung thư vú. Cùng với khám vú thường xuyên ở phòng khám bác sĩ và tự khám vú hàng tháng tại nhà, chụp nhũ ảnh cũng là một yếu tố quan trọng trong việc chẩn đoán sớm bệnh ung thư vú. Theo Viện Ung thư Quốc gia, gần 40.000 phụ nữ chết vì ung thư vú vào năm 2012. Hơn 226.000 trường hợp mới cũng đã được chẩn đoán trong cùng năm đó.

    Phụ nữ 40 tuổi trở lên nên chụp nhũ ảnh một lần mỗi 1–2 năm. Nếu bạn có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị ung thư vú, bác sĩ có thể khuyên bạn nên bắt đầu tầm soát sớm hơn, thường xuyên hơn, hoặc sử dụng các công cụ chẩn đoán thêm khác.

    Khái niệm cơ bản của chụp nhũ ảnh

    Chụp nhũ ảnh là việc chụp X-quang ở vú. Nếu bác sĩ yêu cầu bạn chụp nhũ ảnh thường xuyên để kiểm tra xem bạn có bị ung thư hay có những thay đổi gì ở vú không, thì nó được gọi là chụp nhũ ảnh tầm soát. Trong dạng xét nghiệm này, các bác sĩ sẽ phải chụp nhiều hình ảnh X-quang ở mỗi bên vú.

    Nếu bạn có một khối u hoặc bất kỳ triệu chứng nào của bệnh ung thư vú mà phát hiện được thông qua khám lâm sàng, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp nhũ ảnh để xác nhận chẩn đoán. Chụp nhũ ảnh để chẩn đoán thường phức tạp hơn so với chụp nhũ ảnh để tầm soát. Để chẩn đoán có phải bạn mắc bệnh ung thư vú hay không, bác sĩ cần phải chụp nhiều phim X-quang hơn, để có được những hình ảnh của vú từ nhiều góc khác nhau. Các bác sĩ chụp X-quang cũng có thể phóng to một số khu vực cần quan tâm.

    Chuyện gì xảy ra suốt quá trình nhũ ảnh?

    Sau khi cởi đồ từ eo trở lên và lấy ra tất cả nữ trang, bạn sẽ nhận được một áo khoác hoặc áo choàng khoác vào từ phía trước. Tùy thuộc vào các cơ sở xét nghiệm, bạn có thể đứng hoặc ngồi lúc chụp nhũ ảnh.

    Bạn sẽ phải đặt ngực lên trên tấm X-quang phẳng. Sau đó sẽ có một máy nén ép ngực bạn xuống để làm dẹt các mô ở vú, nhờ vậy hình ảnh vú sẽ rõ ràng hơn. Bạn có thể phải nín thở khi chụp ảnh và cảm thấy hơi đau hoặc khó chịu, nhưng cảm giác đó sẽ qua rất nhanh.

    Trong suốt quá trình, bác sĩ sẽ xem lại những tấm hình vừa được chụp. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn chụp thêm một vài tấm nữa để có thể nhìn rõ hơn từ những góc độ khác nếu có một tổn thương nào đó trong hình chưa rõ. Điều này xảy ra khá thường xuyên và bạn không cần phải quá sợ hãi hay lo lắng khi bác sĩ yêu cầu bạn làm vậy.

    Ngoài ra, còn có kỹ thuật chụp nhũ ảnh bằng X-quang kỹ thuật số. Cách này đặc biệt hữu ích cho những phụ nữ trẻ hơn 50 tuổi, những người này thường có ngực dày hơn so với phụ nữ lớn tuổi.

    Chụp nhũ ảnh kỹ thuật số có thể được lưu trên một máy tính. Hình ảnh ngay lập tức nhìn thấy được, do đó các bác sĩ X-quang không phải chờ đợi đến khi phim được in ra mới xem được. Các máy tính cũng có thể giúp bác sĩ xem những hình ảnh mà không thể thấy được bằng phương pháp chụp X-quang thông thường.

    Chuẩn bị cho chụp nhũ ảnh

    Bạn sẽ cần phải làm theo những nguyên tắc nhất định trong ngày chụp nhũ ảnh. Bạn không nên xịt nước hoa, chất khử mùi. Ngoài ra, bạn không nên xức bất kỳ thuốc mỡ hoặc kem vào ngực hay nách của bạn. Những chất này có thể làm méo mó hình ảnh hoặc giống như những điểm vôi hóa, làm ảnh hưởng đến việc đọc kết quả X- quang.

    Hãy báo với bác sĩ X-quang trước khi chụp nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú. Nói chung, bạn sẽ không thể chụp nhũ ảnh tầm soát tại thời điểm này, nhưng nếu cần, phương pháp xét nghiệm khác như siêu âm có thể được sử dụng.

    Kết quả chụp nhũ ảnh của bạn

    Hình ảnh từ việc chụp nhũ ảnh thể giúp tìm thấy sự vôi hóa, hoặc sự lắng đọng canxi trong ngực. Hầu hết vôi hóa không phải là một dấu hiệu của ung thư. Xét nghiệm này cũng có thể tìm thấy các túi nang-chứa chất lỏng, có thể xuất hiện và biến mất một cách bình thường trong chu kỳ kinh nguyệt và một số phụ nữ bất kỳ có khối u ung thư hoặc không phải ung thư.

    Có một hệ thống chẩn đoán quốc gia cho việc đọc hình chụp nhũ ảnh gọi là BI-RADS. Theo hệ thống này, có bảy loại, từ không đến sáu. Bảng phân loại này cho biết có cần phải chụp thêm ảnh không và liệu khu vực bị nghi ngờ là lành tính (không phải ung thư) hoặc khối ung thư.

    Mỗi thể loại đều có kế hoạch theo dõi riêng. Hoạt động trên các kế hoạch tiếp theo có thể bao gồm việc thu thập hình ảnh bổ sung, tiếp tục xét nghiệm thường xuyên, đặt cuộc hẹn theo dõi trong sáu tháng, hoặc thực hiện sinh thiết.

    Chụp nhũ ảnh có nguy hiểm không?

    Như với bất kỳ loại hình chụp X-quang nào, bạn sẽ phải tiếp xúc với một số lượng rất nhỏ chất phóng xạ trong quá trình chụp hình vú. Tuy nhiên, nó hầu như không gây ra nguy hiểm gì. Nếu một người phụ nữ đang mang thai và rất cần nhũ ảnh trước ngày sinh, cô ấy thường sẽ được che chắn bằng một lớp chì đặt trước bụng.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    TS. Dược khoa Trương Anh Thư

    Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 15/11/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo