backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

2

Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Đau nhức cánh tay là bệnh gì và điều trị sao cho hiệu quả

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 27/12/2022

Đau nhức cánh tay là bệnh gì và điều trị sao cho hiệu quả

Đau nhức cánh tay chắc hẳn là nỗi khổ chung của rất nhiều người. Nguyên nhân có thể đến từ chấn thương tay khi tập các bài tập nặng, đòi hỏi nhiều sức lực, hoặc do tiềm ẩn các bệnh lý nguy hiểm.

Hãy cùng Hello Baci tìm hiểu ngay các triệu chứng, nguyên nhân và cách chữa đau nhức cánh tay hiệu quả.

Tìm hiểu chung

Đau nhức cánh tay là gì?

Đau nhức cánh tay là trường hợp khó chịu, đau nhức cơ, xương hay cứng khớp ở bất cứ nơi nào trên cánh tay, chẳng hạn như cổ tay, khuỷu tay và vai.

Đau nhức xương cánh tay có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân nhưng phổ biến nhất thường là do chấn thương hoặc lạm dụng chức năng của cánh tay. Tùy thuộc vào nguyên nhân mà cơn đau có thể bắt đầu đột ngột rồi biến mất hoặc mức độ đau nhức tăng dần.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng đi kèm đau nhức cánh tay là gì?

Các triệu chứng có thể đi kèm với đau nhức cánh tay sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân, bao gồm:

Người bị đau nhức cánh tay cần nhanh chóng đến bệnh viện nếu thuộc các trường hợp sau:

  • Gặp chấn thương ở tay, có âm thanh nứt vỡ hoặc chảy máu, biến dạng cánh tay 
  • Đau dữ dội và sưng ở cánh tay
  • Khó khăn trong việc cử động hoặc xoay cánh tay như bình thường
  • Tình trạng đau không cải thiện sau khi tự chăm sóc tại nhà
  • Vùng nhức tay bị ảnh hưởng ngày càng đỏ, sưng và đau hơn 

>>> Bạn có thể quan tâm: Nguyên nhân nào khiến bạn bị đau bắp tay?

đau nhức cánh tay

Nguyên nhân

Nguyên nhân của đau nhức cánh tay là gì?

Đau nhức cánh tay là bệnh gì? Chúng bao gồm:

Dây thần kinh bị chèn ép

Dây thần kinh bị chèn ép là tình trạng khi một dây thần kinh dọc cánh tay bị chèn ép hoặc đè nén. Các triệu chứng đi kèm khác có thể bao gồm:

  • Cảm giác ngứa ran
  • Tê bì
  • Đau nhói
  • Yếu cơ.

Bong gân

Bong gân là tình trạng dây chằng hoặc gân bị kéo giãn hay đứt, rất phổ biến. Các triệu chứng phổ biến có thể bao gồm sưng, bầm tím, hạn chế vận động khớp và khớp không ổn định. Bạn có thể chăm sóc bong gân nhẹ ở nhà, nhưng các trường hợp nặng hơn có thể phải phẫu thuật để điều trị. 

Viêm gân

Viêm gân thường xảy ra ở vai, khuỷu tay và cổ tay, mức độ có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng khác bao gồm sưng nhẹ, đau. Cơn đau có thể khiến bạn bị đau cánh tay phải hoặc trái, hoặc cả hai bên.

Chấn thương cơ chóp xoay

Tình trạng này thường xảy ra nhiều nhất ở những người hay thực hiện các thao tác vươn, với tay cao như họa sĩ hoặc cầu thủ bóng chày. Các triệu chứng bao gồm đau âm ỉ ở vai và lực của cánh tay yếu dần.

Gãy xương gây đau nhức xương cánh tay dữ dội 

Gãy xương cánh tay gây ra cơn đau dữ dội, nhức trong xương cánh tay, thậm chí bạn có thể nghe thấy âm thanh xương gãy. Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Sưng đỏ
  • Bầm tím
  • Đau dữ dội
  • Chỗ gãy có thể biến dạng 
  • Mất khả năng xoay lòng bàn tay

Viêm khớp dạng thấp

Tình trạng đau nhức cánh tay trái hay phải là bệnh gì? Nguyên nhân có thể là do viêm khớp dạng thấp – một rối loạn mạn tính do viêm gây ra, chủ yếu ảnh hưởng đến khớp. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Cảm giác khớp ấm, mềm
  • Sưng khớp
  • Cứng khớp
  • Mệt mỏi

Đau thắt ngực

Đau thắt ngực là cơn đau ngực xảy ra khi tim không nhận đủ oxy. Cơn đau có thể xuất hiện ở ngực rồi lan lên cánh tay và vai. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Tức ngực, nặng ngực
  • Buồn nôn
  • Khó thở
  • Chóng mặt

Nhồi máu cơ tim

Các cơn nhồi máu cơ tim xảy ra khi máu không thể đến được cơ tim do động mạch vành bị tắc hẹp hoàn toàn. Tình trạng này có thể làm tổn thương vĩnh viễn cơ tim và nhanh chóng dẫn tới tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Các triệu chứng khác thường là:

  • Đau ở một hoặc cả hai cánh tay
  • Khó thở
  • Đau ở nơi khác trên cơ thể
  • Buồn nôn
  • Đổ mồ hôi lạnh
  • Tức ngực
  • Chóng mặt

>>> Bạn có thể quan tâm: 8 nguyên nhân gây tê cánh tay không phải ai cũng biết

Chẩn đoán và điều trị

đau nhức cánh tay phải làm sao

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán đau nhức cánh tay?

Trước tiên, bác sĩ cần chẩn đoán nguyên nhân để có thể đưa ra cách chữa đau nhức cánh tay hiệu quả. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra bệnh sử và thể chất, thăm hỏi về những hoạt động có khả năng gây đau hay chấn thương cánh tay của người bệnh. Dựa trên các triệu chứng, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện một số kiểm tra, xét nghiệm sau:

  • Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh nâng cánh tay hoặc làm các chuyển động đơn giản khác để đánh giá phạm vi chuyển động của tay, giúp xác định vị trí và nguyên nhân gây thương tích hoặc đau đớn.
  • Xét nghiệm máu có thể giúp bác sĩ phát hiện một số tình trạng tay bị đau nhức, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc viêm khớp.
  • Chụp X-quang được áp dụng trong trường hợp cần chẩn đoán gãy xương.
  • Nếu nghi ngờ tình trạng đau cánh tay có liên quan đến các bệnh lý về tim, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm nhằm đánh giá hoạt động của tim cũng như lưu lượng máu qua tim người bệnh.
  • Siêu âm nhằm phát hiện các vấn đề với khớp, dây chằng và gân.
  • Chụp MRI và CT để có được hình ảnh chi tiết hơn về mô mềm và xương. 

Những phương pháp điều trị đau nhức cánh tay

Cách giảm đau nhức cánh tay sẽ khác nhau tùy theo nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng, chẳng hạn như:

  • Dùng thuốc giảm đau. Đối với một số trường hợp, cơn đau ở cánh tay có thể nghiêm trọng và cần bác sĩ kê toa thuốc giảm đau.
  • Dùng thuốc chống viêm. Đối với cơn đau nhức tay do viêm, các thuốc chống viêm như corticosteroid có thể giúp giảm bớt triệu chứng. Thuốc có thể dùng đường uống, tiêm hoặc truyền tĩnh mạch.
  • Vật lý trị liệu. Người bệnh có thể cần điều trị một số cơn đau cánh tay bằng vật lý trị liệu, đặc biệt là trong trường hợp bị hạn chế khả năng vận động do cơn đau.
  • Phẫu thuật. Trong trường hợp nghiêm trọng như chấn thương dây chằng hay gãy tay, phẫu thuật có thể là phương pháp cần thiết.

Điều trị tại nhà

Những biện pháp nào giúp điều trị đau nhức cánh tay tại nhà?

Ngoài các loại thuốc bác sĩ đã kê toa, người bệnh có thể áp dụng nhiều cách giảm cơn đau nhức cánh tay, chẳng hạn như:

  • Nghỉ ngơi. Đôi khi tất cả những gì cơ thể cần là nghỉ ngơi. Người bệnh cần thư giãn cánh tay bị ảnh hưởng, tránh tập thể dục và vận động quá sức.
  • Chườm đá. Biện pháp này có thể giúp giảm sưng và viêm. Người bệnh lưu ý không để túi chườm đá tiếp xúc trực tiếp lên vùng bị đau mà nên lót ở giữa một chiếc khăn, chườm trong 20 phút, ngày vài lần.
  • Dùng thuốc giảm đau không kê toa (OTC). Trong trường hợp đau nhẹ hay không có dấu hiệu nguy hiểm cần cấp cứu, người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau không kê toa như paracetamol, aspirin hay ibuprofen để làm dịu cảm giác khó chịu. Lưu ý không sử dụng quá liều và trong thời gian dài hơn khuyến cáo.
  • Cố định vùng đau. Người bệnh có thể dùng băng thun và nẹp để cố định cánh tay bị đau, giúp hạn chế việc cử động các khớp, giảm sưng.

Nếu thực hiện những biện pháp trên không cải thiện được tình trạng đau nhức cánh tay, người bệnh nên ngừng ngay và lập tức đến phòng khám để được chẩn đoán, điều trị chính xác.

>>> Bạn có thể quan tâm: Bệnh đau khuỷu tay: Nguyên nhân, triệu chứng & cách chữa

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa đau nhức cánh tay?

chế độ sinh hoạt phù hợp người bị đau nhức cánh tay

Trong nhiều trường hợp, nhức và đau cánh tay do chấn thương có thể phòng ngừa được bằng những cách như:

  • Khởi động kỹ trước khi tập thể thao, thường xuyên thực hiện bài tập giãn cơ
  • Đảm bảo tập luyện đúng tư thế, nhịp độ để ngăn chấn thương
  • Mặc trang phục phù hợp và trang bị đồ bảo hộ đầy đủ khi chơi các môn thể thao đối kháng
  • Giữ cân nặng hợp lý, lành mạnh
  • Nâng đồ vật cẩn thận, không thao tác quá nhanh hay quá sức

Bài viết trên đây đã phần nào giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng đau tay mà mình đang mắc phải. Nếu bạn bị đau nhức cánh tay trái hay nhức cánh tay phải trong thời gian dài mà chưa khỏi, bạn cần đi khám bác sĩ để đưa ra cách chữa trị tốt nhất cho tình trạng này.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 27/12/2022

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo