backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bạn đã thật sự hiểu hết lợi ích của việc tập thể dục đối với bệnh nhân ung thư gan?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 15/04/2022

    Bạn đã thật sự hiểu hết lợi ích của việc tập thể dục đối với bệnh nhân ung thư gan?

    Trước đây, các bác sĩ thường khuyên những bệnh nhân ung thư gan nên dành thời gian nghỉ ngơi  và tránh các hoạt động thể chất. Thế nhưng, hiện nay nhiều nghiên cứu lại chỉ ra rằng tập thể dục không chỉ an toàn trong quá trình điều trị mà còn giúp cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư gan là một trong những căn bệnh có nguy cơ gây tử vong hàng đầu. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bị ung thư gan là mọi thứ đã chấm hết. Với việc thay đổi lối sống, người bị ung thư gan vẫn có thể kiểm soát được tình trạng của mình và có một cuộc sống vui vẻ bên người thân. Xây dựng và duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên là một điều hết sức quan trọng. Để hiểu tại sao lại như vậy, bạn hãy cùng Hello Bacsi xem qua những chia sẻ dưới đây nhé.

    Tập thể dục thường xuyên có lợi ích gì đối với bệnh nhân ung thư gan?

    Theo ghi nhận, phần lớn bệnh nhân ung thư gan đều nói rằng sức khỏe của bản thân được cải thiện nhiều hơn khi duy trì thói quen tập thể dục. Không những vậy, thói quen này còn giúp cơ thể được cân đối và tinh thần cũng được cải thiện. Các nhà nghiên cứu cũng chứng minh rằng những người tập thể dục thường xuyên thường đáp ứng tốt hơn với việc điều trị và cần ít thời gian để phục hồi hơn. Ngoài ra, tập thể dục còn:

    • Đem đến cho người bệnh cảm giác tích cực, từ đó tinh thần được nâng cao, tránh nguy cơ bị căng thẳng, trầm cảm. Tâm lý tốt sẽ thúc đẩy hệ miễn dịch, tạo lợi thế trong cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư quái ác.
    • Tăng năng lượng cho cơ thể bởi hoạt động này giúp tăng lưu thông máu đến các cơ quan.
    • Giảm một lượng mỡ đáng kể, từ đó làm giảm mỡ trong gan và hạn chế áp lực cho gan.
    • Cải thiện khả năng thể chất, cải thiện sự cân bằng, giảm nguy cơ té ngã và gãy xương.
    • Giúp cho các cơ bắp không bị cứng lại và mất dần chức năng do không hoạt động.
    • Giúp người bệnh bớt phụ thuộc vào người khác trong các hoạt động bình thường của cuộc sống hàng ngày.
    • Nâng cao chất lượng cuộc sống.

    Các bài tập thể dục nào phù hợp với bệnh nhân ung thư gan?

    Bệnh nhân ung thư gan

    Bạn có thể lựa chọn bất cứ bộ môn thể thao nào mình thích để tập miễn là nó an toàn và phù hợp với tình trạng cơ thể. Thông thường, những hoạt động thể chất dành cho người bị ung thư gan cần có những đặc điểm sau:

    • Dễ học
    • Dễ thực hiện
    • Không yêu cầu quá nhiều
    • Có thể thực hiện khi nằm hoặc ngồi tại nhà.

    Ngoài ra, khi chọn, bạn cũng cân nhắc đến một số yếu tố sau:

    • Giai đoạn ung thư
    • Các phương pháp điều trị bạn đang áp dụng
    • Sức chịu đựng, sức mạnh và mức độ thể lực của bạn

    Nếu bạn thường xuyên tập thể dục trước khi bị bệnh, hãy chọn các bài tập có cường độ nhẹ hơn trong thời gian này. Còn nếu trước đây bạn ít vận động, bạn nên bắt đầu với những hoạt động ngắn, cường độ thấp, chẳng hạn như đi bộ. Đối với người già, người mắc bệnh ung thư gan đã di căn sang xương hoặc người bệnh có các vấn đề như viêm khớp hoặc bệnh thần kinh ngoại biên (tê ở tay hoặc chân), việc lựa chọn các bài tập cần cân nhắc đến yếu tố thăng bằng để giảm nguy cơ té ngã và chấn thương.

    Theo các nhà nghiên cứu, bệnh nhân ung thư gan nên kết hợp giữa aerobic và nâng tạ bởi tập aerobic có thể giúp tăng lượng oxy hít vào và tăng tốc độ cung cấp oxy đến những cơ quan quan trọng của cơ thể như gan. Trong khi đó, tập tạ giúp cải thiện sức mạnh tổng thể cho cả xương và cơ bắp. Ngoài ra, tập tạ còn làm giảm mỡ, làm tăng khối lượng cơ nạc và ảnh hưởng tích cực đến hệ tiêu hóa cũng như việc sử dụng các chất dinh dưỡng.

    Bệnh nhân ung thư gan cần lưu ý gì khi tập thể dục?

    Mặc dù tập thể dục mang đến nhiều lợi ích cho cơ thể nhưng khi bị ung thư gan, bạn nên lưu ý một số điều sau:

    • Luôn luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu tập. Điều này đặc biệt quan trọng bởi các phương pháp điều trị có thể ảnh hưởng đến một số cơ quan trong cơ thể và khiến cho một số bài tập không còn phù hợp.
    • Không tập thể dục nếu bạn có số lượng hồng cầu thấp (thiếu máu).
    • Nếu bạn có số lượng bạch cầu thấp hoặc nếu bạn đang dùng các loại thuốc làm giảm khả năng miễn dịch, hãy tránh đi đến các phòng tập công cộng.
    • Không tập thể dục nếu hàm lượng khoáng chất trong máu không bình thường.
    • Không tập thể dục nếu bạn bị đau, buồn nôn, nôn hoặc có bất kỳ triệu chứng nào khác.
    • Không tập các bài tập nặng mà không hỏi ý kiến tư vấn của bác sĩ.
    • Nếu bạn đang phải sử dụng ống thông, hãy tránh đi bơi.
    • Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi và không muốn tập, bạn có thể thử tập các bài tập nhẹ khoảng 10 phút mỗi ngày.
    • Không tập các bài tập gây áp lực nhiều cho xương nếu bạn bị loãng xương, ung thư di căn đến xương, viêm khớp, tổn thương thần kinh, thị lực kém…
    • Nếu bạn bị sưng mắt cá chân, tăng cân không rõ nguyên nhân hoặc khó thở khi nghỉ ngơi, hãy hỏi ý kiến bác sĩ.
    • Nếu bạn đang dùng thuốc làm loãng máu, hãy tránh các bài tập có thể khiến bạn bị ngã hoặc chấn thương. Nếu bạn nhận thấy sưng, đau, chóng mặt hoặc mờ mắt, hãy gọi bác sĩ hoặc thông báo cho người thân, người xung quanh ngay lập tức.

    Tập thể dục có thể khiến bệnh nhân ung thư gan cảm thấy mệt mỏi hơn?

    Mệt mỏi là cảm giác thường thấy ở người bị ung thư khi phải trải qua quá trình hóa trị và xạ trị. Tuy nhiên, thực tế, tình trạng mệt mỏi không đồng nghĩa với việc bạn phải nằm mãi trên giường và nghỉ ngơi bởi điều này không hề giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn. Không những vậy, việc nằm quá nhiều còn khiến các cơ dần bị cứng lại và mất dần chức năng.  

    Theo nhiều nghiên cứu, việc dành một ít thời gian để tập thể dục mỗi ngày sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hoạt động này không chỉ giúp tăng năng lượng cho cơ thể, “xua tan” mệt mỏi mà còn giúp nâng cao tinh thần cho người bệnh. Để giảm cảm giác mệt mỏi khi tập, bạn có thể làm theo một số bí quyết sau:

    • Xây dựng thói quen tập thể dục hàng ngày với cường độ từ nhẹ đến trung bình
    • Duy trì một chế độ ăn giàu dinh dưỡng, ăn nhiều rau quả, trái cây, thịt, sữa, trứng và các loại đậu như đậu Hà Lan
    • Uống khoảng 8 đến 10 ly nước mỗi ngày để ngăn ngừa mất nước
    • Chuẩn bị sẵn các vật dụng bạn sử dụng thường xuyên khi tập để tránh mất thời gian tìm kiếm
    • Lựa chọn những bộ môn thể thao mà bạn yêu thích như đi bộ, bơi, bóng bàn…
    • Cân bằng giữa việc tập thể dục với việc nghỉ ngơi, tránh để việc tập luyện làm ảnh hưởng đến giấc ngủ
    • Nhờ người thân giúp đỡ nếu cần.

    Bí quyết tập thể dục dành cho bệnh nhân ung thư gan

    Bắt đầu và duy trì thói quen tập thể dục là một thách thức rất lớn không những đối với bệnh nhân ung thư mà còn đối với những người khỏe mạnh. Chính vì vậy, để quen dần với điều này, bạn nên bắt đầu từ từ và chọn những bài tập phù hợp với tình trạng cơ thể:

    • Chú ý đến nhịp tim, nhịp thở và cường độ của các bài tập
    • Nếu khi tập bạn cảm thấy mệt, hãy nghỉ ngơi vài phút rồi mới tiến hành tập lại
    • Lúc mới bắt đầu tập, mỗi lần, bạn chỉ nên tập khoảng 10 phút, sau vài tuần, bạn có thể tăng thêm thời gian
    • Lựa chọn những bài tập đơn giản, khỏe khoắn, tránh những bài tập quá nặng và căng thẳng 
    • Đặt mục tiêu ngắn hạn và dài hạn
    • Tập nhiều bộ môn khác nhau như yoga, khiêu vũ, thái cực quyền… để tránh sự nhàm chán
    • Rủ người thân, bạn bè đi tập chung với bạn để cảm thấy vui hơn và có thêm động lực luyện tập
    • Nếu bạn đạt được mục tiêu mà mình đặt ra, hãy tự thưởng cho bản thân một cái gì đó
    • Tập thể dục trong thời gian ngắn với thời gian nghỉ ngơi thường xuyên. Ví dụ, đi bộ nhanh trong vài phút, đi chậm lại và đi bộ nhanh trở lại, cho đến khi bạn tập đủ
    • Tập các bài tập khởi động trong khoảng 2 đến 3 phút trước khi tập chính
    • Hãy lắng nghe cơ thể mình để biết khi nào cần nghỉ ngơi.

    Một số hoạt động thể chất hàng ngày tốt cho sức khỏe của bệnh nhân ung thư gan

    Ngoài việc duy trì một chế độ tập nhất định, bạn có thể thực hiện thêm một số hoạt động sau:

    • Đi bộ xung quanh khu phố sau khi ăn xong
    • Đi xe đạp
    • Chăm sóc cây cối (hoa, rau, cây cảnh…)
    • Dọn phòng tắm, lau nhà, bàn ghế…
    • Rửa xe
    • Chơi các trò chơi đơn giản với trẻ nhỏ như đá banh, chơi bóng rổ…
    • Dắt chó đi dạo
    • Khiêu vũ với bạn bè
    • Gửi xe ở nơi xa và đi bộ đến nơi làm việc hoặc xuống xe buýt trước một vài trạm và đi bộ đến nơi làm việc
    • Sử dụng thang bộ vì thang máy hoặc thang cuốn…

    Tập thể dục thường xuyên là một trong những thói quen rất có lợi đối với việc điều trị và phục hồi của người bệnh ung thư gan. Không những vậy, thói quen này còn có thể ảnh hưởng tích cực đến chức năng gan và giúp bạn cảm thấy yêu đời hơn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 15/04/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo