backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Nguyên nhân gây mụn cám và cách trị mụn hiệu quả

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thảo My · Ngày cập nhật: 25/12/2019

    Nguyên nhân gây mụn cám và cách trị mụn hiệu quả

    Mụn cám là nỗi ám ảnh của rất nhiều người vì sự lì lợm của chúng. Cho dù bạn đã cố áp dụng nhiều phương pháp khác nhau nhưng rất khó để có thể chữa trị dứt điểm. Biết rõ nguyên nhân gây ra mụn cám sẽ giúp bạn dễ dàng đánh bay những tên mụn đáng ghét này.

    Mụn cám xuất hiện do đâu?

    Dưới đây là một số nguyên nhân làm cho mụn cám có cơ hội hoành hành trên da mặt của bạn:

    1. Da chết

    Da của chúng ta liên tục tạo ra các tế bào da mới và loại bỏ những tế bào đã chết. Theo cơ chế hoạt động đó, nếu bạn vệ sinh da mặt không kỹ càng thì lỗ chân lông sẽ bị tắc do các tế bào da chết và dầu thừa tích tụ trên bề mặt, từ đó mụn cám sẽ xuất hiện. Theo thời gian, khả năng loại bỏ da chết trên bề mặt sẽ càng chậm lại và chúng càng tích tụ nhiều hơn nữa nếu bạn không tẩy tế bào chết thường xuyên.

    2. Dầu thừa

    Như chúng tôi đã đề cập ở trên, dầu thừa có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Làn da chúng ta có các tuyến bã nhờn, chúng làm việc để tạo ra các loại chất béo tự nhiên với mục đích giữ cho làn da được mềm mại, khỏe mạnh và tươi trẻ. Trong một môi trường hoàn hảo, bã nhờn chỉ đơn giản giúp cho làn da chúng ta được mềm và ngậm nước.

    Tuy nhiên, với môi trường ô nhiễm và khí hậu nóng ẩm của Việt Nam, các tuyến bã nhờn sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn, gây ra nhiều dầu thừa trên da hơn. Chính vì nguyên nhân đó, các tế bào chết thay vì bị loại bỏ thì chúng lại kết dính với nhau và làm bít tắc lỗ chân lông, gây ra mụn cám.

    3. Rửa mặt hoặc tẩy tế bào chết quá nhiều

    nguyên nhân gây mụn cám

    Rất nhiều bạn sẽ thấy thắc mắc khi đọc đến đây, nhưng điều này thực sự logic với cách làn da chúng ta hoạt động. Rửa mặt và tẩy tế bào chết đóng một vai trò quan trọng trong thói quen chăm sóc da của bạn, nhưng bạn biết đấy, điều gì nhiều quá cũng sẽ gây phản tác dụng.

    Khi rửa mặt hoặc tẩy tế bào chết quá nhiều, lớp dầu tự nhiên trên da có thể sẽ mất đi. Và để bù cho lớp ẩm đã mất, tuyến bã nhờn sẽ tiếp tục tiết nhiều dầu hơn khiến lỗ chân lông bị bít tắt bởi bã nhờn và mụn cám lại xuất hiện.

    Thêm một lý do để bạn không lạm dụng việc làm sạch da: Theo AAD (American Academy of Dermatology – Học viện Da liễu Hoa Kỳ), chà xát da quá nhiều hay quá mạnh có thể làm da bị tổn thương và lớp hàng rào bảo vệ da cũng vô tình bị phá bỏ, gây viêm da, kích ứng…

    4. Sử dụng sai sản phẩm làm đẹp

    Một số sản phẩm làm đẹp yêu thích của bạn có thể là nguyên nhân gây nên mụn cám. Vậy làm thế nào để giải quyết vấn đề này? Hãy sử dụng những sản phẩm không chứa các thành phần có khả năng gây bít tắc lỗ chân lông – hay được ghi trên bao bì là “non-comedogenic formulas”.

    Ngoài ra, AAD khuyến khích các bạn nên sử dụng những sản phẩm makeup và dưỡng da không có dầu – oil free.

    Làm thế nào để trị mụn cám?

    Tiêu diệt hoàn toàn mụn cám là điều bất khả thi. Tuy nhiên, bằng các bí kíp dưới đây, bạn có thể dễ dàng giảm thiểu được khả năng mụn cám xuất hiện.

    Mẹo 1: Sử dụng sữa rửa mặt có chức năng làm sạch lỗ chân lông

    Rửa mặt 2 lần mỗi ngày sẽ giúp lỗ chân lông được thông thoáng và giảm lượng dầu thừa trên da. Nhớ nhé, chỉ 2 lần mỗi ngày, không hơn! Sử dụng các sản phẩm làm sạch dịu nhẹ, ít tạo bọt, độ pH thấp, có khả năng loại bỏ tế bào chết, dầu thừa và bụi bẩn nhưng không làm da bạn bị khô và căng tức.

    Bạn có thể sử dụng kèm theo các loại máy rửa mặt, mút rửa mặt… có chất lượng tốt để tăng khả năng làm sạch lỗ chân lông, giảm mụn cám.

    Mẹo 2: Sử dụng mặt nạ đất sét

    mặt nạ đất sét trị mụn cám

    Bên cạnh những loại mặt nạ giấy hay mặt nạ ngủ giúp dưỡng ẩm, trẻ hóa làn da, mặt nạ đất sét cũng là một trợ thủ đắc lực trong việc giữ gìn sắc đẹp. Có nhiều loại đất sét để làm mặt nạ nhưng nhìn chung chúng chủ yếu có tác dụng loại bỏ độc tố, bụi bẩn và dầu thừa trên bề mặt da, từ đó làm da khỏe mạnh hơn, lỗ chân lông được thu nhỏ, mụn cám cũng bị loại bỏ.

    Mẹo 3: Tẩy tế bào chết

    Tẩy tế bào chết cũng là một phương pháp hiệu quả để trị mụn cám. Lỗ chân lông được làm sạch sẽ ngăn việc tích tụ bụi bẩn và bã nhờn.

    Đối với tẩy tế bào chết vật lý/cơ học, bạn nên sử dụng các sản phẩm dạng gel (peeling gel) hoặc dạng hạt (scrub) có kết cấu nhỏ mịn, chiết xuất từ thiên nhiên. Tránh sử dụng các sản phẩm có chứa các hạt vi nhựa để bảo vệ môi trường bạn nhé! Tần suất tẩy tế bào chết cơ học là 2-3 lần mỗi tuần.

    Với tẩy tế bào chết hóa học, đây được xem như một sản phẩm đặc trị. Tẩy da chết hóa học lưu trên da và không rửa đi để có thể liên tục đào thải các tế bào chết khỏi da. Các bạn chỉ nên sử dụng 1-2 lần/tuần để tránh bị kích ứng.

    Mẹo 4: Xem lại bảng thành phần sản phẩm dưỡng da và makeup

    Xem lại bảng thành phần sản phẩm dưỡng da và makeup

    Những sản phẩm chứa quá nhiều dầu hay chất dưỡng ẩm có thể gây ra mụn cám. Thay vào đó, hãy sử dụng những sản phẩm không chứa các thành phần có khả năng gây bít tắc lỗ chân lông (non-comedogenic formulas), không chứa parabens, chất tạo mùi, màu tổng hợp và dầu khoáng. Những thành phần “xấu xí’ này sẽ gây ra rất nhiều vấn đề cho da.

    Mẹo 5: Vệ sinh dụng cụ làm đẹp thường xuyên

    Cọ makeup và mút tán kem nền (makeup sponge) có thể chứa nhiều bụi bẩn, dầu thừa hay các sản phẩm makeup tồn đọng lâu ngày. Nếu bạn không vệ sinh thường xuyên, chúng sẽ dần tích tụ và gây tắc lỗ chân lông, sinh ra mụn cám. Hiện nay có rất nhiều loại dung dịch để vệ sinh dụng cụ làm đẹp trên thị trường với giá phải chăng, hoặc bạn có thể sử dụng nước tẩy trang, sữa tắm baby để thay thế.

    Với những bí kíp trên, Hello Bacsi hy vọng bạn có thể sớm sở hữu làn da đẹp mịn màng và không còn dấu vết của mụn cám.

    Thảo My / HELLO BACSI 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Thảo My · Ngày cập nhật: 25/12/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo