backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

8 triệu chứng nhồi máu cơ tim ở phụ nữ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 09/11/2021

    8 triệu chứng nhồi máu cơ tim ở phụ nữ

    Nhồi máu cơ tim xảy ra do dòng máu chứa oxy dẫn đến tim bị gián đoạn. Bệnh thường gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, nhất là khi người bệnh là phụ nữ. Biết được các triệu chứng nhồi máu cơ tim ở phụ nữ sẽ giúp bạn có cách ứng phó kịp thời để giảm thiểu nguy cơ tử vong.

    Phụ nứ ít có khả năng sống sót sau cơn nhồi máu cơ tim đầu tiên hơn nam giới. Nguyên nhân là do họ có nhiều khả năng bị nhồi máu cơ tim “thầm lặng” (nhồi máu cơ tim với những triệu chứng không rõ ràng) dẫn tới điều trị muộn.

    Triệu chứng nhồi máu cơ tim ở phụ nữ

    Phụ nữ thường sẽ trải qua các triệu chứng trong vài tuần trước khi lên cơn nhồi máu cơ tim. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2003, thực hiện trên 515 phụ nữ bị nhồi máu cơ tim, cho biết có 80% phụ nữ có các triệu chứng trong vòng 4 tuần trước khi lên cơn nhồi máu cơ tim. Những triệu chứng đó là:

    Đau ngực

    Triệu chứng phổ biến nhất của nhồi máu cơ tim là đau ngực. Cơn đau được mô tả như sau:

    • Căng ở lồng ngực
    • Cảm giác bị đè nén
    • Ngứa ran
    • Đau rát

    Tuy nhiên, phụ nữ lại thường trải qua cơn nhồi máu cơ tim mà không có bất kỳ khó chịu nào ở ngực, nếu có thì thường rất nhẹ và không rõ ràng.

    Mệt mỏi bất thường

    Mệt mỏi bất thường là triệu chứng thường thấy ở phụ nữ trong những tuần đầu bị nhồi máu cơ tim. Mệt mỏi cũng thỉnh thoảng xảy ra ngay trước khi cơn nhồi máu cơ tim bắt đầu. Người bệnh sẽ thấy mệt mỏi ngay cả những lúc ít vận động hoặc đang nghỉ ngơi.

    Suy kiệt

    triệu chứng nhồi máu cơ tim 02

    Cảm thấy suy kiệt hoặc run rẩy là triệu chứng cấp tính phổ biến của cơn nhồi máu cơ tim ở phụ nữ. Chúng thường đi kèm với:

  • Lo lắng
  • Chóng mặt
  • Ngất xỉu
  • Cảm giác lâng lâng
  • Khó thở

    Khó thở hay thở nặng nề, nếu đi kèm với mệt mỏi hoặc đau ngực, là những cảnh báo đáng lo ngại về tim.

    Phụ nữ thường cảm thấy khó thở khi nằm và triệu chứng sẽ giảm bớt khi họ ngồi thẳng.

    Đổ nhiều mồ hôi

    Đổ mồ hôi quá nhiều là một triệu chứng đau tim phổ biến khác ở phụ nữ. Nếu bạn đột nhiên thấy mình ướt đẫm mồ hôi lạnh mà không có lý do rõ ràng, đây có thể là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim.

    Đau nhức cơ thể

    Đau nhức khi bị nhồi máu cơ tim thường không nằm cụ thể ở một vị trí. Các khu vực ảnh hưởng thường thấy nhất là:

    • Cổ
    • Hàm
    • Lưng trên
    • Một trong hai cánh tay

    Cơn đau có thể bắt đầu ở một vị trí, sau đó dần dần lan sang những khu vực khác khiến phụ nữ mệt mỏi, khó chịu.

    Rối loạn giấc ngủ

    Có đến gần một nửa phụ nữ hay gặp vấn đề về giấc ngủ trong vài tuần trước khi họ lên cơn nhồi máu cơ tim.

    Các rối loạn giấc ngủ cụ thể là:

    • Khó ngủ
    • Thức dậy bất thường giữa đêm
    • Cảm thấy mệt mỏi dù ngủ đủ giấc

    Thiếu ngủ mạn tính sẽ làm tăng huyết áp và giảm độ nhạy cảm của cơ thể với insulin. Cả hai đều gây hại cho tim và dẫn đến nhồi máu cơ tim.

    Gặp vấn đề về dạ dày

    trieu chứng nhồi máu cơ tim 03

    Một số phụ nữ cảm thấy đau hoặc áp lực trong dạ dày trước khi xảy ra cơn nhồi máu cơ tim.

    Các vấn đề về tiêu hóa khác hay gặp khi bị nhồi máu cơ tim:

    • Khó tiêu
    • Buồn nôn
    • Nôn

    Nhồi máu cơ tim sau mãn kinh

    Nguy cơ nhồi máu cơ tim ở phụ nữ tăng lên sau khi họ mãn kinh do nồng độ estrogen giảm. Estrogen là hormone điều chỉnh sản xuất cholesterol trong gan, giúp bảo vệ tim và động mạch.

    Các triệu chứng nhồi máu cơ tim sau mãn kinh bao gồm:

  • Đau hoặc khó chịu ở cánh tay, lưng, cổ, hàm hoặc dạ dày
  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều
  • Đau ngực
  • Đổ mồ hôi
  • Các yếu tố nguy cơ nhồi máu cơ tim hay gặp ở phụ nữ

    Tuổi: Những người từ 55 tuổi trở lên có nguy cơ bị đau tim cao hơn. Nguyên nhân là do họ đang trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh.

    Tiền sử gia đình: Những người có người thân là nam bị nhồi máu cơ tim ở tuổi 55, hoặc nữ ở tuổi 65, thì sẽ gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.

    Tình trạng sức khỏe: Các yếu tố như huyết áp cao và cholesterol cao cũng gây ra nhồi máu cơ tim ở cả nam và nữ.

    Mắc các bệnh khác: Những người mắc bệnh các bệnh như tiểu đường, béo phì và rối loạn tự miễn có nhiều khả năng bị nhồi máu cơ tim hơn. Riêng ở phụ nữ, bệnh lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang hoặc tiền sử tiền sản giật khi mang thai cũng làm tăng nguy cơ.

    Lối sống: Sử dụng thuốc lá hoặc thuốc kích thích, ví dụ như cocaine hoặc amphetamine, lối sống ít vận động hoặc stress làm tăng rủi ro nhồi máu cơ tim.

    Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

    Các chuyên gia y khoa khuyến nghị tất cả phụ nữ trên 40 tuổi nên kiểm tra nguy cơ nhồi máu cơ tim thường xuyên. Điều này sẽ giúp xác định sớm các yếu tố rủi ro, từ đó can thiệp kịp thời và làm giảm khả năng xảy ra biến cố.

    Bác sĩ sẽ lưu ý các triệu chứng, kiểm tra huyết áp, nhịp tim, yêu cầu xét nghiệm máu hoặc sử dụng điện tâm đồ (EKG) để xem hoạt động điện của trái tim người bệnh.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 09/11/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo