backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Tại sao mức đường huyết cao vào sáng sớm?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngoc Luyen · Ngày cập nhật: 11/01/2022

    Tại sao mức đường huyết cao vào sáng sớm?

    Mức đường huyết tăng cao vào mỗi sáng có thể do đồ ăn của bữa tối hoặc việc sử dụng thuốc điều trị tiểu đường chưa phù hợp. Tuy nhiên, hai lý do được quan tâm nhiều hơn là “hiện tượng bình minh” hay “hiệu ứng bình minh”, thường xảy ra từ 2 đến 8 giờ sáng hoặc do hiệu ứng Somogyi. 

    Bạn không biết nguyên nhân nào làm mức đường huyết cao đến vậy? Đừng bỏ qua những chia sẻ dưới đây. Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ lý giải hiện tượng bình minh và hiệu ứng Somogyi diễn ra như thế nào cùng với cách để phòng tránh nhé.

    1. Hiện tượng bình minh hoạt động như thế nào?

    Vào buổi sáng, cơ thể bắt đầu tạo ra glucose dự trữ để chuẩn bị cho ngày mới, đồng thời tiết ra một số hormone làm giảm độ nhạy cảm với insulin, khiến cho mức đường huyết tăng cao, dù bạn có bị bệnh đái tháo đường hay không. Nếu bạn không mắc bệnh đái tháo đường, cơ thể sẽ tiết ra nhiều insulin hơn để cân bằng mức đường huyết. Thực tế là bạn không nhận thấy những điều này đang xảy ra trong cơ thể.

    Với những người mắc bệnh đái tháo đường thì lại khác. Do cơ thể không phản ứng với insulin giống như những người bình thường nên mức đường huyết sẽ tăng cao, ngay cả khi đang tuân thủ một chế độ ăn uống nghiêm ngặt.

    Hiện tượng lượng đường tăng cao là cách để cơ thể bạn đảm bảo đủ năng lượng thức dậy và bắt đầu một ngày mới. Nếu bị đái tháo đường, cơ thể bạn sẽ không đủ insulin chống lại tác dụng của các hormone này, dẫn đến chỉ số đường huyết lúc sáng sớm cao.

    Những ảnh hưởng của hiện tượng bình minh có thể khác nhau giữa người này với người khác, thậm chí thay đổi từ ngày này qua ngày khác.

    Hiện tượng bình minh cũng có thể xảy ra nếu liều thuốc điều trị tiểu đường của hôm trước đã hết tác dụng, không đủ giúp bạn điều hòa đường huyết.

    2. Hiệu ứng Somogyi xảy ra như thế nào?

    Hiệu ứng này còn được gọi là tăng đường huyết hồi phục. Nếu đường huyết bị giảm thấp vào ban đêm khi bạn đang ngủ, cơ thể sẽ giải phóng các hormone tự nhiên để giải cứu bạn khỏi tình trạng hạ đường huyết. Chúng sẽ thúc đẩy gan giải phóng lượng glucose dự trữ tại đây với lượng nhiều hơn bình thường.

    Tuy nhiên, bệnh nhân tiểu đường lại không có được hệ thống hoàn hảo như người bình thường, mà gan của họ giải phóng ra nhiều glucose hơn mức cần thiết. Hậu quả là mức đường huyết cao vào buổi sáng.

    Ngoài ra, mức đường huyết cao vào buổi sáng còn có thể xuất phát từ một số nguyên nhân, chẳng hạn như:

    • Bạn không có đủ insulin vào đêm hôm trước.
    • Uống thuốc quá nhiều hoặc quá ít.
    • Ăn bữa ăn nhẹ không đúng cách trước khi đi ngủ.

    3. Bạn có thể làm gì khi mức đường huyết tăng cao?

    ruou-bia-va-benh-tieu-duong-anh-huong-the-nao-den-duong-huyet-2

    Nếu mức đường huyết cao vào buổi sáng kéo dài hoặc quá mức, gây ảnh hưởng đến bạn, hãy thử áp dụng các biện pháp sau:

    Với hiện tượng bình minh:

  • Ăn sáng nhẹ nhàng hơn.
  • Trao đổi với bác sĩ điều trị về các loại thuốc bạn đang dùng để bác sĩ tăng liều, thay đổi thời gian dùng hoặc loại thuốc tiểu đường của bạn.
  • Nếu đang dùng insulin, hãy hỏi bác sĩ để chuyển sang máy bơm insulin tự động, lập trình để nó tự giải phóng insulin bổ sung vào buổi sáng.
  • Với hiệu ứng Somogyi:

    • Tập thể dục buổi tối sớm hơn.
    • Hãy ăn sáng đúng giờ. Đó chính là khoảng thời gian tốt nhất để cơ thể bạn kiềm chế các hormone chống insulin và giúp mức đường huyết trở lại bình thường.
    • Ăn bữa ăn nhẹ với một số chất bột đường và chất đạm trước khi đi ngủ.
    • Trao đổi với bác sĩ để được giảm liều thuốc điều trị tiểu đường.
    • Nếu đang dùng insulin, hãy hỏi bác sĩ để chuyển sang máy bơm insulin tự động, lập trình để nó giải phóng ít insulin qua đêm hơn.

    Bạn cũng nên tránh tất cả đồ uống ngọt có đường, như soda, trái cây dầm, nước trái cây và trà ngọt. Chỉ cần một khẩu phần ăn như vậy cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu của bạn và khiến bạn dư thừa hàng trăm calo.

    Nếu bạn bị đái tháo đường, rất có thể lượng đường trong máu của bạn sẽ cao hơn vào buổi sáng và đây là điều không quá đáng ngại. Tuy nhiên, nếu nó xảy ra trong nhiều buổi sáng liên tiếp, hãy kiểm tra một lần vào ban đêm, khoảng 2 hoặc 3 giờ sáng, thực hiện đều đặn như vậy trong vài ngày. Sau đó, đưa những con số ấy cho bác sĩ điều trị. Bác sĩ có thể nhận biết được bạn có bị hiện tượng bình minh hay hiệu ứng Somogyi hay không. Sau khi xác định nguyên nhân gây nên hiện tượng mức đường huyết cao vào buổi sáng sẽ có cách xử trí phù hợp.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngoc Luyen · Ngày cập nhật: 11/01/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo