backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Căng thẳng và bệnh tiểu đường: Mối liên hệ bất ngờ

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 10/02/2022

    Căng thẳng và bệnh tiểu đường: Mối liên hệ bất ngờ

    Bạn có biết căng thẳng và bệnh tiểu đường cũng có mối liên hệ với nhau không? Tình trạng căng thẳng cho dù là tinh thần hay thể chất đều có thể tác động đến lượng đường trong máu, nhất là khi bạn đang mắc bệnh tiểu đường.

    Căng thẳng vừa có thể tác động vừa là hậu quả của bệnh tiểu đường. Nhiều nghiên cứu cho thấy sự liên kết giữa tình trạng căng thẳng cao kéo dài với nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2. Đồng thời, khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường và phải lên kế hoạch kiểm soát đường huyết hàng ngày cũng khiến người bệnh căng thẳng hơn.

    Mối liên hệ giữa căng thẳng và bệnh tiểu đường

    Kiểm soát và quản lý bệnh tiểu đường là một quá trình lâu dài, kéo dài đến hết đời. Việc này có thể tạo thêm áp lực, căng thẳng (stress) cho cuộc sống hàng ngày của bạn. Tuy nhiên, tình trạng căng thẳng cũng là rào cản lớn trong việc kiểm soát đường huyết hiệu quả.

    Hormone được cơ thể tiết ra khi căng thẳng có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến nồng độ glucose trong máu. Nếu bạn cảm thấy căng thẳng hoặc bị đe dọa, cơ thể sẽ có phản ứng. Phản ứng này làm tăng nồng độ các hormone và khiến các tế bào thần kinh hoạt động mạnh.

    Cơ thể bạn sẽ giải phóng adrenalin và cortisol vào máu, làm cho nhịp thở tăng nhanh hơn. Máu được tập trung dồn về các cơ và từ chi, chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với tình huống sắp xảy ra. Lúc này, cơ thể không có khả năng chuyển đổi glucose (do các tế bào thần kinh hoạt động mạnh sản sinh ra) trong máu thành năng lượng nếu bạn bị bệnh tiểu đường. Do đó, mức đường huyết sẽ tăng lên đáng kể.

    Căng thẳng liên tục do các vấn đề liên quan đến đường huyết kéo dài cũng làm cho tinh thần lẫn thể chất suy sụp. Kết quả là việc quản lý bệnh tiểu đường gặp nhiều khó khăn.

    Tình trạng căng thẳng ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường và cơ thể như thế nào?

    căng thẳng và bệnh tiểu đường 1

    Tác động của căng thẳng và bệnh tiểu đường có thể khác nhau đối với mỗi người. Cụ thể, những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 khi trải qua căng thẳng tinh thần, mức đường huyết thường gia tăng cao hơn. Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường tuýp 1 lại có phản ứng với căng thẳng đa dạng hơn. Tức là, mức đường huyết của họ có thể tăng cao hoặc giảm thấp.

    Khi cơ thể gặp vấn đề gây ra những căng thẳng về thể chất, chẳng hạn như bị ốm hoặc chấn thương, lượng đường trong máu có thể tăng lên. Điều này xảy ra ở cả người bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2.

    Ngoài ra, căng thẳng kéo dài cũng tạo nên tác động tiêu cực lên tất cả các hệ thống khác trong cơ thể, tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.

    Làm thế nào để biết tình trạng căng thẳng và bệnh tiểu đường đang tác động lẫn nhau?

    Đầu tiên, bạn cần xác định khoảng thời gian mà bạn cảm thấy căng thẳng về mặt tinh thần. Hãy ghi chép lại các cảm xúc và những việc bạn làm theo từng khoảng thời gian trong ngày.

    Ví dụ, bạn thường có nhiều áp lực vào sáng thứ hai, hãy đánh giá mức độ căng thẳng theo thang điểm từ 1 đến 10. Mức 10 đại diện cho tình trạng căng thẳng cao nhất. Viết con số này lại.

    Tiếp theo, bạn hãy đo đường huyết và ghi nhận lại nồng độ đường trong máu tại thời điểm cảm thấy căng thẳng. Lặp lại việc này nhiều lần sau đó. Nếu nhận thấy nồng độ đường huyết thường xuyên cao hơn bình thường vào những lúc bạn cảm thấy căng thẳng, chứng tỏ tình trạng này đang có ảnh hưởng tiêu cực đến bệnh tiểu đường.

    Các triệu chứng thường gặp khi căng thẳng ở người tiểu đường

    Đôi khi các dấu hiệu báo hiệu căng thẳng rất khó để nhận ra nhưng chúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, cảm xúc và cả sức khỏe thể chất. Nhận biết được các triệu chứng sẽ giúp bạn có cách quản lý căng thẳng tốt hơn.

    căng thẳng và bệnh tiểu đường 2

    Khi bị căng thẳng, bạn có thể có các dấu hiệu và triệu chứng như:

    • Đau đầu
    • Đau cơ hoặc căng cơ
    • Ngủ quá nhiều hoặc mất ngủ
    • Có cảm giác như đang bị bệnh
    • Mệt mỏi

    Bên cạnh đó, bạn còn dễ cảm thấy:

    • Mất động lực
    • Hay cáu gắt
    • Suy sụp, buồn phiền
    • Bồn chồn
    • Lo lắng

    Tình trạng căng thẳng có khi gây tác động đến hành vi khác với tính cách thường ngày của bạn, như:

    • Không tham gia các hoạt động cùng bạn bè, gia đình
    • Ăn nhiều hơn bình thường hoặc chán ăn
    • Hành động khi tức giận
    • Uống nhiều rượu, bia
    • Hút thuốc

    Cách đối phó với căng thẳng và bệnh tiểu đường

    Khi đã biết mối liên hệ giữa căng thẳng và bệnh tiểu đường, điều quan trọng là tìm cách gỡ rối để cuộc sống và việc điều trị dễ dàng hơn. Phần lớn mọi người đều gặp phải những triệu chứng này vào những thời điểm khác nhau trong cuộc đời. Thật may là có rất nhiều cách để giảm thiểu căng thẳng mà bạn có thể thử. Đa số những phương pháp để phá tan căng thẳng là thường bắt đầu bằng việc khuyên bạn sống thoải mái về tinh thần.

    Hãy chia sẻ những khó khăn trong công việc và cuộc sống với mọi người xung quanh để nhận được sự giúp đỡ cần thiết, ít nhất là về mặt tinh thần. Bên cạnh đó, bạn nên tham gia thiền, yoga, dành thời gian hẹn hò với bạn bè hoặc thực hiện các hoạt động yêu thích. Việc chủ động thư giãn sẽ giúp bạn giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống.

    Cuối cùng, bạn phải tuân theo chế độ ăn kiêng cho người tiểu đường, sử dụng thuốc đều đặn đúng chỉ định và tái khám đúng hẹn để luôn giữ đường huyết trong ngưỡng an toàn. Điều trị dài ngày có thể gây chán nản nhưng khi đã biến chúng thành một phần của cuộc sống, bạn sẽ không còn thấy khó khăn nữa.

    Hi vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ về căng thẳng và bệnh tiểu đường, hỗ trợ bạn tốt hơn trong hành trình chung sống với bệnh.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    TS. Dược khoa Trương Anh Thư

    Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 10/02/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo