backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường: Nên ăn gì và kiêng gì?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 11/10/2023

    Dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường: Nên ăn gì và kiêng gì?

    Tìm hiểu chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường sẽ giúp bạn hiểu rõ người bệnh tiểu đường nên ăn gì và không nên ăn gì. Nhờ đó, lượng đường trong máu được kiểm soát tốt hơn, giảm nguy cơ biến chứng.

    Việc tuân theo chế độ ăn cho người tiểu đường tuýp 2 không có nghĩa là bạn phải kiêng khem tất cả mọi thứ. Bí quyết chính là việc kết hợp đúng loại thực phẩm giữ mức đường huyết ổn định, hạn chế nguy cơ dẫn đến biến chứng tiểu đường. Để rõ hơn mời bạn tham khảo bài viết sau.

    Dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường tuýp 2: Nên ăn gì và kiêng gì? 

    Trong chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường tuýp 2 nên có: 50% là rau củ không tinh bột, 25% là thực phẩm giàu tinh bột như ngũ cốc nguyên hạt, đậu; 25% là đạm nạc và chất béo lành mạnh (từ cá, các loại hạt,..).

    Chế độ ăn của người tiểu đường nên hạn chế tối đa lượng đường và tinh bột chuyển hóa nhanh, bao gồm soda, kẹo cứng; chất béo xấu từ động vật, các loại thực phẩm đóng gói hoặc chế biến sẵn như bánh bắp, khoai tây chiên… Ngoài ra, chất làm ngọt nhân tạo trong các loại thức ăn này vẫn có khả năng làm thay đổi mức đường huyết của bạn.

    1. Chế độ ăn cho người bị tiểu đường nên tăng cường thực phẩm nhiều protein

    Dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường nên tăng cường các loại thực phẩm giàu protein. Thực phẩm giàu đạm sẽ cung cấp nguồn năng lượng tốt và hỗ trợ giảm cân hiệu quả.

    NÊN ĂN KHÔNG NÊN ĂN
    • Cá béo (như cá hồi, cá trích…)
    • Cá ngừ ngâm đóng hộp
    • Gà tây, gà ta không da
    • Các loại đậu và cây họ đậu
    • Sữa chua tách béo không đường
    • Hạt tươi không muối như hạnh nhân, óc chó (ăn theo chế độ)
    • Trứng
    • Đậu phụ
    • Các món thịt ăn nhẹ như thịt nguội, xúc xích Ý, giăm bông, bò nướng và gà tây
    • Hotdog
    • Xúc xích và lạp xưởng
    • Thịt bò khô
    • Thịt heo xông khói
    • Các loại hạt tẩm gia vị như nướng mật ong hoặc ướp cay
    • Thức uống tăng cơ ngọt

    2. Dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường tuýp 2 nên dùng loại ngũ cốc nào? 

    dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường

    Tiểu đường tuýp 2 nên ăn gì? Thực tế, chế độ ăn cho người tiểu đường không cần kiêng hoàn toàn đường, tinh bột. Bạn vẫn có thể chọn ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt giàu vitamin, chất xơ. Chất xơ có lợi cho tiêu hóa, làm đường huyết tăng chậm hơn. Chất xơ còn tạo cảm giác no, giảm thèm ăn.

    Nếu bạn muốn đường huyết luôn ở mức ổn định, hãy nhớ tính khẩu phần để chỉ ăn một lượng ngũ cốc thích hợp vì chúng cũng chứa chất bột đường.

    NÊN ĂN (ăn theo khẩu phần) KHÔNG NÊN ĂN
    • Gạo hữu cơ, gạo lứt
    • Hạt diêm mạch
    • Bánh mì ngũ cốc nguyên hạt
    • Mỳ, nuôi từ ngũ cốc nguyên hạt
    • Ngũ cốc nguyên hạt ăn liền như yến mạch
    • Bánh mì
    • Bánh ngọt
    • Ngũ cốc ăn sáng có đường
    • Gạo
    • Các loại mỳ, nui

    3. Chế độ ăn người tiểu đường có nên sử dụng các sản phẩm từ sữa không?

    Khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường, bạn vẫn có thể lựa chọn các sữa và sản phẩm từ sữa tách béo để giảm bớt lượng calo cũng như chất béo bão hòa tiêu thụ.

    NÊN ĂN KHÔNG NÊN ĂN
    • Sữa tách béo
    • Sữa chua tách béo không đường
    • Phô mai tách béo dạng đặc ít muối
    • Phô mai tách béo 1 phần (theo chế độ)
    • Sữa chua uống lên men tách béo, không đường
    • Sữa nguyên béo hoặc tách béo 2%, kể cả sô cô la trắng và các loại bánh kẹo từ sữa
    • Phô mai nguyên béo
    • Sữa chua uống nguyên béo có đường
    • Sữa chua nguyên béo

    Dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường

    4. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường nên bao gồm những loại rau củ gì?

    Người bị tiểu đường tuýp 2 nên ăn gì thì chắc chắn không thể thiếu rau củ. Vì đây là nguồn cung cấp dinh dưỡng, nhất là chất xơ dồi dào. Đáng nói hơn nữa là rau, củ thường có ít hoặc không chứa tinh bột nên thích hợp với bệnh nhân tiểu đường. Nếu sử dụng rau củ đông lạnh hoặc đóng hộp, bạn nên chú ý đến lượng muối nạp vào để tránh bị tăng huyết áp. Khẩu phần ăn của bạn nên có 50% là rau không có tinh bột.

    NÊN ĂN ĂN CÓ CHỪNG MỰC
    • Rau lá xanh như: cải bó xôi, cải xoăn, các loại rau họ cải và bông cải xanh, bông cải trắng
    • Dưa leo (dưa chuột)
    • Măng tây
    • Củ sắn (Củ đậu)
    • Cải Brussel (bắp cải tí hon)
    • Hành, tiêu
    • Tâm hoa atisô
    • Bắp (ngô)
    • Khoai tây
    • Khoai lang
    • Khoai mỡ
    • Đậu Hà Lan
    • Củ cải đường

    5. Loại trái cây nào là thực phẩm cho người tiểu đường tuýp 2?

    Không phải trái cây nào cũng là thực phẩm tốt cho người tiểu đường tuýp 2. Có nhiều loại chứa lượng tinh bột, đường cao gây bất lợi cho sức khỏe của bệnh nhân tiểu đường.

    Tuy nhiên, nếu biết lựa chọn đúng loại, trái cây sẽ cung cấp các chất chống oxy hóa, vitamin, khoáng chất, chất xơ. Nó còn có thể dùng để thay cho các món ngọt không tốt cho sức khỏe như bánh mì ngọt, bánh kem, bánh quy.

    Cũng tương tự với ngũ cốc nguyên hạt, bạn nên kiểm tra và tính toán lượng tinh bột đường có trong trái cây để không tiêu thụ quá mức cần thiết.

    Trái cây sấy khô không phải là lựa chọn tốt vì sau khi tách nước, phần ăn còn lại quá ít sẽ không đủ no như trái cây tươi nguyên quả. Thậm chí, chỉ 28g nho khô có thể chứa 15g tinh bột đường – tương đương với 1 quả táo tươi. Trái cây đóng hộp cũng vậy. Chúng thường sẽ có thêm sirô đường đặc mà bệnh nhân tiểu đường cần tránh xa. Dùng nước ép cũng sẽ không còn đủ lượng chất xơ như trái cây tươi nguyên vỏ.

    Tuy nhiên, các loại sinh tố chỉ làm từ trái cây tươi và không thêm đường vẫn rất tốt cho người bệnh. Bạn cũng có thể trữ các loại trái cây đông lạnh không tẩm đường để thay thế cho những bữa ăn sáng nếu bạn không có thời gian. Hãy ăn kèm với các món chứa chất đạm như sữa chua hoặc một lượng nhỏ bơ lạt cũng sẽ giảm nguy cơ tăng đường huyết.

    NÊN ĂN KHÔNG NÊN ĂN
    • Các loại dâu: việt quất, dâu tây, mâm xôi
    • Táo, đào, mơ, lê để nguyên vỏ
    • Cherry, cam, kiwi, chuối, nho
    • Các loại dưa
    • Trái cây sấy
    • Trái cây đóng gói
    • Nước trái cây lọc
    • Trái cây tẩm đường

    Cụ thể bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Người tiểu đường không nên ăn hoa quả gì? Tìm hiểu ngay!

    6. Chất béo nên chọn khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường 

    dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường

    Thực đợn cho người tiểu đường tuýp 2 được cung cấp đủ chất béo tốt sẽ giúp bạn hạn chế những cơn thèm ăn, giảm cân và kiểm soát đường huyết tốt hơn.

    Có hai loại chất béo tốt là chất béo đơn không bão hòa, thường có trong bơ, hạnh nhân, quả hồ đào; chất béo đa không bão hòa, có nhiều trong quả óc chó và dầu hướng dương.

    Trong khi đó, chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa lại rất có hại cho tim mạch và sức khỏe nói chung. Nếu bạn kiểm tra bao bì các thực phẩm đóng gói và thấy có xuất hiện từ “hydrogenated” (hydro hóa/chưa bão hòa) nghĩa là chúng có chứa các chất béo xấu. Bạn hãy luôn kiểm tra kỹ thành phần nguyên liệu và tránh xa các loại thực phẩm này.

    Các thực phẩm chứa chất béo mà người tiểu nên ăn và kiêng ăn là:

    NÊN ĂN KHÔNG NÊN ĂN
    • Quả bơ, bơ hạt, ô liu
    • Các loại quả hạch như: hạnh nhân, hồ đào, óc chó, hồ trăn (hạt dẻ cười)
    • Đậu nành lông Nhật Bản, đậu phụ
    • Dầu thực vật như: dầu nành, dầu bắp, dầu ô liu và dầu hướng dương
    • Các loại hạt như: hạt chia, hạt lanh
    • Các loại cá như: cá ngừ, cá hồi
    • Thức ăn nhanh
    • Các loại thịt: bò, bê, cừu, heo
    • Sản phẩm từ sữa nguyên béo
    • Dầu dừa, dầu cọ
    • Bánh snack
    • Món ngọt: donut, bánh kem, bánh quy và muffin

    Áp dụng tốt chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường là yếu tố quan trọng để người bệnh kiểm soát đường huyết, tránh được những biến chứng tiểu đường nguy hiểm để có thể sống chung với căn bệnh mạn tính này.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 11/10/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo