backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Vì sao trẻ em hay bị lạm dụng?

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Đức Hải · Ngày cập nhật: 15/11/2019

    Vì sao trẻ em hay bị lạm dụng?

    Hẳn ai cũng biết trẻ em là đối tượng yếu ớt và dễ tổn thương do sự yếu ớt về lẫn thể chất và tinh thần. Do đó, trẻ em dễ dàng trở thành mục tiêu bị bạo hành và lạm dụng trong đời sống gia đình và xã hội.

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một phần tư số người lớn được khảo sát cho biết đã từng bị ngược đãi khi còn nhỏ. Lạm dụng trẻ em là sự ngược đãi và thờ ở với một đứa trẻ. Dấu hiệu lạm dụng trẻ em thường không dễ phát hiện, thậm chí có thể còn bị bỏ qua hoặc lờ đi. Hơn nữa, một đứa trẻ đang bị lạm dụng có thể không nói cho ai biết hoặc thậm chí chúng còn không hiểu những gì đang xảy ra.

    Do đó, nếu không có nhận thức và giám sát từ một người lớn, trẻ em sẽ không bao giờ nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào. Vì vậy, việc hiểu về lạm dụng trẻ em, dấu hiệu và cách để hỗ trợ cho con kịp thời là vô cùng quan trọng với các bậc phụ huynh.

    Các dạng phổ biến của lạm dụng trẻ em là gì?

    Lạm dụng trẻ em là không chỉ lạm dụng thể chất. Mặc dù dấu hiệu lạm dụng thể chất thể hiện rõ ràng hơn, có nhiều hình thức lạm dụng khác đôi khi có thể bị bỏ qua. Bạn hãy tự hỏi mình gần đây bạn có hay lờ đi nhu cầu của trẻ, không giám sát trẻ, có các tình huống nguy hiểm xảy ra cho trẻ, hoặc làm cho trẻ cảm thấy vô giá trị hoặc ngu ngốc cũng là lạm dụng trẻ em. Bất kể loại lạm dụng trẻ em nào, kết quả là vẫn như nhau. Lạm dụng trẻ em có thể gây ra một tác động tiêu cực đến sự phát triển tâm lý và xã hội của một đứa trẻ. Dưới đây là một số hình thức lạm dụng trẻ em có thể xảy ra:

    • Lạm dụng thể chất: Cơ thể trẻ bị thương hoặc chịu nguy cơ tổn thương.
    • Lạm dụng tình dục: Có thể xảy ra trong bất kỳ hoạt động tình dục nào với trẻ em.
    • Lạm dụng cảm xúc: Có thể bao gồm công kích bằng lời nói và cảm xúc, chẳng hạn như coi thường hay mắng mỏ, cô lập hoặc bỏ mặc.
    • Lạm dụng y tế: Nếu một đứa trẻ bị cố tình làm cho bị ốm, có thể được coi là lạm dụng y tế, vì nó khiến sức khỏe trẻ gặp nguy hiểm nghiêm trọng hoặc bị thương.
    • Bỏ mặc: Trẻ em không được cung cấp đầy đủ thức ăn, chỗ ở, tình yêu thương, giáo dục hay chăm sóc y tế.

    Những dấu hiệu nào đáng báo động của tình trạng lạm dụng trẻ em?

    Lạm dụng trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ gia đình hoặc lớp học nào. Để một đứa trẻ tiết lộ chúng đang bị lạm dụng là khó khăn, thường vì kẻ bạo hành là một người mà trẻ cần đến như cha mẹ hoặc giáo viên của trẻ. Có một số dấu hiệu cảnh báo có thể giúp bạn biết một đứa trẻ đang bị lạm dụng, bao gồm:

    • Trẻ có thể cô lập mình khỏi bạn bè hoặc các hoạt động bình thường
    • Trẻ có thể được dễ dàng tức giận, hung hăng hay thù địch
    • Trẻ học tập kém tại trường
    • Trẻ có dấu hiệu trầm cảm hay lo sợ bất thường, mất tự tin
    • Trẻ có thể thường xuyên không đi học hoặc tham gia các hoạt động xã hội
    • Trẻ có dấu hiệu của hành vi nổi loạn hay thách thức
    • Trẻ có thể cố gắng tự tử.

    Các dấu hiệu của trẻ em bị lạm dụng thể chất

    Lạm dụng thể chất có thể gây tổn thương cố ý hoặc vô ý cho trẻ. Nó có thể là từ sự kỷ luật hay trừng phạt không thích hợp, ví dụ như việc sử dụng dây thắt lưng để đánh trẻ. Trẻ bị ngược đãi thường có những dấu hiệu như:

    • Những chấn thương trên cơ thể trẻ không rõ nguyên nhân, hoặc có những lời bào chữa cho chấn thương đó
    • Những vấn đề về bệnh hoặc nha khoa của trẻ (do bị đánh chẳng hạn) không được chăm sóc và điều trị.

    Trẻ bị lạm dụng tình dục có biểu hiện ra sao?

    Lạm dụng tình dục trẻ em là tình trạng vô cùng phức tạp vì các nạn nhân cũng có cảm giác tội lỗi và xấu hổ. Do đó, lạm dụng tình dục trẻ em thường không được báo cáo đầy đủ. Điều quan trọng bạn cần nhớ là lạm dụng tình dục không cần phải liên quan đến tiếp xúc vật lý. Để trẻ tiếp xúc với văn hóa phẩm người lớn hoặc những tình huống tình dục cũng được coi là lạm dụng tình dục. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy trẻ bị lạm dụng tình dục:

    • Có hành vi tình dục không phù hợp
    • Làm trẻ mang thai hoặc có bệnh lây truyền qua đường tình dục
    • Có vấn đề ở bộ phận sinh dục, đau hoặc khó đi bộ hay ngồi
    • Có máu trong đồ lót.

    Trẻ em bị lạm dụng cảm xúc khi bộc lộ 9 dấu hiệu sau đây

    Lạm dụng cảm xúc có thể gây tổn thương nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần và phát triển xã hội của trẻ, cũng như dễ để lại những vết sẹo tâm lý suốt đời trẻ. Mặc dù lạm dụng tình cảm có thể không có bất kỳ triệu chứng thể chất nào, đây là một số dấu hiệu bạn có thể lưu ý:

    • Mất tự tin hay tự trọng
    • Các dấu hiệu của trầm cảm hoặc lo âu
    • Đau đầu đột ngột và không giải thích được hoặc đau bụng
    • Thu rút khỏi hoạt động xã hội, bạn bè hoặc cha mẹ
    • Tuyệt vọng tìm kiếm tình cảm
    • Trì hoãn hoặc phát triển cảm xúc không đúng cách
    • Thường xuyên nghỉ học và học tập sa sút, mất hứng thú với trường học
    • Né tránh các tình huống nhất định
    • Mất các kỹ năng phát triển đã đạt được trước đó.

    Trẻ bị bỏ mặc cũng là một dạng lạm dụng

    Không dễ để bạn phát hiện được trẻ bị bỏ mặc. Trẻ bị bỏ mặc thường không được chăm sóc, được yêu thương và bảo vệ đầy đủ. Các bậc cha mẹ hoặc người lớn có thể bỏ mặc trẻ vì khuyết tật, vì bệnh như trầm cảm hoặc một chấn thương nghiêm trọng. Đôi khi người lớn lạm dụng thuốc có thể giảm khả năng chăm sóc trẻ và đưa ra những phán đoán tốt để bảo vệ con họ. Dưới đây là một số dấu hiệu bỏ mặc trẻ em:

    • Trẻ có thái độ dửng dưng
    • Vệ sinh kém
    • Tăng trưởng hoặc tăng cân kém
    • Thiếu quần áo hay vật tư cần thiết cho nhu cầu vật chất
    • Trộm cắp thức ăn hay tiền bạc
    • Học kém ở trường
    • Thiếu sự chăm sóc thích hợp cho các vấn đề y tế hoặc tâm lý
    • Ăn nhiều hoặc giấu thức ăn
    • Rối loạn cảm xúc, dễ dàng tức giận hoặc thất vọng
    • Cảm giác sợ hãi hay lo âu
    • Giảm cân vô cớ.

    Đôi khi dấu hiệu lạm dụng trẻ em cũng có thể thấy ở cha mẹ hay giáo viên, chẳng hạn như:

    • Cho phép kỷ luật về thể chất và khuyến khích người khác làm như vậy
    • Coi thường hay bỏ qua sự khó chịu về thể chất hoặc tinh thần của trẻ em
    • Cung cấp lý do không hợp lý hoặc không thuyết phục cho vết thương của trẻ
    • Đổ mọi lỗi cho trẻ, trách móc hay coi thường trẻ, không ngừng sử dụng tên gọi và các từ ngữ tiêu cực
    • Hy vọng được trẻ quan tâm và chăm sóc và có vẻ ghen tị với các thành viên khác trong gia đình nhận được sự chú ý từ trẻ
    • Từ chối mọi vấn đề tồn tại ở nhà hay ở trường, hoặc đổ lỗi cho trẻ về những vấn đề
    • Đòi hỏi một mức độ hoạt động thể chất hay học tập không phù hợp
    • Nghiêm khắc hạn chế sự tiếp xúc của trẻ với những người khác.

    Nếu bạn nhận thấy con bạn hoặc trẻ khác bắt đầu có những dấu hiệu và triệu chứng trên, tốt nhất hãy tìm kiếm sự giúp đỡ và hỗ trợ từ những người khác, các bác sĩ hay công an, chính quyền càng sớm càng tốt. Hãy nhớ bác sĩ có thể giúp bạn báo cáo bất kỳ trường hợp lạm dụng trẻ em nào cho các cơ quan chức năng.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    TS. Dược khoa Trương Anh Thư

    Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Đức Hải · Ngày cập nhật: 15/11/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo