backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Trẻ em có thể mắc những bệnh tâm lí thần kinh nào?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Vân Anh · Ngày cập nhật: 04/08/2020

    Trẻ em có thể mắc những bệnh tâm lí thần kinh nào?

    Cũng như người lớn, trẻ em cũng có thể mắc những rối loạn tâm lí – thần kinh gây ảnh hưởng đến sự phát triển và tăng trưởng bình thường của chúng. Triệu chứng của bệnh tâm lí – thần kinh ở trẻ em thường không rõ ràng, do đó bệnh rất khó để chẩn đoán. Phần lớn các trường hợp trẻ bị bệnh là do di truyền, có nghĩa là khi sinh ra trẻ đã bị rối loạn tâm thần. Cha mẹ nên biết về tác hại của những loại bệnh tâm thần thường gặp ở trẻ, nguyên nhân và cách phòng ngừa những bệnh đó để đảm bảo con mình phát triển bình thường.

    Những triệu chứng thông thường của bệnh tâm lí – thần kinh ở trẻ em là gì?

    Rối loạn lo âu

    Bệnh này cũng thường gặp ở người lớn, nhưng trẻ em lại có những triệu chứng khác. Nếu con bạn dễ bị sợ hãi, lo âu, khóc hoặc hét lên khi đối diện những vật hoặc sự việc nhất định, có thể đó là những triệu chứng của bệnh tâm thần. Trong những trường hợp nghiêm trọng, trẻ có thể có những dấu hiệu liên quan đến thể chất như tim đập nhanh hoặc đổ mồ hôi liên tục.

    Hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD)

    Những trẻ em bị mắc hội chứng tăng động giảm chú ý thường có những vấn đề trong việc chú ý, tập trung. Chúng dễ chán, thất vọng với những việc hoặc tình huống nhất định. Ngoài ra, chúng dường như không nghe lời và có xu hướng di chuyển liên tục.

    Rối loạn ăn uống         

    Vấn đề này thường gặp ở trẻ mắc bệnh tâm lí – thần kinh. Chúng dường như không ăn và cũng không muốn ăn, thường có những cảm xúc hay thái độ chống đối mạnh mẽ đối với thức ăn.

    Rối loạn khả năng học và giao tiếp

    Những rối loạn này ảnh hưởng đến quá trình lưu trữ và xử lý thông tin của trẻ. Trẻ em mắc bệnh này thường gặp vấn đề về phát âm, khả năng trình bày ý kiến và suy nghĩ. Chúng rất khó học những điều mới và gặp khó khăn trong việc xử lý bất kì thông tin mới nào.

    Rối loạn bài tiết

    Trẻ em mắc phải các rối loạn này thường gặp vấn đề trong việc đi vệ sinh. Chúng không thể kiểm soát việc đi tiểu hiệu quả, dẫn đến chứng đái dầm.

    Rối loạn cảm xúc

    Sự rối loạn này liên quan đến tâm trạng và cảm xúc. Nó khiến trẻ dễ thay đổi tâm trạng một cách nhanh chóng và khó kiểm soát được cảm xúc. Rối loạn cảm xúc bao gồm bệnh trầm cảm và rối loạn lưỡng cực, thường đi kèm với cảm xúc buồn kéo dài.

    Rối loạn phát triển lan tỏa (rối loạn phổ tự kỷ)

    Đây là các rối loạn khiến cho trẻ em suy nghĩ lộn xộn và khó khám phá cũng như hiểu về thế giới chung quanh mình. Bệnh cũng bao gồm kìm hãm sự phát triển các kỹ năng cơ bản, chẳng hạn như giao tiếp hoặc tưởng tượng.

    Tâm thần phân liệt

    Tâm thần phân liệt là một bệnh rối loạn nghiêm trọng ở não gây biến đổi một cách tiêu cực cách trẻ suy nghĩ, hành động, thể hiện tình cảm, nhận thức sự thật và ảnh hưởng tới người khác. Trẻ bị tâm thần phân liệt thường có vấn đề trong việc thực hiện chức năng trong cộng đồng, ở trường và trong các mối quan hệ.

    Rối loạn vận động

    Trẻ bị rối loạn vận động có thể thực hiện những động tác bất ngờ và vô nghĩa hoặc thốt ra âm thanh liên tục không kiểm soát được, chẳng hạn như nháy mắt hoặc ngoáy mũi nhiều lần mà không có mục đích. Mặc dù rối loạn vận động không nguy hiểm và chỉ là bệnh tạm thời những nó cũng gây ảnh hưởng cuộc sống thường ngày và các mối quan hệ của trẻ.

    Rối loạn hành vi gây rối

    Rối loạn hành vi gây rối khiến trẻ phá bỏ luật lệ và có những hành động quấy phá ở những nơi như trường học, ở nhà và những nơi tụ tập đông người.

    Những rối loạn trên thường gặp ở trẻ nhưng chúng có thể được điều trị nếu bạn phát hiện bệnh sớm và đưa trẻ đi khám bác sĩ kịp thời. Việc chú ý quan sát trẻ nhiều hơn sẽ giúp bạn sớm phát hiện được những bất thường về hành vi của con bạn.

    Nguyên nhân nào gây ra bệnh tâm lí – thần kinh ở trẻ?

    Hiện không thể chỉ đích danh nguyên nhân gây ra các bệnh tâm thần ở trẻ. Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến những bệnh này, bao gồm di truyền, sinh học, chấn thương tâm lý và căng thẳng do môi trường:

    • Tiền sử gia đình: Trẻ sinh ra trong gia đình có người bị bệnh tâm thân dễ mắc phải những rối loạn trên. Nguyên nhân có thể là do di truyền hoặc do môi trường sống;
    • Sinh học: Giống như người lớn, nhiều bệnh rối loạn tâm thần ở trẻ liên quan đến sự bất thường chức năng ở vùng não, nơi giữ vai trò điều chỉnh cảm xúc, suy nghĩ, nhận thức và hành vi. Chấn thương đầu đôi khi cũng dẫn tới sự thay đổi về tính cách và tâm trạng của trẻ;
    • Tốn thương tâm lý: Nhiều rối loạn tâm thần ở trẻ có nguồn gốc từ tổn thương tâm lý như gặp vấn đề về cảm xúc, bị lạm dụng tình dục, sự mất mát sớm, như mất đi bố mẹ, và sự thiếu quan tâm;
    • Căng thẳng gây ra do môi trường: Những sự việc căng thẳng hoặc chấn thương có thể gây ra bệnh tâm thần cho những trẻ dễ bị mắc bệnh.

    Trẻ em như thế nào sẽ dễ mắc bệnh tâm lí – thần kinh?

    Những yếu tố nguy cơ mắc bệnh tâm thần ở trẻ được phân thành 3 nhóm chính: cá nhân, gia đình, và ngoại cảnh (trường học, hàng xóm, cộng đồng…).

    Cá nhân

    Trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh tâm thần nếu bản thân có các yếu tố sau đây:

    • Giới tính nữ;
    • Dậy thì sớm;
    • Tính cách tự ti, nhút nhát hoặc nổi loạn, từng có hành vi chống đối xã hội;
    • Lo âu;
    • Luôn cảm thấy không an toàn;
    • Thiếu kỹ năng xã hội, chẳng hạn như kỹ năng giao tiếp và xử lý vấn đề;
    • Cần được hỗ trợ, che chở;
    • Có vấn đề về cảm xúc lúc còn nhỏ;
    • Rối loạn ứng xử;
    • Sớm tiếp xúc với các chất gây nghiện như ma túy, cần sa;
    • Chấn thương đầu;
    • Lúc nhỏ tiếp xúc nhiều với chì hoặc thủy ngân (độc tố thần kinh).

    Yếu tố gia đình

    Trẻ cũng sẽ có nguy cơ bị mắc bệnh tâm thần nếu được sinh ra trong gia đình có các yếu tố sau:

  • Bố hoặc mẹ bị trầm cảm;
  • Xung đột giữa bố/mẹ và con cái;
  • Nuôi dạy không tốt;
  • Môi trường gia đình tiêu cực (bố/mẹ làm dụng thuốc, nghiện thuốc…);
  • Trẻ sinh ra trong gia đình chỉ có bố hoặc mẹ (thường thì bé gái dễ mắc bệnh tâm lí – thần kinh hơn trong trường hợp này);
  • Bố mẹ ly dị;
  • Bố mẹ thường xuyên cãi nhau;
  • Bố/mẹ thường bị lo âu;
  • Mâu thuẫn gia đình giữa bố mẹ và con cái hoặc giữa anh chị em trong gia đình;
  • Bố mẹ bị thất nghiệp;
  • Thiếu sự giám sát của người lớn;
  • Rối loạn chức năng gia đình;
  • Trong gia đình có người bị tâm thần phân liệt;
  • Trẻ bị lạm dụng tình dục.
  • Yếu tố ngoại cảnh (trường học, hàng xóm, cộng đồng)

    Ngoài yếu tố gia đình và bản thân trẻ, môi trường ngoại cảnh cũng có thể tác động đến tâm lý trẻ dẫn đến trẻ dễ mắc bệnh tâm thần, bao gồm:

    • Bị bạn bè cô lập;
    • Trải qua những tình huống căng thẳng;
    • Thành tích học tập kém;
    • Nghèo khổ, cảm thấy thua kém bạn bè;
    • Bạo lực học đường;
    • Không quan tâm đến việc học hành;
    • Gây gổ, đánh nhau với bạn bè đồng trang lứa;
    • Chơi với những bạn bè sử dụng ma túy;
    • Sống ở khu đô thị;
    • Mất đi các mối quan hệ hoặc bạn bè.

    Những dấu hiệu cảnh báo trẻ bị mắc bệnh tâm lí – thần kinh là gì?

    Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo con bạn có thể mắc bệnh tâm thần:

    • Tự thu mình lại, có cảm giác buồn bã kéo dài hơn 2 tuần hoặc thay đổi tâm trạng nghiêm trọng dẫn đến những vấn đề ở nhà và ở trường;
    • Dễ bị choáng ngợp, lo âu không rõ nguyên nhân. Thường xuyên lo lắng hoặc sợ hãi điều gì đó. Có những triệu chứng vật lý như tăng nhịp tim, khó thở;
    • Đột ngột thay đổi hành vi một cách mạnh mẽ khó kiểm soát;
    • Khó tập trung hoặc ngồi yên một chỗ, điều này sẽ dẫn tới kết quả học tập kém;
    • Bỗng dưng chán ăn hoặc cố gắng giảm cân, thường xuyên nôn ói hoặc sử dụng thuốc nhuận tràng để đẩy thức ăn ra khỏi cơ thể;
    • Thường xuyên đau đầu và đau bụng;
    • Tự làm tổn thương chính mình, tự tử hoặc cố gắng tìm cách tự tử. Tự hành hạ bản thân mình bằng cách cắt tay hoặc làm bỏng chính mình;
    • Mượn ma túy hoặc rượu để giải tỏa cảm xúc.

    Những xét nghiệm và chẩn đoán nào giúp xác định trẻ bị bệnh tâm lí – thần kinh?

    Cũng như người lớn, bệnh tâm lí – thần kinh ở trẻ được chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng, tuy nhiên việc này khá khó. Những hành vi được coi là triệu chứng của bệnh như sự nhút nhát, lo âu, thói quen ăn uống kì lạ hoặc đột nhiên mất bình tĩnh. Những hành vi này sẽ trở thành triệu chứng khi chúng xảy ra thường xuyên, kéo dài hoặc gây ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của trẻ và gia đình.

    Nếu những triệu chứng này xuất hiện, bác sĩ sẽ bắt đầu đánh giá bằng cách tìm hiểu về tiền sử bệnh và thăm khám. Mặc dù không có xét nghiệm cụ thể để chấn đoán bệnh này ở trẻ, bác sĩ có thể dùng những kĩ thuật chẩn đoán khác nhau như chụp não, xét nghiệm máu để loại trừ những bệnh khác và những tác dụng phụ của thuốc gây rối loạn tâm thần ở trẻ.

    Nếu không tìm được bất kì bệnh nào, trẻ sẽ được đưa đến các nhà tâm lý chuyên về tuổi vị thành niên, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe để chẩn đoán và điều trị bệnh tâm thần ở trẻ em và trẻ vị thành niên. Họ sẽ thiết kế những buổi phỏng vấn chuyên biệt và dùng những công cụ đánh giá để xác định bệnh tâm thần ở trẻ. Các bác sĩ dựa trên chẩn đoán trong báo cáo về triệu chứng của trẻ và quan sát thái độ và hành vi của trẻ. Họ thường phải dựa vào báo cáo của cha mẹ, thầy cô và những người khác vì trẻ thường gặp khó khăn trong việc giải thích vấn đề và những triệu chứng của chúng. Sau đó, bác sĩ sẽ xác định rối loạn tâm thần ở trẻ có những triệu chứng trên.

    Các phương pháp điều trị tâm thần ở trẻ em là gì?

    Cũng như những rối loạn y khoa khác, bệnh tâm thần ở trẻ có thể được chữa khỏi. Những phương pháp điều trị bệnh này bao gồm các loại thuốc, liệu pháp tâm lý và phương pháp sáng tạo. Các chuyên gia cũng đang tìm kiếm những phương pháp điều trị cụ thể cho từng loại bệnh tâm thần ở trẻ. Ngày nay, bác sĩ thường cho trẻ dùng thuốc để điều trị bệnh tâm thân, cách dùng cũng giống như ở người lớn những phải điều chỉnh liều cho trẻ. Sau đây là những phương pháp điều trị bệnh tâm thần ở trẻ thường được sử dụng:

    • Các loại thuốc: Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh tâm thần cho trẻ bao gồm thuốc chống loạn thần, thuốc giải lo âu, thuốc chống trầm cảm và một số thuốc giúp ổn định tâm trạng;
    • Liệu pháp tâm lý: Liệu pháp này là một loại tư vấn nhằm giải quyết những cảm xúc của bệnh nhân tâm thần. Đây là quá trình các chuyên gia giúp trẻ đối diện với bệnh tật, thường bằng cách nói chuyện về các phương pháp giúp trẻ hiểu và đối mặt với các triệu chứng. Những liệu pháp tâm lý thường được dùng là liệu pháp ủng hộ, nhận thức hành vi, tương tác cá nhân, tập thể, và gia đình;
    • Liệu pháp sáng tạo: Gồm những liệu pháp nghệ thuật, chơi đùa rất hữu ích cho trẻ bị bệnh tâm thần, đặc biệt là trẻ gặp vấn đề trong thể hiện cảm xúc và suy nghĩ.

    Nếu bạn thấy những triệu chứng trên kéo dài ở trẻ, thì có thể con bạn đang bị mắc bệnh rối loạn tâm thần. Bệnh này không đáng lo ngại. Thực sự có khá nhiều phương pháp hiệu quả để điều trị rối loạn tâm thần ở trẻ. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ, chuyên gia thay vì chờ đợi những triệu chứng đó biến mất.

    Bạn có thể quan tâm bài viết: Ngủ nướng là triệu chứng của bệnh trầm cảm

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Vân Anh · Ngày cập nhật: 04/08/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo