backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Ù tai ở trẻ em: Bố mẹ không nên chủ quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 18/02/2020

    Ù tai ở trẻ em: Bố mẹ không nên chủ quan

    Ù tai ở trẻ em là một tình trạng khá phổ biến, nhưng không phải bậc phụ huynh nào cũng sớm phát hiện tình trạng bất thường ở trẻ, khiến việc điều trị bị ảnh hưởng.

    Ù tai là tình trạng bạn nghe thấy tiếng ồn trong tai. Tình trạng này thường xảy ra ở người trưởng thành và người lớn tuổi. Tuy nhiên, trẻ em cũng có khả năng bị ù tai, nhưng điều khác biệt là trẻ thường không phát hiện vấn đề tai xuất hiện tiếng ồn bất thường và cho nó là một tình trạng bình thường.

    Ù tai ở trẻ em có thể khiến trẻ khó chịu và mất tập trung. Trong trường hợp nghiêm trọng, cuộc sống và khả năng học tập của trẻ cũng bị ảnh hưởng. Vậy làm sao để bố mẹ có thể nhận biết triệu chứng ù tai ở trẻ em? Hiện tượng ù tai ở trẻ em có được chữa khỏi không? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây.

    Các triệu chứng ù tai ở trẻ em

    Thông thường, trẻ em không báo cho bố mẹ biết khi bị ù tai vì trẻ nghĩ đây là tình trạng bình thường. Điều này rất khó giúp bố mẹ phát hiện sớm chứng ù tai ở trẻ em để có thể cho trẻ điều trị kịp thời.

    Ngoài ra, chứng ù tai có thể nghiêm trọng hơn khi trẻ lo lắng, thậm chí khiến trẻ khó ngủ.

    Nếu để tâm quan sát con, bạn sẽ thấy trẻ dễ phân tâm và trở nên lo lắng hơn. Điều này sẽ khiến cho trẻ bị sao lãng trong học tập và cuộc sống.

    Các triệu chứng ù tai ở trẻ em thường gặp như:

  • Trẻ nghe thấy âm thanh như tiếng gió, tiếng chuông hoặc tiếng ù trong tai
  • Nhạy cảm với tiếng ồn
  • Trẻ không tập trung và hay bồn chồn
  • Giận dữ, cáu kỉnh và thường lấy tay giữ đầu hoặc tai
  • Cực kỳ mệt mỏi
  • Trầm cảm
  • Nguyên nhân ù tai ở trẻ em

    Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân ù tai ở trẻ em, chẳng hạn như tổn thương tai trong hoặc mất thính lực. Chính hệ thống âm thanh trong não bộ sẽ tạo ra tiếng ồn trong chứng ù tai. Các nguyên nhân cụ thể gây khiến trẻ bị ù tai như:

    • Tiếp xúc với tiếng ồn lớn hoặc nghe nhạc mức lớn khi đeo tai nghe
    • Ráy tai tích tụ trong ống tai
    • Nhiễm trùng tai hoặc xoang
    • Khớp hàm không đúng vị trí
    • Chấn thương cổ hoặc đầu, chẳng hạn như chấn động
    • Hút thuốc lá thụ động
    • Hóa trị, một số loại kháng sinh, aspirin hoặc các loại thuốc khác có thể làm tổn thương tai trong
    • Chấn thương tai, chẳng hạn như đưa vật cứng vào tai
    • Mất thính lực mắc phải
    • Mất thính lực bẩm sinh
    • Sự phát triển bất thường của xương tai giữa
    • Các khối u phát triển chậm trên các dây thần kinh thính giác, dây thần kinh tiền đình hoặc dây thần kinh mặt
    • Bệnh Ménière

    Bố mẹ nên làm gì khi con bị ù tai?

    Nếu bạn nghi ngờ con bị ù tai hoặc thấy trẻ có các triệu chứng trên, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Hầu hết trường hợp ù tai ở trẻ em đều được chữa khỏi. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đưa ra một số giải pháp giúp trẻ bớt căng thẳng và lo lắng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, ù tai có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng ở trẻ.

    Các phương pháp điều trị hiện tượng ù tai ở trẻ em

    điều trị ù tai ở trẻ em

    Nếu trẻ không bị viêm tai giữa (thường đặc trưng bởi triệu chứng chảy dịch từ tai hoặc đau tai sau cảm lạnh), bác sĩ có thể nghi ngờ trẻ bị ù tai. Họ có thể yêu cầu làm các xét nghiệm sau đây:

    • Khám sức khỏe và kiểm tra bệnh sử của trẻ
    • Hỏi bố mẹ về các hành vi và triệu chứng của con
    • Kiểm tra thính giác, bao gồm kiểm tra tai và khả năng nghe của trẻ
    • Xét nghiệm máu
    • CT scan hoặc MRI

    Thực tế, không có cách chữa ù tai cụ thể, nhưng may mắn là hầu hết trẻ em bị ù tai đều được chữa khỏi.

    Trong trường hợp ù tai gây ra bởi một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, bác sĩ sẽ điều trị vấn đề tiềm ẩn đó.

    Nếu nguyên nhân ù tai là do thuốc, bác sĩ sẽ đề nghị thay đổi hoặc ngừng thuốc. Trong hầu hết các trường hợp do thuốc, chứng ù tai sẽ hết dần theo thời gian.

    Nếu trẻ bị ù tai do tiếp xúc với tiếng ồn lớn, bác sĩ sẽ khuyến khích trẻ không nên đeo tai nghe nhạc hoặc sử dụng các nút bịt tai ở những nơi có tiếng ồn lớn. Trong những trường hợp này, chứng ù tai thường biến mất sau khi tai trong có thời gian để chữa lành.

    Đối với ù tai do mất thính lực, trẻ có thể sử dụng máy trợ thính để cải thiện rất nhiều triệu chứng.

    Ngoài ra, dù đã rõ nguyên nhân ù tai hay chưa, thì việc kiểm soát tình trạng này cũng đóng vai trò quan trọng. Bạn cần giúp trẻ giảm bớt căng thẳng và mệt mỏi – những yếu tố làm trầm trọng thêm chứng ù tai – và kiềm chế phản ứng của não. Một số liệu pháp các chuyên gia có thể khuyến khích cho trẻ bao gồm:

    • Giải thích cho trẻ hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của mình. Điều này sẽ giúp trấn an con bạn rằng trẻ sẽ có khả năng hết bị ù tai. Đồng thời, trẻ có thêm hy vọng và bớt căng thẳng vì những đứa trẻ khác cũng trải qua điều tương tự.
    • Cho trẻ ăn uống lành mạnh, có kế hoạch tập thể dục và ngủ nghỉ phù hợp. Chế độ ăn uống và thói quen sống lành mạnh sẽ cải thiện sức khỏe tổng thể của trẻ, từ đó có thể giảm căng thẳng và mệt mỏi – yếu tố khiến chứng ù tai nặng hơn. Chế độ sinh hoạt hợp lý cũng sẽ cải thiện tâm trạng của trẻ, giúp trẻ vững tinh thần chiến đấu lại ù tai.
    • Giáo dục về việc sử dụng liệu pháp âm thanh để làm trẻ xao lãng tiếng ù tai. Bác sĩ có thể khuyên trẻ nên ngồi gần quạt để trẻ không tập trung vào tiếng ù tai. Điều này giúp con bạn cảm thấy kiểm soát được tình trạng của mình, giúp hệ thống thần kinh thích nghi với chứng ù tai và cải thiện khả năng tập trung. Đặc biệt, liệu pháp này rất hữu ích vào ban đêm, khi nhiều trẻ bị tiếng ù tai làm khó ngủ.

    Việc phát hiện tình trạng ù tai ở trẻ nhỏ thường khó khăn ở người lớn vì trẻ thường ít khi nói cho bố mẹ biết và “cam chịu” tiếng ồn này. Tuy nhiên, nếu bố mẹ để ý, việc điều trị ù tai sẽ dễ dàng và khả năng phục hồi thính lực hoàn toàn là có thể.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 18/02/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo