backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Những dấu hiệu suy thận bạn nên biết

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 15/11/2019

    Những dấu hiệu suy thận bạn nên biết

    Suy thận mạn thường không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng các tổn thương ở thận có thể chậm lại nếu bạn nhận biết được các dấu hiệu suy thận sớm.

    Suy thận mạn (bệnh thận mạn tính hay CKD) là một dạng bệnh thận tiến triển, khi đó thận bị suy giảm chức năng dần dần. Thực tế, rất nhiều người bị suy thận mạn trong giai đoạn đầu nhưng không nhận biết được điều đó. Khác với tình trạng suy thận cấp hay các triệu chứng khởi phát nhanh khi thận có vấn đề, suy thận mạn sẽ tiến triển lâu dài (mạn tính) và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

    Khi thận không hoạt động bình thường, nước và các dịch tiết sẽ bị ứ đọng trong cơ thể. Từ đó dẫn đến các biến chứng sức khỏe khác. Nhận biết được các dấu hiệu suy thận sẽ giúp bạn làm chậm thời gian tiến triển của bệnh.

    Các triệu chứng suy thận mạn tính

    Nhận biết các dấu hiệu suy thận để chẩn đoán bệnh thận mạn tính rất quan trọng, trước khi xảy ra nhiều tổn thương ở mô thận hơn. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu của bệnh thận mạn tính lại không có nhiều dấu hiệu suy thận đáng chú ý.

    Khi suy thận mạn tiến triển có thể xuất các triệu chứng rõ ràng hơn như:

    • Tăng huyết áp
    • Mệt mỏi quá mức
    • Khó ngủ
    • Sưng chân hoặc mắt cá chân (có thể tiến triển lên phía trên)
    • Khó tập trung, hay quên, nhầm lẫn
    • Buồn nôn, nôn mửa
    • Chán ăn hoặc giảm cân không kiểm soát
    • Co giật cơ hay chuột rút
    • Ngứa da

    Thế nhưng, các biểu hiện này cũng có thể liên quan đến nhiều tình trạng sức khỏe khác, đó cũng là lý do vì sao nhiều người thường bỏ qua chúng. Vậy nên, bạn cần thăm khám và điều trị bất kỳ triệu chứng bất thường nào, nhất là khi bạn có những yếu tố nguy cơ gây suy thận mạn.

    Khi suy thận mạn tiến triển, bạn có thể cảm thấy đau ngực và khó thở, đi tiểu thường xuyên hơn. Nếu bạn thấy xuất hiện máu trong nước tiểu hoặc có những cơn đau bất thường nào, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

    Nguyên nhân gây ra suy thận mạn

    Bệnh thận mạn thường phát triển trong một vài tháng hoặc thậm chí kéo dài nhiều năm. Bệnh thường liên quan đến các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn khác gây ảnh hưởng lên thận. Theo Tổ chức Thận Quốc gia của Hoa Kỳ, khoảng 2/3 trường hợp suy thận mạn là do tăng huyết áp hoặc đái tháo đường.

    Tăng huyết áp là một trong những tình trạng liên quan đến tim mạch phổ biến nhất, thường xảy ra ở những người trung niên. Bạn sẽ có nhiều nguy cơ mắc phải tăng huyết áp nếu:

    • Có tình trạng thể chất kém
    • Tiền sử gia đình tăng huyết áp
    • Đã lớn tuổi

    Tình trạng tăng huyết áp không kiểm soát được là nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh thận mạn tính. Nếu bạn bị tăng huyết áp, điều quan trọng nhất là cần kiểm soát được huyếp áp đúng cách.

    Một vài nguyên nhân khác gây ra suy thận mạn bao gồm:

    Biến chứng ở người suy thận mạn

    dấu hiệu suy thận

    Suy thận mạn có thể gây ra các biến chứng như sau:

    • Tăng huyết áp (có thể vừa là nguyên nhân vừa là biến chứng của bệnh thận mạn tính)
    • Bệnh động mạch vành
    • Thiếu máu
    • Loãng xương
    • Thể lực giảm sút
    • Giữ nước gây phù
    • Suy giảm hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng
    • Mất cân bằng điện giải (natri, kali)
    • Co giật

    Bệnh thận mạn tính có thể dẫn đến suy thận giai đoạn cuối. Khi đó, tính mạng người bệnh sẽ bị đe dọa cho dù có cấy ghép thận hay lọc máu.

    Bạn cần gặp bác sĩ khi nào?

    Suy thận mạn sẽ gây ra những tổn thương nội tạng nghiêm trọng, do đó bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ khi nhận thấy các dấu hiệu suy thận. Nếu bạn đang bị đái tháo đường, tăng huyết áp hay một tình trạng bệnh nào là nguyên nhân gây ra suy thận mạn, bác sĩ sẽ theo dõi các chỉ số sự sống thường xuyên để phòng ngừa.

    Làm thế nào để ngăn ngừa suy thận?

    Cách tốt nhất để phòng tránh các bệnh về thận là cần giảm thiếu các yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, hoạt động thể chất phù hợp và chế độ ăn giảm bớt chất béo. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ không kiểm soát được như tiền sử gia đình, đái tháo đường tuýp 1…, bạn vẫn có thể ngăn chặn bệnh thận bằng việc thăm khám thường xuyên để theo dõi sức khỏe.

    Giảm lượng muối tiêu thụ mỗi ngày cũng giúp bạn đáng kể. Bạn nên tránh rắc thêm muối vào các loại thức ăn hay cần kiểm tra hàm lượng natri trên các nhãn thực phẩm sử dụng cẩn thận. Hạn chế uống rượu và bỏ thuốc lá cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính.

    Triển vọng cho suy thận mạn

    Bạn có thể kéo dài quá trình tiến triển của bệnh thận mạn tính nhưng cơ bản thì đây là bệnh không thể chữa khỏi. Ghép thận sẽ là giải pháp cuối cùng nhưng không phải ai cũng có may mắn tìm được người hiến tặng phù hợp.

    Đối với người bệnh suy thận mạn, hãy theo dõi tình trạng bệnh cẩn thận và làm theo mọi hướng dẫn của bác sĩ để có lối sống lành mạnh hơn. Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu suy thận bất thường hoặc nghiêm trọng hơn, hãy liên lạc với bác sĩ càng sớm càng tốt.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 15/11/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo