backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến thận như thế nào?

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Thương Trần · Ngày cập nhật: 14/04/2020

    Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến thận như thế nào?

    Không chỉ khiến tế bào không sử dụng được đường để tạo năng lượng, bệnh tiểu đường còn ảnh hưởng đến thận do gây tổn thương các mạch máu nhỏ tại cơ quan này.

    Bệnh tiểu đường xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không thể sử dụng đúng cách lượng insulin bình thường. Insulin là nội tiết tố giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Mức đường huyết cao có thể gây ra vấn đề ở nhiều nơi trên cơ thể của bạn.

    Hiện nay, có khoảng 30% trường hợp mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 (ở tuổi vị thành niên) và từ 10–40% người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 (ở người lớn) bị suy thận.

    Bệnh tiểu đường có nhiều dạng khác nhau không?

    Những dạng tiểu đường phổ biến nhất là tuýp 1 và tuýp 2. Bệnh tiểu đường tuýp 1 thường xảy ra ở trẻ em, còn được gọi là bệnh tiểu đường ở tuổi vị thành niên hay đái tháo đường phụ thuộc insulin. Đối với loại này, tuyến tụy không sản xuất đủ insulin và người bệnh sẻ phải sử dụng insulin trong suốt quãng đời còn lại của mình.

    Tiểu đường tuýp 2 phổ biến hơn và thường xảy ra ở những người trên 40 tuổi và còn được gọi là bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin. Ở người bệnh tiểu đường tuýp 2, tuyến tụy vẫn tạo ra insulin nhưng cơ thể lại không sử dụng nó đúng cách. Khi đó, nồng độ đường trong máu cao thường được kiểm soát bằng cách thực hiện một chế độ ăn uống hợp lý và/hoặc uống thuốc. Một số trường hợp không thể kiểm soát, người bệnh vẫn phải dùng insulin.

    Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến thận như thế nào?

    Khi mắc bệnh tiểu đường, các mạch máu nhỏ trong cơ thể bị tổn thương. Khi các mạch máu trong thận bị thương, thận không thể lọc máu như bình thường. Từ đó, cơ thể sẽ giữ lại nhiều nước và muối hơn mức cần thiết, dẫn đến tăng cân và sưng phù mắt cá chân. Protein có thể bắt đầu xuất hiện trong nước tiểu. Ngoài ra, các chất thải sẽ tích tụ trong máu do không được lọc bỏ.

    Bệnh tiểu đường cũng có khả năng gây tổn thương thần kinh, khiến quá trình làm rỗng bàng quang gặp nhiều khó khăn. Bàng quang căng đầy có thể tạo ra áp lực gây tổn thương thận. Ngoài ra, khi nước tiểu bị ứ đọng trong bàng quang thời gian dài, bạn có thể bị nhiễm trùng do sự tăng trưởng nhanh chóng của vi khuẩn trong nước tiểu có nồng độ đường cao.

    Các dấu hiệu sớm khi bệnh tiểu đường có ảnh hưởng đến thận

    Những dấu hiệu sớm nhất của bệnh thận ở người mắc bệnh tiểu đường là việc bài tiết albumin tăng lên trong nước tiểu. Tuy nhiên, phải mất một thời gian dài để xét nghiệm thông thường cho thấy những dấu hiệu của bệnh thận. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên làm xét nghiệm albumin niệu hàng năm.

    Một dấu hiệu sớm khác của bệnh thận là tình trạng tăng cân và mắt cá chân bị sưng. Bạn có thể đi vệ sinh nhiều hơn vào ban đêm. Huyết áp có khả năng tăng cao hơn bình thường. Do đó, khi đã mắc bệnh tiểu đường, bạn nên xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu và đo huyết áp ít nhất mỗi năm một lần. Điều này sẽ giúp kiểm soát bệnh tốt hơn và điều trị sớm các biến chứng do bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến thận và huyết áp. Việc duy trì, kiểm soát tốt bệnh tiểu đường sẽ làm giảm nguy cơ phát triển bệnh thận nghiêm trọng.

    Điều trị bệnh thận ứ nước: không phải điều dễ dàng

    Những dấu hiệu muộn khi bệnh tiểu đường đã ảnh hưởng đến thận

    Khi bị suy thận, nồng độ nitơ-urê trong máu (BUN) sẽ tăng cùng lúc với nồng độ creatinine trong máu. Bạn có thể có các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, mất cảm giác ngon miệng, mệt mỏi ngày càng tăng hoặc ngứa, đau cơ (đặc biệt là ở chân) và thiếu máu. Bạn có thể cảm giác cần ít insulin hơn do thận bị bệnh và giảm xử lý insulin trong cơ thể. Nếu bạn đang bị tiểu đường và thấy xuất hiện bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng bất thường nào, hãy thông báo với bác sĩ ngay.

    Điều gì sẽ xảy ra nếu bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến thận?

    Đầu tiên, các bác sĩ cần tìm hiểu xem bệnh tiểu đường đã ảnh hưởng đến thận ở mức độ nào. Ngoài ra, họ cũng cần loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây tổn thương thận.

    Để duy trì chức năng của thận lâu nhất có thể, bạn cần phải:

    • Kiểm soát bệnh tiểu đường thật tốt
    • Kiểm tra huyết áp thường xuyên
    • Điều trị các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu
    • Điều trị bất kỳ vấn đề xuất hiện trong hệ tiết niệu của bạn
    • Tránh bất kỳ loại thuốc nào có thể gây tổn hại cho thận (đặc biệt là thuốc giảm đau không theo toa).

    Nếu không có vấn đề nào được tìm thấy, bác sĩ sẽ cố gắng để giữ cho thận của bạn làm việc càng lâu càng tốt. Việc sử dụng các thuốc hạ huyết áp như thuốc ức chế men chuyển (ACE) đã được chứng minh giúp làm chậm tình trạng mất chức năng của thận.

    Làm thế nào để thận làm việc càng lâu càng tốt?

    Các bác sĩ chuyên trị bệnh thận sẽ lập kế hoạch điều trị cùng bạn, gia đình và chuyên gia dinh dưỡng. Hai điều quan trọng bạn cần ghi nhớ để giữ cho thận khỏe mạnh là kiểm soát huyết áp kết hợp với chất ức chế men chuyển và theo dõi chế độ ăn uống, chữa bệnh hợp lý. Việc hạn chế protein trong chế độ ăn uống có thể hữu ích. Hãy tham khảo ý kiến từ chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn uống hợp lý khi bệnh tiểu đường gây ảnh hưởng đến thận.

    Suy thận giai đoạn cuối ở người bệnh tiểu đường diễn ra như thế nào?

    Khi bệnh thận tiến triển đến giai đoạn cuối, không còn khả năng thực hiện các chức năng sinh lý thì việc lọc máu, cấy ghép là cần thiết. Điều này xảy ra khi chức năng thận của bạn chỉ còn ở mức 10–15%.

    lọc máu chạy thận nhân tạo

    Làm thế nào để điều trị suy thận ở bệnh nhân tiểu đường?

    Ba phương pháp điều trị có thể được sử dụng khi bị suy thận: ghép thận, chạy thận nhân tạo và thẩm phân phúc mạc.

    Bệnh nhân bị bệnh tiểu đường vẫn có thể ghép thận. Khi bạn nhận được một quả thận mới, bạn có thể cần dùng insulin ở liều cao hơn. Tình trạng thèm ăn sẽ được cải thiện, vì thận mới được ghép sẽ phá vỡ insulin nhiều hơn so với thận tổn thương trước kia. Bạn sẽ cần sử dụng thuốc steroid để tình trạng thải ghép không xảy ra. Nếu thận mới không hoạt động hiệu quả, chạy thận có thể được bắt đầu trong khi bạn chờ nhận một quả thận khác.

    Ngoài ra, đôi khi bác sĩ có thể dùng phương pháp điều trị thực hiện cấy ghép tuyến tụy cùng với ghép thận. Hãy nhờ bác sĩ tư vấn cho bạn về các khả năng điều trị khả thi.

    Triển vọng khi bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến thận

    Hiện nay, ngày càng có nhiều nghiên cứu về bệnh tiểu đường được thực hiện. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng việc ngăn ngừa và chữa trị bệnh tiểu đường sẽ được thực hiện trong tương lai. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, bạn có thể kiểm soát bệnh tiểu đường tốt hơn bằng cách:

    • Đo đường huyết tại nhà thường xuyên
    • Duy trì nhận thức về việc kiểm soát huyết áp và theo dõi huyết áp tại nhà
    • Theo một chế độ ăn uống đặc biệt dành riêng cho bạn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    TS. Dược khoa Trương Anh Thư

    Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Thương Trần · Ngày cập nhật: 14/04/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo