backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Đau khi đại tiện, do đâu?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hà Vũ · Ngày cập nhật: 28/07/2020

    Đau khi đại tiện, do đâu?

    Một trong những bệnh lý rất thường gặp nhưng nhiều người e ngại nên không dám đối mặt, đó là đau khi đại tiện. Nếu bạn là một trong số đó, hãy tìm cách khắc phục ngay hôm nay.

    Đã bao giờ bạn gặp phải tình trạng đau đớn, khó chịu khi đi đại tiện chưa? Tình trạng này khá phổ biến và rất nhiều người mắc phải, nhưng hầu hết đều có tâm lý xấu hổ nên thường “thôi em giấu cho riêng em biết”. Nếu không tìm hiểu nguyên nhân để kịp thời khắc phục, bạn sẽ bị chứng đau rát này hành hạ dài dài. Nguy hiểm hơn, nó có thể dẫn tới nhiều bệnh lý bất thường khác. Hãy xem bạn có bị một trong các nguyên nhân sau khiến mình khó khăn khi “đi nặng” không:

    Bạn không uống đủ nước

    Như bạn biết, nhu động ruột được tạo thành từ các chất thải bài tiết ra khỏi cơ thể. Chất thải này đến từ cả thực phẩm và nước.

    Cơ thể cần một lượng nước nhất định để phục vụ cho quá trình bài tiết chất thải. Nếu bạn uống nước không đủ, đặc biệt là khi một phần nước bị mất qua đường mồ hôi, việc đi đại tiện sẽ trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, một loạt triệu chứng phổ biến sẽ xuất hiện, bao gồm căng thẳng, chuột rút, đau bụng và đầy hơi.

    Việc bạn cần làm là uống đủ 2–2,5 lít nước mỗi ngày. Một số thực phẩm có hàm lượng nước cao như dưa chuột, dưa hấu… là lựa chọn hàng đầu cho các cô nàng lười uống nước. Cần hạn chế đồ uống có thể gây mất nước như rượu, cà-phê, thức uống có đường…

    đau khi đại tiện

    Bạn không dung nạp thực phẩm

    Đôi khi, những cơn đau bụng xuất hiện là do cơ thể bạn không dung nạp một số thực phẩm như đường, sữa, các chất fructose hoặc gluten. Lúc này, bạn sẽ cảm thấy khó chịu và đau bụng âm ỉ.

    Những gì bạn cần làm là thực hiện một cuộc kiểm tra để biết cơ thể mình không dung nạp được chất nào rồi tránh các thực phẩm chứa chất đó.

    Bạn không ăn đủ chất xơ

    Không chỉ trẻ con mới không thích ăn rau, rất nhiều người lớn cũng bị các món thịt, cá… hấp dẫn hơn so với rau củ. Một khảo sát cho thấy hầu hết người trưởng thành không đáp ứng được lượng chất xơ cơ thể cần hàng ngày, từ 25–29g.

    Chất xơ từ rau củ chính là thứ giúp ruột và hệ thống tiêu hóa nói chung hoạt động tốt. Chất xơ hòa tan giúp phân giữ nước và làm cho phân trở nên mềm. Trong khi đó, chất xơ không hòa tan đóng vai trò giúp phân lớn và “trơn tru” khi bạn đại tiện. Cả hai loại chất xơ đều quan trọng nên bạn cần nạp hàng ngày.

    Bạn cần làm gì? Ăn nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế thịt, sữa cũng như đạm động vật để hệ tiêu hóa làm việc dễ dàng.

    đau khi đại tiện

    Bạn ít vận động

    Với những người có thói quen ít vận động hoặc ngồi một chỗ quá lâu, quá tình hoạt động của ruột và hệ tiêu hóa sẽ bị trì trệ hoặc đảo lộn, dẫn tới hệ tiêu hóa bị rối loạn và khó tiêu. Ngược lại, những ai tập thể dục thường xuyên không chỉ kích thích sự vận động của cơ bắp mà còn giúp hệ bài tiết hoạt động dễ dàng.

    Nếu bạn còn đang phân vân có nên đăng ký một khóa tập thể dục hay không, đừng chần chừ nữa! Hãy coi đó là hoạt động cần thiết mỗi ngày. Nhờ vậy, tình trạng táo bón sẽ bị đẩy lùi, sức khỏe tim mạch cũng được cải thiện. Những khi không có thời gian đến phòng tập, bạn nên cố gắng đi bộ hoặc leo cầu thang.

    đau khi đại tiện

    Bạn bị căng thẳng quá độ

    Những gì diễn ra trong đầu bạn cũng sẽ xảy đến với đường ruột. Nói cách khác, hệ tiêu hóa là một bộ phận của hệ thần kinh trung ương. Điều đó nghĩa là chúng có mối liên hệ trực tiếp đến trạng thái tinh thần của bạn.

    Nếu bạn thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng cực độ, hệ tiêu hóa cũng không còn “tâm trí” để làm việc trơn tru như bình thường. Thế là dù bạn có nạp nhiều chất xơ thế nào, sinh hoạt điều độ ra sao, việc đi tiêu cũng trở nên khó khăn, gây đau rát.

    Học cách thư giãn và sắp xếp lịch làm việc một cách khoa học là giải pháp dành cho bạn. Nếu được, bạn nên đi du lịch cùng người thân, bạn bè để giải tỏa stress và cân bằng cuộc sống.

    Bạn đang uống một (hoặc vài loại thuốc) gây táo bón

    Một số loại thuốc có tác dụng phụ là cản trở hoạt động của hệ bài tiết, gây ra táo bón và khiến bạn đau rát mỗi khi đại tiện. Thủ phạm có thể là thuốc kháng acid, thuốc giảm đau, viên bổ sung sắt, một vài loại thuốc huyết ápthuốc chống trầm cảm.

    Trong trường hợp này, bạn cần trao đổi với bác sĩ để xem liệu có loại thuốc khác để thay thế hay không. Nếu điều này là không thể, bạn chỉ còn cách tiêu thụ thật nhiều nước và chất xơ, thậm chí sử dụng chất làm mềm phân, để cải thiện phần nào.

    Bạn bị hội chứng ruột kích thích

    Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một dạng rối loạn chức năng tiêu hóa, thường gây đau bụng và đầy hơi. Tuy nhiên, một số người bị IBS thường bị co thắt ruột và tiêu chảy, trong khi những người khác bị táo bón. Cả hai trường hợp này đều gây ra tình trạng đau khi đi ngoài.

    Việc bạn có thể làm là gì? Bên cạnh những thay đổi về lối sống như chế độ ăn uống, đẩy lùi stress và năng tập thể dục, bạn cần gặp bác sĩ để điều trị dứt điểm hội chứng này.

    Bạn đang mắc một bệnh lý nghiêm trọng

    Nếu tất cả các nguyên nhân trên đều không đúng với trường hợp của bạn thì chỉ còn một khả năng: bạn đang mắc một bệnh lý nghiêm trọng về tiêu hóa. Đó có thể là tắc ruột, tổn thương cơ trong ruột do phẫu thuật hoặc sinh con, tổn thương dây thần kinh trong ruột do các bệnh về hệ thần kinh như Parkinson, viêm đại tràng, trĩ, nứt hậu môn, lạc nội mạc tử cung… Tệ hơn, bạn đang có dấu hiệu của ung thư đại trực tràng, ung thư hậu môn. Lúc này, bạn cần để ý các dấu hiệu kèm theo, chẳng hạn như cân nặng giảm đột ngột, đi ngoài lẫn máu, ngứa ngáy khi đại tiện… và nhanh chóng đi khám để được điều trị kịp thời.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hà Vũ · Ngày cập nhật: 28/07/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo