backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

9 dấu hiệu khi ngủ cảnh báo sức khỏe

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thảo Lê · Ngày cập nhật: 19/08/2020

    9 dấu hiệu khi ngủ cảnh báo sức khỏe

    Khi chúng ta ngủ, cơ thể tự nó thực hiện những điều hết sức tuyệt diệu, chẳng hạn như tự điều chỉnh hormone, phục hồi các cơ bắp. Vậy nên, chẳng có gì lạ nếu các dấu hiệu khi ngủ có thể giúp chỉ ra một số vấn đề về sức khỏe tổng thể của chúng ta.

    Mỗi lần sức khỏe chúng ta có vấn đề thì cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng như một cách để thông báo. Khi bị cảm, ta thường sổ mũi, sụt sịt; lúc răng bị sâu thì sẽ cảm thấy đau răng. Nhưng dường như thật khó để nắm bắt được những tín hiệu khi ngủ vì lúc đó chúng ta đang say giấc.

    Các bác sĩ chú trọng về cả thời lượng lẫn chất lượng của giấc ngủ để cân nhắc xem thế nào là một giấc ngủ ngon thực sự. Ngủ không sâu hoặc không đủ giấc có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe mãn tính. Ngược lại, một giấc ngủ kém chất lượng cũng có thể là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe.

    Những vấn đề sức khỏe được nhắc tới ở đây bao gồm các tình trạng như lo lắng, trầm cảm, hen suyễn và bệnh tim. Nếu bạn thấy mình đang có một hoặc nhiều dấu hiệu khi ngủ trong số 9 dấu hiệu bên dưới đây thì đã đến lúc lắng nghe, cơ thể bạn có thể đang cố nói với bạn điều gì đó.

    1. Bạn ngáy liên tục

    Đừng quá hốt hoảng khi bạn thường ngáy ngủ. Rất nhiều người cũng thấy mình có cùng dấu hiệu này, và đây chưa chắc là một vấn đề gì đáng báo động (trừ phi người nằm gần hoặc kế bên bạn không thể chịu đựng được nữa). Tuy nhiên, khi tiếng ngáy của bạn nghe có vẻ như tiếng khịt mũi, tiếng thở hổn hển và đồng thời bạn thấy buồn ngủ héo hắt vào ban ngày, bạn có khả năng bị chứng ngưng thở khi ngủ.

    Về cơ bản, ngưng thở khi ngủ xảy ra vì một trong hai lý do. Một là đường hô hấp trên bị tắc trong lúc ngủ khiến luồng khí lưu thông bị giảm hoặc tắc nghẽn hoàn toàn. Hai là do não bộ không gửi các tín hiệu cần thiết để duy trì việc thở trong lúc ngủ. Dù là lý do nào đi nữa thì người mắc chứng này sẽ bị ngưng thở nhiều đợt trong suốt cả đêm.

    Nếu dấu hiệu khi ngủ nêu trên thực sự nghiêm trọng đến mức gián đoạn giấc lành của bạn và bạn cũng nhận thấy mình có các biểu hiện khác của chứng ngưng thở khi ngủ (như khi ngủ dậy bị nhức đầu hoặc bị khô miệng) thì nên đi gặp bác sĩ. Chứng này nếu không được kiểm soát sẽ dẫn tới cao huyết áp và gây căng thẳng cho tim.

    2. Bạn thức dậy ướt đẫm mồ hôi

    Bạn toát mồ hôi như tắm mỗi đêm? Trước hết, hãy thay đổi môi trường xung quanh nơi bạn ngủ: giảm nhiệt độ phòng xuống một chút cho mát mẻ và mặc trang phục nhẹ nhàng, thoải mái hơn.

    Nếu việc thay đổi này cũng không giúp ích gì thì nguyên nhân có thể là do hormone của bạn. Ở những người đang trong thời kỳ mãn kinh hoặc người có vấn đề với chức năng của tuyến giáp thì hay xuất hiện tình trạng mất cân bằng nội tiết, gây toát nhiều mồ hôi vào buổi đêm. Đừng ngại nói với bác sĩ nếu bạn cảm thấy nguyên nhân là do nội tiết tố, bởi đã có những loại thuốc dùng để điều chỉnh tuyến giáp hoặc giảm bớt các triệu chứng tiền mãn kinh.

    3. Bạn nghiến răng mọi lúc

    Nghiến răng có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, nhưng sẽ rất khó để kiểm soát vào ban đêm vì người ta dường như nghiến răng trong vô thức khi ngủ.

    Thói nghiến răng đêm khuya có thể đến từ vô vàn nguyên nhân như: căng thẳng và lo lắng, do uống một số loại thuốc, dùng caffeine và rượu, hay thậm chí chỉ đơn giản là do cấu trúc khuôn miệng của bạn. Dù không thể xác định được đâu là nguyên nhân chính yếu từ danh sách liệt kê bên trên, nhưng bạn cũng cần tìm hiểu sơ lược nếu bạn có thói quen nghiến nhiều tới nỗi muốn mòn hết cả răng.

    Hệ quả là tình trạng mòn men răng, hay bị đau hàm, đau đầu, mẻ răng và hội chứng rối loạn khớp thái dương hàm (khớp giữa hàm trên và hàm dưới bị viêm hoặc không còn hoạt động đúng).

    Bạn có thể tìm hiểu thêm: “Những điều bạn nên biết về chứng nghiến răng khi ngủ’

    4. Bạn bị chuột rút cơ bắp đau tới mức tỉnh ngủ

    Mới phút trước mơ màng yên bình đó mà phút tiếp theo bạn đã đau đớn, nắm chặt bắp chân đang co thắt. Đây là một dấu hiệu khi ngủ nghe có vẻ nghiêm trọng.

    Bị chuột rút khi đang ngủ thì đau điếng người, nhưng thực ra khá vô hại. Nếu năm thì mười họa chân bạn mới bị chuột rút một lần thì có lẽ không phải vấn đề gì nghiêm trọng. Nhưng nếu dấu hiệu khi ngủ này diễn ra thường xuyên và bạn bị đau tới mức bừng tỉnh giữa đêm thì có vẻ như bạn đang bị mất nước, thiếu máu, thiếu chất điện giải (như canxi hay magiê), hoặc bị viêm khớp hay một tình trạng về chỉnh hình như bàn chân bẹt. Đây đều là các vấn đề có thể được giải quyết nếu bạn tìm đến bác sĩ.

    5. Người thân của bạn nói rằng bạn đã làm điều gì đó kỳ lạ trong giấc ngủ, nhưng bạn không nhớ

    Để ý những dấu hiệu bất thường khi ngủ

    Thỉnh thoảng bạn nói mớ hay bị mộng du. Điều này xảy ra khi bạn đột nhiên thức giấc trong giai đoạn REM, bị mắc kẹt đâu đó giữa trạng thái ngủ và thức. Có khá nhiều người có dấu hiệu khi ngủ như trên.

    Tình trạng này thường không xấu đến mức báo động, nhưng nếu nó cứ lặp đi lặp lại thì chắc hẳn bạn đang gặp vấn đề về giấc ngủ. Bạn có thể bị parasomnia, một loại rối loạn gây ra những trải nghiệm không mong muốn khi đang say giấc. Trường hợp này, bạn cần gặp một chuyên gia về giấc ngủ.

    Cách khắc phục cho những dấu hiệu khi ngủ như thế này rất đơn giản, từ làm sạch vệ sinh giấc ngủ của bạn, cắt giảm caffeine và rượu, cho đến các cách thức phức tạp hơn như điều trị chứng ngưng thở khi ngủ (vốn có thể gây ra hưng phấn REM).

    6. Bạn phải thức dậy nhiều lần để đi tiểu đêm

    Bàng quang hoạt động quá mức hoặc các vấn đề về kiểm soát bàng quang khác có thể khiến bạn phải thức dậy đi tiểu trong đêm để giải quyết nhu cầu cấp thiết của cơ thể.

    Đối với dấu hiệu này, hầu hết mọi người đều nghĩ họ thức dậy để đi tiểu và vấn đề về bàng quang chính là lý do khiến họ bị gián đoạn giấc ngủ. Nhưng còn có một khả năng khác: chứng ngưng thở khi ngủ khiến người ta khó chịu không ngủ được, và khi thức giấc thì vừa hay họ cũng cảm thấy có nhu cầu đi tiểu đêm. Thế là nhiều người đổ lỗi cho cái bàng quang đã phá giấc ngủ ngon của mình.

    Lời khuyên là trước khi tìm đến bác sĩ, bạn hãy chú ý đến thói quen sinh hoạt thường ngày để xem mình có uống nhiều nước ngay trước khi ngủ hay uống một liều thuốc lợi tiểu vào buổi chiều hay không. Nếu bạn có những thói quen này thì việc đi tiểu đêm nhiều cũng là hợp lý.

    7. Bạn ho nhiều và nặng đến mức choàng tỉnh vào buổi đêm

    Ho nhiều khi ngủ

    Ho quá nhiều vào ban đêm có thể là dấu hiệu của cả bệnh hen suyễn và bệnh tim. Vì vậy, nếu bạn không bị bệnh nhưng vẫn ho khục khặc cả đêm thì hãy tới gặp bác sĩ. Cơn hen suyễn có xu hướng trở nên tồi tệ hơn vào đêm khuya và những người mắc bệnh tim có thể bị ho vì nằm lâu suốt một khoảng thời gian dài, khiến chất lỏng chảy ngược vào phổi.

    Dấu hiệu ho khi ngủ này đôi khi có từ những nguyên nhân ít nghiêm trọng hơn, như trào ngược axit hoặc ợ nóng. Cả hai đều có thể gây ho vào ban đêm, bởi tư thế ngủ nằm ngang có thể khiến nước ép có tính axit trong dạ dày tràn lên thực quản và gây kích ứng.

    8. Đầu bạn đau như búa bổ ngay khi thức dậy

    Cơn đau đầu kiểu này được liên tưởng với chiếc đồng hồ báo thức là vì nó nhức như búa bổ, lại đi kèm với tình trạng co giật cơ, đủ để người đang say giấc bừng tỉnh. Dấu hiệu này dù hiếm khi xảy ra nhưng nếu ban đêm hoặc buổi sớm nào bạn cũng tỉnh giấc trong cơn đau quằn quại thì hãy đi gặp bác sĩ.

    Có một vài lý do phổ biến hơn khiến bạn chào ngày mới với cái đầu đau nhức, như chứng đau nửa đầu (thường là đến hẹn lại lên vào khoảng 4-9 giờ sáng), thói nghiến răng và chứng ngưng thở khi ngủ.

    9. Bạn không thực sự ngủ vào ban đêm

    Nếu bạn thường xuyên thức giấc vào ban đêm mà không có lý do rõ ràng và rất khó ngủ lại sau đó, hoặc bạn thức dậy quá sớm (cỡ 4h30 sáng) thì có thể bạn đang bị trầm cảm hoặc lo lắng.

    Khi chất lượng giấc ngủ kém mà không xác định được triệu chứng về thể chất nào rõ ràng thì chắc hẳn có gì đó không ổn với sức khỏe tinh thần của bạn, và những biểu hiện mơ hồ nêu trên là cách mà cơ thể đang gửi tín hiệu cảnh báo đến bạn. Đừng ngần ngại tìm cho mình một nhà trị liệu để mở lòng. Điều ấy chẳng có gì đáng xấu hổ mà trái lại, bạn tìm được sự bình yên và có thêm vài tiếng đồng hồ để an giấc.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Thảo Lê · Ngày cập nhật: 19/08/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo