backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Chữa bệnh gout bằng Đông y: Hiệu quả và dễ thực hiện

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thảo Lê · Ngày cập nhật: 15/11/2019

    Chữa bệnh gout bằng Đông y: Hiệu quả và dễ thực hiện

    Nhiều người tìm hiểu các phương pháp chữa bệnh gout bằng Đông y để áp dụng thử vì chúng tương đối dễ thực hiện, tiết kiệm chi phí và được cho là có hiu qu.

    Bệnh gout là gì?

    Gout là một dạng viêm khớp phát triển ở một số người có nồng độ axit uric cao trong máu. Axit có thể tạo thành các tinh thể trong khớp, gây ra những cơn đau đột ngột, nghiêm trọng, đỏ, ấm và sưng tại khớp bị ảnh hưởng.

    Bạn có thể tham khảo thêm: Nguyên nhân bệnh gout: Biết để phòng ngừa

    Một số giai đoạn của bệnh gout:

  • Tăng axit uric máu: Tăng axit uric máu thường đã diễn ra trong âm thầm trước khi cơn gout đầu tiên bùng phát. Nồng độ axit uric trong máu ở giai đoạn này tăng cao và các tinh thể urate dần hình thành trong khớp.
  • Bệnh gout cấp tính: Cơn gout xảy ra khi có một yếu tố nào đó (chẳng hạn như một chầu nhậu) đẩy nồng độ axit uric trong máu tăng vọt. Cơn gout thường tấn công vào ban đêm, khiến bệnh nhân thức giấc trong tình trạng khớp bị ảnh hưởng, sưng viêm và đau. Cơn đau đạt đến đỉnh điểm vào khoảng 8-12 giờ sau đó. Triệu chứng sẽ giảm bớt sau một vài ngày và hết sau một tuần đến 10 ngày.
  • Vào khoảng thời gian giữa những cơn gout cấp, dù người bệnh không thấy đau đớn, nhưng bệnh gout vẫn còn đó. Tình trạng viêm ở mức độ thấp (tuy không gây đau) gây tổn hại đến khớp. Bệnh nhân trong giai đoạn này nên chú trọng đến việc quản lý và kiểm soát bệnh gout thông qua việc thay đổi lối sống và thuốc men. Việc làm này nhằm ngăn chặn các cơn gout trong tương lai, phòng ngừa bệnh tiến triển thành gout mãn tính.

    • Gout mãn tính: Người bị bệnh gout có nồng độ axit uric cao qua các năm có nguy cơ bị gout mãn tính. Các cơn gout sẽ xảy ra thường xuyên hơn và cơn đau có khả năng không biến mất như trước đây. Tổn thương khớp xảy ra khiến một số bệnh nhân mất khả năng vận động.

    Bệnh gout nếu lơ là không điều trị thì sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

    Bạn có thể tham khảo thêm: Biến chứng bệnh gout nguy hiểm khôn lường

    Triệu chứng bệnh gout

    Nhiều người nhận thấy triệu chứng đầu tiên của bệnh gout là đau dữ dội và sưng ở ngón chân cái. Triệu chứng bệnh gout cũng có thể xuất hiện ở các khớp khác như mắt cá chân hoặc đầu gối.

    Bệnh gout thường ảnh hưởng đến một khớp ở một thời điểm, nhưng nếu không được điều trị thì sẽ dẫn đến các vấn đề khác. Axit uric dư trong cơ thể tích tụ bên dưới da, xung quanh khớp, tạo thành tophi (nốt sần) hoặc sỏi thận.

    Bệnh gout còn liên quan đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như huyết áp cao, tiểu đường, bệnh thận mãn tính và bệnh tim mạch.

    Những ai có nguy cơ mắc bệnh gout?

    Những trường hợp với các yếu tố nguy cơ sau đây dễ phát triển bệnh gout hơn bình thường:

    • Di truyền: Nếu gia đình bạn có thành viên trong gia đình mắc bệnh gout, bạn có khả năng bị bệnh gout cao hơn.
    • Có các vấn đề về sức khỏe: Cholesterol cao, huyết áp cao, tiểu đường và bệnh tim có khả tăng làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout.
    • Sử dụng các loại thuốc như thuốc lợi tiểu hoặc thuốc điều trị cao huyết áp có khả năng làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể. Một số thuốc ức chế hệ thống miễn dịch mà người bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh vảy nến, người nhận cấy ghép hay dùng cũng khiến nguy cơ mắc bệnh gout tăng cao.
    • Giới tính và tuổi tác: Nam giới dễ mắc bệnh gout hơn nữ giới, ngoại trừ phụ nữ độ tuổi mãn kinh.
    • Chế độ ăn uống: Ăn thịt đỏ và hải sản (một số loại cá và các loại hải sản có vỏ) cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout.
    • Thói quen uống rượu bia và các thức uống ngọt nhiều đường như soda: Uống nhiều hơn hai ly rượu hoặc hai loại bia mỗi ngày làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout. Còn trong soda có đường fructose cũng khiến mức axt uric trong cơ thể tăng cao.
    • Béo phì: Những người béo phì có nguy cơ mắc bệnh gout cao hơn. Đồng thời, những người này có xu hướng phát triển bệnh gout ở độ tuổi trẻ hơn, so với người có cân nặng bình thường.
    • Phẫu thuật: Có vài trường hợp từng trải qua một số hình thức phẫu thuật nhất định cũng dễ mắc bệnh gout hơn.

    Chữa bệnh gout bằng Đông y

    Gout là căn bệnh khó chữa dứt hoàn toàn, bệnh nhân phải sống cùng với những cơn đau và triệu chứng khó chịu. Có lẽ vì vậy mà bệnh gout còn được gọi là thống phong. Nhiều người đã chia sẻ kinh nghiệm khi áp dụng các phương pháp Đông y nhằm giảm triệu chứng và kiểm soát bệnh.

    Tuy nhiên, hiệu quả do các phương pháp này mang lại chủ yếu đến từ kinh nghiệm dân gian và vẫn chưa được kiểm chứng bởi nghiên cứu đáng tin cậy. Cho nên trước khi áp dụng, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ, đặc biệt nếu bạn thuộc những đối tượng như sau:

    • Trẻ nhỏ
    • Phụ nữ có thai và cho con bú
    • Người đang mắc các bệnh hoặc các vấn đề sức khỏe nào khác, chẳng hạn như bệnh tim mạch, tiểu đường…
    • Người đang sử dụng bất cứ một loại thuốc nào khác

    Trong quá trình áp dụng các phương pháp điều trị bệnh gout, bệnh nhân cần tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, tránh thực phẩm làm tăng axit uric trong máu, đồng thời uống nhiều nước, chăm luyện tập thể dục thể thao.

    Bạn có thể tham khảo thêm: Chế độ ăn cho người bệnh gout để kiểm soát tốt bệnh trạng

    Chữa bệnh gout bằng lá lốt

    chữa bệnh gout bằng đông y 2

    Một trong những cách chữa bệnh gout bằng Đông y được nhiều người truyền tai nhau là dùng lá lốt. Sở dĩ người ta tin lá lốt có thể chữa được bệnh gout là nhờ nó có hoạt tính giảm đau, kháng khuẩn và chống viêm. Lá lốt thường được sắc thành thuốc uống, hoặc dùng để ngâm chân.

    Các bài thuốc chữa bệnh gout bằng Đông y với lá lốt

    Bài thuốc uống

    • Chỉ dùng lá lốt

    Dùng 5-10g lá lốt khô hoặc 15-30g lá lốt tươi đem sắc với 2 chén nước, cho tới khi nước cô đặc lại còn khoảng nửa chén. Lấy nước này uống sau bữa tối. Dùng liên tục trong 10 ngày.

    • Kết hợp lá lốt với các loại thảo dược khác

    Lấy 30g lá lốt, 30g vòi voi, 30g rễ bưởi bung, 30g cỏ xước tươi rửa sạch, cắt nhỏ rồi đem sao vàng. Sau đó mang các loại thảo dược trên sắc với 2 chén nước, chờ đến khi nước cô lại còn nửa chén nước thì chia phần nước đó ra để dùng 2 lần trong ngày.

    Bài thuốc ngâm

    • Chuẩn bị một nắm lá lốt tươi và một thìa muối biển.
    • Lá lốt mang đi rửa sạch, đem nấu với nước đến khi nước sôi.
    • Đổ nước ra cho nguội bớt rồi thêm muối vào.
    • Khi nước đã bớt nóng thì bắt đầu ngâm chân, cho đến lúc nước nguội.

    Người bệnh sẽ cảm nhận được hiệu quả của việc ngâm chân sau 1 tuần áp dụng: cơn đau ít xuất hiện hơn và cũng đỡ đau hơn.

    Bài thuốc đắp

    Ngoài ngâm chân, người bệnh cũng có thể dùng lá lốt và ngải cứu để làm thuốc đắp.

    Lấy một nắm lá lốt tươi, một nắm ngải cứu tươi mang đi rửa sạch rồi giã nát. Mang hỗn hợp trên đi chưng với giấm rồi đắp lên vùng khớp đau nhức. Nên chờ lúc nhiệt độ nóng vừa phải để tránh bị bỏng da.

    Một số đối tượng không nên dùng lá lốt

    • Người đang đau dạ dày, nhiệt miệng, táo bón: Nếu những người này dùng lá lốt thì bệnh càng nặng hơn.
    • Phụ nữ đang cho con bú: Theo kinh nghiệm dân gian, phụ nữ đang cho con bú dùng lá lốt sẽ mất sữa.

    Lưu ý khi dùng lá lốt

    • Người bình thường chỉ nên ăn 100g lá lốt mỗi ngày. Dùng nhiều dễ bị nhiệt miệng, nóng trong người, táo bón.
    • Người ăn lá lốt chữa bệnh thì chỉ nên dùng 50g/ngày.
    • Hiệu quả điều trị bằng lá lốt tùy thuộc cơ địa và tình trạng sức khỏe của mỗi người. Do phương pháp điều trị bằng lá lốt chỉ dựa trên kinh nghiệm dân gian và vẫn chưa được chứng thực bởi nghiên cứu khoa học đáng tin cậy nên cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng để tránh những hậu quả không tốt.

    Chữa bệnh gout bằng đậu xanhchữa bệnh gout bằng đông y 3

    Đậu xanh (đặc biệt là khi ăn cả vỏ) có hàm lượng chất xơ cao, hạn chế được sự hình thành và tích tụ axit uric trong cơ thể, vốn là nguyên nhân gây ra bệnh gout.

    Đậu xanh có tính kháng viêm cao, lớp vỏ đậu có flavonoid ức chế quá trình thoái hóa, giảm đau hiệu quả cho những người bị viêm và thoái hóa khớp. Lớp vỏ đậu xanh còn có tác dụng giải độc rất tốt.

    Bài thuốc chữa bệnh gout từ đậu xanh

    Đậu xanh ninh nhừ

    Lấy 150g đậu xanh, rửa sạch và ngâm khoảng 1 giờ đồng hồ. Vớt đậu ra cho vào nồi ninh nhừ với lượng nước phù hợp. Khi đậu mềm thì tắt bếp, không nên nêm thêm gia vị. Phần đậu ninh nhừ trên đủ dùng trong một ngày.

    Chia thành 2 phần để dùng vào buổi sáng và trưa, hoặc sáng và tối. Người bệnh sẽ thấy bệnh tình thuyên giảm rõ rệt sau khoảng 30 ngày.

    Nước đậu xanh rang

    Nước đậu xanh rang giúp điều hòa thân nhiệt, tăng khả năng thanh thải của thận, đồng thời loại bỏ axit uric trong cơ thể hiệu quả hơn.

    Lấy 1 nắm đậu xanh, rửa sạch và rang khô trên chảo. Tắt bếp khi đậu dậy mùi và hơi vàng. Mang đậu đã rang đun sôi với 2 lít nước.

    Mỗi ngày, hoặc cách ngày dùng nước đậu xanh nói trên để uống, phần bã dùng để ăn.

    Lưu ý khi chữa bệnh gout bằng đậu xanh

    • Cần xin ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng phương pháp này vì với những người đang dùng thuốc, đậu xanh có khả năng giải thuốc làm mất tác dụng.

    Bạn có thể tham khảo thêm: Các loại thuốc chữa bệnh gout thường dùng

  • Nếu muốn sử dụng dài ngày thì cần theo dõi huyết áp, do đậu xanh làm hạ huyết áp ở một số người.
  • Tránh thức ăn cay nóng, khó tiêu, đồng thời bổ sung nhiều rau củ quả, uống nhiều nước.
  • Thường xuyên vận động vừa sức để cải thiện chức năng và độ linh hoạt của cơ thể, bao gồm độ linh hoạt của các khớp. Chăm luyện tập thể dục thể thao còn giúp duy trì cân nặng phù hợp, vì béo phì là một trong các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh gout. Giữ cơ thể ở mức cân nặng phù hợp giúp người bệnh kiểm soát được bệnh trạng, đồng thời tránh tạo áp lực lên các khớp bị tổn thương.
  • Phương pháp chữa bệnh gout bằng đậu xanh chỉ có tác dụng với trường hợp bệnh còn nhẹ. Người bị bệnh nặng hơn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để nhận được chỉ định điều trị thích hợp.
  • Chữa bệnh gout bằng lá trầu và nước dừa

    chữa bệnh gout bằng đông y 4

    Trong lá trầu có chứa tinh dầu cùng các nhóm hoạt chất như eugenol, chavicol, estragol, có tác dụng đối với những bệnh liên quan đến xương khớp, phần nào giúp phục hồi những tổn thương ở khớp, đồng thời giảm đau.

    Nước dừa đóng vai trò là một chất hòa tan, khiến các hoạt chất trong lá trầu được chiết ra nhanh chóng hơn. Nước dừa cũng giúp cân bằng chuyển hóa, tăng cường trao đổi chất, cải thiện chức năng thận, tăng cường đào thải axit uric qua đường tiểu.

    Bài thuốc chữa bệnh gout bằng lá trầu và nước dừa

    • Chuẩn bị một quả dừa xiêm tươi, cắt vạt nắp sẵn.
    • Lấy 100g lá trầu mang đi rửa sạch, chờ cho ráo bớt nước rồi thái lát nhỏ, bỏ vào trong quả dừa xiêm đã chuẩn bị. Đậy nắp quả dừa lại để ngâm lá trong 30-40 phút.
    • Uống hết nước bên trong, bỏ đi phần bã.
    • Dùng trong 7 ngày sẽ thấy hiệu quả.

    Lưu ý

    • Dùng bài thuốc này vào lúc sáng sớm khi mới ngủ dậy chưa ăn gì. Chờ một lúc sau khi uống rồi mới ăn sáng.
    • Cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện phương pháp này để tránh hậu quả không mong muốn.

    Bạn có thể tham khảo thêm: Điều trị bệnh gout bằng những phương pháp nào

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Thảo Lê · Ngày cập nhật: 15/11/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo